Cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng mới nhất năm 2022

Ảnh minh họa. [Ảnh: CTV/Vietnam+]

Trong khoảng chục năm trở lại đây, số dư tiền gửi của người dân luôn được ghi nhận ở mức cao hơn so với tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đã cho thấy sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, tiền gửi của người dân trong năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, trong khi đó tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh ở mức 15,73% so cuối năm 2020.

Đáng chú ý, với số dư 5,64 triệu tỷ đồng, tiền gửi của của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã vượt qua số dư tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân [5,3 triệu tỷ đồng].

Trước đó, chênh lệch giữa tiền gửi ngân hàng của người dân và tiền gửi của doanh nghiệp luôn ở mức từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho tới cả triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khoảng cách này liên tục thu hẹp trong 3 năm trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nhìn lại năm 2019, chênh lệnh tiền gửi giữa 2 nhóm khách hàng là hơn 867 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm trước đó. Đến năm 2020, chênh lệch này chỉ còn gần 264 nghìn tỷ đồng, tiếp tục giảm sâu đến gần 70% so với cuối năm 2019.

Kết thúc năm 2021, chênh lệch đã đảo chiều, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân ít hơn gần 345 nghìn tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.

[Tránh tình trạng vay vốn ưu đãi, gửi ngân hàng hưởng chênh lệch]

Theo giới phân tích, dòng tiền đã có sự dịch chuyển và nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng neo thấp trong một thời gian dài.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, lãi suất ngân hàng trong 2 năm qua luôn được giữ ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. 

"Thu nhập giảm, tiền lãi gửi 1 năm chưa đến 7%, nhiều người dân không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Thay vào đó họ tìm đến những kênh đầu tư khác sinh lời cao hơn như: chứng khoán, bất động sản..." - Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Thực tế cho thấy, không khó để quan sát sự dịch chuyển này khi trong năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nội đã mở mới hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,7 triệu, tương đương khoảng 4,8% dân số.

Đối với các doanh nghiệp, đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Do đó, thay vì đầu tư mở rộng kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp có tâm lý tích lũy chờ thời cơ phục hồi.

Ông Hoàng Anh, chủ của 2 nhà hàng ăn uống tại quận Thanh Xuân [Hà Nội] cho biết: "Dịch bệnh phải giãn cách nhiều tháng khiến 2 nhà hàng của công ty thường xuyên trong trạng thái đóng cửa hoặc nếu mở thì cũng rất ít khách. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên gửi tiền vào ngân hàng, thay vì mở rộng hoạt động để đề phòng rủi ro và cũng để dành vốn tái đầu tư khi tình hình dịch bệnh ổn định."

Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng nhanh chủ yếu dưới dạng tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn, giúp ngân hàng có chi phí vốn thấp hơn, tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay và tăng khả năng cạnh tranh. Nhưng cũng chính vì tiền gửi không kỳ hạn nên ngân hàng cũng phải nâng cao quản trị, cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn vốn.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI [SSI Research] cho rằng, dự báo trong năm 2022, chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, mức tăng vào khoảng 0,2-0,25 điểm %.

Thực tế từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất hệ thống hiện lên tới 7,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn [SCB], 7,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam [Techcombank], 7%/năm tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam [MSB].

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt [LienVietPostBank] 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội [MB] 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Á [Viet A Bank] 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh [HDBank] 6,85%/năm...

Tuy vậy, các ngân hàng đều có điều kiện riêng về số tiền gửi tối thiểu và kỳ hạn gửi cho các mức lãi suất này chứ không cào bằng với mọi khoản tiền gửi.

Trước những diễn biến lạc quan trong kiểm soát dịch bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế, giới chuyên gia kỳ vọng lượng tiền gửi dồi dào của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân sẽ giúp nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và là động lực thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.

Lê Phương [TTXVN/Vietnam+]

Ảnh minh họa. [Ảnh: CTV/Vietnam+]

Bước sang năm 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đây là tín hiệu cho thấy lãi suất ngân hàng sẽ hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Lãi suất có thể tăng

Báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt [BVSC] nhận định mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

BVSC cho rằng áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch COVID-19.

Thực tế quan sát biểu lãi suất mới nhất tháng 1/2022 tại một số ngân hàng cho thấy, lãi suất nhiều kỳ hạn đã tăng nhẹ từ 0,1-0,3%/năm so với hồi đầu tháng trước. Đáng chú ý, có ngân hàng đã "chào" lãi suất tiền gửi lên hơn 10%/năm.

Lãi suất huy động tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng [VPBank] đang có mức cao nhất hệ thống với chương trình nhân đôi lãi suất tiền gửi ngay trong tháng đầu tiên khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO.

[Kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp?]

Cụ thể, khách hàng gửi mới từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng trở lên được hưởng lãi suất tháng đầu ưu đãi 9,4-9,8%/năm, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 là 4,7-4,9%/năm. Như vậy, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất trung bình tới 5,48-5,71%/năm trong 6 tháng, mức lãi suất này thậm chí còn cao hơn cả lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng. Đáng chú ý, khi gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên tại VPBank, lãi suất tháng đầu từ 10-10,6%/năm và các tháng sau từ 5-5,3%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm cũng được ghi nhận tại nhiều ngân hàng với các điều kiện riêng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn [SCB] áp dụng lãi suất 7,6%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Trong khi Ngân hàng TMCP Á Châu [ACB] và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam [Techcombank] áp dụng với mức lãi suất huy động 7,1%/năm.

Điều kiện để áp dụng mức này tại ACB là phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; còn tại Techcombank là gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.

Đáng chú ý, trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất tháng 1/2022 có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội [SHB] với lãi suất 7,2%/năm dành cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Phát lộc đợt 1 năm 2021 kỳ hạn 8 năm. Cũng với sản phẩm này kỳ hạn 6 năm, lãi suất huy động tại SHB là 7%/năm.

Trước đó, một số ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu [Eximbank], Ngân hàng thương mại cổ phần Phương đông [OCB] đã tăng lãi suất 0,1-0,3%/năm tại nhiều kỳ hạn.

Tuy vậy, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á [Bac A Bank], lãi suất tháng 1/2022 đã giảm nhẹ 0,1-0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,6%/năm với kỳ hạn tiền gửi từ 18 tháng trở lên; lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng còn từ 6,3-6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng còn 5,9 và 6%/năm.

Không khó để nhận thấy trong 2 tháng cuối năm 2021, xu hướng giảm lãi suất huy động đã có dấu hiệu chững lại. Theo giới chuyên gia, lãi suất sẽ khó duy trì mức thấp trong thời gian tới khi nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp tăng cao thời điểm cận Tết.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản [tương đương 0,3-0,5%] trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng vì vậy sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, dù vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.

Nguyên nhân lãi suất tăng được VNDirect lý giải là do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát trong năm 2022. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán cũng có thể khiến lãi suất tăng trong năm tới.

Có đủ hấp dẫn dòng tiền?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động tiền gửi trực tuyến với lãi suất gửi tiền online thường cao hơn gửi tại quầy từ 0,2-0,3%/năm. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động năm qua vẫn liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Theo BVSC, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm và đi ngang trong nhiều tháng. Tính chung 10 tháng năm 2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 3,08% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%. Con số này phản ánh một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán năm 2021 đã chứng kiến một năm khá sôi động và thành công khi hàng loạt cổ phiếu có mức tăng giá tính bằng lần mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng gia tăng kỷ lục với 4,08 triệu tài khoản tính đến tháng 11/2021, trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc ồ ạt mở tài khoản chứng khoán cho thấy sự quan tâm "nóng" của các nhà đầu tư trong nước và dự báo chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.

"Bên cạnh động lực từ chính sách tiền tệ linh hoạt và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giúp giúp thị trường chứng khoán tích cực, thì việc lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì ở vùng thấp cũng khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển sang các loại hình đầu tư khác, trong đó có chứng khoán," ông Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến cáo nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ" mà cần phân bổ tỷ trọng đầu tư hợp lý giữa các loại tài sản như vàng, chứng khoán, bất động sản...

Cùng với chứng khoán, bất động sản năm 2022 cũng được giới chuyên gia kỳ vọng. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, thị trường bất động sản nhà ở sẽ phục hồi từ năm 2022, lãi suất cho vay mua nhà tiếp tục được duy trì ở mức thấp ít nhất tới cuối quý 2/2022, sẽ tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Trước những dự báo về dòng tiền có thể quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản..., Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh.

Đối với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt tín dụng cho bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Nhưng riêng bất động sản phục vụ nhu cầu nhà ở thực của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Còn lĩnh vực chứng khoán, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng./.

Lê Phương [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề