Chỉ số HgB trong máu là gì

Đánh giá bài viết ngay

Để kiểm tra, chẩn đoán bệnh lý xét nghiệm công thức là một trong những xét nghiệm quan trọng mà hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện cần phải làm. Trong đó chỉ số công thức máu cần xác định được là chỉ số HgB [Hemoglobin]. Vậy chỉ số HgB là gì? Mức độ cao thấp của chỉ số này phản ánh điều gì? Cùng tìm hiểu ngay trong nội dung sau đây!

Chỉ số Hemoglobin là gì?

Chỉ số Hemoglobin được viết tắt là chỉ số HgB. Đây là một loại phân tử protein trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy theo máu đến các cơ quan và mô trong cơ thể, đồng thời chuyển lượng carbon dioxide tại những bộ phận này đến phổi.

Trong trường hợp chỉ số HgB thấp dưới mức bình thường điều này có nghĩa là bạn đang bị thiếu máu [lượng hồng cầu thấp] do lối sống, chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, hoặc có thể bạn đã mắc phải một số bệnh mãn tính.

Trường hợp chỉ số HgB cao hơn mức bình thường bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ rối loạn đa hồng cầu, cơ thể mất nước

Khi nào cần xác định chỉ số HgB?

Đa phần bệnh nhân khi đến thăm khám tại bệnh viện, cơ sở y tế sẽ được chỉ định xét nghiệm huyết sắc tố xác định chỉ số HgB vì một số lý do sau:

Kiểm tra sức khỏe tổng thể

Các bác sĩ sẽ chỉ định bạn kiểm tra chỉ số HgB [Hemoglobin] từ đó làm căn cứ để theo dõi sức khỏe tổng quát của bạn. Đây là bước không thể thiếu trong quá trình khám sức khỏe định kỳ của bạn. Từ chỉ số này bác sĩ có thể kiểm soát được một số rối loạn như thiếu máu trong cơ thể.

Chẩn đoán tình trạng bệnh lý

Những người cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sức yếu, khó thở hoặc chóng mặt sẽ được bác sĩ đề nghị kiểm tra chỉ số Hemoglobin. Bởi đây có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh thiếu máu hoặc bệnh đa hồng cầu. Không chỉ giúp bác sĩ có thể chẩn đoán hai bệnh lý này, chỉ số HgB còn giúp xác định nhiều chứng bệnh khác.

Theo dõi tình trạng bệnh lý

Trong trường hợp bạn mắc bệnh thiếu máu hoặc bệnh đa hồng cầu, bác sĩ sẽ căn cứ vào chỉ số Hemoglobin để theo dõi tình trạng bệnh của bạn từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Ý nghĩa chỉ số HgB [Hemoglobin]

Để chẩn đoán bệnh thiếu máu bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào 3 chỉ số sau đây:

  • RBC Red Blood Cell phản ánh số lượng hồng cầu
  • HCT Hematocrite phản ánh dung tích hồng cầu
  • HGB Hemoglobin phản ánh lượng huyết sắc tố trong máu

Bất kỳ 1 trong 3 chỉ số này thấp hơn bình thường người bệnh đều sẽ được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu. Cụ thể theo Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], dựa vào chỉ số HgB có thể chẩn đoán thiếu máu nếu:

  • Đối với nam: Chỉ số Hemoglobin dưới mức 13 g/dl [130 g/l]
  • Đối với nữ: Chỉ số Hemoglobin dưới mức 12 g/dl [120 g/l]
  • Đối với người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em: Chỉ số Hemoglobin dưới 11 g/dl [110 g/l]

Bên cạnh đó chỉ số Hemoglobin cũng được dùng để đánh giá tình trạng thiếu máu của bệnh nhân và quyết định họ có cần truyền máu hay không. Cụ thể:

  • Chỉ số Hemoglobin trên 10g/dl: Tình trạng thiếu máu nhẹ, người bệnh không cần truyền máu.
  • Chỉ số Hemoglobin từ 8 đến 10g/dl: Tình trạng thiếu máu trung bình, người bệnh cần cân nhắc nhu cầu truyền máu.
  • Chỉ số Hemoglobin từ 6 đến 8g/dl: Tình trạng thiếu máu nặng, người bệnh cần truyền máu.
  • Chỉ số Hemoglobin dưới 6g/dl: Người bệnh cần được truyền máu cấp cứu.

Người bệnh cần chuẩn bị gì khi xét nghiệm huyết sắc tố xác định chỉ số HgB

Bạn có thể ăn uống bình thường trước khi xét nghiệm trong trường hợp mẫu máu của bạn chỉ được xét nghiệm chỉ số Hemoglobin. Trong trường hợp mẫu máu của bạn được dùng cho các xét nghiệm khác, bạn có thể cần nhịn ăn trong một thời gian nhất định trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Để biết chính xác bạn cần làm gì trước khi xét nghiệm bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn.

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chỉ số Hemoglobin: Nhân viên y tế sẽ chọc vào đầu ngón tay hoặc đâm kim vào tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Đối với trẻ sơ sinh mẫu xét nghiệm có thể được lấy bằng cách chích vào gót chân của trẻ. Sau đó mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và gửi trả lại bạn kết quả trong 1 thời gian nhất định.

Xét nghiệm huyết sắc tố cao thấp có ảnh hưởng gì?

Những người bình thường có chỉ số Hemoglobin ở mức bình thường có thể yên tâm về tình trạng lượng máu trong cơ thể. Tuy nhiên khi chỉ số HgB ở mức thấp hoặc cao hơn bình thường bạn cần đặc biệt cẩn trọng và đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bạn bị thiếu máu, mức Hemoglobin thấp hơn bình thường, nguyên nhân có thể do:

  • Cơ thể thiếu sắt, vitamin B12, thiếu folate
  • Bệnh lý về thận, gan, suy giáp
  • Bệnh bạch cầu, bệnh ung thư

Người có mức Hemoglobin cao hơn bình thường có thể do nguyên nhân:

  • Bệnh đa hồng cầu chứng rối loạn máu do tủy xương sản sinh quá nhiều tế bào hồng cầu.
  • Bệnh lý về phổi
  • Chế độ sinh hoạt, làm việc không khoa học, hút thuốc lá thường xuyên
  • Tập luyện thể dục, thể thao quá sức

Khi chỉ số Hemoglobin của bạn cao hoặc thấp hơn bình thường, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác bệnh lý và tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Xem ngay: Số lượng bạch cầu bao nhiêu là bình thường

Biện pháp phòng thiếu máu và giảm chỉ số Hemoglobin

Biện pháp hiệu quả nhất giúp bạn phòng ngừa tình trạng thiếu máu là xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, khoa học, lành mạnh. Một số loại thực phẩm cần bổ sung cho cơ thể để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu bao gồm:

  • Thực phẩm giàu sắt và axit folic, bổ sung vitamin B12: thịt, cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại đậu, các loại rau xanh, thực phẩm chế biến từ đậu nành.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: các loại trái cây chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời kích thích khả năng hấp thụ sắt.

Bên cạnh đó bạn có thể bổ sung lượng sắt và axit folic bằng cách uống viên sắt có kết hợp axit folic. Lưu ý khi sử dụng sản phẩm này bạn cần uống viên sắt vào thời điểm giữa 2 bữa ăn, hoặc có thể uống trước khi đi ngủ, không uống viên sắt bằng trà hoặc sữa.

Đặc biệt chúng ta cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện tình trạng thiếu máu sớm và có điều chỉnh lối sống phù hợp, cùng như có hướng điều trị tốt nhất.

Bài viết trên đây cung cấp cho độc giả thông tin về chỉ số HgB [Hemoglobin]. Chỉ số này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chẩn đoán bệnh thiếu máu và một số bệnh lý liên quan khác. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong cuộc sống và trong quá trình điều trị bệnh.

Tìm hiểu thêm: Hematocrit [HCT] trong máu là gì? xét nghiệm ra sao?

29 Tháng Mười, 2020

Video liên quan

Chủ Đề