Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là gì năm 2024

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả.

Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là gì năm 2024

Các công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu lúa với HTX Hưng Thịnh (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi).

TỪNG BƯỚC HÌNH THÀNH CHUỖI LIÊN KẾT

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 2.083 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động hiệu quả, chiếm 82,8% tổng số HTX nông nghiệp. Trong đó, có 343 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 14,1% tổng số HTX nông nghiệp. Song, có 1.136 HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 46,73%. Đây là vùng có tỷ lệ HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước. Nhiều HTX là mô hình điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến.

Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để tổ chức các hành động tập thể giữa các hộ nông dân thành viên, cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. HTX còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Để tìm đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã mời gọi các doanh nghiệp thu mua nông sản, có cam kết tiêu thụ lúa cho nông dân thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận, giúp nông dân không bị thương lái ép giá, góp phần tăng nguồn thu nhập và phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh cũng có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu. Đến nay, toàn tỉnh có gần 35.880ha/vụ lúa của 88 cánh đồng lớn ở các huyện, thị được trên 30 doanh nghiệp, công ty và HTX tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Tổng sản lượng lúa được các công ty, doanh nghiệp, HTX bao tiêu là 260.473 tấn. Trong đó, huyện Hồng Dân có 12 cánh đồng với 4.378ha được bao tiêu, huyện Phước Long 22 cánh đồng với 8.109ha được bao tiêu, huyện Vĩnh Lợi có 22 cánh đồng với 3.746ha, huyện Hòa Bình 15 cánh đồng với 8.110ha và TX. Giá Rai 17 cánh đồng với 3.642ha lúa được bao tiêu. Hiện ngành chức năng và các huyện, thị tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp và HTX tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu cho nông dân, giúp nông dân đảm bảo đầu ra cho nông sản, thu nhập ổn định, tránh tình trạng được mùa - mất giá…

Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là gì năm 2024

Các doanh nghiệp, HTX bao tiêu thu mua lúa tại ruộng cho nông dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

PHÁT TRIỂN CHUỖI LIÊN KẾT

Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau. Khó khăn của việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện nay là rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân. Vì vậy, cần thông qua HTX để bao tiêu, thu mua nông sản cho nông dân. Nổi bật trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất phải kể đến HTX Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình), HTX Quyết Thắng (huyện Hồng Dân)… sản xuất theo mô hình lúa gạo đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap. Đây là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ tham gia sản xuất. Các HTX đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa cho nông dân. Điển hình HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình) có 42 hộ xã viên tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 60ha. Trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP từ khâu đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, lúa giống, phân bón, nước, ghi chép sổ nhật ký đầy đủ… Ông Trần Văn Ngổ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh Sơn, cho biết: “HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị và bao tiêu toàn bộ sản phẩm do các thành viên HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó giúp lợi nhuận của bà con tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình. Mô hình vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, vừa liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững”.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Khi nông dân là các thành viên HTX tham gia các mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất cộng đồng; hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời, được bao tiêu hết sản phẩm và không bị thương lái ép giá. Đối với các công ty, doanh nghiệp, HTX chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu”.

Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho HTX và thành viên, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm... Đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng xã nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc liên kết sẽ trở nên bền vững khi nhận thức và trách nhiệm của người nông dân được nâng cao trong liên kết. Người dân thấy được những lợi ích thiết thực và bền vững khi tham gia HTX, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết.

MINH ĐẠT

Mục tiêu định hướng đến năm 2030, tỉnh xây dựng và mở rộng quy mô diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực như lúa, tôm, rau màu và chăn nuôi. Trong đó, diện tích sản xuất lúa được liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt trên 12.000ha/vụ với sản lượng tiêu thụ thông qua liên kết 200.000 tấn/năm. Diện tích nuôi tôm được liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt trên 700ha/vụ với sản lượng tiêu thụ thông qua liên kết 3.000 tấn/năm. Diện tích sản xuất rau màu được liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt trên 120ha/vụ với sản lượng tiêu thụ thông qua liên kết 4.500 tấn/năm. Số lượng đàn heo được liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt trên 5.000 con/năm với sản lượng tiêu thụ thông qua liên kết 600 tấn/năm…

Liên kết trong nông nghiệp là gì?

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là hình thức hợp tác, liên kết trên cơ sở có hợp đồng ký kết giữa các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ đầu vào ...

Liên kết chuỗi giá trị nông sản là gì?

Là liên kết giữa người sản xuất (nông dân, HTX) - nhà chế biến - nhà bán lẻ dưới dạng quan hệ thời điểm, không có hợp đồng sản xuất - tiêu thụ, chủ yếu là mua đứt bán đoạn. Có hợp đồng sản xuất - bao tiêu sản phẩm giữa người sản xuất (nông dân, HTX) và nhà chế biến; và giữa nhà chế biến và nhà bán lẻ.

Khái niệm nông nghiệp là gì?

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng, vật nuôi làm tư liệu, nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp.

Tại sao phải hợp tác liên kết trong quá trình sản xuất nông nghiệp?

Thực hiện liên kết sẽ góp phần chấm dứt tình trạng doanh nghiệp sản xuất nông sản mà không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, nguyên liệu không có chất lượng và không có thiết bị chế biến hiện đại.