Chuyên đề văn hóa ứng xử học đường

Đang xem: Văn hóa ứng xử học đường là gì

by Trịnh Hồng Ngọc in Sản phẩm NCKH 00 SHARES 3.2k VIEWS Share on FacebookShare on Twitter

Đặt vấn đề

Xã hội ngày càng phát triển, giới trẻ ngày càng được tiếp nhận thông tin từ nhiều hướng, có điều kiện để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Và nhà trường chính là một môi trường quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục lý tưởng sống cho giới trẻ. Để trở thành người lao động có trình độ chuyên môn nhất định, có khả năng ứng xử trong công việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung, mỗi sinh viên không chỉ bồi dưỡng cho mình về kiến thức chuyên môn mà cả về khả năng giao tiếp, ứng xử. Có thể nói văn hóa ứng xử góp phần không nhỏ trong sự thành đạt của mỗi người.

Trong những năm qua, mặt trái của kinh tế thị trường tác động dẫn đến đạo đức xã hội bị xuống cấp, nhiều giá trị, chuẩn mực của xã hội truyền thống bị đảo lộn làm cho một bộ phận giới trẻ bị mất phương hướng trong việc định hướng giá trị. Không nằm ngoài quy luật đó, môi trường giáo dục hiện nay cũng bị tác động tiêu cực bởi kinh tế thị trường, thương mại hóa giáo dục len lỏi vào từng trường học, từng giảng đường, từng giảng viên, sinh viên. Hiện nay, đa số sinh viên biết ứng xử trong quan hệ giao tiếp nhưng cũng không ít sinh viên còn ứng xử lúng túng, vụng về, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, thiếu tinh tế về ứng xử giữa sinh viên với nhau và ứng xử của sinh viên với giáo viên đứng lớp và các cán bộ, chuyên viên trong nhà trường. Vì vậy việc đề ra giải pháp trong văn hóa ứng xử cho sinh viên nói chung và sinh viên Học Viện Quản Lý Giáo Dục nói riêng là việc cất thiết.

Nội dungMột số khái niệmKhái niệm văn hóa

– Trong từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học: “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”.

– Theo E.A.Capitonov: “Văn hóa được xem là một hiện tượng đặc biệt hình thành trên nguồn gốc tự nhiên môi trường, dựa trên cơ sở con người nắm được các sức mạnh của tự nhiên và trên cơ sở hạn chế bản năng và những ham thích. Văn hóa là tổng thể những thành tựu bên ngoài tự nhiên, gắn liền sự phát triển xã hội và hoàn thiện con người: ngôn ngữ, kiến thức, nghệ thuật, các phương pháp mà con người chinh phục thiên nhiên và tổ chức cuộc sống, các thiết chế xã hội làm nhiệm vụ điều tiết [kiểm tra các mối quan hệ xã hội]. Với tính chất này thì văn hóa là cơ sở của xã hội, nó được thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống con người và xã hội với nhiều hình thức muôn màu muôn vẻ”.

– Theo UNESCO [2002] định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Khái niệm ứng xử

Ứng xử là sự phản ứng của con người đối vơi sự tác động của người khác đến mình trong một tình huống cụ thể nhất định. Nó thể hiện ở chỗ con người không chủ động trong giao tiếp mà chủ động trong phản ứng có lựa chọn, có tính toán, thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng – tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm và nhân cách của mỗi người nhằm đạt kết quả giao tiếp cao nhất.

Khái niệm văn hóa ứng xử

Là sự thể hiện triết lí sống, các lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội và từ vi mô đến vĩ mô. Văn hóa ứng xử được biểu hiện qua hình thái: văn hóa nói và văn hóa hành động.

Thực trạng văn hóa ứng xử học đường của sinh viên Học Viện Quản Lý Giáo DụcVăn hóa ứng xử giữa sinh viên đối với sinh viên

Đa số sinh viên thường có chung một suy nghĩ “Có ít nhất một người bạn để ta chia sẻ những tư tưởng và tình cảm, thì tốt hơn có cả một lô bạn hời hợt” – tác giả Dr.Blair Justice. Khi bạn của mình gặp khó khăn, sẵn sàng chia sẻ, động viên, quan tâm, giúp đỡ, luôn nhiệt tình, hết lòng với bạn. Nhiều sinh viên yêu thích giao lưu kết bạn, đối xử chân thành, không câu nệ tiểu tiết, cư xử lịch sự, văn minh, tôn trọng đối phương. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận sinh viên có thái độ ứng xử quá khích, vội vã, thiếu suy nghĩ.

Một bộ phận các sinh viên chỉ muốn duy trì mối quan hệ xã giao với các sinh viên khác. Họ giao tiếp với nhau một cách đầy khách sáo. Thậm chí có sinh viên không muốn thiết lập mối quan hệ này, cho nên họ tỏ ra khá thờ ơ, lạnh nhạt với bạn học, trừ những khi thật sự cần thiết thì mới giao lưu, họ không hề muốn kết nảy sinh bất kì mối quan hệ nào với sinh viên khác, luôn luôn giữ khoảng cách và tự cô lập chính mình. Thái độ xa lạ, không hòa hợp với tập thể, thiếu tinh thần hợp tác. Bên cạnh đó, vẫn có những sinh viên gặp trở ngại giao tiếp, họ mong muốn kết bạn, nhưng không biết cách thể hiện. Đối với người khác luôn quá cẩn trọng, rụt rè, không dám nói lên suy nghĩ của mình, tôn trọng gần như tôn kính.

Khả năng làm chủ cảm xúc khi xảy ra vướng mắc, mâu thuẫn ở sinh viên chưa tốt. Một lời cảm ơn, xin lỗi nhẹ nhàng chân thành có thể để lại một ấn tượng tốt, có thể giải tỏa được những vướng mắc tạo nên mâu thuẫn không đáng có. Nhưng một số sinh viên thường có thái độ quá khích, thiếu bình tĩnh khi bạn bè làm mình không hài lòng. Vì vậy, chỉ một cái nhìn “không bình thường”, chỉ một va chạm nhẹ, một xích mích nhỏ là có thể có những lời nói thô tục, khiếm nhã.

Hiện tượng chia bè, nhóm nói xấu bạn bè ở sinh viên, đặc biệt là ở nhóm các bạn nữ, các vấn đề đơn giản như: bạn để đầu tóc tạo kiểu, dùng smart phone thời thượng hơn, ăn mặc đẹp,… cả nhóm ngồi tụm lại nói xấu chỉ vì cảm thấy ghen tức, không được bằng bạn. Hiện tượng này đã giảm rất nhiều so với phổ thông, tuy nhiên vẫn còn tồn tại ở bộ phận nhỏ sinh viên.

Cách ứng xử của sinh viên còn thể hiện ở các buổi học nhóm, thảo luận, phản biện trong lớp. Trong giờ thảo luận nhóm một bộ phận sinh viên thiếu tinh tế khi đưa ra nhận xét, đánh giá bài tập nhóm của bạn, nhận xét đi thẳng vào mặt hạn chế của nhóm bạn, không biểu dương tinh thần cố gắng làm việc nhóm của các bạn. Đánh giá không mang tinh thần xây dựng, cách đánh giá tiêu cực, kích động gây cảm giác bất mãn, mất đoàn kết trong lớp học.

Ứng xử giữa sinh viên đối với giảng viên

Đánh giá một cách khách quan, cho đến nay đa số sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Học Viện Quản Lý Giáo Dục nói riêng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong ứng xử với giảng viên. Các giá trị, chuẩn mực như “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn được lưu truyền và phát huy. Tuy nhiên có rất nhiều sinh viên hiện nay quan niệm quá trình học tập, rèn luyện tại truờng đại học chỉ là học để có nghề nghiệp, học để lấy tấm bằng, giảng viên, cán bộ nhà trường chỉ là người làm công tác đào tạo cho mình. Vì vậy sinh viên đã đánh mất những nét đẹp, xa rời các chuẩn mực trong cách ứng xử với thầy cô giáo vốn đã được giáo dục từ thời phổ thông.

Việc sinh viên phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp là một yêu cầu bắt buộc. Nhưng thực tế cho thấy, tính tích cực, tự giác trong học tập của sinh viên hiện nay còn kém. Việc chuẩn bị bài mới, bài tập chỉ có một bộ phận sinh viên thực hiện, hoặc nếu thực hiện thì chủ yếu với mục đích để lấy điểm số, hoặc đối phó. Giờ học thảo luận, mặc dù nội dung được giao, cách chuẩn bị được hướng dẫn cụ thể tới từng nhóm sinh viên, nhưng số sinh viên tham gia thực sự vào quá trình chuẩn bị và thảo luận trên lớp rất ít, đa số coi những buổi thảo luận chỉ đơn giản là những giờ “giải lao dài” để được thỏa sức làm việc riêng. Có thể nói, thái độ học tập của đa số sinh viên hiện nay chưa tốt, thụ động, ỷ lại, trông chờ vào bài giảng của giảng viên còn là điều khá phổ biến. Từ chỗ không coi trọng và say mê tri thức khoa học, dẫn đến một bộ không nhỏ sinh viên coi thường người truyền thụ tri thức, thiếu tôn trọng, lễ phép trong giao tiếp với giảng viên.

Đầu giờ, khi giảng viên vào lớp có không ít sinh viên miễn cưỡng đứng lên chào, khi trả lời câu hỏi của giảng viên có sinh viên còn ngồi tại chỗ để trả lời. Không ít sinh viên khi đi học muộn tự tiện vào lớp, không xin phép giảng viên, thậm chí có sinh viên mắc lỗi còn cãi lại khi giảng viên phê bình, cách xưng hô với giảng viên cộc lốc, thờ ơ, thiếu chủ ngữ diễn ra khá phổ biến. Nếu khả năng quan sát của giảng viên không tốt thì sinh viên tranh thủ nói chuyện riêng, chơi game, vào mạng xã hội,.. Việc tối thiểu như công tác trực nhật lớp học đã được học sinh phổ thông làm rất tốt thì khi học lên đại học, nhiều sinh viên đã đánh mất “bản năng” vốn có này. Đặc biệt đối với những lớp tín chỉ, do quy mô lớp lớn, lại được tập hợp từ nhiều lớp khác nhau nên dẫn đến hiện tượng “cha chung không ai khóc”, các sinh viên cứ ngồi chờ nhau, cá biệt, có những lớp, giảng viên phải chỉ định đích danh sinh viên mới thực hiện những hoạt động tối thiểu đó.

Khi gặp giảng viên, một số sinh viên “quên” chào, triệt để phương châm “học cô nào chào cô đấy”, đơn giản hơn “học giờ nào chào giờ đấy”. Tệ hơn nữa, khi đi cầu thang, có sinh viên “quyết tâm” không nhường đường cho giảng viên, không chào hỏi. Bên cạnh đó, một số sinh viên còn sử dụng những từ ngữ thiếu tôn trọng để nói về các thầy cô như “ông”, “bà”, thậm chí, dùng cả những lời lẽ xúc phạm đến nhân cách giảng viên. Cùng với đó, sinh viên cũng sử dụng triệt để sức mạnh của khoa học và công nghệ trên các trang mạng xã hội để lan truyền các thông tin về đề thi, phổ biến các “kỹ thuật quay cóp”, nói xấu, chê bai thầy cô trên mạng xã hội: Facebook, Instagram, Zalo…

2.2.3. Ứng xử giữa sinh viên đối với cán bộ, nhân viên, chuyên viên các phòng chức năng

Đa số sinh viên có thái độ nghiêm túc, cẩn trọng khi trao đổi với các chuyên viên các phòng chức năng. Tuy nhiên còn một bộ phận nhỏ sinh viên còn thiếu bình tĩnh, tỏ thái độ bực tức khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. Các cán bộ nhà trường nói chung và cán bộ các khoa viện nói riêng cũng chính là những người làm việc trực tiếp và hướng dẫn sinh viên tuân theo điều lệ, nội quy nhà trường. Khác với giảng viên là những người có chuyên môn sư phạm và truyền dạy cho sinh viên kiến thức chuyên môn, chuyên viên giúp sinh viên thực hiện các quy chế và chính sách có liên quan đến sinh viên.

Các phòng chức năng dịp đầu năm tất bật sinh viên ra vào. Phòng công tác học sinh, sinh viên, phòng đào tạo sinh viên ra vào liên tục, giải quyết các quyền lợi, chính sách, lịch học, đăng kí học, thi lại, học lại,… cho sinh viên. Những ngày sinh viên mới được đào tạo theo học chế tín chỉ, chưa có hệ thống đăng kí học trên mạng. Sinh viên không xếp hàng mà còn gây ồn ào, mất trật tự trước phòng làm việc, thiếu tôn trọng đối với cán bộ, chuyên viên. Khi được nhắc nhở tỏ thái độ bực tức, bất mãn. Điều thậm tệ hơn là một bộ phận nhỏ sinh viên không vừa ý khi đăng kí học: lớp bị đầy, đăng kí được ít môn, giấy tờ chưa được giải quyết,… lên mạng xã hội nói xấu nhà trường, chê bai đội ngũ cán bộ phòng chức năng làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường.

Khi gặp các cán bộ, chuyên viên đi trong nhà trường hay gặp ở đường cố tình không chào hỏi, “phớt lờ” bằng nhiều cách là nhìn chăm chăm vào điện thoại khi đi, hoặc không nhìn, không để ý đến xung quanh, chỉ khi đi vào các phòng giải quyết quyền lợi thì chào hỏi cho có lệ. Còn một thực tế đáng buồn hơn khi một bộ phận sinh viên còn thiếu cả phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp, ứng xử, ở các phòng chức năng thường sẽ có giấy dán bên ngoài thông báo: ngày tiếp, giờ tiếp và có vài chú ý nho nhỏ “khi vào phòng hãy gõ cửa”, “nói khẽ”, sinh viên không đọc, tự ý vào phòng, gây ồn ào, mất trật tự. Sự thiếu tinh tế về kĩ năng giao tiếp, ứng xử ở sinh viên không chỉ dẫn đến những hậu quả trước mắt mà còn hậu quả lâu dài nếu sinh viên không tự trau dồi cho mình những kĩ năng cần thiết khi ra trường mà đặc biệt là kĩ năng giao tiếp, ứng xử mà tối thiểu sinh viên nào cũng cần phải có.

2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của sinh viên

2.3.1. Yếu tố khách quan

-Yếu tố công nghệ thông tin: Thời đại kinh tế thị trường, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thành tựu của khoa học công nghệ tạo ra những cơ hội và thách thức cho xã hội hiện đại. Hiện nay sinh viên sử dụng: smart phone, ipod, ipad…rất phổ biến có thể gặp ở bất kì đâu. Tuy nhiên sinh viên tiếp nhận tiếp nhận thông tin còn ồ ạt, thiếu chọn lọc, nhanh chóng…chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội: Facebook, Instagram, Zalo…sinh viên có thể nắm bắt được rất nhiều thông tin, chia sẻ của các tài khoản, fanpage, các tin trên mạng thường có các tiêu đề giật tít của các bài báo không có nguồn gốc chính thống, báo lá cải…Đa số sinh viên chỉ thích đọc các tin giật tít, nhiều lượt chia sẻ, bình luận, lượt thích,… còn không quan tâm nhiều tới các tin tức chính trị, xã hội, kinh tế,… Một thực tế đáng buồn là rất nhiều sinh viên nghiện mạng xã hội, có nhiều sinh viên cả ngày chỉ ngồi cầm smart phone lên mạng, cả khi đi học trên lớp nếu giảng viên không để ý là cầm smart phone lên mạng, thích đăng ảnh, câu lượt thích, hiện tượng “sống ảo”, có một số sinh viên còn đăng những dòng trạng thái với cảm xúc tiêu cực, nói tục, chửi bậy, nói xấu thầy cô giáo, bạn bè,… những bất mãn của mình lên mạng xã hội. Sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng rất lớn tới hành vi, nhận thức, cách ứng xử của sinh viên trong nhà trường.

Xem thêm: Rùng Mình Lễ Hội Ấn Độ – Tham Gia Lễ Hội Ở Sông Hằng, Hơn 1

Yếu tố giảng viên, cán bộ, chuyên viên các phòng chức năng :

+ Giảng viên: là những người không chỉ trực tiếp giảng dạy kiến thức mà còn cả hành vi, thái độ, lối sống cho sinh viên. Giảng viên có vai trò chủ đạo trong việc hình thành văn hóa ứng xử có đạo đức, có văn hóa của sinh viên. Nếu một giảng viên có trình độ chuyên môn, có phương pháp giảng dạy phù hợp, có cách ứng xử tinh tế, cách hành xử đúng mực sẽ kích thích sự học tập, ham hiểu biết của sinh viên, sinh viên hiểu bài, tập trung vào bài học, sẽ tự tin giao tiếp với thầy cô, đồng thời yêu quý môn học, yêu quý người truyền thụ kiến thức hơn. Và ngược lại nếu không yêu thích môn học thì học sinh chỉ đến lớp để “điểm danh” chứ không tập trung, không hứng thú với bài học, có những hành vi, ứng xử thiếu tôn trọng giảng viên: không chú ý, không chép bài, dùng smart phone, nói chuyện riêng, ngủ trong giờ,… Vì vậy cách ứng xử, phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng tác động rất nhiều tới hành vi ứng xử của mỗi sinh viên.

+ Cán bộ, chuyên viên các phòng chức năng: là những người không trực tiếp giảng dạy cho sinh viên, nhưng các phòng chức năng là nơi sinh viên giải quyết các vấn đề về chính sách, quyền lợi, nên cán bộ, chuyên viên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi ứng xử của sinh viên. Cán bộ chuyên viên có tư cách, phẩm chất tốt, chuyên môn vững vàng chắc chắn sẽ được sinh viên quý trọng và làm tấm gương sáng cho mỗi sinh viên. Tuy nhiên, không thể không kể tới một bộ phận nhỏ những cán bộ chuyên môn không vững vàng, thái độ làm việc hời hợt, không nhiệt tình, thiếu chuyên nghiệp trong công tác quản lý, tạo ấn tượng xấu dưới góc nhìn của sinh viên đối với nhà trường. Một số cán bộ yếu kém về mặt đạo đức làm nảy sinh tiêu cực trong trường học ảnh hưởng sâu sắc tới thái độ ứng xử của sinh viên. Đối với những cán bộ như vậy cách ứng xử của sinh viên sẽ không tôn trọng, thậm chí là coi thường, dần dần làm hủy hoại nền nếp văn hóa của môi trường giáo dục.

Yếu tố các hoạt động ngoại khóa: Các hoạt động ngoại khóa mà sinh viên tham gia: các câu lạc bộ, các tổ chức, các hoạt động tình nguyện,…có tác động rất lớn đến sinh viên nói chung và văn hóa ứng xử của sinh viên nói riêng. Sinh viên tham gia các hoạt động có cơ hội học tập, giao lưu kết bạn, không chỉ với các sinh viên trong nhà trường mà cả sinh viên ở các trường, cơ sở giáo dục khác. Thực tế cho thấy sinh viên tham gia các hoạt động sẽ giúp thúc đẩy sự tự tin giao tiếp, ứng xử của sinh viên. Các hoạt động ngoại khóa tạo ra tính tổ chức, tính cởi mở, tinh thần đoàn kết cao, học tập và làm việc tích cực hơn, trong giờ học sinh viên tự tin thuyết trình, phản biện, đưa ra các quan điểm, chính kiến riêng trên tinh thần xây dựng,…tiết học trên lớp đạt hiệu quả hơn.Các nguyên nhân khách quan khác: Không ít sinh viên bị cuốn và những trò chơi điện tử online, các ấn phẩm, văn hóa phẩm không lành mạnh, độc hại dẫn đến những hành động suy đồi đạo đức thậm chí là vi phạm pháp luật.. Sự xung đột giữa nhiều nét văn hóa làm cho sinh viên khủng hoảng không biết đi theo giá trị nào.

2.3.2. Yếu tố chủ quan

Yếu tố về nhận thức: Sinh viên chưa thật sự hiểu hết về văn hóa ứng xử. Họ cho rằng văn hóa ứng xử chỉ đơn giản là cách giao tiếp với người khác, không quan trọng nó có lành mạnh tích cực hay tiêu cực suy đồi. Sinh viên chưa nhận thức được ý nghĩa vai trò của việc duy trì văn hóa ứng xử – nét đẹp hay chuẩn mực trong ứng xử đã được hình thành từ trong cộng đồng xã hội, dẫn đến không coi trọng nét văn hóa này. Một bộ phận nhỏ sinh viên xem giảng viên chỉ đơn thuần là người “làm thuê”, người “phục vụ”, còn sinh viên là “thượng đế”, mà đã là “thượng đế” thì muốn làm gì thì làm. Còn bạn bè chỉ học với nhau, ra trường rồi “đường ai nấy đi”, không nhất thiết phải giao lưu, kết bạn thân thiết nhiều. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng một số sinh viên thiếu tôn trọng đối với giảng viên, cán bộ, nhân viên trong quá trình giao tiếp. Còn đối với bạn bè thờ ờ, hời hợt, sống lạnh nhạt, khép kín.Yếu tố về tuổi: Với môi trường đại học, tuổi tác cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cách thức ứng xử của mỗi sinh viên. Với những giảng viên lớn tuổi, cấp học cao hơn phải dùng kính nghĩ trong giao tiếp ứng xử như thưa, dạ, vâng, ạ,…Với những sinh viên bằng tuổi nhau hoặc ít hơn tuổi sinh viên phải dùng từ cho phù hợp như anh, chị, em,… Trên thực tế các sinh viên năm 3, năm 4 học ở trường đã lâu thì cách ứng xử chắc chắn sẽ khác các sinh viên năm nhất về ngôn ngữ hay hành động. Sinh viên năm 3, năm 4 đã ở trường lâu quen với thầy cô và môi trường học tập, được học tập và rèn luyện trong một thời gian tương đối dài nên cách ứng xử cởi mở, nhuần nhuyễn hơn. Còn sinh viên năm nhất mới vào trường, chưa thích ứng, bắt nhịp được ngay, nên ứng xử còn bỡ ngỡ, lúng túng.Yếu tố gia đình: Gia đình là nơi diễn ra mối quan hệ đầu tiên của mỗi người, mối quan hệ của bố, mẹ là tác động đầu tiên đối với những đứa trẻ. Trong gia đình còn cái được học những kĩ năng sống đầu đời. Cách thức ứng xử của bố mẹ với nhau, ứng xử của bố mẹ với các mối quan hệ họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè,…ảnh hưởng tới hành vi, thái độ ứng xử của con cái từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Vì vậy khi sinh viên trưởng thành, các hành vi ứng xử trong quan hệ xã hội nói chung và các bạn bè, giáo viên, cán bộ trong trường nói riêng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ nền nếp, truyền thống gia đình.

2.4. Biện pháp giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử cho sinh viên Học Viện Quản Lý Giáo Dục

Về phía nhà trường:

Lãnh đạo Học viện cần phải nhận thức được tầm quan trọng và tính cần thiết của việc giáo dục văn hoá ứng xử nói chung, văn hoá ứng xử của sinh viên với giảng viên, chuyên viên, cán bộ các phòng chức năng nói riêng. Phải xem xây dựng văn hóa giảng đường là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nhân cách sinh viên. Xây dựng các quy định chung trong ứng xử cho sinh viên, tạo tính ràng buộc đảm bảo mọi sinh viên cùng thực hiện.

Đảng uỷ, các chi bộ, ban chủ nhiệm các khoa, ban công tác chính trị và công tác sinh viên. Các Khoa cần phải tăng cường quản lý đối với sinh viên của Khoa, cụ thể, hàng tuần, hàng tháng phải có sự tổng kết, đánh giá về công tác sinh viên, trong đó cần có nội dung đánh giá về văn hoá ứng xử của sinh viên, đồng thời cần đề ra các biện pháp xử lý những lệch lạc trong văn hóa ứng xử của sinh viên đối với giảng viên, chuyên viên. Các tổ chức đoàn thể cần tổ chức các diễn đàn, tọa đàm cho sinh viên giao lưu trao đổi về nếp sống văn hóa, những chuẩn mực trong nếp sống sư phạm, phát động các phong trào thi đua thực hiện văn hóa ứng xử trong Học Viện, tổ chức các câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng sống và trau dồi văn hóa cho sinh viên.

Giảng viên có vai trò chủ đạo trong việc hình thành đạo đức, hành vi, văn hóa ứng xử của sinh viên, giảng viên phải là người tiên phong đi đầu trong phong trào xây dựng văn hóa ứng xử học đường. Đặc biệt, giảng viên phải là người vững vàng về chuyên môn, lên lớp đủ, đúng giờ, ăn mặc, giao tiếp, ứng xử chuẩn mực,.. Bên cạnh đó, tất cả các giảng viên phải là những người hưởng ứng và ủng hộ phong trào xây dựng văn hóa giảng đường, phải thẳng thắn phê phán những sinh viên chưa thực hiện tốt văn hóa giảng đường. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi phê phán những biểu hiện thiếu văn hóa trong ứng xử, thái độ, hành động,… của sinh viên thì giảng viên cần phải khách quan, khéo léo, tế nhị giúp sinh viên nhận ra được cái sai, chưa đẹp, để họ tự nhận thức, điều chỉnh cho phù hợp với các giá trị, chuẩn mực của xã hội hiện đại, với những quy định của Học viện.

Thư viện cần bổ sung và đa dạng hóa các đầu sách về học tập, nghiên cứu nói chung, tăng cường bổ sung các sách, tài liệu về kĩ năng, các đầu sách về văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, kĩ năng giao tiếp,… cho sinh viên, tạo một môi trường văn hóa trong lành chân phương trong trường học, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sư phạm, khung cảnh sư phạm. Phối, kết hợp với gia đình định hướng và điều chỉnh văn hóa ứng xử cho sinh viên.

– Về phía gia đình:

Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình, người lớn phải làm gương, cư xử đúng mực. Luôn quan tâm làm bạn với con cái trong quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất, cách thức giao tiếp, thái độ ứng xử của con. Giáo dục cho con nhận thức đúng đắn về văn hóa ứng xử, động viên cổ vũ khích lệ khi con có những biểu hiện tốt đẹp phù hợp với chuẩn mực. Định hướng và có điều chỉnh kịp thời khi xuất hiện thái độ hành vi ứng xử lệch lạc.

Gia đình phối kết hợp với nhà trường, tạo nguồn thông tin hai chiều. Gia đình cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, năng lực của sinh viên, Học Viện thường xuyên đánh giá, thông báo kết quả quá trình rèn luyện đạo đức cho sinh viên và gia đình sinh viên.

Về phía cá nhân sinh viên:

Sinh viên phải tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu, đồng thời không ngừng trau dồi cho bản thân những kĩ năng cần thiết: ứng xử, giao tiếp, kĩ năng sống,… Sinh viên sẽ thực hiện tốt văn hóa ứng xử đối với giảng viên, chuyên viên, cán bộ nếu nhận thức đúng đắn về văn hóa ứng xử, nắm rõ vị trí, vai trò của mình trong môi trường giáo dục. Sinh viên phải có thái độ đúng mực, lời nói và hành vi lễ phép thể hiện sự kính trọng với giảng viên, chuyên viên, cán bộ. Sinh viên phải tự nhận thức được rằng, văn hóa ứng xử là một trong những yếu tố giúp con người thành công về cuộc sống cũng như sự nghiệp, bên cạnh yếu tố về kiến thức khoa học. Đồng thời mỗi sinh viên cũng phải biết góp ý, phê bình, lên án với những thái độ, lời nói, hành vi lệch chuẩn của các sinh viên khác, để môi trường giáo dục và đào tạo ngày càng lành mạnh hơn.

Nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức mỗi ngày, tìm hiểu và có nhận thức đúng đắn về văn hóa ứng xử cũng như lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa lành mạnh của cộng đồng, tuyên truyền và vận động mọi người cùng hưởng ứng việc gìn giữ phát huy văn hóa ứng xử trong Học Viện, thực hiện tư tưởng chủ đạo “lấy bản thân làm gương cho mọi người”. Hiện nay nhiều trung tâm dạy về kĩ năng khá phổ biến, các câu lạc bộ trong trường cho sinh viên hoạt động. Sinh viên tự nhận thức những kĩ năng bản thân còn thiếu để tự học tập, rèn luyện thêm, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp, ứng xử là kĩ năng tối thiểu mà mỗi sinh viên cần phải có khi đang học và sau khi ra trường làm việc, công tác.

Kết luận

Do những nguyên nhân hoặc chủ quan hoặc khách quan mà ý thức của sinh viên trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa ứng xử chưa thực sự tốt. Khái niệm văn hóa ứng xử còn khá mờ nhạt trong cộng đồng sinh viên và chưa dành được nhiều sự quan tâm. Cần quán triệt từ tư duy cho đến hành động của sinh viên để đảm bảo một môi trường sư phạm với nét đẹp đáng biểu dương trong văn hóa ứng xử.

Một sinh viên có ý thức chưa đủ để thay đổi làm cho cả cộng đồng có ý thức. Việc xây dựng, gìn giữ và phát huy văn hóa ứng xử là công cuộc chung của mọi thành viên trong nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

//vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a#V.C4.83n_h.C3.B3a

//ictu.edu.vn/tintuc-sukien/sinh-vien/1145-noi-chuyen-chuyen-de-van-hoa-ung-xu-va-ky-nang-giao-tiep-trong-van-hoa-hoc-duong.html

Lê Thị Bừng – Hải Vang [1997], Tâm lý học ứng xử, NXB Giáo Dục.

Xem thêm: Lễ Hội Bia Hà Nội Tại Bắc Giang, Sôi Động Cùng

Lê Thị Ngọc Thúy [2014], Xây dựng văn hóa nhà trường phổ thông. Lý thuyết và thực hành, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

See more articles in category: FAQ

Video liên quan

Chủ Đề