Công việc của trình dược viên là gì

Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp của các bạn sinh viên theo ngành Dược rất rộng mở. Ngoài việc làm tại bệnh viện, phòng khám, làm chủ quầy thuốc, nhà thuốc, dược sĩ còn có thể trở thành một trình dược viên. Đây là công việc lý tưởng của người vừa yêu thích kinh doanh lại vừa đam mê với ngành dược. Vậy trình dược viên là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngành nghề này có những đặc điểm gì cùng Giathuochapu.com.

Trình dược viên là những nhân viên kinh doanh thuốc hay còn gọi là người môi giới dược phẩm. Có thể giải thích cụ thể hơn, trình dược viên là nhân viên tư vấn bán hàng và các sản phẩm họ bán là các loại dược phẩm từ các nhà phân phối thuốc.

Trình dược viên sẽ giới thiệu, thuyết phục các quầy thuốc, nhà thuốc, phòng khám,…nhập sản phẩm thuốc mà mình giới thiệu. Để được như vậy, họ cần phải miêu tả một cách chi tiết, hấp dẫn về những công dụng và tiềm năng kinh doanh của sản phẩm cho các dược sĩ. Nếu thành công, dược sĩ sẽ nhập sỉ thuốc thông qua trình dược viên.

Một điểm đặc biệt rằng trình dược viên hiếm khi bán thuốc trực tiếp cho người bệnh mà khách hàng chủ yếu của họ sẽ là các quầy thuốc, nhà thuốc và phòng khám.

2. Điều kiện để trở thành trình dược viên là gì?

Không phải chỉ cần giỏi giao tiếp, giỏi bán hàng là có thể trở thành trình dược viên. Điều kiện để làm một trình dược viên là bạn bắt buộc phải có bằng cấp về chuyên ngành Dược.

Ngoài bằng cấp, “hành trang” cần có của một trình dược viên là gì? Các công ty sẽ thường tuyển trình dược viên với các yêu cầu khác như:

  • Khả năng giao tiếp, đàm phán và thuyết phục khách hàng.
  • Khả năng ứng biến, xử lý được các vấn đề phát sinh.
  • Chịu được việc phải đi thực tế, đi thị trường với cường độ cao.

3. Phân loại trình dược viên

Trình dược viên được chia thành 2 nhóm:

3.1. Trình dược viên OTC

OTC – viết tắt của Over the counter dùng để chỉ những loại thuốc không kê đơn [thuốc có thể sử dụng mà không cần sự kê đơn của bác sĩ]. Như vậy, trình dược viên OTC bao gồm những người chuyên giới thiệu và bán những sản phẩm là thuốc không kê đơn với một mức giá ưu đãi, hấp dẫn từ chính các công ty dược.

Đối tượng khách hàng chính của trình dược viên OTC là quầy thuốc và nhà thuốc

3.2. Trình dược viên ETC

ETC – viết tắt của Ethical Drugs. Ngược lại với OTC, ETC ý chỉ các loại thuốc kê đơn, tức là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ. Trình dược viên ETC là người tư vấn, giới thiệu để bán được các sản phẩm thuốc kê đơn.

Đối tượng khách hàng chính của trình dược viên ETC lại là các phòng khám, trung tâm y tế hay bệnh viện tư nhân.

So sánh về yêu cầu giữa ETC và OTC, ETC yêu cầu trình độ cao hơn và môi trường làm việc của trình dược viên của ETC cũng chuyên nghiệp hơn rất nhiều vì khách hàng là nhóm đối tượng đòi hỏi nhiều yêu cầu cao.

4. Công việc của trình dược viên là gì?

Công việc hàng ngày của trình dược viên là gì? Cụ thể, trình dược viên cần phải:

  • Khai thác thông tin trên thị trường và khả năng, tiềm năng tiêu thụ của các sản phẩm thuốc.
  • Tới từng đối tượng khách hàng để thực hiện tư vấn, giới thiệu thuốc.
  • Lập ra kế hoạch và triển khai các chương trình bán hàng để có thể đạt được chỉ tiêu bán hàng đề ra.
  • Xây dựng mối quan hệ thân thiết, gần gũi, lâu dài với khách hàng cũ và tìm cách kết nối với nhiều khách hàng mới hơn nữa.
  • Truyền tải hình ảnh của công ty dược thật thân thiện và chuyên nghiệp.
  • Trung thực triển khai các chương trình ưu đãi từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối thuốc.
  • Lập kế hoạch báo cáo theo yêu cầu.

5. Những kỹ năng cần có của một trình dược viên là gì?

  • Kỹ năng giao tiếp và thuyết phục: Đây là kỹ năng quan trọng của một nhân viên kinh doanh. Trình dược viên nên là người hoạt ngôn, biết cách bắt chuyện làm thân nhanh chóng, có khả năng trình bày về sản phẩm, thuyết phục người mua mua sản phẩm của mình.
  • Kỹ năng xây dựng, phát triển các mối quan hệ đặc biệt là mối quan hệ với khách hàng: Các mối quan hệ tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho trình dược viên. Họ cần phải tạo được một mạng lưới quan hệ tốt cho mình để xây dựng lên được một nhóm khách hàng thân thiết và một nhóm khách hàng tiềm năng.
  • Kỹ năng nắm bắt thị trường và thông tin khách hàng: trình dược viên còn phải có sự nhạy bén, nắm bắt những biến đổi của thị trường một cách nhanh nhạy. Chẳng hạn như, khi có một quầy thuốc, nhà thuốc mở mới trong khu vực, bạn cần nhanh chóng nắm bắt được thông tin để không vụt mất khách hàng vào tay các đối thủ khác.
  • Kỹ năng xử lý vấn đề: bạn cần phải thông minh, tinh tế và khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề của khách hàng sao cho khách hàng cảm thấy hài lòng, thoải mái. Nếu xử lý không khéo, khiến khách hàng khó chịu, bạn có thể mất đi người khách đó.

6. Mức lương của trình dược viên

Nếu bạn đang có suy nghĩ về việc trở thành một trình dược viên, đây là một công việc khá lý tưởng. Các công ty dược ngày càng mở rộng và phát triển, họ cần một lượng nhân lực lớn trình dược viên để mang lại doanh thu cho mình.

Hiện nay, trình dược viên OTC sẽ có mức lương cộng theo phần trăm hoa hồng từ doanh số dao động khoảng 6.000.000 – 20.000.000 đồng/tháng. Còn trình dược viên ETC thì mức lương sẽ cao hơn một chút từ 10.000.000 – 30.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên thì đây không phải là một công việc nhẹ nhàng, chỉ cần ngồi ở văn phòng gọi điện, trình dược viên sẽ cần phải đi thực tế thường xuyên để tìm kiếm và thăm hỏi các khách hàng của mình để bán hàng và duy trì mối quan hệ.

Trên đây là những thông tin về trình dược viên là gì và những thông tin cơ bản về trình dược viên mà bạn cần phải biết. Hãy nắm bắt những kỹ năng cần có của một trình dược viên là gì để có thể nâng cao khả năng kinh doanh của bạn.

Chủ Đề