Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Gia Định năm 1859 có ý nghĩa như thế nào

NIÊN ĐẠIDIỄN BIẾN
1859Pháp lại đánh Gia Định, chứ không đánh ra Bắc Kì

Giáo sĩ Pellerin [đóng vai trò cố vấn chính trị và quân sự] khuyên nên đem quân ra chiếm Bắc Kỳ, vì ở đó có giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo, và những người tôn phù nhà Lê nổi lên góp sức, nhưng sau khi cân nhắc, tướng De Genouilly không tán thành. Theo thư, ngày 29 tháng 1 năm 1859 của viên tướng này gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp ở Paris, thì “Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến thuyền của chúng ta dễ vào, và hễ quân lên bộ thì đánh thành ngay, không phải lưng cõng, vai mang, băng đồng mệt nhọc. Sài Gòn lại là một vựa thóc. Nhân dân và binh lính ở kinh thành Huế sống một phần nhờ gạo Sài Gòn. Đến tháng Ba thì thuyền chở thóc gạo, sẽ kéo buồm từ Sài Gòn ra Huế. Chúng tôi quyết chặn thóc gạo đó lại…”.

Gia Định xa Trung Quốc sẽ tránh được sự can thiệp của nhà Thanh.

Xa kinh đô Huế sẽ tránh được sự tiếp viện của triều đình Huế.

Chiếm được Gia Định coi như là chiếm được kho lúa gạo của triều đình Huế, gây khó khăn cho triều đình.

Đánh xong Gia Định sẽ theo đường sông Cửu Long, đánh ngược lên Campuchia [Cao Miên] làm chủ lưu vực sông Mê Kông.

 Hơn nữa lúc này người Pháp phải hành động gấp vì tư bản Anh sau khi chiếm Singapo và Hương Cảng cũng đang ngấp nghé chiếm Sài Gòn để nối liền cửa biển quan trọng trên.

 Sau khi bị bại trận ở Đà Nẵng, tháng 1/1859, Rigault de Genouilly đề nghị Bộ Hải quân một cuộc chiến đánh chiếm Gia Định ở Nam Kỳ, một thành phố có ý nghĩa chiến lược quan trọng như một nguồn cung cấp thực phẩm cho quân đội Việt Nam.

 Bị cầm chân ở Đà Nẵng, Charles Rigault de Genouilly [gọi tắt là De Genouilly] buộc phải thay đổi kế hoạch, là rút đi hai phần ba số quân [tức 2.000 người] [1] và 8 trong số 14 chiến thuyền ở mặt trận này để vào đánh chiếm Gia Định.

___________

[1] Sách Gia Định xưa [tr. 96] ghi là 2.176 quân.

Hình: Thành Phụng theo mô tả trong một sơ đồ quy hoạch của Pháp năm 1867.

Hình: Charles_Rigault_de_Genouilly, chỉ huy quân đội Pháp tấn công Gia Định năm 1859. Hình chụp khoảng năm 1870.

Trên đường tiến quân

   Ngày 10 tháng 2, đại bác Pháp bắn vào Vũng Tàu.

   Ngày 11 tháng 2, đoàn tàu chiến Pháp vào sông Cần Giờ. Quân Pháp vừa đi vừa tháo gỡ những chướng ngại vật trên sông và triệt phá 12 đồn trại của quân Việt ở hai bên bờ, nên mãi tới chiều 15 tháng 2, quân Pháp mới đến được ụ Hữu Bình [2]. Cuộc đấu pháo đã diễn ra dữ dội suốt đêm. Quân Việt dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng và rơm khô, định dùng kế hoả công nhưng bị quân Pháp biết, sai người lén đốt trước.

  Ngày 16 tháng 2, bảy tàu chiến Pháp dàn trận, ra sức bắn phá cho đến khi quân Việt phải bỏ chạy và quân Pháp xông lên chiếm được pháo đài.

__________
[2] ụ Hữu Bình vốn là một đồn nhỏ nằm bên hữu ngạn sông Sài Gòn đắp từ thời chúa Nguyễn Ánh [1789] và gọi là đồn Thảo Câu. Sau lại gọi là đồn Giao Khẩu. Năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] đổi tên là pháo đài Hữu Bình. Năm Thiệu Trị thứ 7 [1847], cho tu bổ, đắp thêm núi đất và lập riêng xưởng pháo [theo Đại Nam nhất thống chí, tập 31: “tỉnh Gia Định”, mục: “Cửa quan và tấn sở”]. Theo Nguyễn Đình Đầu, đồn còn có tên là đồn Vàm Cỏ, khi quân Pháp chiếm gọi là Fort du Sud [người Việt dịch là Đồn Nam]. Đồn này nằm ở cuối kho Thương cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận ngày nay. Đối diện với đồn Vàm Cỏ là đồn Giác Ngư [hay Dốc Ngư, tục gọi là đồn Cá Trê] đắp năm 1789, sau đổi là Tả Định, quân Pháp gọi là Fort du Nord [người Việt dịch là Đồn Nam]. Đồn này nằm bên Thủ Thiêm trên bờ tả ngạn sông Sài Gòn [Địa chí văn hóa TP. HCM, tập 1, tr. 172].

Hình: Tàu chiến của lực lượng viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha từ sông Sài Gòn bắn vào thành Gia Định [tranh của Antoine Léon Morel-Fatio] – Năm 1859.
Hình: Thần công thành Gia Định, đang được trưng bày tại Lăng Ông Bà Chiểu.

Tấn công thành Gia Định

     Sáng sớm ngày 17 tháng 2, tướng De Genouilly cho đại bác trên tất cả các tàu chiến bắn yểm hộ rồi cho một cánh quân đổ bộ. Đội quân ấy đi theo con đường mà sau này [1865], Pháp đặt tênđường Citadelle rồi dùng chất nổ phá thành. Pháo trên thành bắn xuống tàu đối phương nhưng không mấy hiệu quả. Và khi đánh thủng được cửa Đông, quân Pháp dùng thang cao leo vào thành, thì đôi bên liền xông vào đánh xáp lá cà. Đến khoảng 10 giờ trưa, Hộ đốc Võ Duy Ninh [3], đang giữ trọng trách trấn thủ thành, ra lệnh lui quân, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè.

     Sau khi Pháp đã chiếm được thành Gia Định, ông đã rút gươm tự sát vào đêm 17-2-1859. Bộ tướng của ông là án sát Lê Từ cũng tự vẫn. Pháp chiếm được hơn 200 khẩu pháo, 20.000 vũ khí cầm tay như súng, súng ngắnkiếm, 100 tấn đạn dược, 80.000 tấn gạo130.000 franc tiền mặt. Tổng thiệt hại vật chất ước tính vào khoảng 20 triệu franc khi đó.

     Trận đánh này được bắt đầu vào rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1859kết thúc khoảng 10 giờ trưa cùng ngày.

     Tuy thắng trận, nhưng thực dân Pháp không đủ quân để giữ thành, không nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo và luôn bị các đội nghĩa quân ngày đêm bám sát, tìm cách bao vây, nên quân Pháp đã phải quyết định phá hủy thành Gia Định.

Hình:Quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định [Đại Nam] – năm 1859.

__________
[3] Võ Duy Ninh [1804-1859] tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu Trúc Nghiêm Võ Chí Hiên, sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong [nay là xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành], tỉnh Quảng Ngãi. Năm Minh Mạng thứ 15 [1834], ông đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ. Tháng 11-1858, triều đình cử ông vào Nam Kỳ giữ chức hộ đốc thành Gia Định. Đầu năm 1859 ông được thăng làm tổng đốc Định – Biên, cai quản hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tuy nhiên, khi ông vừa đến Gia Định nhậm chức tổng đốc vỏn vẹn được hai ngày thì quân Pháp nổ súng tấn công Cần Giờ – Gia Định. Hài cốt của ông hiện an táng tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành [Quảng Ngãi].

Hình: Tướng Võ Duy Ninh

Biến thành tro bụi

     Theo sách Sài Gòn xưa và nay, sau khi chiếm được thành Gia Định [thành Phụng do vua Minh Mạng xây], để tránh quân triều đình nhà Nguyễn đánh chiếm lại, ngày 8/3/1859 tướng De Genouilly cho đặt 32 ổ mìn đánh sập thành Phụng. Đồng thời, quân Pháp cũng cho tiêu hủy toàn bộ kho bên trong, đốt cả thóc lúa.

     Chuyện này được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ghi lại:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây“.

Sau khi phá thành

 Phá tan thành Gia Định xong, De Genouilly chỉ để lại một số quân đóng giữđồn Nam [đồn Hữu Bình], còn bao nhiêu rút hết xuống các tàu chiến.

 Ngày 20 tháng 4 năm 1859, viên tướng trên giao quyền cho Đại tá hải quân Jauréguibery chiếm giữ Gia Định, rồi lui tàu trở lại mặt trận Đà Nẵng với phần lớn lực lượng của mình để tăng cường lực lượng bảo vệ của Thoyon. Vào ngày 8 tháng 5 năm 1859, ông ta trực tiếp dẫn đầu một cuộc tấn công của Pháp vào các cuộc bao vây của Việt Nam tại Đà Nẵng. Cuộc tấn công đạt được thành công hạn chế, nhưng người Pháp không thể phá vỡ cuộc bao vây.

Báo cáo của Pháp

     Sách Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh, tập 1 trích lại báo cáo của quân Pháp [4]:

 Trong một báo cáo gửi về Bộ Hải quân Pháp ở Paris, tướng De Genouilly đã than rằng: “Bây giờ tôi không biết bằng cách gì và đến chừng nào cái sự việc Nam Kỳ này mới được giải quyết” và “Không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh ở xứ này còn khó hơn cuộc chiến tranh với Trung Hoa”.

 “Người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bị 7 phát…”.

__________
[4] Địa chí văn hóa TP. HCM, tập I, tr. 249-250.

Nhận xét

Sử gia Trần Trọng Kim:
     Ở Gia Định, bấy giờ tuy có nhiều binh khí, nhưng quân lính không luyện tập, việc võ bị bỏ trễ nải, cho nên khi quân Pháp ở cửa Cần Giờ tiến lên, quan hộ đốc là Vũ Duy Ninh vội vàng tự đi các tỉnh lấy binh về cứu viện; nhưng chỉ trong hai ngày thì thành vỡ… [5]

GS. Trần Văn Giàu:
     Lúc Pháp đến đánh, trong thành Gia Định chỉ có hơn một nghìn quân thủ thành, trong thành có đủ khí giới, lương thực cho mười ngàn quân đóng giữ trong một năm. Điều đó chứng tỏ rằng, triều đình thờ ơ với sự phòng vệ. Mặc dầu, năm sáu tháng nay Pháp đánh Đà Nẵng, và từ hơn tuần nay đối phương vào Cần Giờ liên tiếp… [6]

___________
[5] Xem Việt Nam sử lược.
[6] Trần Văn Giàu, Tổng tập [tập I], Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2006, tr. 70.

1860 Sau khi giải quyết xong mối quan hệ với nhà Thanh với Hòa ước Bắc Kinh [25-10-1860], vua Pháp Napoléon III cử đề đốc Léonard Charner chỉ huy toàn bộ quân Pháp ở Viễn Đông.

 Năm 1860, vua Tự Đức sung chức Gia Định Quân thứ cho tướng Nguyễn Tri Phương, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển, trông coi việc quân sự ở miền Nam [thay tướng Tôn Thất Hiệp].

Nguyễn Tri Phương chủ trương huy động từ 15.000 đến 20.000 quân; nhưng không tập trung quân ở một nơi, mà chia thành ba đạo: một đạo chính đóng tại đồn Phú Thọ, chỗ quân thứ Gia Định hiện đóng; một đạo đóng ở phủ hạt Tân An; một đạo đóng ở tỉnh hạt Biên Hòa. Ông hạ lệnh phòng thủ các đường sông, ngòi lớn nhỏ, vừa đánh và giữ, dần dần đắp thêm đồn lũy tiến sát đến chỗ địch đóng quân. Trang bị cho quân đội cần từ 20 đến 30 cổ súng loại lớn, đường kính nòng từ 2 tấc 9 phân trở lên. Do không nắm vững tình hình quân sự và chính trị của Pháp, Nguyễn Tri Phương đã chủ trương xây dựng đại đồn Chí Hòa để bao vây, bức rút quân Pháp

___________*** Người xây dựng đầu tiên là thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp đã sai lính đắp đồn Tiền trên đường Thiên Lý [nay là Cách Mạng Tháng Tám] đi Tây Ninh. Đồn Hữu [phải] và đồn Tả [trái] hai bên.

Đại đồn Chí Hòa [Pháp gọi là Kỳ Hoà] nằm ở làng Chí Hòa thuộc Gia Định xưa. Đại đồn lớn gấp 15 lần thành Gia Định [thành Gia Định bị Pháp phá hủy sau khi xâm chiếm vào 1859]. Đại đồn dài 3.000m, rộng 1.000m, được chia làm năm khu bằng nhau, ngăn cách bằng một bờ rào gỗ có cửa. Tường đồn được xây bằng đất sét và đá ong, cao 3,5m, dày 2m, có rất nhiều lỗ châu mai. Mặt trên và mặt ngoài tường đồn, có trồng nhiều cây gai gốc dày đặc. Bên ngoài đồn có nhiều lớp rào tre, nhiều mô đất, nhiều ao nước và vô số hố chông. Trên mặt tường đồn, bố trí 150đại bác các cỡ bắn bằng đạn gang. Mặt chính Đại đồn quay về hướng rạch Bến Nghé [xoay ra nhìn Q.1] lấy đường Cách Mạng Tháng 8 làm trung tâm xẻ Đại đồn làm hai theo chiều dọc. Bên phải của Đại đồn về phía chùa Cây Mai bên trái rạch Thị Nghè có đắp mỗi bên một chiến lũy dài, lấy đồn Hữu và đồn Tả làm điểm tựa. Đằng sau Đại đồn là nhiều đồn nhỏ yểm trợ: đồn Thanh Lương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra. Ngoài ra, phía sau đại đồn còn có kho chứa quân lương, quân khí. Khi ấy, ở đại đồn có khoảng 20.000 quân thường trực, 10.000 quân dân dũng. Vì vậy đối với thực dân Pháp, đại đồn Chí Hòa là một vật cản lớn cần phải đánh dẹp, để họ có thể tiến chiếm các nơi khác.

 Tháng 7-1960, các nghĩa dũng do Dương Bình Tâm lãnh đạo tiếp tục tấn công giặc đồn Chợ Rẫy, trong khi triều đình Huế xuất hiện tư tưởng chủ hòa.

*** Trích trong các sách báo nước ngoài:
• Nhà báo Pháp Maxim Vauvert viết trong tạp chí Monde Illustré ngày 20 tháng 4 năm 1861 đã ghi nhận:

Họ [quân nhà Nguyễn] xây dựng ở đồn Kỳ Hòa những chiến lũy vĩ đại, dựa theo 1 dãy pháo đài kiên cố, diện tích chừng 12 km. Tất cả những thành lũy bài trí khéo léo và có 1 đại đội binh mã chống giữ…mỗi ngày người Việt Nam lại dựng thêm chiến lũy mới để bao vây quân Pháp.

• Một sĩ quan Pháp đã từng tham dự cuộc công kích Chí Hòa là Phillippe Aude đã viết trong 1 bức thư ngày 28 tháng 3 năm 1861:

Những chiến lũy mà người Việt Nam dựng lên rất kiên cố đều bằng đất sét cốt tre…Quân Việt Nam rất can đảm…cũng như lòng khinh thường trước cái chết… Trong khi giao chiến họ dùng giáo, thứ khí giới này chỉ đâm được quân địch cách 4 thước, đó là 1 lối tự vệ rất can đảm, đến quân Tàu cũng chưa bao giờ nghĩ đến.

• Một viên tướng khác trong quân đội Pháp cũng đã khen ngợi Nguyễn Tri Phương:

Thấy phương pháp dụng binh của Nguyễn Tri Phương, người ta phải tin rằng vị nguyên soái anh hùng của nước Nam đã biết phương lược xây dựng lối pháo đài tạm thời như Totleben ở Sébastopol, Denfert Rochereau ở Belfort, Osman Pacha trong trận Plevna. Quân Pháp cũng nhận xét:Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản.

2. KHÁNG CHIẾN LAN RỘNG RA CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM KÌ. HIỆP ƯỚC NHÂM TUẤT [05/06/1862]

1861  Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến ở Trung Quốc với Điều ước Bắc Kinh, số quân Pháp ở Trung Hoa liên tục đổ về Sài Gòn. Theo GS Theo Trần Văn Giàu, cùng với 800 quân có sẵn, đầu năm 1861 lính Pháp chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm đại đồn Chí Hòa khoảng 5.000 quân 50 chiến thuyền.

 Ngày 24-2-1861, được lệnh của Đề đốc Charner, đại bác của Pháp từ “phòng tuyến các chùa” và trên các tàu, đều nhắm vào đại đồn Chí Hòa mà bắn. Đại bác của quân Việt từ đại đồn rộ lên đáp trả. Hai bên đánh nhau bằng đại bác tới sáng. Từ vùng chùa Cây Mai, Đề đốc Charner, Thiếu tướng De Vassoigne và Đại tá Palanca [Tây Ban Nha] dẫn quân tiến lên cùng với pháo nhẹ. Quân Việt trong Đồn Hữu bắn cản lại. De VassoignePalanca đều bị thương. Đại bác Pháp liền bắn khoảng 500 phát vào Đồn Hữu, rồi cho bộ binh tấn công chiếm đồn. Phía Việt cho voi xông ra ứng chiến, nhưng đội quân voi tỏ ra không mấy hiệu quả trước đại bác, súng trường…

 Hai bên đánh nhau đến tối, nhưng Pháp chỉ mới tiến được một cây số, còn hai cây số nữa mới đến được Đại đồn. Đêm đến, hai bên đều ngưng chiến.

 Năm giờ sáng ngày 25-2-1861, quân Pháp tràn lên tấn công, xáp được gần Đại đồn. Song cách vách thành trăm thước thì gặp rất nhiều cạm bẫy, hào ụ, nên tiến rất chậm. Quân Pháp lúc này bị bắn chết bị thương rất nhiều.

 Tuy vậy, quân Pháp vẫn quyết dùng thangđứng trên vai nhau mà trèo lên vách đồn. Trên đồn và trong các lỗ châu mai, quân Việt bắn chém dữ dội. Phần lớn các thang tre của Pháp vác theo đều bị đánh gãy, nhưng cuối cùng vẫn có một số lính Pháp vào được Đại đồn. Hai bên xông vào đánh giáp lá cà, giành giật nhau từng khu vực một. Chống chọi được một lúc, tướng Nguyễn Tri Phương bị mảnh đại bác trúng bụng, phải ra lệnh rút quân về đồn Thuận Kiều.

 Ngày 28-2-1861, Pháp tấn công Thuận Kiều, Đại tá Crouzat bị thương, nhưng quan quân phải bỏ đồn Thuận Kiều, bỏ cả đồn Tây Thới mà chạy tán loạn về Biên Hòa, mất hầu hết khí giới và lương thực. Riêng Trương Định rút về Gò Công tiếp tục kháng Pháp.

Khi Đại đồn thất thủ, triều đình lập tức cho ông Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai Đại thần thay Nguyễn Tri Phương. Bá Nghi thấy thế không chống đỡ nổi với quân Pháp nên gởi tấu về xin giảng hòa. Trong lúc này, Thiếu tướng Louis-Adolphe Bonard thay thế Charner vẫn tiếp tục cho quân Pháp chiếm thêm Định Tường [xảy ra từ 26-3-1861, kết thúc14- 4-1861], Biên Hòa [từ 14 -12 – 1861 đến 7 – 1 – 1862] và Vĩnh Long [23- 3 -1862].

Hình: Bản đồ trận Kỳ Hoà [Vàng nhạt: Phòng tuyến chùa do Pháp lập; Hồng: Thành Gia Định [đã thất thủ]; Xanh lá: Lăng cha cả ; Tím: Đồng mồ mã; Cam: Đại đồn Kí Hòa. Nguồn: Vaputin.
Hình: Bản đồ Sài Gòn và phòng tuyến Kỳ Hòa cùng với diễn tiến các cuộc tấn công trong ngày 24 và 25 tháng 2 năm 1861.
Hình: Quân Pháp tấn công Đại đồn Chí Hòa.
Hình: Tranh mô tả trận Đại đồn Chí Hòa.
Hình: Lính thủy đánh bộ Pháp và bộ binh Tây Ban Nha dàn trận trước đồn Chí Hòa.
Hình: Liên quân Pháp – Tây Ban Nha vượt qua tường thành để chiếm đồn Chí Hòa.
Hình: Chùa Kiểng Phước [Người Pháp còn gọi là chùa những tháp chuông] là một trong 4 ngôi chùa bị quân Pháp chiếm lập đồn Đồn Kiểng Phước [pagode des Clochetons]. Theo học giả Vương Hồng Sển [7] , chùa Kiển Phước ở đầu đường Phù Đổng Thiên Vương [tên có trước năm 1975, thời thuộc Pháp là đường Clochetons], gần thánh đường Hồi giáo trên vùng đất cao ráo; nay là nền trường Đại học Y Dược ở số 217, Hồng Bàng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng quan điểm còn có nhà văn Sơn Nam. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tác giả Nguyên Thanh [8], thì ngôi chùa này ở khoảng góc đường Hồng Bàng [trước là Hùng Vương] – Lý Thường Kiệt, tức ở gần Bệnh viện Hùng Vương ngày nay. Nay không còn vết tích nào.

__________
[7] Đi & ghi nhớ [tr. 42]. Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu cũng đã viết rằng: “chùa Clochetons hơi xa…, nhưng cũng nằm trên đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho” [tức đại lộ Hồng Bàng ngày nay].

[8] Nguyên Thanh, Thành phố bất khuất. Nhà xuất bản TP. HCM, 1984, tr. 145.

Hình: Chùa Khải Tường là một trong bốn ngôi chùa Pháp chiếm để lập Đồn Barbe [pagode de Barbe]. Nay là cuộc đất thuộc trường Trung học Lê Quý Đôn và 1 phần đất của Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh đường Võ Văn Tần. Bức ảnh trên được chụp trong khoảng năm 1871-1874, sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ.
Hình: Chùa Cây Mai bị Pháp chiếm làm đồn Cây Mai [pagode des Prunier], năm 1861. Nay là doanh trại Quân Đội Nhân Dân trên đường Hồng Bàng góc Nguyễn Thị Nhỏ, gần chung cư Cây Mai.
Hình: Chùa Ao,tên do dân gian gọi là hệ thống chùa – miếu – đền tại khu đất rộng lớn ngày nay trên đường Nguyễn Trãi, ngay vị trí nay là trụ sở Bộ Công An Phía Nam-nhà khách Bộ Công An kéo dài từ góc Nguyễn Cư Trinh – Nguyễn Trãi đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ. Trong vùng đất này nguyên thủy có chùa Kim Chương [Chung], Miếu Hội Đồng, Đền Hiển Trung thờ các vị khai quốc công thần và tướng lĩnh có công của nhà Nguyễn. Ảnh trên là Miếu Hội Đồng ngay góc Nguyễn Cư Trinh – Nguyễn Trãi. Dân ta gọi chung là chùa Ao bởi 2 đầu Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Văn Cừ có 2 ao sen nhỏ rất đẹp. Người Pháp chiếm nơi đây thành đồn Chùa Ao.
Hình: Đồn Rạch Tra nằm ở phía Tây Nam đồn Chí Hòa, bị Pháp chiếm ngày 24/2/1861.
Hình: Chân dung Đề đốc Hải quân Charner, thống lĩnh Quân đoàn viễn chinh đánh chiếm Nam Kỳ năm 1861.

Còn tiếp:

Mời xem: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP Ở GIA ĐỊNH VÀ CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM KÌ [1859 – 1862] – Phần 2 

Chiến sự ở Đà Nẵng năm 1858. Giai đoạn [1856- 1858]

Video liên quan

Chủ Đề