Đọc sách Trầm lặng -- Sức mạnh tiềm ẩn của người hướng nội

Chúng ta thường chỉ đánh giá bản tính của con người bằng việc xét xem họ là kiểu người hướng nội hay hướng ngoại. Trên lí thuyết, việc này khá đơn giản. Người hướng ngoại rất quảng giao và phóng khoáng, họ luôn muốn ra ngoài để kết bạn với nhiều người và trở thành trung tâm của sự chú ý. Với họ, địa vị xã hội được thể hiện trực tiếp qua những mối quan hệ, vì vậy phải kết bạn với nhiều người càng tốt, số người quan tâm trên mạng xã hội phải nhiều nhất có thể.

Trên khía cạnh thành công, những người hướng ngoại thường rất lạc quan và phóng khoáng. Họ thu thập kiến thức từ những người xung quanh và luôn cố gắng đốt cháy giai đoạn để thành công. Ví dụ, sau khi thua lỗ một khoản tiền trên sàn chứng khoán, họ chẳng ngại ngần đầu tư lại một khoản lớn hơn để bù lại.  

Trái lại, người hướng nội lại thường cố gắng bình tĩnh và suy xét cẩn thận sau mỗi sai lầm. Ví dụ, nếu bị thua lỗ trên sàn chứng khoán, họ sẽ ngồi phân tích. Sự cẩn trọng trong suy nghĩ và giác quan giúp người hướng nội có thể hoàn thành tốt những công việc cần nhiều tính toán, như việc đảm bảo lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trong thời kì khủng hoảng. Trong suốt tiến trình lịch sử, có rất nhiều dấu mốc quan trọng được dựng nên nhờ kiểu người này, tiêu biểu là Danh sách của Schindler hay Thuyết tương đối. 

Sở dĩ có thể làm được điều đó vì họ luôn làm việc độc lập hoặc với một nhóm nhỏ, từ đó có thể nói kĩ hơn về những vấn đề cá nhân hoặc xã hội. Trái với tính cách quảng giao, thích kết thật nhiều bạn mới dù chỉ là bạn xã giao của người hướng ngoại, người hướng nội lại chỉ tập trung vào một vài mối quan hệ nhưng lại rất thân thiết và sâu sắc.

Chương 2. Phần lớn người hướng nội rất nhạy cảm với môi trường xung quanh.

Nhạy cảm là một đặc điểm đặc trưng tiếp theo trong tích cách của tuýp người hướng nội. Họ thường tiếp nhận thông tin từ mọi người xung quanh một cách kĩ càng đến khác thường. Ví dụ, nếu chơi trò ghép tranh, họ sẽ bỏ thời gian ngồi quan sát kĩ càng những thứ khác có liên quan đến bức tranh. 

Vì vậy, những người hướng nội luôn muốn dành thời gian cho những cuộc đối thoại về những giá trị thực sự thay vì vài cuộc nói chuyện phiếm về kì nghỉ của bạn học. Khi người hướng ngoại tán gẫu bằng vài câu xã giao, thì người hướng nội nói chuyện về sự thay đổi khí hậu của trái đất.

Việc tiếp nhận thông tin một cách quá cẩn trọng cũng là một biểu hiện đặc trưng của tính cách mỏng manh, hiền lành của những người hướng nội. Những sự việc hay lời nói tiêu cực có ảnh hưởng rất lớn đến họ, vì vậy họ rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi những lời phán xét hàng ngày từ mọi người xung quanh. Kết quả là, họ luôn e sợ tòa án lương tâm của chính mình, họ ý thức sâu sắc về hậu quả mà hành động của mình sẽ đem lại với người khác. 

Những người hướng nội rất để tâm việc liệu mọi người xung quanh có nhìn nhận mình theo cách tích cực hay không, đây cũng chính là lí do họ ngại kết bạn và không muốn bị hỏi quá nhiều. Có thể kết luận rằng tuýp người này rất coi trọng cảm xúc, nhạy bén với những đổi thay và nhạy cảm với hình ảnh, âm thanh, nỗi buồn và những chất kích thích như cà phê hay đồ uống có cồn.

Từ đây, chúng ta cũng có thể phân biệt giữa người hướng nội và người nhút nhát. Nếu những người nhút nhát sợ hãi trước những lời bình phẩm tiêu cực từ mọi người xung quanh thì người hướng nội chỉ cần một không gian yên tĩnh để suy nghĩ. Ví dụ, Bill Gates là người hướng nội nhưng ông dường như không bao giờ quan tâm đến định kiến của người khác về mình. Trong khi đó, Barbra Streisand là kiểu người hoạt náo và cởi mở nhưng cô lại mắc chứng sợ sân khấu rất nặng, người ta gọi đó là tuýp người “hướng ngoại nhút nhát”.

Chương 3. Bộ não của người hướng nội nhạy cảm hơn với những tác động bên ngoài.

Sở thích của mỗi người rất khác nhau. Có những người cảm thấy thoải mái và tập trung nhất khi ngồi trong thư viện yên tĩnh. Với họ, việc đến những không gian, quán xá ồn ào náo nhiệt là vô cùng kì quặc và khó hiểu. Ngược lại, có những người cảm thấy những nơi đông đúc như vậy mới đem lại cảm giác thân thuộc như nhà mình, vì thế nên họ sẽ phát điên nếu bị bắt ngồi trong thư viện cả buổi chiều.

Tại sao lại như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm trên trẻ sơ sinh. Họ đặt một miếng vải tẩm cồn dưới mũi của những đứa trẻ, cùng lúc đó bật bản ghi âm tiếng bóng bay nổ, chúng đã phản ứng rất khác nhau. Trong đó, 20% số đó bắt đầu khóc lớn và cử động chân tay rất mạnh. Ngược lại, có đến 40% các bé nằm im không có phản ứng gì.

Những phản ứng này được kiểm soát bởi hệ điều khiển cảm xúc của não bộ, được gọi là hạch hạnh nhân. Đây là nơi đầu tiên mà các giác quan chuyển dữ liệu tới, sau đó nó sẽ quyết định xem sẽ xử lí dữ liệu này thế nào. Những ai có hạch hạnh nhân nhạy cảm, họ luôn nhanh nhạy  với mọi thay đổi xung quanh, vì vậy với họ những nơi có không gian yên tĩnh mới là đích đến lí tưởng. Ngược lại, những người không quá nhạy cảm, ví dụ như những đứa trẻ dửng dưng và bình tĩnh trên sẽ thích đến những nơi ồn ào náo nhiệt hơn.

Chương 4. Đứa trẻ hướng nội cũng giống như cây phong lan, chúng chỉ có thể phát triển trong một môi trường phù hợp.

Không chỉ đặc điểm sinh học hay gen di truyền mới quyết định bản tính của con người. Những trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm thời thơ ấu cũng có tác động rất mạnh mẽ tới điều ấy.

Nếu những đứa trẻ hướng ngoại giống cây bồ công anh, có thể dễ dàng phát triển hoặc chuyển đi tới bất kì nơi đâu thì loài phong lan mới là phép so sánh phù hợp với những đứa bé hướng nội. Chúng chỉ có thể khoe sắc ở những điều kiện phù hợp, bằng không, cả đời chúng sẽ chỉ là loài cỏ tầm thường và nhạt nhòa.

Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể xây dựng một môi trường phù hợp nếu con mình thuộc kiểu người hướng nội? Hãy trân trọng, cảm thông và giúp chúng có một khởi đầu hoàn hảo. Đầu tiên, quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải nhận ra tính cách hướng nội của con mình, sau đó tìm hiểu xem tại sao chúng lại thấy không được thoải mái trong những trường hợp nhất định, đặc biệt là khi ở nơi đông người.

Sau khi biết được những tình huống mà trẻ e ngại, cách tốt nhất là các bậc phụ huynh thường xuyên giúp trẻ tiếp xúc với các tình huống ấy. Ví dụ, nếu con mình sợ nói trước đám đông, bước đầu cha mẹ có thể tập cho trẻ nói trước một vài người bé tin cậy, sau đó dần dần tăng số người nghe lên. Dần dần, chúng ra nhận ra rằng bản thân hoàn toàn có khả năng diễn thuyết trước đám đông.

Nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường phù hợp, những đứa trẻ hướng nội sẽ tự tin về bản thân và thoải mái bộc lộ năng lực của mình. Ngược lại, nếu bị đặt dưới áp lực, chúng rất dễ chán nản, sợ hãi và thậm chí có thể mắc một số chứng rối loạn hô hấp.

Chương 5. Người phương Tây thường ưu ái kiểu người hướng ngoại hơn.

Bạn đánh giá cao người sôi nổi, thu hút được sự chú ý, tạo bầu không khí vui vẻ hay một người ngồi im lặng trong góc và lắng nghe hơn? Ở phương Tây, câu trả lời rất rõ ràng và hiển nhiên, tuýp người hướng ngoại thông minh và tài năng, không chỉ do tính quảng giao mà còn ở sự thú vị và khả năng kết nối của họ.

Những người hướng ngoại thường có vẻ ngoài thu hút và nhiều sức sống hơn, trong khi đó những người hướng nội lại mang vẻ ảm đạm, nhàm chán, và đôi chút kì quặc, thậm chí có người còn trông như thể họ đến từ hành tinh khác. Vì vậy, người phương Tây thường đánh giá cao những người hướng ngoại. Tác giả cảm nhận điều này rất rõ khi ông đến buổi hội thảo của diễn giả truyền cảm hứng Tony Robbins. Họ xếp những người hướng ngoại lên hạng trên, điều này chỉ ra rằng tính cách này chính là chìa khóa để một người có thể chiến thắng trong thế giới đầy cạnh tranh này.

Đó cũng là lí do tại sao các giáo sư ở trường Đại học Kinh doanh Harvard coi việc biến tất cả sinh viên của mình thành người hướng ngoại là một nhiệm vụ quan trọng. Các chương trình học luôn bao gồm phần đi dự hội thảo và làm việc theo nhóm, thậm chí đi chơi cùng những người bạn khác giới cũng là một nhiệm vụ bắt buộc. 

Trái ngược với bối cảnh này, hầu hết các sinh viên ở Hàn Quốc hay Nhật Bản đều thích vùi đầu vào sách vở hơn là đi bar với bạn bè. Tại những buổi hội thảo, họ chăm chú lắng nghe và tập trung ghi chép, tự do phát ngôn bị coi là hành động vô lễ, thiếu lịch sự, kiêu ngạo và không biết điều.

Chương 6. Hướng ngoại là “xu thế” trong thời gian 150 năm trước.

Dale Carnegie sống trong một thị trấn nhỏ ở Missouri vào đầu thế kỉ XX. Khi ấy ông mang dáng vẻ điển hình của một người hướng nội: gầy gò, ốm yếu và luôn rụt rè, khác xa với hình ảnh của một diễn giả nổi tiếng. Mọi chuyện thay đổi khi có một diễn giả từ trung tâm giáo dục người trưởng thành chuyển đến thị trấn và nhận ra tài năng của Dale.

Thực ra, Dale là một con người rất tham vọng, ông luôn nỗ lực hết mình để phát triển kĩ năng. Thời gian qua đi, ông trở thành một bậc thầy diễn thuyết và nổi tiếng khắp trường. Sau đó, với vị trí là một người tiếp thị xà phòng và thịt xông khói, ông chinh phục tất cả các khách hàng nhờ nụ cười thân thiện và cái bắt tay đáng tin. Cuối cùng, Dale sáng lập trung tâm Dale Carnegie với mục đích giúp những doanh nhân vượt qua nỗi lo lắng và bất an của họ về chính bản thân mình. Thật bất ngờ, quá trình “đổi đời” của ông đã phản ánh hết sức chân thực một cuộc chuyển đổi từ các đặc tính nông thôn sang thành thị của Mỹ vào thế kỉ XX.

Trong thế kỉ XIX, người Mỹ sống thành những cộng đồng nhỏ và mọi người đều gắn kết với nhau. Chỉ cần bạn nỗ lực làm việc, cư xử đúng lễ nghĩa và biết đứng lên vì người khác, mọi người sẽ tự biết đến bạn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển vượt bậc và phá vỡ cấu trúc xã hội khi đó, ngày càng có nhiều người chuyển từ nông thôn lên các thành phố đông đúc, náo nhiệt và cạnh tranh, nơi tồn tại một niềm tin cố hữu rằng: “Để thành công, bạn phải biết “tiếp thị” bản thân mình”. Kể từ đó, mọi người thường ngưỡng mộ những ai luôn tràn đầy năng lượng và sức hút.

Chương 7. Người hướng nội đôi khi cũng có thể trở thành hướng ngoại.

Qua nhiều trải nghiệm, những người hướng nội có tham vọng cuối cùng cũng sẽ bị dồn vào một vài tình huống bắt buộc phải hành động như người hướng ngoại. Ví dụ như với một giáo sư giảng dạy, làm sao để một người hướng nội và nhút nhát như cô có thể truyền đạt được hết kiến thức và nhiệt huyết của mình cho học sinh? Đây chính là lúc cô buộc phải gạt bỏ bản tính hướng nội của mình sang một bên. Vị giáo sư hành xử như một người hướng ngoại đích thực: Cô sải những bước dài và tự tin vào giảng đường, tiếng nói dõng dạc và chính xác, dáng vẻ hoàn toàn tự nhiên và thoải mái. Kết quả là sinh viên hoàn toàn bị lôi cuốn vào bài giảng, liên tục xin cô lời khuyên, và buổi học hôm đó đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Sau khi hoàn thành được mục tiêu mang lại cho sinh viên bài giảng thú vị và hiệu quả, giáo sư lại trở về là bản thân mình như mọi ngày, vẫn yêu thích sự im lặng và hoàn toàn thư giãn với khoảng thời gian đọc sách một mình trong góc thư viện. Tất nhiên, việc trở nên hướng ngoại với một số người là công việc rất khó khăn. Tuy nhiên, trường hợp của nữ giáo sư trên đã chứng minh rằng những người hướng nội hoàn toàn có thể hướng ngoại trong một thời gian ngắn nếu đó là điều bắt buộc để họ đạt được mục tiêu.

Chương 8. Các công ty không nên xây dựng môi trường làm việc chỉ phù hợp với người hướng ngoại.

Rất nhiều nhà lãnh đạo đều cố gắng tạo ra một môi trường làm việc năng động và cạnh tranh, phù hợp với những người hướng ngoại với niềm tin rằng đó sẽ là nơi lý tưởng nhất để phát triển. Kết quả là, hầu hết nhân viên đều làm việc trong môi trường mở, dưới hình thức thảo luận nhóm và trình bày thành quả công việc qua bài thuyết trình bằng Powerpoint.

Vậy những người hướng nội sẽ phải xoay xở thế nào trong những cuộc làm việc nhóm ấy? Xung quanh là những đồng nghiệp hiếu thắng, hàng loạt những thử thách đổ dồn lên đầu sẽ nhấn chìm họ trong áp lực. Liệu rằng họ có thể bộc lộ và phát triển tiềm năng trong một môi trường như vậy hay không?

Nhiều thành tựu lớn của thế giới trong vài thập kỉ gần đây đã chứng minh sự hiệu quả của hình thức làm việc theo nhóm, điển hình như hệ thống vận hành của Wikipedia hay Linux. Có thể một nhóm làm việc ăn ý đứng sau thành công của những thành tựu ấy, nhưng mọi người đã bỏ qua một điểm mấu chốt rằng: các ý tưởng để mang ra thảo luận sẽ không nảy ra ở môi trường làm việc mở hay trong các buổi họp, mà nó ra đời khi chủ nhân ngồi một mình trước màn hình máy tính trong phòng làm việc.

Thực tế, những ý tưởng tuyệt vời thường đến khi con người làm việc độc lập. Steve Wozniak phát minh ra máy tính cá nhân đầu tiên của Apple tại phòng làm việc cá nhân. J.K Rowling viết bộ truyện kinh điển Harry Potter hoàn toàn độc lập.

Không gian làm việc thiết kế dành cho người hướng ngoại rất có thể sẽ khiến công ty tự lãng phí những tiềm năng đáng mong đợi từ các nhân viên hướng nội. Steve Wozniak nhấn mạnh rằng, ông biết rất nhiều những nhà phát minh tuyệt vời là nghệ sĩ, và họ chỉ bộc lộ tài năng nhiều nhất khi làm việc độc lập. Là một người đứng đầu, nếu bạn may mắn sở hữu những người như vậy, đừng cố gắng ép họ vào những cuộc thảo luận nhóm ồn ào, hãy tạo không gian riêng cho họ tự triển khai ý tưởng to lớn của bản thân.

Để có thể giải quyết vấn đề này, hãy tạo ra một không gian làm việc linh hoạt cho cả hai tuýp người: cho họ cơ hội để trao đổi ý kiến, đồng thời là những không gian làm việc riêng tư phù hợp. Những vách ngăn di động là một gợi ý lý tưởng, khi cần có thể kéo vách ngăn xuống để trao đổi ý kiến với mọi người xung quanh.

Chương 9. Một nhà lãnh đạo thực thụ là người có khả năng kết hợp ưu điểm của cả hai tuýp người.

Làm cách nào để những người quản lý có thể khai thác được hai kiểu thế mạnh khác biệt của người hướng nội và người hướng ngoại? Để giải đáp câu hỏi này, các nhà khoa học đã yêu cầu một vài nhóm sinh viên làm một nhiệm vụ đơn giản, gấp áo phông, dưới sự chỉ dẫn của một người hướng nội hoặc hướng ngoại.

Với những nhóm có người chỉ dẫn hướng ngoại, mặc dù họ tuân thủ các quy tắc rất chính xác và nhanh chóng, nhưng lại không quá nhiệt tình với các đề xuất cá nhân về các giải pháp gấp áo nhanh và hiệu quả hơn. Ngược lại, những nhóm có người chỉ dẫn hướng nội có thể không quá sôi nổi, tinh thần các thành viên không được nâng cao, nhưng họ lại luôn tôn trọng ý kiến của từng cá nhân, cố gắng làm mọi cách để tận dụng được những ý tưởng tốt.

Có thể kết luận rằng, tại nơi làm việc, phong cách lãnh đạo hướng ngoại phù hợp với các công việc đơn giản, cần giải quyết nhanh chóng và chính xác. Còn với những người muốn được đóng góp ý tưởng cá nhân của mình, thì kiểu lãnh đạo hướng nội mới là phong cách phù hợp với họ.

Một sự khác biệt nữa giữa hai kiểu lãnh đạo này được thể hiện rất rõ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những vị lãnh đạo hướng ngoại đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên nguồn thông tin ít ỏi. Rất nhiều người trong số họ mạo hiểm đầu tư bằng nguồn vốn của công ty mình. Khi mọi chuyện đổ bể, họ đã phải trả cái giá rất đắt cho sự liều lĩnh đó. Ngược lại, những nhà lãnh đạo hướng nội thường thu thập và nghiên cứu rất nhiều thông tin trước khi đưa ra một quyết định, họ đặc biệt cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư của mình. Vì vậy, công ty của họ ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hơn.

Có thể nói, nếu cần đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát, hãy tìm đến một người hướng ngoại, còn với những trường hợp đòi hỏi sự cẩn thận, tốt nhất nên nghe theo một người hướng nội. Ngoài ra, những người hướng ngoại cũng cần trân trọng những giá trị riêng có của những người đồng nghiệp hướng nội, bởi lẽ cả hai tuýp người đều có những ưu điểm rất đáng học hỏi.

Chương 10. Cả hai kiểu người đều có thể tối ưu hóa thành quả của mình thông qua việc hợp tác.

Sự tương tác giữa hai tuýp người đối lập thường xuyên bị hiểu lầm. Khi xung đột nổ ra, những người hướng ngoại sẽ có xu hướng cáu giận, to tiếng, lấn át nhiều hơn. Những người hướng nội thường sẽ nhận thua trong các cuộc tranh cãi, đơn giản bởi vì họ không hứng thú với nó. Chỉ khi hai bên chịu mở lòng và đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ thì vấn đề mới được giải quyết.

Franklin D.Roosevelt, vị tổng thống Mỹ trong suốt cuộc thế chiến thứ II, là một mẫu người hướng ngoại điển hình. Ông sôi nổi và nhiều năng lượng, thích giao du với nhiều bạn bè và tiệc tùng suốt đêm. Phu nhân Eleanor của ông, trái lại, là người phụ nữ hướng nội luôn rụt rè và hơi kì quặc, bà luôn thích những cuộc nói chuyện về các vấn đề đại sự và cố gắng rời khỏi các buổi tiệc càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng quyền lực lại dùng chính sự khác biệt to lớn ấy để bù đắp những thiếu sót của nhau. Eleanor đã khiến một người phóng khoáng như Franklin bắt đầu bận tâm đến những đứa trẻ đang bị hành hạ bởi nạn đói và phân biệt chủng tộc. Khi phu nhân phát hiện ra việc Marian Anderson, một cô ca sĩ da đen, không được phép biểu diễn ở Constitution Hall, bà cùng chồng đã dùng quyền lực chính trị để mang về cho cô quyền biểu diễn trước tượng đài Lincoln vào ngày lễ Phục sinh.

Có thể kết luận rằng, cả hai nét tính cách đều có thể bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Đôi khi, những người hướng ngoại sẽ cần những cuộc nói chuyện sâu sắc hơn là một vài câu chuyện phiếm đùa vui. Ngược lại, nguồn năng lượng dồi dào và tươi trẻ của họ sẽ là một nguồn khí mới thay làm sự thế giới im lặng, ảm đạm của người hướng nội có màu sắc hơn. Đây cũng chính là điều mà các nhà lãnh đạo cần thực hiện, những đặc điểm nổi trội của cả hai nét tính cách khi kết hợp với nhau sẽ mang lại những hiệu ứng bất ngờ.

Qua cuốn sách, tác giả muốn nhấn mạnh rằng cả người hướng nội và hướng ngoại đều có những đặc điểm riêng, có thể mang lại giá trị cho mọi người xung quanh họ. Và dù là ai, thì họ cũng cần một môi trường phù hợp để nhận ra và phát triển tiềm năng của mình.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giải đáp câu hỏi:

“Người hướng nội và hướng ngoại khác nhau ở điểm gì?”

Đầu tiên, người hướng ngoại thích một môi trường năng động và nhiều động lực, trong khi người hướng nội lại thích ngồi im lặng một mình và suy ngẫm;

Rất nhiều người hướng nội nhạy cảm thái quá với các biến động xảy ra xung quanh mình;

Những đứa trẻ hướng nội rất giống cây phong lan, chỉ có thể phát triển trong một môi trường thực sự phù hợp.

“Tại sao người hướng ngoại thường gặp nhiều thuận lợi hơn?”

Người phương Tây rất coi trọng người hướng ngoại;

Sự ưu tiên dành cho người hướng ngoại đã tồn tại từ 150 năm trước;

“Làm sao để cả hai kiểu người đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình?”

Các công ty không nên xây dựng môi trường làm việc chỉ phù hợp với người hướng ngoại;

Một nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ biết dung hòa hai kiểu người này khi làm việc nhóm;

Cả hai kiểu người đều có thể phát triển tài năng của mình nếu có thể kết hợp với nhau.

Tóm tắt sách Trầm Lặng
Trạm Sách

Video liên quan

Chủ Đề