Đối thoại học đường là gì

Nhỏ mà không nhỏ

Từ vài tháng nay, các học sinh ở Vĩnh Lộc đã rất hào hứng cho công tác chuẩn bị diễn đàn đối thoại cấp huyện. Dù thời tiết oi bức, khó chịu, các em vẫn say mê cùng nhau làm pa-nô, vẽ tranh, dựng tiểu phẩm, qua đó kể những câu chuyện hay nói lên ý kiến của mình. Em nào cũng muốn không bỏ lỡ dịp được gặp các bác lãnh đạo, để nói lên những suy nghĩ của mình, của cả những bạn chưa có cơ hội tham dự.

Ở hàng ghế của người dự đối thoại, có khá đầy đủ đại diện các ban, ngành, đoàn thể: Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Giáo dục và Ðào tạo; Phòng Văn hóa - Thông tin; Công an; Ðoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ huyện,… Khác với sự trang nghiêm, có chút căng thẳng thường thấy ở một số hội nghị toàn người lớn tham dự; không khí diễn đàn rộn tiếng cười, tiếng vỗ tay, rồi những bức tranh đủ mầu sắc, ngộ nghĩnh được các em chuẩn bị từ nhiều hôm trước cũng tạo thêm sự sinh động.

Phát biểu trước khi cuộc đối thoại diễn ra, ông An Yong Sic, Trưởng đại diện tổ chức Good Neighbors International [GNI], một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì trẻ em tại Việt Nam, gợi ý: "Trong diễn đàn này, mong quý vị lãnh đạo hãy tận tâm lắng nghe những chia sẻ của trẻ em, hãy tích cực thảo luận và đưa ra ý kiến. Tôi mong rằng những kết quả từ diễn đàn có thể trực tiếp giúp ích cho công việc của quý vị". Hẳn đó cũng là mong muốn chung của tất cả những người tham dự.

Khi một số tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm vui diễn ra trên sân khấu, phía dưới các em reo hò; tôi chú ý đến một em nữ dáng gầy nhỏ, vẻ mặt đượm buồn, khác hẳn với sự náo nức của bạn bè. Ðó là Nguyễn Lê Diệu Ly, học sinh lớp 6A Trường THCS Nguyễn Ðan Quế [xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc]. Hỏi chuyện, em rụt rè: "Em đến diễn đàn để có ý kiến nhờ các bác lãnh đạo giúp đỡ cho một bạn nữ học trên em hai lớp, tự dưng có thai rồi phải bỏ thai. Giờ bạn ấy mặc cảm không dám đi học nữa".

Lúc được mời đứng lên đặt câu hỏi, Ly chẳng hỏi gì, mắt ngấn nước, giọng run lên: "Kính thưa các bác, cháu chỉ muốn làm thế nào bây giờ để bạn ấy trở lại trường!". Từ phía sân khấu, cô Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đứng lên nói lời cảm ơn Ly đã thông tin và hứa sẽ tìm hiểu, sớm giúp bạn ấy trở lại trường. Ly "dạ" một tiếng nhẹ rồi ngồi xuống...

Sau Ly, em Nguyễn Mai Linh [xã Vĩnh Phúc] nói về tình trạng bạo lực học đường; em Vũ Quỳnh Trang [đại diện nhóm Quyền được bảo vệ] với thông điệp về bạo lực gia đình, "không bạo lực với trẻ em"; rồi các em khác nêu ý kiến về quyền sống, quyền phát triển, quyền tham gia theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em,… Tất cả đều bắt đầu từ những câu chuyện cụ thể xảy ra ở nơi các em sống, nơi các em học tập, gần gũi và thiết thực.

Hậu đối thoại...

Có nhiều người lầm tưởng, trẻ em thời công nghệ số, thời @ chỉ quan tâm đến những điều tưởng chừng rất vô bổ, ví như các thần tượng phim ảnh tóc xanh tóc đỏ, ăn mặc thời trang, hay các trò chơi giải trí,... Thực tế không hoàn toàn như vậy. Các em tham dự diễn đàn đều đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý, có ý thức khẳng định bản thân và luôn muốn được lắng nghe. Mối quan tâm của trẻ em trải rộng ở nhiều vấn đề từ chính cuộc sống tại gia đình, trường học và cộng đồng.

Có những câu hỏi đầy trách nhiệm khiến người lớn cũng phải suy tư như câu hỏi của em đại diện cho trẻ em xã Vĩnh Hòa: "Nạn khai thác cát đã làm ảnh hưởng đến dòng sông Mã, gây tác hại nghiêm trọng về môi trường. Chính quyền cần phải giải quyết dứt điểm thế nào?". Có em cũng đề nghị các cấp chính quyền sớm xử lý tình trạng sân chơi bị lấn chiếm; tình trạng ô nhiễm môi trường,… Cũng có ý kiến đặt vấn đề kèm theo đề xuất giải pháp như: tăng cường hoạt động của đoàn thanh niên, dạy bơi cho trẻ, v.v.

Hào hứng hỏi là thế, nhưng cũng không khỏi có những bỡ ngỡ, hẫng hụt khi nhận về câu trả lời. Một em ngồi sát bên tôi, sau khi đặt câu hỏi, mắt dõi theo người trả lời một cách chăm chú. Nhưng rồi nghe xong, em khe khẽ lắc đầu. Tôi hỏi "sao vậy?". Em nói "em không hiểu lắm!". "Sao em không hỏi lại?". "Em muốn hỏi, nhưng vì em thấy bác ấy trả lời dài quá, lòng vòng nên chẳng biết hỏi lại từ đâu nữa". Nhìn ánh mắt thất vọng của em, tôi chỉ có thể động viên "không sao, đã có bản kiến nghị rồi".

Mặc dù vậy, cũng có em bày tỏ hài lòng với phần trả lời của chị Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện về kiến nghị sân nhà văn hóa của một xã trên địa bàn bị chiếm dụng để thả trâu bò, ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân còn kém. Chị trưởng phòng này đã thẳng thắn nhận trách nhiệm chưa sâu sát thực tế, và hứa sẽ kiểm tra xử lý ngay. Ðồng thời chị cũng động viên, nhắc nhở bản thân các em phải ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, chăm ngoan học giỏi.

Kết thúc diễn đàn, các em rất háo hức lên sân khấu trao tận tay các lãnh đạo huyện bản kiến nghị mà chính các em đã bỏ công suy nghĩ, thảo luận với gương mặt ánh niềm tin. Có người nhận bản kiến nghị đã cẩn thận cất vào cặp, nhưng cũng có vị đã bỏ lại trên bàn, hay trong ngăn kéo ở hội trường. Tôi nhắc một em trưởng nhóm xem có biết bản kiến nghị gửi bác nào thì chạy đến đưa lại cho bác. Nhưng em nhìn tôi và bảo, em cũng chịu không biết ạ…

Nếu người lớn chỉ đến một diễn đàn với tâm thế nghe rồi để đó, hay như một sự "cúi xuống" để nghe với khoảng cách của sự khác biệt, thì hỏi rằng, những đứa trẻ ấy có còn háo hức cho những lần đối thoại sau? Có còn niềm tin để cất lên suy nghĩ của mình. Và nhìn rộng hơn, có còn cảm thấy cần phải có trách nhiệm với cộng đồng chung quanh, với chính những vấn đề thiết yếu với trẻ em. Lắng nghe trẻ chưa bao giờ là việc đơn giản, điều ấy đòi hỏi một sự học hỏi từ chính chúng ta, những người lớn!

Tờ giấy trong ô bàn ấy, ám ảnh tôi trong cả chặng về!

Trao đổi với PV Báo Nhân Dân cuối tuần ngay sau diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lan Minh, chuyên gia của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam khẳng định: "Ðây là bước chuyển biến lớn trong thực thi Luật Trẻ em 2016 tại Vĩnh Lộc. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và đại diện hầu hết các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đều đến tham dự. Tất nhiên là vẫn còn những khiếm khuyết khiến chất lượng đối thoại chưa được như trông đợi. Nhưng, theo tôi, Vĩnh Lộc lần đầu tổ chức diễn đàn được như vậy là đáng ghi nhận. Mong sao, đối thoại với trẻ em sớm trở thành một hoạt động thường xuyên trên diện rộng".

LINH CẦM

TTH - Tổ chức “Đối thoại học đường” là hướng mở tích cực để nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh cùng chung sức vun đắp tinh thần dân chủ học đường.

Buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo trường và cha mẹ học sinh để lắng nghe những chia sẻ của các em

Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những trường trên địa bàn tỉnh sớm áp dụng mô hình này và đã tổ chức thành công “Đối thoại học đường vì một môi trường học đường hạnh phúc”. Năm nay là năm thứ hai nhà trường tổ chức đối thoại với sự tham gia của ban giám hiệu, các đoàn thể, giáo viên, học sinh, nhà tài trợ và phụ huynh học sinh. Với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, “nói và làm”, diễn đàn đã tạo ra một không khí đối thoại sôi nổi, thân thiện, tích cực có tính giáo dục cao.

Sau buổi đối thoại, nhiều học sinh chia sẻ: “Qua buổi đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc” chúng em đã có dịp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý nghĩ của bản thân cũng như tập thể đến với thầy cô giáo. Em chân thành cảm ơn ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi đối thoại, nó rất có ý nghĩa đối với chúng em”; “Chúng em rất vui khi được tham gia đối thoại. Qua buổi đối thoại chúng em được trực tiếp trình bày ý kiến, nguyện vọng của bản thân. Sau đối thoại em nhận thấy nhà trường đã đáp ứng nhiều nguyện vọng của chúng em. Chúng em rất cảm ơn!”. Đây quả là những dòng suy nghĩ, những tình cảm rất chân thành và đáng trân quý của các em học sinh dành cho nhà trường, nó có hiệu ứng rất lớn khi gắn kết tình cảm, trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh.

“Đối thoại học đường” là một trong những hoạt động thiết thực để lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau. Đây cũng là một trong những yêu cầu mới góp phần hình thành trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc.

Tại diễn đàn này, điều quan trọng nhất là tạo cho các em học sinh có cơ hội để nói lên suy nghĩ, thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến”, được chia sẻ, được quan tâm, được thấu cảm, được tôn trọng... Qua buổi đối thoại, học sinh sẽ chỉ ra những tồn tại trong công tác dạy và học mà chính các em là người cảm nhận rõ nhất đồng thời đưa ra những đề xuất, hướng giải quyết cho nhà trường phù hợp với nguyện vọng của các em… Việc lắng nghe trực tiếp ý kiến từ học sinh sẽ mang đến cho lãnh đạo nhà trường, thầy cô không chỉ những bài học thực tiễn mà còn giúp họ có cái nhìn cụ thể, kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý và giáo dục của mình.

Học sinh trao đổi những vấn đề cần quan tâm trong học tập

Tại buổi đối thoại, một thành phần khách mời cần phải có đó là Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để qua buổi đối thoại phụ huynh học sinh có thể nắm bắt được suy nghĩ, mong muốn của con em mình, từ đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục con em có hiệu quả, để các cháu thực sự hạnh phúc trong ngôi nhà thứ hai của mình.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một chương trình lớn nhằm hướng tới cải thiện môi trường giáo dục theo hướng tích cực, chuẩn hóa. Thực tế cho thấy, học sinh ở các cấp học đều có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, thi cử, phương pháp giảng dạy, giáo dục cũng như sự công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, được lắng nghe, sẻ chia kịp thời thì học sinh sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, nhiều khi dẫn đến phát sinh suy nghĩ tiêu cực.

Qua các hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, tổ chức các diễn đàn để các em được trực tiếp nói lên suy nghĩ thật của mình, nhà trường sẽ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, diễn biến của học sinh để có sự thay đổi và định hướng, giáo dục phù hợp.

Không khí dân chủ trường học chỉ thực sự có khi mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp được cải thiện tích cực. Do vậy, chúng ta cần phải tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, biết lắng nghe, biết quan tâm và chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Thay vì áp đặt, chúng ta nên để các em học sinh được nói, được làm, tự giác thực hiện theo những mong muốn của các em và có sự định hướng của thầy cô... các em cũng có quyền tham gia trao đổi, bàn bạc với nhà trường, đề xuất ý kiến cho nhà trường về những vấn đề liên quan đến công tác dạy và học, bởi các em mới chính là người thụ hưởng đồng thời là chủ nhân thực sự của trường học.

Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đang đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Để biến “giấc mơ” trường học thành trường học hạnh phúc đòi hỏi lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, học sinh... phải nỗ lực toàn diện, sáng tạo, tìm tòi những hướng đi phù hợp, hiệu quả.

“Đối thoại học đường” là một việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào chung đó. Qua những kết quả đạt được, chúng tôi cho rằng: “Đối thoại học đường” là một mô hình mang tính dân chủ và tính giáo dục sâu rộng. Những tiếng nói từ diễn đàn này sẽ lan tỏa đến từng giáo viên, học sinh... khơi gợi sự cởi mở, hòa đồng, sự sẻ chia trong mối quan hệ giữa thầy trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa Phượng 

Video liên quan

Chủ Đề