Dự án khu nhà ở công nhân khu công nghiệp nhơn trạch

Thứ sáu,13/08/2010 00:00

Xem với cỡ chữ

Ngày 13/8, Bộ Xây dựng đã có công văn 1503/BXD-QLN gửi Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam về việc chủ trương đầu tư xây dựng Khu nhà ở công nhân trong KCN Nhơn Trạch I tỉnh Đồng Nai như sau:

Chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở của công nhân đang lao động tại khu công nghiệp [KCN] Nhơn Trạch I, tỉnh Đồng Nai của Tổng công ty IDICO là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ được thể hiện trong Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê.

Theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối với các KCN đã hình thành, để có quỹ đất đáp ứng nhu cầu về đầu tư nhà ở cho công nhân thuê thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN thuê.

Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương của Tổng công ty IDICO về việc điều chỉnh quy hoạch chung và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu công nghiệp Nhơn Trạch I để lập dự án khu nhà ở cho công nhân mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ đất dành cho cây xanh, giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác của KCN này. Đề nghị Tổng công ty IDICO báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo các quy định pháp luật về khu công nghiệp và các văn bản hướng dẫn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trung tâm Thông tin

Nguồn: Công văn 1503/BXD-QLN.

Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 1503_1282179542870.docTải về

.

Cập nhật lúc: 04:53, 18/12/2019 [GMT+7]

Đồng Nai có hơn 600 ngàn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp [KCN], tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Hiện nhu cầu về nhà ở cho công nhân khá lớn, nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Hiệp Phước [huyện Nhơn Trạch] có nhiều căn hộ để bán và cho công nhân, người thu nhập thấp thuê. Ảnh: K.Minh

Trong giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh đã quy hoạch 49 dự án nhà ở xã hội với diện tích 158 hécta, quy mô khoảng 30 ngàn căn, trong đó ưu tiên cho công nhân. Thế nhưng, số doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở công nhân rất ít. Vì đầu tư vào nhà ở công nhân lợi nhuận thấp, thủ tục rườm rà.

* Nhu cầu ngày một nhiều

Trong hơn 600 ngàn công nhân đang làm việc tại các KCN ở Đồng Nai thì có đến hơn 60% đến từ các tỉnh, thành khác. Phần lớn công nhân hiện đang sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, lụp xụp gần các khu công nghiệp. Do đó, nhiều người lao động rất mong tỉnh có những chính sách ưu đãi, xây dựng nhà ở công nhân để cho họ thuê hoặc mua và trả góp trong nhiều năm. Do đó, UBND tỉnh đã quy hoạch hàng chục dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và mời gọi đầu tư.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 120 ngàn công nhân đang làm việc trong các KCN. Nhu cầu về nhà ở cho công nhân ngày một lớn, song trên địa bàn huyện chỉ có một số doanh nghiệp tự bỏ tiền ra đầu tư khu nhà ở cho công nhân thuê, còn lại công nhân phải thuê nhà trọ bên ngoài. Huyện cũng quy hoạch 5 dự án nhà ở công nhân để mời gọi doanh nghiệp đầu tư”.

Tương tự, huyện Nhơn Trạch là nơi có gần 10 KCN, rất đông công nhân từ nhiều nơi về làm việc cần nhà ở. Huyện quy hoạch 7 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và hiện có 3 dự án đã triển khai xây dựng. Các dự án đã hoàn thành gần 1.600 căn nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ, Nhơn Trạch hiện có một số doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà ở xã hội bán cho công nhân. Giá các căn nhà ở xã hội này dao động từ 300-400 triệu đồng/căn tùy theo diện tích, phù hợp với thu nhập của công nhân. Trong những năm tới, huyện tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đẩy nhanh tiến độ dự án. Những dự án chưa có nhà đầu tư sẽ tiếp tục mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào.

* Mời gọi đầu tư nhiều dự án

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, tỉnh đã quy hoạch hàng loạt dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Địa bàn có nhiều dự án nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp là: TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp đang dự tính đầu tư vào dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì thủ tục thực hiện dự án khá phức tạp. Do đó, một số doanh nghiệp đã xin rút khỏi dự án chờ chính sách thông thoáng hơn sẽ đầu tư tiếp.

Ông Hà Quan Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 [D2D] - nhà đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 2 [huyện Nhơn Trạch] cho biết: “Công ty có gần 1 hécta đất trong KCN Nhơn Trạch 2, dự tính sẽ làm nhà ở cho công nhân thuê hoặc mua. Vốn đầu tư dự án đã có sẵn, tuy nhiên thủ tục rất phức tạp phải xin phép từ các bộ, ngành, Chính phủ nên công ty tạm dừng dự án, đợi khi chính sách thông thoáng hơn sẽ đầu tư”.

Một số doanh nghiệp chia sẻ, nếu muốn các dự án nhà ở công nhân triển khai nhanh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các lao động trong KCN thì Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi như: giảm bớt hồ sơ, thủ tục, cho vay vốn ưu đãi với chủ đầu tư lẫn người mua nhà.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở Đồng Nai rất lớn. Tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư “rót vốn” vào lĩnh vực này, đồng thời phía tỉnh cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào thuận lợi hơn”.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ nghiêng về nhà ở giá rẻ. Vì nhu cầu ở phân khúc này rất lớn trong khi nguồn cung khá ít. Tại Đồng Nai, nhu cầu về bất động sản cho công nhân, lao động thu nhập thấp tương đối lớn, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.        

Khánh Minh

.

Cập nhật lúc: 20:03, 05/10/2021 [GMT+7]

Đồng Nai có công nghiệp phát triển và thu hút hơn 630 ngàn người đến làm việc trong các khu công nghiệp [KCN]. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp [DN] thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên rất thiếu nơi ở cho công nhân. Chính phủ đã yêu cầu tỉnh nhanh chóng quy hoạch thực hiện các dự án nhà ở công nhân [NƠCN].

Khu nhà ở công nhân tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: KHÁNH MINH

Đầu tháng 9-2021, khi vào làm việc với tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ DN duy trì, phục hồi sản xuất, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Đồng Nai phải sớm quy hoạch để mời gọi đầu tư phát triển NƠCN. Đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần phát triển công nghiệp bền vững trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

* Chọn vị trí liền kề KCN  

Từ cuối tháng 6-2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Có hơn 1,1 ngàn DN duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” nhưng số lao động tham gia làm việc chỉ hơn 134 ngàn người, còn lại khoảng 496 ngàn người lao động phải nghỉ chờ việc. Nhiều DN có đơn hàng muốn tiếp tục sản xuất, nhưng lại thiếu nơi để công nhân lưu trú. Một số DN có đông lao động như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Công ty TNHH Giày Dona Standard, Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty TNHH Hwaseung Vina... phải cho hàng chục ngàn công nhân tạm nghỉ việc để phòng, chống dịch.

Vấn đề cấp bách được Chính phủ, tỉnh đặt ra là phải gấp rút xây dựng NƠCN gần, giáp ranh các KCN để đảm bảo nơi ở cho người lao động, đây được xem là một trong những giải pháp góp phần duy trì, phát triển công nghiệp bền vững.

Ngày 26-9-2021, tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng DN và các địa phương để gỡ khó cho DN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước đây, các tỉnh, thành chưa chú trọng việc làm NƠCN, cho rằng có cũng được, không có cũng chẳng sao, nhưng qua đợt dịch lần thứ tư này mới thấy NƠCN rất cần thiết. Do đó, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng cập nhật, bổ sung quy hoạch các dự án NƠCN để đảm bảo nơi ở cho người lao động. Các tỉnh, thành có công nghiệp phát triển, nhiều người lao động đến sinh sống và làm việc như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... phải nhanh chóng triển khai các dự án NƠCN và chọn những vị trí gần hoặc liền kề KCN.

Mới đây, khi làm việc trực tuyến với tỉnh, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý: “Đồng Nai là nơi có nhiều KCN đang hoạt động, thu hút nhiều lao động đến làm việc, nhu cầu NƠCN rất bức thiết. Tới đây, tỉnh sẽ mở rộng và thành lập thêm nhiều KCN nên phải tính toán phát triển nhà ở cho công nhân ngay cạnh các KCN để giúp người lao động có nơi ở ổn định”. Cũng theo bà Ngọc, Đồng Nai đang xây dựng mô hình KCN sinh thái nên bổ sung thêm tiêu chí là có NƠCN.

* Dành quỹ đất đầu tư nhà ở công nhân

Hiện nay, các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh đang trong quá trình hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, hầu hết đều bổ sung thêm diện tích đất ở cho những khu vực giáp các KCN hiện hữu và KCN sẽ hình thành trong tương lai. Mục đích là để mời gọi DN đầu tư vào các dự án NƠCN đáp ứng nhu cầu của người lao động đang làm việc trong các công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Các địa phương có KCN phải khảo sát nhu cầu về nhà ở của công nhân để căn cứ vào đó bổ sung gấp diện tích đất dành phát triển NƠCN. Trong đó, chọn những vị trí giáp KCN, kết nối hạ tầng thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư. Tới đây, tỉnh thành lập thêm nhiều KCN mới nên các địa phương tính toán trước số lượng công nhân sẽ đến làm việc để quy hoạch quỹ đất cho xây dựng NƠCN liền kề với KCN”.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh rất thiếu nhà ở giá rẻ cho người lao động thuê, mua. Hiện nay, các DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đều là tận dụng các khu nhà xưởng, kho, văn phòng để ở, về lâu dài không đảm bảo về sức khỏe, phòng chống cháy nổ. Vì thế, cần sớm xây dựng các khu NƠCN cho các KCN. Dự tính đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có một số KCN thành lập mới, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đưa vào hoạt động, thu hút thêm khoảng 450 ngàn lao động nên nhu cầu về NƠCN tiếp tục tăng cao.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho rằng, các địa phương đang trong thời điểm rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, rất thuận lợi cho việc bổ sung thêm quỹ đất dự án NƠCN. Đồng thời, các địa phương có thể mời gọi những DN sử dụng nhiều lao động đầu tư các khu NƠCN để đảm bảo việc sản xuất lâu dài và góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội. Các địa phương dành quỹ đất cho dự án NƠCN nên chú ý quy hoạch thêm đất giáo dục để sau này xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và trường học cho con em công nhân.

Khánh Minh

Video liên quan

Chủ Đề