hiệp định giơ-ne-vơ là gì

Kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ [20-7-1954 - 20-7-2014]

Hiệp định Giơ-ne-vơ và bài học về tinh thần độc lập tự chủ

NDĐT - Cách đây vừa đúng 60 năm, đêm 20 rạng ngày 21-7-1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết tại Giơ-ne-vơ [Thụy Sĩ]. Những kết quả mà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa [DCCH] đạt được trên bàn Hội nghị Giơ-ne-vơ trước hết là kết quả từ những chiến thắng trên mặt trận quân sự và kế đến là những cuộc đấu trí trên mặt trận ngoại giao, sự ủng hộ của quốc tế.

Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các chiến thắng khác trong Đông-Xuân 1953-1954 trên khắp chiến trường cả nước và chiến trường ba nước Đông Dương, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương. Dẫu rằng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, chúng ta không tạo được cục diện đánh - đàm như mong muốn, song có thể thấy rằng nếu không có những chiến thắng vang dội ở chiến trường thì khó mà có được những kết quả trên bàn đàm phán như vậy.

Hiệp định Giơ-ne-vơ phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế lúc bấy giờ, nhưng chưa phản ánh đầy đủ những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được trên chiến trường . Mặc dù vậy, thắng lợi lớn nhất chính là ở chỗ các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt là nước Pháp đã phải tuyên bố tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Đúng như Đảng ta khẳng định: Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đã đoàn kết nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng. Đó là kết quả của chín năm kháng chiến của đồng bào toàn quốc từ nam ra bắc, ở vùng tự do cũng như vùng tạm bị chiếm, của toàn thể quân đội, bao gồm quân chính quy, bộ đội địa phương, dân quân, du kích và của cán bộ nhân viên các ngành dân chính Đảng... Thắng lợi của ta cũng chính là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược muốn nô dịch nhân dân Đông Dương, thất bại của đế quốc Mỹ đang âm mưu biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến lược của Mỹ, thất bại của bọn tay sai đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp. Với thắng lợi này, cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc [Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb CTQG. H. 2001. T.15. Tr.233].

Đầu những năm 50 của Thế kỷ XX, tình hình quốc tế và khu vực Đông - Nam Á có những chuyển biến tác động đến cục diện chiến trường ở Đông Dương và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam. Chiến tranh lạnh giữa hai phe tuy vẫn diễn ra gay gắt nhưng đã xuất hiện những động thái của xu thế hòa hoãn; cuộc chiến tranh Triều Tiên sau ba năm diễn ra quyết liệt cũng đã đi vào đàm phán; Liên Xô với ban lãnh đạo mới đã có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại theo xu hướng hòa hoãn, hòa dịu với Mỹ; Trung Quốc tập trung khôi phục kinh tế, viện Triều, tìm mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế của mình. Trên chiến trường Đông Dương, từ mùa hè 1953 cả thế và lực của quân Pháp đã bị sa sút nghiêm trọng; làn sóng phản đối chiến tranh tại Pháp lên cao gây nhiều sức ép lên nhà cầm quyền Pháp. Trong khi đó thì Mỹ, đứng trước sự sa lầy và suy yếu của quân Pháp tại Đông Dương, đã một mặt không ngừng gia tăng viện trợ chi phí chiến tranh cho Pháp; mặt khác, tính toán các bước đi chiến lược để sẵn sàng nhảy vào Đông Dương thế chân Pháp nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của Cộng sản Đỏ và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này. Anh - một cường quốc về thuộc địa, một đồng minh thân cận của Pháp do lo ngại phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam dâng cao dễ lan sang các thuộc địa của mình nên cũng muốn thúc đẩy nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Tháng 5-1953, Pháp cử Tướng H. Navarre sang Việt Nam thay R. Salan làm Tổng chỉ huy với sứ mệnh không phải để thắng trận, mà là tạo thế để đàm phán, mở đường cho Pháp rút khỏi chiến tranh trong danh dự. Ngày 20-10-1953, Thủ tướng J. Laniel tuyên bố Pháp sẽ nghiên cứu mọi đề nghị của phía Việt Nam, không từ chối thương lượng để đình chiến. Có thể thấy, nhìn chung các nước lớn đều muốn làm dịu tình hình căng thẳng ở khu vực vì lúc này châu Âu mới là trọng tâm đối đầu giữa hai phe. Vả lại, thời kỳ này, mỗi một nước đều có những lý do, toan tính riêng để đi vào hòa hoãn.

Tháng 11-1953, trả lời phỏng vấn của báo Expressen [Thụy Điển] về triển vọng giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ thiện chí của Chính phủ Việt Nam DCCH là sẵn sàng đàm phán với Pháp để tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở Pháp phải thực sự tôn trọng và công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là ở Pháp, nơi mà dư luận đang thôi thúc chính phủ Pháp nhanh chóng đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Như vậy, cơ hội cho một diễn đàn quốc tế bàn về vấn đề Triều Tiên và kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương đã được mở ra.

Ngày 8-12-1953, theo đề nghị của Liên Xô, tại Berlin đã diễn ra Hội nghị của bốn nước lớn là Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô [còn gọi là Hội nghị tứ cường]. Tại Hội nghị này, ngày 18-2-1954, bốn nước đã đạt được thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ [Thụy Sĩ] để tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Ngày 3-4-1954, tại Mát-xcơ-va đã diễn ra cuộc gặp giữa Khơ-rút-sốp, Chu Ân Lai với Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng để bàn về chủ trương và đối sách của các nước XHCN tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ chính thức khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của chín nước: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam DCCH, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-pu-chia và Quốc gia Việt Nam [Chính phủ Bảo Đại]. Lẽ ra đây phải là một hội nghị song phương giữa hai bên liên quan trực tiếp là các lực lượng kháng chiến ở Đông Dương và Pháp, nhưng trên thực tế lại trở thành hội nghị quốc tế chín bên do Liên Xô và Anh làm đồng chủ tịch.

Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về vấn đề Đông Dương bắt đầu diễn ra một ngày sau khi quân và dân Việt Nam giành được chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam DCCH đến Giơ-ne-vơ trong tư thế của người chiến thắng nhưng lại bị xếp vào diện khách mời bên có liên quan như các bên liên quan khác là Lào, Cam-pu-chia và Chính phủ Bảo Đại. Nhìn vào thành phần có thể thấy, Hội nghị chưa họp, Việt Nam DCCH đã ở vào thế bất lợi một chọi sáu; trong khi đó thì chỗ dựa tin cậy của Việt Nam DCCH là Trung Quốc và Liên Xô thì họ đến hội nghị này đều có những toan tính lợi ích riêng.

Ngay trong phiên họp đầu tiên bàn về vấn đề chiến tranh Đông Dương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam DCCH, Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra Đề nghị tám điểm thể hiện rõ lập trường của Việt Nam DCCH, trong đó đáng chú ý có điểm đầu tiên là Pháp công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; phải rút quân đội ra khỏi ba nước, coi đây là những vấn đề chính trị, quân sự của một kế hoạch hoàn chỉnh về vấn đề Đông Dương.

Qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp toàn thể, Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương kết thúc với việc đạt được được mục đích chính là kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với Việt Nam DCCH: Hiệp định Giơ-ne-vơ đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam; dẫu đất nước còn bị chia cắt nhưng đã có được một miền bắc hoàn toàn giải phóng, làm cơ sở để xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc kháng chiến về sau. Với Pháp, qua Giơ-ne-vơ họ cũng đã giành được một giải pháp danh dự, tránh được một thất bại bẽ bàng, cứu được đội quân viễn chinh để đưa về nước. Với Trung Quốc, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã nâng cao vị thế quốc tế, đưa nước này trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Qua hội nghị này, họ đã mở rộng các mối quan hệ với các nước phương Tây; đẩy được nguy cơ chiến tranh ra xa; tạo được một Đông Dương nằm trong quỹ đạo mà họ có thể áp đặt sự chi phối và ảnh hưởng. Với Mỹ, qua Hiệp định Giơ-ne-vơ đã tránh được một cuộc can thiệp quân sự giúp Pháp, tìm được sự ủng hộ của Anh và Pháp trong việc tổ chức Hiệp ước phòng thủ Đông -Nam Á và quan trọng hơn là Mỹ đã tiến được một bước dài trong việc gạt Pháp để nhảy vào độc chiếm miền Nam Việt Nam. Liên Xô, với tư cách là đồng chủ tịch, qua Giơ-ne-vơ vị thế quốc tế càng được đề cao; đường lối hòa dịu của họ càng có điều kiện lan tỏa... Nói tóm lại, qua Hội nghị Giơ-ne-vơ, các nước lớn đều đạt được mục tiêu của mình và đều có lợi ích [dù ít, dù nhiều].

Hiệp định Giơ-ne-vơ không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn là thắng lợi của các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Việt Nam bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ trong tư thế của người chiến thắng và giải pháp Giơ-ne-vơ tuy bao gồm cả chính trị và quân sự , nhưng giải pháp đó đã không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường. Nhẽ ra kết quả mà chúng ta đạt được từ bàn đàm phán Giơ-ne-vơ còn nhiều hơn những gì được thể hiện trong văn bản Hiệp định, nếu như chúng ta phát huy được tính độc lập tự chủ trong đàm phán, bớt sự lệ thuộc vào các ông bạn lớn, đừng tuyệt đối hóa lòng tin vào các đồng minh; nếu như chúng ta sớm nhận biết và nắm chắc hơn những toan tính và ý đồ của các nước lớn khi mang đến diễn đàn quốc tế quan trọng này.

Giơ-ne-vơ là một diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định thành phần, thời gian, bước đi, kết quả... Lẽ thường, tại các diễn đàn quốc tế, sự bất đồng giữa các nước lớn dễ làm cho hội nghị lâm vào bế tắc, thậm chí đổ bể; ngược lại, sự thỏa hiệp giữa các nước lớn sẽ gây ra những thiệt thòi, thậm chí tổn hại cho các nước nhỏ. Hội nghị Giơ-ne-vơ là một trường hợp như vậy. Tại diễn đàn này, sự thỏa hiệp giữa các nước lớn đã đưa đến một sự ràng buộc trách nhiệm lỏng lẻo giữa các bên tham dự và Mỹ đã không chịu ký vào Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Chính điều này tạo ra cái cớ cho Mỹ lợi dụng để thực hiện ý đồ chiến lược lâu dài của họ. Kết cục của hậu Hội nghị Giơ-ne-vơ là Tổng tuyển cử đã không diễn ra và nhân dân Việt Nam đã phải đi tiếp chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến.

60 năm đã trôi qua, chúng ta càng thấy thấm thía hơn bao giờ hết bài học từ Hội nghị Giơ-ne-vơ. Đó là đừng bao giờ để mình bị rơi vào thế bị o ép. Đừng bao giờ bị lệ thuộc, đánh mất tính độc lập tự chủ để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các quyền trên là bất biến, phương sách đối phó để bảo vệ các quyền trên là ứng vạn biến.

Nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ thể hiện những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Những nguyên tắc đó có thể tạm thời bị vi phạm, chà đạp bởi những toan tính của một số nước lớn, nhưng sức sống của chúng thì bất diệt. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận.

Đại tá PGS,T.S TRẦN NGỌC LONG

Video liên quan

Chủ Đề