Kể tên một di tích lịch sử ở tỉnh Nam Định có liên quan đến thời nhà Trần

06/07/2014 11418

Di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường...

du lịch Nam Định khám phá Nam Định nhà tổng bí thư trường chinh

Xem thêm

Giới thiệu sách: "Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định"

                                             NGUYỄN VŨ HẠNH LIÊN
                                            [Thư viện tỉnh Nam Định]

Nam Định là một tỉnh giàu tiềm năng di tích lịch sử - văn hóa, gồm 9 huyện và 1 thành phố. Ở từng khu vực hành chính đó còn dày đặc những dấu ấn văn hóa truyền thống, thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, chùa, đền, miếu, phủ, lăng mộ, nhà thờ, từ đường dòng họ... Các di tích được trải dọc theo suốt chiều dài lịch sử, không có thời kỳ nào không để lại những dấu ấn, phản ánh sự phát triển liên tục, đóng góp của đất và người Nam Định trong công cuộc dựng nước giữ nước. Hiện nay trong quá trình đổi mới, với sự tác động của nền kinh tế thị trường ngoài những thuận lợi còn có nhiều mặt hạn chế ở cả thành thị lẫn nông thôn tạo thành nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến môi trường cảnh quan và giá trị của các di tích. Bởi vậy việc tuyên truyền sâu rộng, trước mắt cũng như lâu dài về di tích lịch sử - văn hóa sẽ góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc là hết sức cần thiết quan trọng.

Với ý nghĩa đó, nhân dịp nhân dân Nam Định đang hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định và đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, tôi xin giới thiệu đến mọi người cùng đọc cuốn sách “Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Nam Định"của Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định nghiên cứu, biên soạn và xuất bản. Đây là công trình sưu tầm, biên soạn của nhiều tác giả, cán bộ nghiên cứu trên hồ sơ khoa học kết hợp với khảo sát 74 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia.


Cuốn sách được xuất bản tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, năm 2008. Sách được in với số lượng 1000 cuốn theo khuôn khổ 14,5 x 20,5 cm, gồm 360 trang. Cuốn sách nổi bật với gam  màu nâu đậm đã thể hiện gu thẩm mỹ giản dị không hoa mĩ của tờ bìa với dòng chữ tên sách “Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định"rõ nét kết hợp với một số hình ảnh minh họa phù hợp nhưng bên trong đã thể hiện được chiều sâu của toàn bộ nội dung tác phẩm mà tập thể tác giả muốn truyền tải đến người đọc.
"Mặc dù công tác nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ công nhận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn đang được tiến hành nhưng với sự phong phú, đa dạng của các di tích ở Nam Định thì việc giới thiệu 74 di tích trong cuốn sách mới chỉ là bước đầu. Tuy nhiên, cuốn sách ra đời sẽ cung cấp cho những người làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, du lịch và du khách tham quan một số thông tin cần thiết, bổ ích về lịch sử truyền thống của mảnh đất, con người Nam Định qua mấy nghìn năm hình thành và phát triển." [Trích lời giới thiệu của TS. Nguyễn Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định ở phần đầu cuốn sách] Lật giở qua những trang phần đầu cuốn sách, chúng ta tiếp tục tìm hiểu nội dung chính bên trong. Theo số liệu tổng kiểm kê di tích trong toàn tỉnh do Bảo tàng Nam Định tiến hành năm 1997, tổng số di tích của tỉnh Nam Định là 1655; trong đó có 327 đình, 573 chùa, 590 đền, 82 miếu, 9 lăng mộ, 63 phủ, 9 văn chỉ, 2 quán bia cầu ngói; ngoài ra còn 3360 từ đường, 400 nhà thờ, 5 di tích chống Mỹ. Số lượng di tích này trải rộng ở khắp các địa bàn phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc. Cuốn sách này là kết quả sưu tầm, biên soạn của nhiều tác giả với 74 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962 đến năm 2001 được liệt kê thành danh sách ở phần phụ lục những trang cuối của sách. Và 126 di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xuất bản trong thời gian tiếp theo. 74 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng có nhiều giá trị về lịch sử, nghệ thuật, khảo cổ mang đậm nét dấu ấn văn hóa Việt cổ mà trong phạm vi bài viết giới thiệu sách này tôi xin trích dẫn 3 di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trong số đó.

Thứ nhất, là bài viết “Khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh” của tác giả Trần Đăng Ngọc. Khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh nằm gần nhau ở thôn Tức Mặc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay. Nơi này được coi là một điển hình của di sản văn hóa thời Trần ở Việt Nam.

Tức Mặc vốn là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của vương triều Trần. tiêu biểu là điện Trùng Quang nơi Thượng hoàng về ngự, điện Trùng Hoa để các vua Trần về chầu. Năm Nhâm Tuất 1262, nhà Trần đã thăng làng Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường. Tức Mặc là một kinh thành lớn lúc đương thời [chỉ đứng sau Thăng Long] nhưng tiếc thay những cung điện, những lầu son gác tía thuở nào đã bị giặc ngoại xâm tàn phá. Tất cả những di vật còn lại đang giúp chúng ta tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua. Tác giả dẫn chúng ta đến thăm khu di tích đền Trần hôm nay, rộng khoảng 8 ha, nằm ở một thế đất cao, mọi người có dịp thả hồn về với cội nguồn gần 750 năm trước. Mảnh đất ở đây có dạng ngọa long [rồng nằm] là kiểu rất đẹp, thế phát vương. Khu di tích này bao gồm có đền Thiên Trường hay còn gọi là đền Thượng và đền Cố Trạch còn gọi là đền Hạ được xây dựng sát cạnh nhau. Đền Thiên Trường thờ 14 đời vua trị vì đất nước 175 năm với 3 lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông và chỉ thờ bài vị không có tượng. Đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” [nhà cũ của Hưng Đạo vương], một danh tướng có công lao với dân tộc và với quảng đại quần chúng. Ở Nam Định có tới gần 200 điểm thờ Hưng Đạo vương. Vào dịp đầu năm  tại khu di tích đền Trần, dân làng Tức Mặc bao giờ cũng tổ chức lễ khai ấn, diễn ra vào giữa đêm, cuối đêm của ngày 14 sang rạng sáng ngày 15 tháng giêng ÂL. Lễ khai ấn là lễ mở đầu cho ngày làm việc của một năm  mới. Đền Trùng Hoa nằm ở phía Tây đền Thiên Trường trong khuôn viên của khu di tích đền Trần. Đền này có lối kiến trúc giống như đền Thiên Trường và đền Cố Trạch mang phong cách của thời Hậu Lê. Khác hơn đền Trùng Hoa lại là nơi thờ tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần được đúc bằng đồng.

Chùa Phổ Minh [Phổ Minh tự] còn gọi là chùa Tháp nằm  cách khu di tích đền Trần khoảng 300 m  về phía Tây. Ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý, được vương triều Trần mở rộng vào năm 1262. Sự bề thế của chùa Phổ Minh đã được vua Trần Nhân Tông xúc cảm thành bài thơ khi về thăm chùa:

Tam thập thiên cung hành dạ tháp Bát thiên hương sát đông xuân triều Phổ Minh phong cảnh hồn như lạc

Phảng phất canh trường lập mộng nhiên

Dịch:

[Ba chục cung tiên cây tháp đặt Trăm ngàn cõi phật tiếng triều reo Phổ Minh phong cảnh hồn như cũ

Phảng phất canh trường Thuấn gặp Nghiêu]


                       [Bản dịch của Hoàng Việt thi tuyển]

Công trình có giá trị nhất giữ vai trò chủ đạo ở chùa là cây tháp Phổ Minh, được xây bằng gạch bắt mạch để trần không trát. Cây tháp với chiều cao 19,51 m được mọc vươn lên trời cao từ một bông sen, một biểu trưng của kiến trúc Việt Nam. Tháp có trọng lượng khoảng 700 tấn nằm trên một tiết diện nhỏ 30 m2 nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua. Từ ngày xây dựng cho đến nay chùa Phổ Minh trải qua gần 1000 năm do hậu quả của chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, chùa đã được tu sửa nhiều lần nhưng chùa vẫn giữ được phong cách kiến trúc “nội công, ngoại quốc” gồm tam quan, nhà bia, tháp, bái đường, thiêu hương, thượng điện, hành lang, nhà tổ ... hài hòa với cảnh quan xung quanh. Có thế nói, khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh đã và đang góp phần làm sống dậy truyền thống hào khí Đông A, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Nam Định. Cụ thể hơn mời mọi người đọc bài viết khu di tích đền Trần - chùa Phổ Minh qua những trang sách của cuốn sách  từ trang 17 đến trang 33 để có thể xác thực đây là khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, là quê hương của vương triều Trần nơi chỉ có một dòng họ, một vương triều có nhiều võ công - văn trị lừng danh trong lịch sử nước nhà. Tôi cảm nhận mảnh đất này không chỉ có các giá trị văn hóa đã đang và sẽ được bảo tồn, khai thác rất tích cực mà còn có giá trị trong lĩnh vực du lịch để giới thiệu những bài học dựng nước, giữ nước của cha ông ta cho các đời con cháu đất Việt nói chung cũng như dân con đất Nam  Định nói riêng.

Thứ hai, tôi mời các bạn di chuyển về vùng đất quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là làng Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường đến với bài viết “Chùa Keo Hành Thiện” của tác giả Nguyễn Quốc Hội. Suốt từ trang 38 đến trang 44 của cuốn sách chúng ta sẽ được hiểu rõ về lịch sử, sự phát triển của chùa Keo Hành Thiện có tên chữ là “Thần Quang tự”, nơi đây thờ Phật thờ đức thánh thiền sư Không Lộ là một nhà thơ thời Lý Trần một nhà sư có học vấn sâu sắc về Phật học.


Giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc sắc sảo được tác giả mô tả tỉ mỉ, chi tiết như bài minh trên bia chùa đã chép:

"Biển xanh ở phía Đông Sông Hồng quanh phía Bắc Phía Nam sông bao bọc Nước lững lờ chảy quanh Phía Tây núi dựng thành

Rừng xanh xanh trùng điệp..."

Tác giả sử dụng tài tình nghệ thuật tả cảnh, nghệ thuật tạo hình nhằm giúp ta hình dung không gian cảnh vật của ngôi chùa Keo gồm hồ nước trong xanh, tháp chuông cong uy nghiêm, gác chuông với dáng vẻ thanh thoát.
"Công trình mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê gần 400 năm, theo kiểu "thượng gia hạ trì" trên là nhà gần kề là hồ nước càng tôn thêm cảnh đẹp của thiền môn" .Những ngôn từ miêu tả được tác giả sử dụng hợp lý đến mức tôi xin mượn lời của tác giả đưa vào bài viết này. Đúng như tác giả đã viết ngoài vẻ đẹp kiến trúc bề thế, ngôi chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của TK XVII thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp cùng nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về lịch sử chùa Keo.

Kết luận bài viết tác giả khẳng định chùa Keo Hành Thiện là một trong những di tích và danh thắng nổi tiếng của tỉnh Nam  Định. Chùa Keo và Hội chùa Keo thực sự là nét đẹp văn hóa của địa phương. Nếu có cơ hội về tỉnh Nam Định mời bạn một lần ghé tham  quan, vãn cảnh chùa đồng thời thăm nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, nhà cách mạng xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Hành Thiện.


Thứ ba, di tích tôi muốn nhắc đến sau đây nổi tiếng không phải chỉ ở tỉnh Nam Định mà còn được nhiều người dân Việt Nam biết đến “Khu di tích Phủ Dầy”, bài viết của tác giả Hồ Đức Thọ sẽ đến với bạn đọc từ trang 60 đến trang 66 của cuốn sách. Quần thể di tích Phủ Dầy thờ bà chúa Liễu Hạnh thuộc xã Kim Thái huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Định hơn 10 km theo đường lộ 10. Phủ Dầy được xây dựng trong khu vực địa lý có nhiều dấu vết văn hóa của cư dân Việt cổ và là nơi bảo lưu tín ngưỡng dân gian thuần Việt có sức hấp dẫn khách hành hương trên khắp mỏi nẻo đường về đây suốt nhiều thế kỷ qua. Khu di tích Phủ Dầy bao gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng và hơn 10 di tích khác tạo thành một quần thể di tích văn hóa, có giá trị rất cao về trình độ nghệ thuật kiến trúc cuối TK XIX đầu TK XX. Điều này được tác giả thể hiện rất rõ như sau: Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Trị [1663 - 1671], có 19 tòa với 81 gian lớn nhỏ, mặt phủ quay về phía Tây Nam nhìn về dãy núi Tiên Hương, có hồ nước và sân rộng cùng 3 tòa Phương Du nơi đón khách hành hương. Phủ có 4 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ đều được chạm khắc tinh vi theo chủ đề “ngũ phúc”, “tứ linh”, “tứ quý”. Ngoài phủ còn có một số công trình phụ như nhà bia, nhà khách, nhà kho ... tạo thành lối “nội trùng thiềm ngoại chữ quốc” bề thế, ngoạn mục. Phủ Vân Cát được xây dựng trên khu đất rộng ước chừng gần 1 ha, một công trình kiến trúc quy mô đứng biệt lập nhưng cũng thuận lợi về giao thông do vậy tôi và các bạn không thể không ghé chân đến thăm phủ. Phủ Vân quay hướng Tây Bắc có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ được gia công chạm  khắc long hóa, soi chỉ công phu với đề tài “tứ linh” [rồng, phượng, quy, ly] được thể hiện hư thực uyển chuyển sinh động. Còn có hệ thống nghi môn xây dựng theo kiểu chồng diêm 3 tầng, ngoài nữa có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu 3 gian mái cong được ghép đá “cẩn quy”... thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Phủ Vân cũng có 4 cung trong đó cung đệ nhất thờ tượng “Tam tòa thánh mẫu” đường bệ, phong cách tượng nền nã dịu dàng thể hiện người phụ nữ Việt Nam  với nét đẹp hiền dịu, đoan chính nhưng cũng có gì đó oai nghiêm, sắc sảo.

Lăng bà chúa Liễu theo lời kể được xây dựng do Nam Phương Hoàng hậu hưng công. Lăng được thiết kế xây dựng bằng đá xanh trên diện tích 625 m2 gồm 5 tầng hình vuông có độ cao khác nhau tạo thành những mảng sân bậc thang bao quanh lấy mộ phần.

Phần mộ ở vị trí trên cùng hình bát giác, có đường chỉ viền chạy xung quanh tạo thành 88 núm vú “bầu sữa mẹ” theo tương truyền. Đến với Phủ Dầy là đến với quần thể di tích có phong cảnh sơn thủy hữu tình, có giá trị cao về trình độ kiến trúc mà chúng ta có thể tìm thấy ở đây tín ngưỡng thờ Mẫu thuần Việt. Nhưng những năm tháng qua đi các công trình này bị thiên nhiên làm hư hại, tác giả qua bài viết muốn kêu gọi cần sự hỗ trợ, lòng hảo tâm của các quý khách xa gần trong ngoài nước để tu sửa lại quần thể di tích như thuở ban đầu, đáp ứng lòng mến mộ của khách hành hương bốn phương đến với bà chúa Liễu. Đó là 3 di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trong tổng số 74 di tích được nói đến trong cuốn sách. Còn rất nhiều các di tích có giá trị khác như đền thờ các vị trạng nguyên, phó bảng, tiến sĩ [đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh ...]; các di tích liên quan đến việc hình thành làng nghề truyền thống [La Xuyên, Cát Đằng ...] đặc biệt là các di tích liên quan đến sự nghiệp cách mạng từ các cơ sở bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước [cột cờ Nam Định, khu chỉ huy ở nhà máy dệt Nam Định, hầm chỉ huy thành ủy Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ...] ... mà trong phạm vi hạn chế tôi không thể kể hết, mời mọi người tìm đọc ở cuốn sách.

Cuốn sách "Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định" của Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định xuất bản thực sự là tài liệu bổ ích nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến bạn đọc giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị tín ngưỡng, nghệ thuật kiến trúc, dấu ấn khảo cổ mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt của 74 di tích lịch sử - văn hóa hơn nữa giúp chúng ta có thể tự hào quê hương Nam Định là vùng đất văn hiến và còn thấy tiềm năng di sản văn hóa nơi đây còn rất lớn về số lượng, phong phú về loại hình. Từ đó đòi hỏi chúng ta cần bảo tồn, phát huy các yếu tố gốc của di tích làm cho các di tích lịch sử - văn hóa ấy luôn sống, luôn được tiếp nối qua thời gian.

NVHL

      NGUỒN:     Nói chuyện giới thiệu sách : Tài liệu tham khảo nghiệp vụ thư viện / Trần Mỹ Giống, Tống Hồng Hạnh sưu tầm, biên soạn. – Nam Định: Thư viện tỉnh Nam Định, 2012. - 340 tr. ; 19 cm.

Video liên quan

Chủ Đề