Lý tử tấn là ai

14:41, 14/06/2013 [GMT+7]

Trong lịch sử văn học Việt Nam, tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài Xương Giang phú ông viết để ca ngợi chiến công của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 7 vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh của giặc.

Đường Lý Tử Tấn thuộc địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Lý Tử Tấn [1378 - ?] hiệu Chuyết Am, người làng Triều Đông [sau đổi là Triều Liệt], huyện Thượng Phúc [nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội]. 32 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh [tương đương với học vị Tiến sĩ thời hậu Lê], cùng khoa với Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly, nhưng không làm quan.

Khi Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn chống quân Minh, ông tham gia ngay từ đầu, được giao giữ chức Văn cáo, một chức quan làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín... Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược kết thúc thắng lợi, vương triều Lê ra đời, ông lại có mặt trong công cuộc xây dựng vương triều mới. Từ đó, ông tiếp tục làm quan suốt ba đời vua Lê là Thái Tổ [1428-1433], Thái Tông [1434-1442] và Lê Nhân Tông [1443-1459], trải các chức: Thông phụng Đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm, vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên.

Trên đường hành quân chống giặc, Lý Tử Tấn đi qua nhiều nơi, trong đó có con đường từ ải Pha Lũy [Lạng Sơn] qua Chi Lăng - Xương Giang, Thị Kiều Thành - Bồ Đề - Đông Quan [Hà Nội]. Địa danh Xương Giang đã đi vào lịch sử dân tộc không chỉ bằng chiến thắng lừng lẫy chống quân Minh của quân dân Đại Việt mà còn bằng bài phú nổi tiếng của ông.

Xương Giang là tên tự của sông Thương, nằm bên bờ cũng có một thành trì có tên là Xương Giang. Cả tên sông lẫn tên thành đều gắn liền với chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng - Xương Giang, kết thúc thắng lợi 10 năm kháng chiến chống quân Minh [1417 - 1427] của Khởi nghĩa Lam Sơn. Cảm xúc của nhà thơ cộng với tâm thế của người lính, và vượt lên trên hết là suy cảm của một trí thức trước vận mệnh đất nước, ông đã viết bài Xương Giang phú ngợi ca chiến công lừng lẫy đó: 7 vạn quân Minh phơi thây chiến địa, mấy trăm tướng lĩnh của giặc bị bắt sống trong đó có những tên tướng khét tiếng như Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

Mở đầu bài phú, ông đã hạ bút: “Non sông vốn thiêng/ Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...”.

Cảnh thanh bình của người dân Đại Việt phút chốc bị phá tan bởi “Bọn cuồng đồ kia/ Lại kéo tràn sang” với “Quân đông như kiến” và làm cái việc trời không dung đất không tha là “Lấn, cướp, phá phách/ Dòng dỡ, ngang tàng”. Ông tin rằng ngay cả thần minh cũng muốn thẳng tay trừng trị việc làm dã man, ngược ngạo, trái đạo lý của quân xâm lược nên “Thần xui nên mưu chước/ Trời giúp bậc thánh nhân”. Và thế là quân dân Đại Việt một lòng đánh giặc, khí thế hào hùng lan tỏa vào trong câu thơ của ông:

“Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường hội sức/ Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân/ Này Pha Lũy, Kê Lăng, trận nọ oai hùng đã dậy/ Lại Bình Than, Lộng Nhãn, trận kia thế mạnh khôn ngăn/ Sấm vang, chớp giật/ Ra quỷ, vào thần/ Giặc kia mất vía/ Phải tan nát dần...”.

Quy luật muôn đời là vậy, chính nghĩa thắng phi nghĩa, “Bốn cõi mây mờ quét sạch/ Giữa trời ánh sáng huy hoàng”, bờ cõi Đại Việt lại vững vàng trước âm mưu đen tối của phương Bắc. Qua Xương Giang phú ta không chỉ thấy ở Lý Tử Tấn một trái tim yêu nước thiết tha, một tinh thần tự hào dân tộc mà còn có một tư tưởng chính trị sâu sắc khi ông nói về sự thành bại trong việc giữ nước.

Phú là sở trường của Lý Tử Tấn trong lĩnh vực văn học. Ngoài Xương Giang phú nổi tiếng, ông còn có hơn 20 bài phú khác, trong đó có Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú, Quân chu phú, Hội anh diện phú... là những bài có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh tình cảm nồng thắm đối với đất nước, lòng lo nước, thương đời của ông.

Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép trong Hoàng Việt văn tuyển và Quần hiền phú tập. Ngoài ra, ông còn làm lời thông luận cho bộ Dư địa chí của Nguyễn Trãi; hiệu chính và phê điểm trong bộ Việt âm thi tập. Chưa xác định ông mất vào năm nào [có sách ghi mất năm 1457], nhưng căn cứ vào bài tựa sách Việt âm thi tập do ông viết năm 1459, có thể suy đoán ông mất phải sau năm ấy, tức là ông thọ hơn 80 tuổi.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 700m, rộng 7,5m, từ đường Trần Nguyên Hãn đến đường Lê Đức Thọ ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND, ngày 23 tháng 12 năm 2011 của HĐND thành phố về Đặt đổi tên đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.

LÊ GIA LỘC

Lý Tử Tấn [sau đổi là Nguyễn Tử Tấn] hiệu Chuyết Am, sinh năm 1378 [mất năm nào chưa rõ]. quê ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc [nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây]. Ông thi đỗ Thái học sinh năm 1400, cùng khoa với Nguyễn Trãi, dưới triều Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan.

Trong lịch sử văn học VN, tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài Phú Xương Giang, ông viết để ca ngợi chiến công ngày 3-11-1427 của nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt bảy vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh của giặc tại Xương Giang trong đó có Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

Sở trường văn học của Lý Tử Tấn là làm phú. Bên cạnh Phú Xương Giang, ông còn có hơn 20 bài phú khác, trong đó Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú, Quân chu phú, Hội anh diện phú... là những bài có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh tình cảm nồng thắm đối với đất nước, lòng lo nước, thương đời của Lý Tử Tấn. Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép trong Hoàng Việt văn tuyển và Quần hiền phú tập.

Lý Tử Tấn sáng tác khá nhiều thơ nhưng thất lạc cũng nhiều, hiện chỉ còn hơn 70 bài nằm rải rác ở các sách Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển.

Lý Tử Tấn làm thơ trên quan điểm thi pháp của mình. Ông từng nói: "Tôi cho rằng phép làm thơ khó lắm thay! Thơ luật chỉ có 56 chữ, thơ tuyệt cú lại chỉ có 28 chữ, mà đủ mọi thể cách. Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại gần với thô; muốn đẹp đẽ, phong phú thì lại gần sự lòe loẹt; hào phóng thì dễ buông thả, thật thà thì dễ quê mùa. Cho nên lời ý giản dị đầy đủ, mạch lạc thông suốt, chất phác mà vẫn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, trung hậu nhưng không thô kệch, cao siêu mà vẫn ôn hòa, đó là những điều rất khó có thể đạt được" [Tựa sách Việt âm thi tập].

Nhận xét về thơ Lý Tử Tấn, Phan Huy Chú viết: "Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ". Đọc thơ Lý Tử Tấn, chúng ta bắt gặp một tâm hồn thanh thản, ung dung, cao khiết, gặp một thiên nhiên trong mát với những hương vị của hoa trái, cua đồng, của trời, nước, nắng gió hiền hòa; tất cả, chỉ có thể tìm thấy trong thế giới tinh thần tĩnh tại Á Đông xưa:

Nắng hòe êm dịu xế tường vôi,Mềm mại chồi sen quạt gió trời.Sắc lẫn màu thu trời rợn bóng,ánh lồng vẻ núi nước trong ngời.Cua vàng gạch óng vào đăng sớm,Phật thủ da xanh nở múi rồi,Bình sẵn rượu ngon vui cứ uống,Đợi gì giậu cúc nhị vàng phơi.

[Đầu thu - Bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyển]

Theo ND

Theo ND

Năm 23 tuổi, Lý Tử Tấn đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn 1400 niên hiệu Nguyên Khánh đời Hồ Quý Ly. Đây là năm nhà Hồ mới lên cầm quyền, có cho chấn chỉnh lại việc học hành, thi cử. Chẳng hạn, về cách thi, người nào đỗ kỳ thi Hương rồi, năm sau phải vào bộ Lễ thi lại; nếu đỗ thì năm sau nữa đi thi Hội; ai đỗ thì được gọi là Thái học sinh, tức Tiến sỹ. Thi đỗ, nhưng Lý Tử Tấn không ra làm quan cho nhà Hồ, bởi ông cho rằng nhà Hồ làm chuyện tiếm đoạt, không được lòng dân.

Năm 1406, nhà Minh bắt đầu cuộc xâm lược nước ta, đến 1407 thì chúng hoàn tất cuộc xâm chiếm và lập nên chính quyền đô hộ. Lập tức, ở nhiều miền đất nước, nhân dân ta vùng dậy chống giặc, vĩ đại nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi tiến hành năm 1416, đến năm 1428 thì thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc vĩ đại này, Lý Tử Tấn, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Mộng Tuân…; cũng như Lê Lai, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Chích… đã có mặt dưới lá cờ đại nghĩa của Lê Lợi. Lý Tử Tấn giữ trọng trách chuyên thảo các công văn, giấy tờ, thư tín…

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lý Tử Tấn tiếp tục có mặt trong cuộc xây dựng vương triều mới. Ông làm quan tới chức Nhập nội hành khiển tri tam quán kiêm Nhập thị kinh diên, trải qua các triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. “Học vấn của ông rộng khắp, thời bấy giờ ai cũng trân trọng” [Phan Huy Chú]. Lý Tử Tấn từng giữ chức hành khiển, từng đi sứ Chiêm Thành, từng phải lo lắng việc phòng thủ biên cương…

Lý Tử Tấn, hiệu Chuyết Am, cũng là một văn nhân lớn. Về sự nghiệp văn chương, ông có tác phẩm Chuyết Am thi tập, một số bài phú; ông viết lời thông luận cho sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, và viết lời phê điểm cho bộ sách Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên. Rất tiếc, tác phẩm chính là Chuyết Am thi tập đã bị thất truyền, hiện chỉ còn một số bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục, và có 5 bài phú chép trong Quần hiền phú tập. Nhìn chung, không gian thơ của Lý Tử Tấn là một không gian nhẹ nhàng, trong tĩnh. Cái không gian như vậy chỉ có thể thấy trong thế giới tinh thần tĩnh tại Á Đông xưa: Hoa lựu nở trước sân, cỏ mọc bờ ao/ Lầu gác trên nước không bụi bặm, ngày hạ dài/ Lớp lớp rêu phong mưa đã rửa sạch… [Bài Ngày hạ]. Trong bài Đầu thu, người đọc gặp một thiên nhiên trong mát và quyến rũ với hương vị của đồng quê, của nắng gió, nước trời [tạm dịch]: Nắng hè êm dịu xế tường vôi/ Mềm mại chồi sen quạt gió trời/ Sắc lẫn màu thu trời gợn sóng/ Ánh lồng vẻ núi nước trong ngời/ Cua vàng gạch óng vào đăng sớm/ Phật thủ da xanh nở múi rồi…

Thơ trữ tình của Lý Tử Tấn có giọng điệu vừa thanh cao vừa sâu lắng, lại rất bình dị. Nhưng nói tới sự nghiệp văn chương của ông, phải nói tới phú, nhất là bài Xương Giang phú. Đây là một kiệt tác trong văn học Việt Nam, là tác phẩm đỉnh cao của tài hoa viết phú, ca ngợi chiến thắng lịch sử Xương Giang năm 1427. Chiến thắng này, cùng với chiến thắng Chi Lăng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh. Lý Tử Tấn dồn tất cả xúc cảm và niềm sảng khoái lịch sử, dồn hết tinh lực vào ngọn bút: Này xem/ Cồn cát đây đó/ Bãi lau rườm rà/  Ìm ào sóng vỗ/ Dồn dập nước sa…Bấy giờ/ Thần xui nên mưu chước/ Trời giúp bậc khoan nhân/ Sắp quân và kén tướng/ Đánh giặc để cứu dân… Có thể nói, tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đã nhập thành bút lực của Lý Tử Tấn. Lời phú của Lý Tử Tấn cuồn cuộn như nước xiết, cuốn sạch bóng giặc thù: Toán này xô nhau trở giáo/ Toán kia bỏ chạy cùng đoàn/ Xương chất thành núi/ Máu chảy đầy hang/ Bốn cõi mây mờ quét sạch/ Giữa trời ánh sáng huy hoàng…

Hầu như tất cả tài năng văn chương và tấm lòng yêu nước của Lý Tử Tấn đã thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất qua Xương Giang phú. Ông cũng tỏ rõ một tầm nhìn sáng suốt và sâu sắc, khẳng định sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt ta. Và khát vọng hòa bình, hạnh phúc cũng là tư tưởng trong văn chương Lý Tử Tấn:

Kéo dải sông Ngân rửa giáp binh
Sông này dài như dải áo, muôn thuở thanh bình…

Lý Tử Tấn qua đời năm 1457, thọ 80 tuổi, để lại cho đời những giá trị nhân bản sâu sắc, trong đó có những tác phẩm văn chương tiêu biểu cho văn học nước Việt ta thế kỷ XV. Đã hơn năm trăm năm trôi qua, Xương Giang Phú vẫn được người đời truyền tụng.

Video liên quan

Chủ Đề