Mai triều nguyên là ai


Cầm nhà làm... ông chủ

So với người đi trước là Viễn Thông A hay người đi sau là Thế giới Di động, chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại di động của Mai Nguyên chỉ là một con số nhỏ bé kiêm tốn với vỏn vẹn 4 cửa hàng.

Nhưng khi cần những chiếc điện thoại lạ và... siêu cấp, phần lớn khách hàng sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu này. “Không tiềm lực kinh tế, không nhà đầu tư sau lưng, nếu cạnh tranh bằng quy mô, có lẽ tôi đã không trụ được trên thương trường đến giờ phút này”, anh Triều Nguyên chia sẻ về chiến lược để mình có thể tồn tại và phát triển trong một thị trường bán lẻ điện thoại di động có khá nhiều “ông lớn” như vậy.

Tập tành kinh doanh từ thủa còn mài đũng quần trên ghế Đại học Mở TP.HCM, khởi đầu bằng việc bán các thiết bị tin học như đĩa CD, linh kiện máy tính... anh cũng không biết vì sao mình lại thích công nghệ nhưng lại nặng lòng với kinh doanh. Như thể đó cũng là một nhu cầu của chính mình.

Bỏ thời gian đi nhiều, quan sát nhiều để vừa học hỏi, vừa tìm cơ hội nên khi tìm được những người bạn cùng chí hướng, anh mạnh dạn liên kết để có thể bước ra thương trường.

Ba lần hùn hạp là ba lần anh mất trắng. “Bây giờ nhìn lại, mới thấy ngày đó mình nhiệt tình nhưng thiếu hẳn tầm nhìn, lại ít chịu nghe lời người lớn, chỉ thích làm điều mình nghĩ. Thất bại đến là tất yếu”, anh cười chia sẻ.

Cũng may thất bại liên tiếp không làm anh chùn bước. Trong lần hùn hạp cuối cùng, khi nhìn thấy bạn bè quyết định rũ bỏ, anh lại ngùn ngụt quyết tâm.

Về thuyết phục gia đình cho mượn giấy tờ nhà cầm cố để có vốn làm ăn, điều anh nhận được đầu tiên là sự lo lắng từ phía thân phụ. Kiên nhẫn trình bày con đường và ước mơ của mình, anh mới có được cái gật đầu.

Với số vốn này, vừa trả cổ phần cho bạn bè, vừa sửa chữa lại mặt bằng, cửa hàng điện thoại di động Mai Nguyên, một thương hiệu mới, ghi đậm dấu ấn và quyết tâm của ông chủ trẻ chính thức đi vào hoạt động.

Người đi tránh sóng

Trong khi thương mại điện tử còn là một khái niệm xa lạ thì anh mạnh dạn lập web, giới thiệu sản phẩm. Sẵn kiến thức về công nghệ có được từ giảng đường, anh còn cung cấp dịch vụ tải phần mềm, các ứng dụng cơ bản cho điện thoại... miễn phí cho khách hàng. Trong bối cảnh những cửa hàng kinh doanh điện thoại di động còn nhỏ lẻ, nhờ những giá trị cộng thêm này mà cửa hàng thu hút được lượng khách lớn.

Mai Nguyên vươn vai từ cửa hàng lên thành một công ty theo chiều phát triển của thị trường. Lúc này, từ một cửa hàng bán cả hàng xách tay lẫn chính hãng, anh chấp nhận co cụm chỉ bán hành chính hãng để có thể kinh doanh bài bản. “Đó là một quyết định khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhưng tôi nghĩ dễ dãi kinh doanh thì chỉ thể tồn tại trong thời gian ngắn”, anh chia sẻ.

Vượt qua đợt sút giảm khách hàng do chuyển đổi phương thức kinh doanh, Mai Nguyên “hồi sức” thì cũng là lúc thị trường điện thoại di động bước vào đợt bùng phát. Những cái tên như Thế giới Di động, Phước Lập, Viễn Thông A... bành trướng với tốc độ phát triển cửa hàng mới chóng mặt.

Điều này dẫn đến một thực tế là các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ gần như “chết” hẳn. “Biết không thể theo nổi cuộc đua này, tôi phải chọn con đường riêng là... tránh gió to, sóng lớn”, Triều Nguyên nói.

Tự thiết kệ bộ nhận diện thương hiệu cho mình, anh quyết định chọn cho Mai Nguyên bộ mặt sang trọng, cao cấp để tách mình khỏi số đông. Tổ chức cửa hàng bài bản, kinh doanh tốt, Mai Nguyên trở thành đại lý ủy quyền trực tiếp cho các thương hiệu Samsung, Nokia, HTC, Sony Ericsson, nhà phân phối FPT... và cả những thương hiệu cao cấp như Mobiado, Porsche Design, Bellperre.

Anh cho biết, định hình ở khu vực cao cấp nên những sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng gia công ở Trung Quốc anh đều phải từ chối. “Khách hàng đến với Mai Nguyên là những đối tượng chọn lọc, nếu ôm đồn, chạy theo số đông, tôi khó mà giữ chân được họ.

Tôi bán tất cả những dòng hàng, nhưng đó phải là hàng của các thương hiệu toàn cầu, có chất lượng”, ông chủ hệ thống đúc kết kinh nghiệm.

Chọn sâu, bỏ rộng

Đam mê công nghệ, nên Facebook của Mai Triều Nguyên anh thường “chiêu đãi” bạn bè mình những bữa tiệc công nghệ nóng sốt bằng những bài viết, hình ảnh “đập hộp” những sản phẩm mới nhất trên thị trường thế giới. Nắm được tâm lý khách hàng, anh buộc mình phải quyết định nhanh.

Sản phẩm mới, về đến Việt Nam là có mặt ngay trên hệ thống của Mai Nguyên, nhanh hơn các đơn vị bán lẻ khác từ 2 đến 3 ngày. Đây cũng chính là điều khiến Mai Nguyên trở nên khác biệt.

Trước thềm năm mới, ai cũng hào hứng với kế hoạch phát triển kinh doanh của mình, riêng với Triều Nguyên, anh bảo, mình sẽ dừng lại ở con số 4 cửa hàng, thay vì sắm thuyền to để vơ tất cả cá thì chỉ sắm ca-nô để chọn cá mà câu.

Không phải vì thiếu vốn mà vì một lần nữa, anh muốn đi theo con đường riêng của mình. “Tôi sẽ phát triển theo chiều sâu, tập trung đầu tư mang đến cho khách hàng nhưng dịch vụ, chế độ chăm sóc tốt nhất. Trong bối cảnh này, kinh doanh sự thuận tiện nhằm thỏa mãn khách hàng vẫn tốt hơn là chiều rộng”, anh khẳng định.

Theo ĐẶNG QUÝ YÊN

Doanh nhân Sài Gòn

08:41 - 16/11/2016

Bỏ phố lên tỉnh, chính xác là Sài Gòn, Mai Triều Nguyên đi học đại học nhưng không chịu thi tốt nghiệp, nên chẳng có tấm bằng lận lưng.

“Làm giám đốc mà chẳng chịu sắm ghế”, thời gian làm việc chính thức của Nguyên, từ duyệt đơn hàng cho đến duyệt bài đưa lên website, bắt đầu từ 10 giờ đêm cho đến 2 – 3 giờ sáng hôm sau. Ảnh chụp Mai Triều Nguyên lúc 0 giờ 15 phút ngày 12/11/2016.

Trải qua bao bước thăng trầm, giờ Nguyên đã là giám đốc của một chuỗi cửa hàng điện thoại xịn – Mai Nguyên. Nhưng làm giám đốc mà chẳng chịu sắm ghế!

Sài Gòn đã bước sang ngày mới. Se se lạnh. Mai Triều Nguyên ghé vào một trung tâm SES trên đường Nguyễn Du [quận 1] kiểm tra tiến độ, chuẩn bị khai trương trong vài ngày nữa. Từ khi chuẩn bị mô hình này, đêm nào cũng lang thang ở ngoài gần sáng mới về…

Hẹn gặp Nguyên, anh bảo: “10 giờ tối, mình gặp nhau. Lúc đó nói chuyện dễ hơn”! Thế là gặp.

Lúc trầm, lúc bổng… Nguyên kể về hành trình 19 năm lập nghiệp của mình. Nguyên thừa nhận, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã biết chấp nhận ba lần thất bại với nhiều cay đắng tưởng chừng không còn sức để bước tiếp!

Nhà quê lên xì-phố

18 tuổi, giã từ mảnh đất Cam Ranh, Mai Triều Nguyên lóc cóc vào Sài Gòn thi và đậu vào đại học Mở – bán công, ngành công nghệ thông tin. Gia đình Nguyên có năm người con thì cả năm, cứ hết tú tài, đều chọn Sài Gòn để học. Với Nguyên, mảnh đất này không chỉ để học mà còn là cơ hội tiến thân cho bằng những người con của… cậu!

Nguyên kể, những ngày tháng 4 của năm 1975, từ Phú Yên, cả dòng họ trôi dần vào phương nam. Đến Cam Ranh, gia đình Nguyên dừng lại. Còn hai ông cậu, chạy tiếp vào Sài Gòn.

Khi cậu con út Mai Triều Nguyên vào Sài Gòn, cũng là lúc cha mẹ bán gia sản ở quê, vào Tân Bình mua căn nhà cấp 4 với diện tích 50m2 cho cả bảy người sinh sống.

Còn chút vốn, mẹ Nguyên sang lại sạp bán tạp hoá ở chợ Bàu Cát. Vừa đi học, mỗi tuần vài bận, anh chạy xuống Chợ Lớn lấy hàng cho mẹ.

Tưởng chừng cuộc đời của Mai Triều Nguyên sẽ trôi theo lẽ thường: sau khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng xin việc ở một công ty về công nghệ thông tin nào đó, rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái…

Nguyên thừa nhận, chuyện học không đến nỗi nào, môn nào cũng qua. Nhưng đến gần hết năm 3, anh lại chán học, bắt đầu nghĩ đến chuyện đi kiếm tiền.

“Ở quê, nhà tôi không đến nỗi tệ. Nhưng khi vào Sài Gòn thì thuộc diện xoá đói giảm nghèo! Quyết phải làm điều gì đó để kiếm tiền cho bản thân, cho cha mẹ”, Nguyên nhớ lại.

Hai keo thua, vẫn bày keo khác

Năm 1997, sẵn có người bạn học, tên là Vũ cũng cùng chung “chí hướng” làm ăn, đôi bạn trẻ 21 tuổi hùn vốn mở ra cửa hàng máy tính có tên là Triều Vũ.

Ban đầu cửa hàng đóng ở Bàu Cát, sau dời xuống chợ Hoà Hưng. Cửa hàng máy tính lúc đó chủ yếu là chép đĩa CD, dạy kèm máy vi tính, sửa chữa vặt, bán linh kiện, cài đặt phần mềm chống virút, mở phòng game…

Năm 2001, “có người anh nói về chuyện kinh doanh điện thoại di động nghe bắt ham”. Vậy là Nguyên rủ thêm mấy người bạn mở thêm cửa hàng điện thoại di động tại 310 Hoàng Văn Thụ [Tân Bình] với số vốn 70 triệu đồng.

Cửa hàng bán đủ thứ, cũng có khách mua, tưởng chừng có lãi nhưng vì không biết cách quản lý, hàng hoá thất thoát. Vậy là lỗ.

Nhưng chưa chịu thua! Cũng năm 2001, cả nhóm rủ nhau dời địa chỉ về quận 1. Cửa hàng mới khang trang hơn, “cơ chế” kiểm soát bài bản, có thêm mặt hàng máy tính… Nhưng chưa đầy sáu tháng sau lại “chết”! Lại lỗ! Lần này lỗ quá nặng. Mỗi người bay mất 50 triệu đồng.

“Coi như trắng tay. Bao nhiêu tiền gom góp bốn năm qua đã mất sạch. Tiền không có. Bằng đại học không có. Lấy gì đi xin việc. Đây là thời kỳ khủng hoảng nhất. Bao nhiêu nỗi sợ tràn về”, Nguyên hồi tưởng câu chuyện của 15 năm trước.

Nhưng anh không chịu thua. Nguyên “đánh ván bài cuối” bằng cách năn nỉ cha mẹ, mượn giấy tờ nhà đi vay 300 triệu đồng để có tiền thối lại cho các cổ đông. Còn dư 100 triệu, gọi là vốn làm ăn.

Một mình

Tháng 4/2002, Nguyên chính thức tách ra làm ăn một mình với tên gọi Mai Nguyên Mobile, ngành nghề chính là buôn bán điện thoại xách tay, bán thẻ cào cho dịch vụ VoiP, thẻ cào điện thoại…

Lúc đó, làm gì có vốn để mua hàng thiệt, toàn là hàng mô hình. Khách muốn mua, chờ vài chục phút để nhân viên cửa hàng gọi người giao hàng. Thời đó, Nguyên kể, “ai cũng làm kiểu này”.

Anh bảo, thành công ban đầu của anh là nhờ… Sài Gòn Tiếp Thị. Lúc đó tờ báo cho khách hàng quảng cáo miễn phí dưới 30 chữ. Mỗi khi báo ra, anh mua mấy tờ để dành cắt ô quảng cáo miễn phí. Nhờ những mẩu quảng cáo này mà nhiều khách hàng biết đến Mai Nguyên để cài đặt game, hình ảnh… cho chiếc điện thoại di động.

Từ mô hình quảng cáo của báo Sài Gòn Tiếp Thị [bộ cũ, nay là Thế Giới Tiếp Thị], mà năm 2003, Nguyên cho ra đời trang web chuyên về quảng cáo rao vặt điện thoại di động, nếu có nộp phí từ 30.000 – 50.000 đồng/tháng thì cho hiện ra trang chủ, lại có treo chữ VIP. Nhiều khách hàng khoái, ùn ùn kéo đến đăng quảng cáo. Sau đó, Nguyên đầu tư để làm trang web mua bán điện thoại di động.

Cũng trong năm này, anh bắt đầu nghiên cứu về hệ điều hành dành cho điện thoại di động, bắt đầu là hệ điều hành Symbian, sau đó là Windows với các dòng O2 để tải hình nền, ứng dụng, game, nhạc… với mức giá thấp nhất là 3.000 đồng/lần cài đặt. Từ một cửa hàng, Mai Nguyên mở thêm hai cửa hàng. Cả ba cửa hàng đều có cùng con số 117 ở ba quận khác nhau.

Năm 2008, Mai Nguyên chuyển sang mô hình bán hàng cao cấp với những chiếc điện thoại hàng trăm triệu đồng của Mobiado, Vertu nguyên “seal” và cả Vertu secon-hand. Nguyên kể rằng, lúc đó, chứng khoán và nhà đất đang hưng nên điện thoại cao cấp bán chạy. Có ngày anh bán cho một đại gia bất động sản bốn chiếc Mobiado với tổng giá trị 400 triệu đồng!

Năm 2013, Nguyên mở thêm một trung tâm ở Võ Thị Sáu ưu ái cho những sản phẩm nghe nhìn. Ban đầu cũng có nhiều nhà bán lẻ đi theo cách làm này nhưng đây là mô hình đặc thù, ít khách hàng nên từ từ nhiều nhà bán lẻ bỏ chạy.

“Hiện chỉ còn Mai Nguyên. Hiếm thấy cửa hàng nào dám bán máy nghe nhạc Walkman của Sony với giá 70 triệu đồng. Mình có khách hàng riêng. Hễ có hàng mới là gọi điện nói cho họ biết. Nhờ vậy mà sống được”, Nguyên xác nhận.

Ba Nguyên mất cách đây mấy năm. Mẹ bây giờ lớn tuổi nên quay về Cam Ranh vì thích không khí đồng quê hơn cái ồn ào của Sài Gòn.

Nhưng nỗi ám ảnh trong anh là sẽ “không bao giờ” đem về tấm bằng đại học cho ba mẹ nhìn thấy! Nguyên thú nhận mình mới chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình đại học, chứ chưa có bằng.

“Cho đến bây giờ, có nhiều đêm tôi vẫn còn nằm mơ mình đang thi tốt nghiệp đại học! Tôi đã phụ lòng cha mẹ, được cho ăn học đàng hoàng mà không đem nổi tấm bằng đại học về nhà”, giọng Nguyên ngậm ngùi.

Lý do, Nguyên bảo, không phải vì học dở, nợ môn nào mà là không còn hứng thú để thi tốt nghiệp. Hồi đó, quyết định bỏ thi thì thấy nhẹ lắm, chỉ sau này mới lo. Không có bằng đại học, làm sao xin việc đàng hoàng, may lắm là chân công nhân hoặc phụ việc.

“Để chuộc tội với gia đình vì không có tấm bằng đại học, tôi chọn con đường kinh doanh. Nếu thành đạt sẽ là phần an ủi cho “tội lỗi” đó, còn nếu thất bại…, tôi chẳng biết nữa. May mà, tôi đã kiếm được tiền cho mình, phụng dưỡng cha mẹ. Sau này, thấy tôi chí thú làm ăn, không còn ai trong gia đình nhắc đến chuyện cũ”, Nguyên nói.

Giám đốc không ghế

Nguyên nói rằng, dù có nhiều cửa hàng lớn, có không gian rộng rãi nhưng đến giờ này, sau 13 năm thành lập Mai Nguyên, chưa hề có phòng riêng, ghế riêng dành cho giám đốc!

Nguyên nói rằng, quán càphê 42 ở Hồ Con Rùa, quận 1 là “phòng giám đốc” của anh. Ở đây, anh tiếp đón từ ông chủ các hãng cho đến giám đốc ngành hàng, giám đốc kinh doanh, nhà báo, bạn bè và cả nhân viên.

Nguyên cười: “Mai Nguyên hiện có tám trung tâm, trong đó có hai trung tâm liên kết với Samsung Việt Nam với 80 nhân viên làm việc, nhưng 13 năm qua chưa một lần nào họp nhân viên công ty. Cần điều gì, cứ chat hoặc gọi điện hay nhắn tin cho các trưởng bộ phận để họ truyền đạt”.

Thời gian làm việc chính thức của Nguyên, từ duyệt đơn hàng cho đến duyệt bài đưa lên website, bắt đầu từ 10 giờ đêm cho đến 2 – 3 giờ sáng hôm sau. Sau đó anh được quyền ngủ đến 9 – 10 giờ. Có vẻ trái khoáy với nhiều ông chủ khác về thời gian sinh hoạt.

Kể cả trong kinh doanh, Nguyên cũng làm theo cách triêng của mình. Trong khi thiên hạ tập trung tiền bạc để phát triển chuỗi thì Nguyên ưu tiên vốn để tìm những nguồn hàng mới. Nguyên hứa rằng, ở IFA hay CES, nếu hãng có những mặt hàng công nghệ mới, bao nhiêu cũng “bợ” về cửa hàng của mình.

Nguyên chia sẻ chiến lược kinh doanh phải dựa trên ba yếu tố: đam mê, phát triển công nghệ và nhu cầu thực tế của thị trường.

“Mô hình cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Samsung [gọi tắt là SES] là một điển hình. Năm nay tôi đâu có tính mở thêm cửa hàng mới nhưng bên Samsung gọi, thấy đáp ứng ba tiêu chí trên là làm”, Nguyên nói.

bài, ảnh Trọng Hiền
Theo TGTT

Video liên quan

Chủ Đề