Nguyên nhân chủ yếu gây sốc phản vệ

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng người bệnh trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Các phản ứng phản vệ có thể xảy ra ngay lập tức, nếu không được điều trị, nó có thể gây tử vong trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Nguyên nhân chủ yếu gây sốc phản vệ

Các phản ứng phản vệ phổ biến nhất là thực phẩm, nọc côn trùng, thuốc, latex. Sốc phản vệ đòi hỏi phải can thiệp y tế ngay lập tức, bao gồm tiêm epinephrine ngay lập tức và đến phòng cấp cứu tại bệnh viện.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị sốc phản vệ. Nếu bạn bị dị ứng hoặc hen phế quản và có tiền sử gia đình bị sốc phản vệ, nguy cơ của bạn bị sốc phản vệ sẽ cao hơn. Và, nếu bạn có tiền sử bị sốc phản vệ, nguy cơ bị phản ứng phản vệ khác sẽ tăng lên. Một số loại thuốc sử dụng đồng thời như thuốc chẹn beta-adrenergic và thuốc chẹn thụ thể angiotensin cũng có thể làm tăng nguy cơ của sốc phản vệ, làm cho tình trạng sốc phản vệ nặng nề hơn.

1. Dịch tễ

Các nghiên cứu đã ước tính tỷ lệ sốc phản vệ từ 0,05 đến 2% dân số, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thực tế không rõ ràng. Tỷ lệ sốc phản vệ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ sốc phản vệ tại Đức 4,5/100.000 dân/năm, Anh 12/100.000 dân/năm, Mỹ: nghiên cứu của Sangil Lee và cộng sự từ năng 2001-2010, tỷ lệ sốc phản vệ là 7,5/100.000 dân/năm

2. Phân loại

   – Phản vệ một pha: triệu chứng hồi phục trong vòng vài giờ.

   – Phản vệ hai pha: 20%, triệu chứng hồi phục và sau 1-72 h xuất hiện phản vệ pha hai (thường 1-3 giờ).

   – Phản vệ kéo dài: triệu chứng không hồi phục và kéo dài > 24h.

3. Dấu hiệu sớm

   – Phát ban da và ngứa và nổi mề đay.

   – Sưng môi, lưỡi hoặc cổ họng, cảm giác tắc nghẽn ở cổ họng

   – Khó thở, thở khò khè

   – Mạch nhanh và yếu

   – Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy

   – Chóng mặt hoặc ngất xỉu.

4. Nguyên nhân và cơ chế  phản vệ

Cơ chế miễn dịch

Qua trung gian IgE 

   – Thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, latex, huyết thanh,….

   – Thuốc: là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sốc phản vệ. Tất cả các dạng bào chế của thuốc đều có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ. Đặc biệt các thuốc đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Hầu hết các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho bệnh nhân, thường gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, thuốc giãn cơ, chống viêm giảm đau, cản quang, gây tê, gây mê.

Không qua trung gian IgE

   – Thuốc cản quang, thuốc (NSAID), dung dịch cao phân tử, tác nhân sinh học,…

Không liên quan đến cơ chế miễn dịch

   – Hoạt động gắng sức, nóng, lạnh, rượu bia, 1 số loại thuốc.

Tự phát

5. Chẩn đoán 

Tiêu chuẩn 1

Tổn thương da và/hoặc tổn thương niêm mạc (nổi mề đay, ngứa hoặc hồng ban, phù nề môi hoặc phù nề lưỡi-lưỡi gà) cùng với ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

   – Bất thường về hô hấp (khó thở, co thắt phế quản, thở rít, giảm lưu lượng đỉnh, hạ oxy máu)

   – Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc rối loạn chức năng cơ quan (giảm trương lực, ngất hoặc tiểu không tự chủ)

Tiêu chuẩn 2

Xuất hiện đột ngột hai hoặc nhiều hơn các biểu hiện dưới đây khi người bệnh tiếp xúc với yếu tố giống như dị nguyên hoặc các yếu tố kích phát

   – Tổn thương da và/hoặc tổn thương niêm mạc

   – Hệ hô hấp

   – Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc rối loạn chức năng cơ quan

   – Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa)

Tiêu chuẩn 3

Tụt huyết áp xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên đã được biết đối với người bệnh

– Giảm huyết áp tâm thu <90 mmHg hoặc giảm hơn 30% so với huyết áp nền ở người lớn

– Trẻ em: giảm huyết áp tâm thu giảm >30% so với huyết áp trung bình của độ tuổi tương ứng

6. Phân loại mức độ nặng

Nhẹ : Ban đỏ, mày đay, Phù mạch (phù Quincke)

Trung bình: Khó thở, tím, khò khè, buồn nôn và nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, phù nề họng miệng, đau bụng

Nặng: Tím tái, SaO2 < 92%,huyết áp tâm thu < 90 mmHg, rối loạn ý thức, ngất, đại tiểu tiện mất tự chủ

Nguy kịch: Rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, đại và tiểu tiện không tự chủ, ngừng tim, ngừng thở có thể tử vong nhanh chóng trong vòng vài phút nếu không được xử trí kịp thời

Chính vì tính chất cấp tính và diễn biến nhanh chóng của sốc phản vệ nên việc xác định và tiến hành xử trí cần được thực hiện ngay lập tức, việc nắm rõ chẩn đoán và đánh giá được mức độ nặng của sốc phản vệ luôn luôn là điều cần thiết đối với mỗi nhân viên y tế và nguồn nhân lực sơ cứu ban đầu.

(Bộ môn Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng)