Tại sao cắt rốn 1 thì

Nội dung chínhLà khi trẻ sinh ra, chúng ta không kẹp, cắt cuống rốn liền, mà đợi một thời gian ( tối thiểu 30 – 60 giây – theo Hội đồng sản phụ hoa kỳ; 1 – 3 phút theo WHO), hoặc khi thấy cuống rốn ngừng đập hẳn, thì mới kẹp và cắt cuống rốn, tách bé ra khỏi mẹ.

Tại sao nên kẹp cuống rốn chậm?

Vì hiện nay, có bằng chứng cho thấy thực hành này mang lại nhiều lợi ích cho bé.

  1. Kẹp cuống rốn chậm có thời gian cho máu từ nhau thai chảy thêm vào người trẻ. Nếu đợi 1 phút, trẻ nhận thêm được khoảng 80 ml máu. Nếu đợi 3 phút, trẻ nhận được khoảng 100ml. Lượng máu thêm vào này giúp tăng thế tích máu, và làm tăng trữ lượng sắt trong người trẻ.
  2. Máu từ nhau thai còn giàu các kháng thể immunoglobulin, và các tế bào gốc, vì vậy cũng có thể giúp cải thiện việc phục hồi sữa chữa các cơ quan về sau – Tuy nhiên, tác dụng này chưa có bằng chứng rõ ràng.
  3. Đối với trẻ sinh đủ tháng, nghiên cứu cho thấy phương pháp này giúp trẻ có nhiều máu hơn, nhiều sắt hơn, và vì vậy, giúp phòng ngừa, giảm nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt trong năm đầu đời của trẻ.
  4. Đối với trẻ sinh non tháng, nghiên cứu cho thấy, phương pháp này giúp giảm nguy cơ huyết áp thấp, giảm nhu cầu cần truyền máu, và đặc biệt, giúp giảm đáng kể nguy cơ xuất huyết trong não thất ở dân số này.
  5. Một số bằng chứng còn cho thấy có giảm nhu cầu hỗ trợ hô hấp, cũng như giảm nguy cơ các bệnh viêm nhiễm máu, đường ruột trong thời gian nằm viện.

Đối với mẹ, phương pháp này thật ra không cho thấy bằng chứng có ích cho mẹ, nhưng cũng không làm tăng nguy cơ chảy máu sau sinh.

Bất lợi của kẹp cuống rốn chậm?

Khi trẻ được nhận một thể tích máu thêm bằng phương pháp này, trẻ tăng hồng cầu (các tế bào máu đỏ). Các tế bào hồng cầu trong người trẻ, trong giai đoạn đầu sau sinh, sẽ bị phá hủy để thay thế bằng các tế bào hồng cầu trưởng thành hơn, như một sinh lý bình thường, nhưng lại tạo nên Bilirubin, gây vàng da cho trẻ. Hồng cầu càng nhiều, bilirubin có thể càng cao, làm tăng nguy cơ bị vàng da nhiều, cần phải được theo dõi và xem xét can thiệp bằng việc chiếu đèn. Vì vậy, dân số trẻ dùng phương pháp kẹp cuống rốn chậm, có tăng khả năng bị vàng da cần can thiệp sau sinh.

Khi nào nên dùng và không nên dùng phương pháp này?

Với những lợi ích kể trên, hiện nay, khuyến cáo phương pháp này nên được thực hiện ở tất cả mọi trường hợp, nếu điều kiện cho phép. Ngay cả ở mẹ bị nhiễm HIV, lợi ích của phương pháp này cho thấy “nặng đô” hơn nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nên vẫn được khuyến khích thực hành.

Xem thêm bài viết Bài 27 – Làm gì khi phát hiện nhiễm HIV khi có thai?

Những trường hợp đặc biệt mà các bác sĩ có thể tự đánh giá, quyết định nên dùng phương pháp này hay không, là khi việc chờ đợi 1 phút trở lên có thể ảnh hưởng đến tính mạng và xử trí hồi sức cho mẹ hoặc con. Ví dụ như khi mẹ bị xuất huyết ồ ạt sau sinh, hoặc khi trẻ sinh ra có tình trạng không ổn định, ngạt, thiếu oxy, nhịp tim rời rạc, cần hồi sức cấp cứu ngay lập tức….Lúc này, thì gia đình không có quyền lựa chọn nữa, vì cần ưu tiên cứu người.

Nếu muốn lấy tế bào máu cuống rốn để trữ thì có thể làm phương pháp kẹp cuống rốn chậm hay không?

Đây là câu hỏi của nhiều mẹ.

Câu trả lời là CÓ!

Bạn có thể vừa làm phương pháp kẹp cuống rốn chậm, vừa có thể lấy tế bào máu cuống rốn để trữ sau đó, và hai phương pháp này không ảnh hưởng gì nhau.

Chúng ta chỉ cần 25% máu cuống rốn để dùng trữ tế bào gốc. Nếu ta đợi 3 phút rồi kẹp cuốn rốn, thì chỉ có 50% máu cuống rốn đi vào người trẻ, 50% vẫn còn lại trong cuống rốn. Vì vậy, sau khi làm phương pháp kẹp cuống rốn chậm, vẫn còn dư, đủ tế bào máu cuống rốn để trữ đông theo mong muốn.

Vì vậy, thảo luận với bác sĩ, và với dịch vụ lấy trữ máu cuống rốn, để bạn có thể chuẩn bị tâm lý, và sẵn sàng lâm trận!

Tài liệu tham khảo

  1. Committee Opinion: Timing of Umbilical cord clamping after birth; The American College of Obstetricians and Gynecologists; Number 543, December 2012 (Reaffirmed 2014).
  2. WHO Guideline: Delayed umbilical cord clamping for improved maternal and infant health and nutrition outcomes.; 2014.
  3. Frequently Asked questions; Cord Blood Banking website; America.
  4. Dealyed Cord Clamping; New England Cord BLood Bank website.
  5. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/292637171123345