Tại sao chỉ nhóm obombay truyền máu cho o bombay

          Truyền máu là một biện pháp điều trị đặc biệt mà chưa biện pháp nào có thể thay thế được mặc dù khoa học và y học đã có những bước phát triển vượt bậc.

          Để đảm bảo truyền máu an toàn, một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên là xác định chính xác nhóm máu người cho và người nhận. Cho đến nay, đã có khoảng gần 40 hệ thống nhóm máu được công nhận, nhưng 2 hệ thống nhóm máu đóng vai trò quan trọng nhất là ABO và Rh.

           Trong quân đội của nhiều quốc gia, quân nhân luôn có tấm biển ghi nhóm máu (ABO và Rh) gắn trên vai hoặc ngực áo quân phục dã chiến, hoặc nhóm máu được in trong chứng minh thư để thuận tiện cho việc cấp cứu trên chiến trường.

           Bên cạnh đó, hiểu biết về nhóm máu ABO và Rh còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác như ghép tạng, sản khoa, …v.v.

1. Lịch sử phát hiện hệ thống nhóm máu ABO

          Từ năm 1616, sau khi William Harvey tìm ra hệ tuần hoàn của máu trong cơ thể, đã có nhiều cố gắng tiến hành truyền máu người hoặc động vật vào mạch máu để chữa bệnh nhưng kết quả của những thử nghiệm truyền máu này thường dẫn tới tử vong mà không rõ nguyên nhân.

           Cuối thế kỉ 19, người ta quan sát thấy rằng hồng cầu người này đôi khi bị ngưng kết bởi huyết thanh của những người khác, nhưng lúc đó các nhà khoa học thường tập trung nghiên cứu các kháng thể chống vi khuẩn và cho rằng các kháng thể gây ngưng kết hồng cầu được tạo ra để đáp ứng lại các nhiễm khuẩn.

            Năm 1900, Karl Landsteiner, một bác sĩ làm việc tại Viện giải phẫu bệnh lý của Trường Đại học Vienna – nước Áo, đã tiến hành một loạt thí nghiệm sử dụng huyết thanh và hồng cầu của những người khỏe mạnh thì những khác biệt giữa máu của những người khoẻ mạnh mới được làm rõ. Khi thực hiện hoà trộn huyết thanh của người này với hồng cầu của người khác, Karl Lansteiner thấy rằng có những trường hợp hồng cầu của người này bị ngưng kết bởi huyết thanh của người khác, có những trường hợp hồng cầu của người này không bị ngưng kết bởi huyết thanh người khác. Qua sự phân tích hiện tượng ngưng kết giữa hồng cầu của người này và huyết thanh của người người khác, ông nêu lên 3 nhóm hồng cầu:

– Nhóm A: trên hồng cầu có kháng nguyên A, bị ngưng kết bởi kháng thể chống A.

– Nhóm B: trên hồng cầu có kháng nguyên B, bị ngưng kết bởi kháng thể chống B.

– Nhóm O: trên hồng cầu không có kháng nguyên A, không có kháng nguyên B và không bị ngưng kết bởi kháng thể chống A và kháng thể chống B.

           Năm 1902, Decastello và Sturli phát hiện nhóm máu thứ tư – nhóm AB có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B trên hồng cầu, bị ngưng kết với cả kháng thể chống A và kháng thể chống B.

2. Đặc điểm của hệ thống nhóm máu ABO

           – Mỗi nhóm máu của hệ ABO được xác định bởi sự có mặt và vắng mặt của các kháng nguyên A và B trên bề mặt của hồng cầu. Tên của nhóm máu hệ ABO được gọi theo tên kháng nguyên có mặt trên bề mặt hồng cầu.

           – Ở người bình thường, trong huyết thanh có kháng thể tự nhiên chống loại kháng nguyên vắng mặt trên hồng cầu của cá thể đó. Cụ thể:

           + Người nhóm máu A có kháng thể chống B.      

           + Người nhóm máu B có kháng thể chống A.

           + Người nhóm máu O có cả hai kháng thể chống A và kháng thể chống B.

           + Người nhóm máu AB không có cả hai kháng thể chống A và chống B.

           Các đặc điểm trên và tỷ lệ các nhóm máu hệ ABO ở người da trắng và người Việt Nam được thể hiện ở bảng sau (Bảng 1).

           Bảng 1: Đặc điểm các nhóm máu hệ ABO và tỷ lệ các nhóm máu.

Nhóm Kháng nguyên trên hồng cầu Kháng thể           trong huyết thanh Tỷ lệ các nhóm máu
Người da trắng Việt Nam
A A Chống B 41% 21,5%
B B Chống A 10% 29%
O Không có Chống A và chống B 45% 45%
AB A và B Không có 4% 4,5%

           Dựa vào các đặc điểm trên, người ta thực hiện hai phương pháp để xác định nhóm máu ABO, đó là:

           – Phương pháp huyết thanh mẫu (phương pháp Beth Vincent): dùng huyết thanh mẫu mang kháng thể đặc hiệu đã biết để xác định kháng nguyên có mặt trên hồng cầu.

           – Phương pháp hồng cầu mẫu (phương pháp Simonin): dùng hồng cầu mẫu đã biết kháng nguyên để phát hiện kháng thể trong huyết thanh.

           Hai phương pháp này được tiến hành song song để xác định chính xác nhóm máu hệ ABO.

3. Kháng nguyên của hệ thống nhóm máu ABO

            Bao gồm các kháng nguyên A, B và H. Các kháng nguyên này bắt đầu hiện diện ở phôi thai 37 ngày tuổi, thể hiện đầy đủ khi cơ thể 3 tuổi và ổn định suốt đời.

           Các kháng nguyên A, B và H không chỉ có mặt ở trên màng hồng cầu mà còn hiện diện ở hầu khắp các tế bào và mô trong cơ thể như: tiểu cầu, bạch cầu, biểu bì, tinh trùng, tế bào nội mô mạch máu, tế bào tuỵ tạng, tế bào ống tiêu hoá,…Những tế bào và tổ chức không có kháng nguyên ABH là: tế bào thần kinh, xương , võng mạc…v.v.

3.1. Cấu trúc hoá học của các kháng nguyên A, B và H

           Cấu trúc cơ bản của các kháng nguyên này là một chuỗi glycoprotein gắn trên màng tế bào hồng cầu, đầu tự do của phân tử glycoprotein có gắn các gốc đường monosacharide và tính đặc hiệu của các kháng nguyên là do các gốc đường này quyết định.

           Chất tiền thân của kháng nguyên A và kháng nguyên B là kháng nguyên H. Kháng nguyên H là một chuỗi glycoprotein có gốc đường tận là L – Fucose. 

           Kháng nguyên A được tạo nên do kháng nguyên H được gắn thêm vào đầu tự do gốc đường N – Acetyl D – Galactosamine.

           Kháng nguyên B được tạo nên do kháng nguyên H được gắn thêm vào đầu tự do gốc đường D – Galactose.

Tại sao chỉ nhóm obombay truyền máu cho o bombay

3.2. Sự tạo thành các kháng nguyên A, B và H

           Các kháng nguyên của hệ thống nhóm máu ABO là sản phẩm của sự tương tác của gen ABO nằm trên nhiễm sắc thể số 9 với gen H trên nhiễm sắc thể 19.

           Điểm đặc biệt là các gen ABO không trực tiếp mã hoá cho sự tổng hợp các kháng nguyên nhóm máu, thay vào đó, chúng qui định việc sản xuất ra các enzyme glycosyltransferase đặc hiệu, các enzyme này sẽ thực hiện thêm vào tiền chất trên màng hồng cầu (kháng nguyên H) các gốc đường và tạo ra các kháng nguyên.       

           Hầu hết cá thể người có gen H nên màng hồng cầu đã có sẵn chất H.

           Nếu một cá thể có gen A thì gen này sẽ mã hoá cho sự sản xuất ra enzyme N-acetylgalactosaminyltransferase, enzyme này thực hiện chuyển gốc đường N-Acetyl-D-Galactosamine từ một nucleotide cho là uridine diphosphate-N-Acetyl-D-galactose và gắn gốc N-Acetyl-D-Galactosamine này vào đầu tận của chất H tạo nên kháng nguyên A.

           Nếu một cá thể có gen B thì gen này lại mã hoá cho sự sản xuất ra enzyme D-galactosyltransferase và enzyme này sẽ chuyển gốc đường D-galactose từ nucleotide cho là uridine diphosphate galactose và gắn D–Galactose vào đầu tận của chất H tạo nên kháng nguyên B.

           Vì gen O không mã hoá cho một enzyme nào nên không làm thay đổi kháng nguyên H.

           Như vậy, điều kiện cần của việc tạo ra các kháng nguyên A và B của hệ nhóm máu ABO là trên màng hồng cầu phải có sẵn chất H, tức là cá thể đó phải có gen H. Nếu cơ thể nào không có gen H, khi đó chất H không được tạo ra thì dù cơ thể đó có gen A hay gen B hoặc cả hai thì cũng không tạo ra được kháng nguyên A và B trên hồng cầu.

3.3. Kháng nguyên H và nhóm máu Bombay

           – Nhóm O không có kháng nguyên A và B trên bề mặt của hồng cầu, nhưng trong thực tế, có nhiều chất ở động vật và thực vật làm ngưng kết hồng cầu nhóm O, kháng nguyên gây ngưng kết là kháng nguyên H.

           – Đến nay, người ta biết rằng kháng nguyên H là tiền thân của kháng nguyên A và B. Sự có mặt của kháng nguyên H là do hệ gen Hh, đó là một hệ thống gen độc lập với ABO. Người nhóm O có gen H nên có kháng nguyên H, nhưng không có gen A và gen B nên không chuyển chất H thành kháng nguyên A và B được.

           – Năm 1952, Bhende đã phát hiện tại thành phố Bombay của Ấn Độ những người có nhóm máu lạ: hồng cầu của họ không bị ngưng kết với các kháng thể chống A, B và H nhưng trong huyết thanh lại có ba loại kháng thể chống A, chống B và chống H làm ngưng kết hồng cầu tất cả các nhóm kể cả nhóm O. Nhóm máu lạ này được gọi là nhóm Bombay (Oh). Phân tích di truyền cho thấy người nhóm Bombay có kiểu gen hh.

4. Kháng thể của hệ thống nhóm máu ABO

4.1. Kháng thể tự nhiên

           Đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống nhóm máu ABO là sự có mặt của các kháng thể tự nhiên chống các kháng nguyên vắng mặt trên hồng cầu. Cụ thể là:

           – Người nhóm máu B có kháng thể chống A.

           – Người nhóm máu A có kháng thể chống B.

           – Người nhóm máu O có cả hai kháng thể chống A và chống B.

           – Người nhóm máu AB không có cả hai kháng thể chống A và chống B.

           Ngoài ra:

           – Người nhóm máu Bombay có 3 kháng thể chống A, chống B và chống H.

           – Người nhóm máu A2 và A2B có thể có kháng thể chống hồng cầu A1.

Đó là các kháng thể tự nhiên, tức là khi sinh ra đã thấy có. Cho tới nay người ta vẫn chưa xác định được một cách chính xác cơ chế có mặt của các kháng thể này trong cơ thể. Có giả thuyết cho rằng, trong tự nhiên có nhiều chất mang các kháng nguyên A, B, H (như màng vi khuẩn, các loại thức ăn …) và xâm nhập vào cơ thể từ những ngày đầu của bào thai khiến cơ thể tạo ra các kháng thể tương ứng. Cơ thể chỉ tạo ra những kháng thể chống lại kháng nguyên mà cơ thể không có.

Các kháng thể tự nhiên xuất hiện ngay sau khi cơ thể được sinh ra và tăng dần hiệu giá, đạt đỉnh vào khoảng từ 5 đến 10 tuổi, và ổn định cho đến tuổi già thì giảm dần.    

           * Đặc điểm của các kháng thể tự nhiên:

Bản chất của các kháng thể tự nhiên này là các IgM có phân tử lượng lớn và cấu trúc cồng kềnh nên không qua được màng rau. Chúng thường gây ngưng kết và không làm vỡ hồng cầu nếu hồng cầu được pha loãng, nhiệt độ thích hợp cho hoạt động là 4oC nên chúng được gọi là các kháng thể lạnh. Khi đun nóng tới nhiệt độ 70oC thì các kháng thể này sẽ bị trung hoà.

           Hiệu giá các kháng thể chống A và kháng thể chống B ở người nhóm O thường cao hơn hiệu giá kháng thể chống A ở người nhóm B và kháng thể chống B ở người nhóm A.

           Ngoài sự có mặt trong máu, các kháng thể này còn có ở những dịch thể khác như trong sữa, nước bọt, nước mắt.

4.2. Kháng thể miễn dịch

           Là các kháng thể được sinh ra qua một quá trình miễn dịch do sự kích thích của một kháng nguyên lạ đối với cơ thể. Trong thực tế, các kháng thể chống A và chống B miễn dịch thường xuất hiện do sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Khi đó hồng cầu của con mang kháng nguyên mà người mẹ không có, trong giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, một ít hồng cầu của con sang máu mẹ gây đáp ứng miễn dịch ở mẹ.

           Các kháng thể miễn dịch (nhất là kháng thể chống A) thường gặp ở người nhóm O, những người này sẽ có hiệu giá kháng thể chống A cao hơn nhiều ở người bình thường, nếu không phát hiện kịp thời mà truyền máu toàn phần hoặc chế phẩm huyết tương lấy từ những người này cho người nhóm A sẽ gây nguy hiểm. Những người nhóm O này được gọi là người cho nguy hiểm. 

           * Đặc điểm của các kháng thể miễn dịch:

           – Bản chất là các IgG, qua được hàng rào rau thai.

           – Có thể kết hợp bổ thể gây tan máu.

           – Hoạt động tối ưu ở nhiệt độ 37oC, không bị huỷ ở nhiệt độ 70oC.

5. Di truyền nhóm máu hệ thống ABO

           Lý thuyết về sự di truyền nhóm máu ABO được Bernstein mô tả lần đầu tiên năm 1924. Ông nêu lên rằng mỗi cá thể được thừa kế một gen ABO từ người bố và một gen từ người mẹ. Hai gen này sẽ quyết định kháng nguyên nào của hệ ABO có trên màng hồng cầu. Trên mỗi nhiễm sắc thể số 9 có một vị trí (locus) định vị gen A, B hoặc O. Gen O không quyết định một kháng nguyên nào trong khi gen A, gen B quyết định sự tổng hợp các kháng nguyên A và B. Gen A và B trội so với gen O.

           Tên nhóm máu A, B, O và AB chính là những kiểu hình (phenotype) trong khi kiểu gen (genotype) của các nhóm máu là AA, AO, BB, BO, OO và AB.

           Sự di truyền các kháng nguyên ABO, vì vậy, tuân theo qui luật di truyền của Mendel. Bảng dưới đây tổng hợp các tình huống kết hợp các nhóm máu ABO và những khả năng có thể đối với thế hệ con cái.

           Bảng 2: Kiểu hình, kiểu gen của bố mẹ và những khả năng ở con cái

Kiểu hình của bố mẹ Kểu gen của bố mẹ Những khả năng kiểu hình

(và kiểu gen) ở con cái

A x A AA x AA

AA x AO

AO x AO

A (AA)

A (AA hoặc AO)

A (AA hoặc AO) hoặc O (OO)

B x B BB x BB

BB x BO

BO x BO

B (BB)

B (BB hoặc BO)

B (BB hoặc BO) hoặc O (OO)

AB x AB AB x AB AB(AB) hoặc A (AA) hoặc B (BB)
O  x O OO x OO O (OO)
A x B AA x BB

AO x BB

AA x BO

AO x BO

AB (AB)

AB (AB) hoặc B (BO)

AB (AB) hoặc A (AO)

AB (AB) hoặc A (AO) hoặc B (BO) hoặc O (OO)

A x O AA x OO

AO x OO

A (AO)

A (AO) hoặc O (OO)

A x AB AA x AB

AO x AB

AB (AB) hoặc A (AA)

AB (AB) hoặc A (AA hoặc AO) hoặc B (BO)

B x O BB x OO

BO x OO

B (BO)

B (BO) hoặc O (OO)

B x AB BB x AB

BO x AB

AB (AB) hoặc B (BB)

AB (AB) hoặc B (BO hoặc BB) hoặc A (AO)

AB x O AB x OO A (AO) hoặc B (BO)

     Bảng 2 cho thấy không phải trong mọi trường hợp, con cái có cùng nhóm máu với bố mẹ đẻ. Như trường hợp cả bố và mẹ cùng có nhóm máu A (hoặc B) thì con của họ vẫn có thể có nhóm máu O. Đặc biệt, nếu bố nhóm máu A và mẹ nhóm máu B (hoặc ngược lại) thì con của họ có thể có nhóm máu A, B, AB hoặc O.

6. Ứng dụng lâm sàng của hệ thống nhóm máu ABO

– Hệ thống nhóm máu ABO là hệ nhóm máu đóng vai trò quan trọng nhất trong truyền máu. Vì các kháng thể của hệ thống nhóm máu ABO là các kháng thể tự nhiên luôn có sẵn trong cơ thể. Truyền nhầm nhóm máu hệ ABO có thể gây ra tai biến nguy hiểm cho người nhận máu.

– Nguyên tắc truyền máu: không được để hồng cầu người cho bị ngưng kết bởi kháng thể có trong máu người nhận.

Năm 1913, Ottenberg (1882 – 1959) đưa ra sơ đồ truyền máu cổ điển như sau:

Tại sao chỉ nhóm obombay truyền máu cho o bombay

– Do không có cả 2 kháng nguyên A và B trên hồng cầu, máu nhóm O có thể truyền được cho tất cả các nhóm. Vì vậy, người có nhóm máu O được gọi là người cho máu phổ thông.

– Do không có cả 2 kháng thể chống A và chống B trong huyết thanh, người nhóm máu AB có thể nhận máu của tất cả các nhóm. Do đó, người có nhóm máu AB được gọi là người nhận máu phổ thông.

7. Hệ thống nhóm máu Rh

     Nhóm máu Rh được Karl Landsteiner và Wiener phát hiện năm 1940. Các tác giả này đã lấy hồng cầu của khỉ Macacus Rhesus tiêm cho thỏ (như vậy, thỏ được gây miễn dịch bởi hồng cầu khỉ Rhesus), sau đó lấy huyết thanh thỏ và trộn với hồng cầu người thì thấy hiện tượng ngưng kết một số trường hợp: Rh (+); còn một số trường hợp thì không: Rh (-).

     Các nghiên cứu rộng hơn ở châu Âu cho thấy ở người da trắng, tỷ lệ người có nhóm máu Rh(+) là 85% và Rh(-) là 15%.

     Ở Việt nam người có máu Rh (+) chiếm đại đa số:  99,93% còn người Rh(-) chỉ chiếm 0,07%. Như vậy trong 1 vạn người chỉ có 7 người có nhóm máu Rh(-).

     Nhóm máu Rh không có kháng thể tự nhiên. Kháng thể chống Rh là kháng thể miễn dịch, chỉ xuất hiện khi người có nhóm máu Rh(-) tiếp xúc với kháng nguyên Rh như trong các trường hợp:

– Người mẹ Rh(-) mang thai con Rh(+).

– Người nhận máu Rh(-) được truyền máu Rh(+).

     Bản chất kháng thể chống Rh là IgG. Do đó nó có thể qua màng nhau thai từ mẹ sang thai nhi và gây bệnh lý cho con. Một người phụ nữ có nhóm máu Rh(-) lấy chồng nhóm máu Rh(+) mang thai lần thứ nhất có thể bình thường, nhưng những lần mang thai sau đó có thể bị tai biến. Vì vậy, những bà mẹ có nhóm máu Rh(-) khi mang thai cần được theo dõi chặt chẽ, được tư vấn và dùng thuốc dự phòng sớm (thường từ tuần thứ 28 của thai kỳ).

     Người có nhóm máu Rh(-) nếu không được phát hiện cũng có thể nguy hiểm khi truyền máu Rh(+) khối lượng lớn hoặc truyền máu nhiều lần. Vì sau lần đầu truyền máu Rh(+), cơ thể người có nhóm máu Rh(-) sẽ sinh ra kháng thể chống Rh. Khi lượng kháng thể này lớn sẽ gây tai biến tan máu trong những lần truyền máu sau đó. Trong thực tế lâm sàng, việc xác định nhóm máu Rh cho những bệnh nhân có thể phải truyền máu là rất cần thiết để tránh tai biến truyền máu xảy ra. Những bệnh nhân có nhóm máu Rh(-) cần phải được truyền máu Rh(-).

Tài liệu tham khảo:

1. Bài giảng Huyết học Truyền máu Đại học Y Hà Nội, “Hệ nhóm máu ABO, Rh, các hệ khác và an toàn truyền máu”, NXB Y học, 2004, tr. 257 – 275.

2. Giáo trình Huyết học Truyền máu Học viện Quân y, “Hệ thống nhóm máu ABO và Rh”, NXB Quân đội nhân dân, 2018, tr. 77 – 88.

3. Denise M. Harmening, Modern Blood Banking and Transfusion Practices 4th edition, “The ABO blood group system”, 1999, tr. 90 – 121.

4. Denise M. Harmening, Modern Blood Banking and Transfusion Practices 4th edition, “The Rh blood group system”, 1999, tr. 128 – 142.

5. Ennio C. Rossi et al., Principles of Transfusion Medicine 2nd edition, “Transfusion into the Next Millennium”, 1996, tr. 1 – 11.

BS. Nguyễn Quang Chiến

Bộ môn – Trung tâm Huyết học Truyền máu