Tại sao mọi người thích đánh giá người khác năm 2024

Tuy nhiên, dù bạn thấy gì trước thấy gì sau cũng không quan trọng lắm bởi vì đây không phải là bài test trí thông minh. Trải nghiệm này chỉ đơn thuần là cách chúng ta nhìn sự vật, sự việc khác nhau mà thôi.

Về mặt tâm lý, con người ta thường có thói quen mong muốn thế giới này vận hành theo cách mình suy nghĩ. Mỗi người lớn lên với một trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức riêng. Bởi vậy, chúng ta có khuynh hướng cho rằng suy nghĩ của mình là đúng. Sự thật thì chúng ta thấy điều đó đúng thông qua lăng kính nhìn nhận của mỗi người. Giống như một người đeo cặp kính màu hồng nhìn cuộc đời sẽ thấy mọi thứ đều có màu hồng. Đây cũng chính là lý do mà chúng ta dễ có xu hướng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, để rồi thói quen phán xét hình thành từ đây.

NGUỒN GỐC CỦA SỰ PHÁN XÉT

Bạn nào đọc nhiều các bài viết của page chắc sẽ thường thấy hình bóng của NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) ở trong đó. Lý do là bởi vì nhờ có NLP mà chúng ta có thể giải thích được rất nhiều điều.

Mỗi người tiếp nhận thế giới theo một cách khác nhau, thông qua một “màng lọc” – màng lọc này là tập hợp những kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Vì thế tất cả chúng ta không ai giống ai. Chúng ta nhận thông tin từ nhiều kênh khác nhau: trực giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác.

Bạn còn nhớ chuyện “Thầy bói xem voi” chứ?

5 ông thầy bói mù cùng đến sờ vào con voi. Mỗi ông đưa ra một nhận định về con voi. Ông sờ vào vòi thì phán tưởng con voi thế nào, hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi. Ông sờ vào ngà thì lại phán nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn. Ông sờ tai phủ nhận ngay lập tức vì nói rằng nó bè bè như cái quạt thóc. Ông sờ chân phản ứng ngay rằng các ông kia đều sai hết, con voi nó sừng sững như cái cột đình. Đến ông cuối cùng sờ đuôi thì khẳng định chắc nịch, bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như cái chổi xể cùn.

Hóa ra, ông bà ta ngày xưa đã rất giỏi về NLP khi đúc kết lại một câu chuyện cười dân gian với thông điệp “mỗi người nhìn thế giới theo một cách khác nhau, vì thế thật là ngớ ngẩn khi đi phán xét mội người nhìn thế giới không giống mình”.

KHI SỰ PHÁN XÉT TRỞ THÀNH THÓI QUEN

Chúng ta dễ phán xét nhau (không phải lỗi mỗi người) chỉ vì lý do đơn giản là vì chúng ta luôn luôn nhìn thế giới khác nhau.

VTV1 từng làm một phóng sự rất hay (goo.gl/FNjTDR) cũng với thông điệp đừng nên phán xét người khác. Một nữ kỹ sư tham gia chương trình “Ai là triệu phú” không trả lời được câu hỏi tưởng như ai cũng biết “El Nino là gì?” hay “Người ta thường nấu canh cua với thứ gì?”. Từ tham gia một trò chơi, qua một đêm họ trở thành tâm điểm phán xét của dư luận.

Vấn đề nằm ở chỗ, ngay sau khi chương trình được phát sóng, lượng tìm kiếm về El Nino và “Rau đay” tại Việt Nam tăng vọt gấp 100 lần, và trớ trêu thay từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất lại là “El nino là ai” chứ không phải “El nino là gì”. Tương tự thế, cũng thật đáng buồn cho những ai tự khoanh vùng hiểu biết của mình khi nghĩ rằng rau đay chỉ nấu với canh cua khi người ta vẫn nấu rau đay với củ cải, mộc nhĩ, súp lơ xanh, miễn sao không gây hại cho sức khỏe là được rồi.

Nhưng thời bây giờ, sự phán xét đã trở thành một thói quen. Có rất nhiều chuyện đơn giản như phát ngôn của một ca sĩ, vô tình đụng chạm vào ca sĩ khác. Thế là một cuộc chiến xảy ra giữa fans của người này và fans của người kia. Họ ném đá, rồi không chỉ phán xét, họ chửi nhau. Bất kì chuyện gì cũng có thể trở thành tâm điểm của sự phán xét.

Hay gần đây nhất là một cuộc ly hôn đình đám giữa vợ chồng tập đoàn Trung Nguyên. Có rất nhiều người không hiểu chuyện, thiếu hiểu biết và dùng cảm tính của mình để vội vàng phán xét người trong cuộc. Con người ta có quyền tự do ngôn luận, nhưng nếu đưa ra những ý kiến, nhận định về người khác mà không có bằng chứng, chứng cứ, lý lẽ logic và thuyết phục, thay vào đó chỉ là những phán xét cảm tính và chủ quan dán nhãn vào người khác thì đó thực sự là điều đáng tiếc. Thế nên những người từng trải mới đúc kết lại rằng ở đời đôi khi kẻ nói nhiều thì không hiểu chuyện, mà người hiểu chuyện thì không cần phải nói.

KHI SỰ PHÁN XÉT NHẮM THẲNG VÀO CON NGƯỜI

Con người không ai là hoàn hảo, vậy nên ai cũng có thể mắc những sai lầm trong cuộc đời. Điều đáng tiếc nằm ở chỗ thói quen phát xét dẫn đến một điều tệ hơn là nhiều người lại nhắm thẳng vào con người thay vì chỉ ra hành vi.

Một đứa trẻ mang bài kiểm tra điểm 5 toán về. Một phụ huynh thiếu tâm lý và phán xét con người là một người đưa ra những câu mắng chửi như “sao ngu vậy con, sao lười học thế, học với chả hành tốn bao nhiêu tiền của, có biết cha mẹ vất vả như nào không, mỗi việc học mà cũng không xong…” Có thể sự bùng phát cảm xúc ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như sau một ngày dài họ làm việc vất vả, có sẵn trong người những cảm xúc tiêu cực và không làm chủ cảm xúc của mình, hay do xấu hổ khi con cái mình bị so sánh,… Hoặc thậm chí có những người nguyên nhân là bởi vì ảnh hưởng thói quen nuôi dạy con từ thế hệ trước.

Thế nhưng cũng trong hoàn cảnh ấy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ ấy là người duy nhất được 5, và cả lớp chỉ toàn 3 và 4 khi đó là một đề thi học sinh giỏi? Khi ấy, câu chuyện sẽ trở nên khác biệt hoàn toàn. Cũng trong trường hợp đứa trẻ ấy bị điểm 5 và đó là điểm kém thì nguyên nhân cũng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, đứa trẻ đó rất thông minh nhưng ngày làm bài kiểm tra bất ngờ bị đau đầu sẽ rất khác với một đứa trẻ bị điểm kém vì lười học, hoặc một đứa trẻ điểm kém vì khả năng tư duy nhận thức chỉ đến mức độ ấy. Trong trường hợp này, một phụ huynh tâm lý sẽ tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân và nhận xét, góp ý vào đúng hành vi cần phải thay đổi của đứa trẻ. Chẳng hạn, nếu đứa trẻ ấy ham chơi thì phụ huynh phân tích hành vi chơi / không chuẩn bị bài ảnh hưởng đến kết quả như nào cho trẻ. Nếu đứa trẻ ấy đã cố gắng hết sức nhưng vẫn kém thì cần động viên và đưa ra giải pháp để nó nỗ lực nhiều hơn.

Cho nên, thường những người cảm tính và thiếu logic sẽ hay tập trung phán xét con người. Điều này để lại một hậu quả vô cùng lớn đối với người bị phán xét. Chắc hẳn, không khó để bạn bắt gặp những câu chuyện bố mẹ mắng chửi con cái không ra gì, thầy cô nặng lời học trò, người yêu / vợ chồng coi thường nhau, sếp – nhân viên cạn tình cạn nghĩa. Có những người lớn lên mang theo mình định kiến, chính là những lời phán xét năm nào của người khác đi theo họ qua từng năm tháng không dễ gì thay đổi được. Chẳng hạn như “mày ngu lắm”, “cái loại kém cỏi”, “cái đồ bất tài”,… những ngôn từ phán xét có thể là một loại vũ khí nguy hiểm tấn công tinh thần, sự tự tin, sự hạnh phúc của một người hơn bất kỳ loại vũ khí nào.

Ngược lại, những người có hiểu biết và khách quan sẽ ít khi để cho cảm xúc và sự cảm tính lấn át lý trí. Ngay cả những khi xảy ra xung đột, bực tức, khó chịu họ cũng sẽ dùng cái đầu logic và sự bình tĩnh để phân tích vấn đề. Đồng thời, thay vì nhắm thẳng vào con người, họ sẽ tập trung nói vào hành động, hành vi chưa tốt để người khác có thông tin phản hồi. Từ đó, người được nhận xét, góp ý cũng cảm thấy nhẹ nhàng, và họ biết cách điều chỉnh hành vi ở chỗ nào để có thể tốt lên. Cho nên, một người cha / người mẹ giỏi có thể nuôi đứa trẻ khôn lớn thành tài. Một người thầy / người cô giỏi có thể tạo ra một học trò xuất sắc trong tương lai. Một người sếp giỏi có thể tạo ra một nhân viên xuất sắc. Một người bạn / đồng nghiệp giỏi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực trong cuộc đời của người khác. Mà giỏi ở đây không chỉ đơn thuần là kiến thức, mà còn là hiểu biết tâm lý và tư duy logic, khách quan trong nhìn nhận sự vật, sự việc và tương tác với con người.

BỚT PHÁN XÉT, CHẤP NHẬN NHIỀU HƠN

Khi một người có gu ăn mặc, kiểu tóc, cách nói chuyện khác chúng ta, chúng ta cũng dễ phán xét. Chẳng hạn bạn sẽ đánh giá như nào khi thấy một cô gái ăn mặc hở hang? Với một số người, cô ta là kẻ thiếu đứng đắn, mặc đồ “nhiều tiền ít vải”, thích khoe khoang cơ thể. Ngược lại, có những người sẽ cho rằng cô ấy thật là sexy, trẻ trung, năng động và cập nhật xu hướng thời trang của thế giới, biết cách gợi cảm chứ không quê mùa.

Nói chung, không ai đúng không ai sai bởi lẽ mỗi người nhìn cuộc đời thông qua lăng kính của họ. Cố chấp thuyết phục một người nhìn đời qua lăng kính màu hồng rằng mọi thứ trên cuộc sống đều có màu xanh chẳng khác gì cố gắng thổi một chiếc bóng đèn điện và hy vọng nó sẽ tắt. Mọi sự trong đời đúng sai như nào thì nên đặt vào từng hoàn cảnh khác nhau, phù hợp với những chuẩn mực chung của xã hội sẽ có những góc nhìn riêng. Một người cứ cố chấp phán xét người khác, cố chấp bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng mình đúng thì càng ngày, người đó càng trở nên bảo thủ và tự họ làm bản thân họ và những người xung quanh mệt mỏi.

Hóa ra, con người ta chẳng ai đúng, chẳng ai sai cả. Nếu có xảy ra thì cái sai duy nhất của một người đó là luôn nghĩ rằng người khác sai còn mình đúng. Có lẽ vậy mà một nghiên cứu tâm lý đã đưa ra kết luận rằng “Nếu bạn luôn thấy những người xung quanh mình có vấn đề, thì có lẽ bạn chính là vấn đề”. Vậy nên, Khuất Nguyên từng nói “Đời đục cả, mình ta trong. Người say cả, mình ta tỉnh”, thế rồi lựa chọn kết thúc cuộc đời. Ở một góc nhìn thông thường, chúng ta khen ngợi Khuất Nguyên có chí khí và quyết giữ tâm trong sáng giữa thời buổi thiên hạ loạn lạc. Nhưng nếu đứng ở góc nhìn tâm lý thì có thể thấy thêm một góc nhìn khác, liệu rằng Khuất Nguyên có đúng hoàn toàn khi nói rằng “Đời đục cả, mình ta trong. Người say cả, mình ta tỉnh”? Thế nào là đục? Thế nào là trong? Thế nào là say? Thế nào là tỉnh? Nếu Khuất Nguyên “bớt phán xét” một chút, thêm lạc quan nhiều hơn, và có chỉ số vượt khó tốt hơn, kiên nhẫn trong đời chờ thời thì chắc chắn ông ta sẽ tìm thấy những “người trong” và cả những “người tỉnh” trong một xã hội như thế.

Cho nên, khi chúng ta không ở trong hoàn cảnh của người khác, không trải qua những gì họ phải trải qua, không hiểu những gì họ hiểu thì tốt hơn hết là hãy học cách bớt phán xét và chấp nhận nhiều hơn. Chấp nhận không có nghĩa là bạn không có chính kiến, mà chấp nhận ở đây chính là học cách nhìn nhận từ góc nhìn của người trong cuộc để nhìn nhận một cách đa chiều và khách quan. Đồng thời, với những chuyện không phải của mình, không liên quan đến mình thì không nên phán xét một cách chủ quan, cảm tính.

VẬY NÊN

Nếu chúng ta bớt phán xét nhau một chút và chấp nhận nhau nhiều hơn thì có lẽ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng

– Edward –

P.S Dành cho những bạn nào nhìn mãi cũng vẫn chỉ thấy hình con thỏ, con mèo, con cáo. Hãy xoay ngược màn hình của bạn lại để nhìn thấy kết quả thực sự của một vấn đề đôi khi không phải là những gì ta nhìn thấy ban đầu!

Trong cuộc sống Tại sao chúng ta không nên đánh giá người khác?

Thói quen đánh giá, phán xét có một tác động xấu tích luỹ tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong xã hội, có những người hình như không khen ai, mà chỉ biết chê bai. Đối với họ ai cũng xấu, ai cũng dở, ai cũng có vấn đề. Dường như họ chỉ sống nhờ chỉ trích người khác mà không nhìn lại bản thân.

Tại sao không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài?

Ngoài đôi mắt chúng ta còn có trái tim nên đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Có những con người lạ lắm! Họ chỉ cần thoáng mắt nhìn một ai đó qua vẻ bề ngoài mà thấy người đó khác biệt liền vội chỉ chỏ, đánh giá cứ như mình đã hiểu về đối phương lâu lắm rồi vậy.

Đánh giá và phán xét khác nhau như thế nào?

Đánh giá là một phát biểu về sự kiện hay sự vật với tâm thế trung lập và khách quan, mang tính quan sát và khám phá, dựa trên những gì mình nghe, thấy, và cảm nhận được. Trong khi đó phán xét là một phát biểu dựa trên ý kiến cá nhân, mang tính chủ quan, cảm tính và tự thị.

Phán xét người khác là gì?

Phán xét người khác là gì? Về cơ bản, phán xét là hành động hoặc quá trình bày tỏ ý kiến, suy nghĩ hoặc đánh giá về một người, sự việc, tình huống hoặc vấn đề cụ thể dựa trên việc quan sát, trải nghiệm hoặc suy luận cá nhân.