Thành tây đô dưới thời hồ còn gọi là gì

Lịch sử hình thành và phát triển Thành Nhà Hồ1335

Đăng lúc: 28/05/2011 2:00 SA

Thành Nhà Hồ [ hay còn gọi là thành Tây Đô, thành Tây Giai] thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, ở phía Tây thành phố Thanh Hóa.

Vào cuối thế kỷ 14, xã hội thời Trần đang ngày càng lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng: mô hình nhà nước quân chủ quý tộc Phật giáo không còn phù hợp nữa, sản xuất bị đình đốn, nông dân lệ thuộc bị bần cùng hóa, khởi nghĩa nông dân nổ ra, ngoại xâm lăm le rình rập.

Để cứu nguy đất nước và tiến hành triệt để các cải cách đổi mới, đại thần của nhà Trần là Hồ Quý Ly với trọng trách là Phụ chính Thái sư nhiếp chính đã quyết định xây dựng kinh đô mới ở Vĩnh Lộc [Thanh Hóa].

    Đại Việt sử ký toàn thư, chính sử Đại Việt thời Lê [thế kỷ 15 – 18] chép: “Đinh Sửu, [Quang Thái] năm thứ 10 [1397], [Minh Hồng Vũ năm thứ 30]. Mùa xuân, tháng giêng sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh [có sách chép là Mẫn] đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn Xã Tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc  hoàn tất” [Đaị Việt sử ký toàn thư 1998a:190] .

      Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ thời Tây Sơn, năm 1800 nhắc lại nội dung trên. Trong khi đóViệt sử thông giám cương mục, chính sử Việt Nam thời Nguyễn [thế kỷ 19] chép thêm:


      “Đinh Sửu, năm thứ 10 [1397]. [Minh, năm Hồng Vũ thứ 30]. Tháng Giêng, mùa xuân. Quý Ly sai Lại bộ Thượng thư Đỗ Tỉnh [có chỗ chép là Mẫn đi Thanh Hóa dựng kinh đô mới.        Trước đây, Quý Ly kiến nghị muốn dời kinh đô đến Yên Tôn, Hành khiển Phạm Cự Luận can ngăn. Quý Ly nói: “Chí ta đã quyết định từ trước, nhà ngươi còn nói làm gì nữa?”. Đến nay, Quý Ly sai Đỗ Tỉnh đến Yên Tôn xem xét đo đạc đắp thành, đào hào, lập nhà tôn miếu, đàn thờ thần xã, mở phố xá, đường ngõ, có ý muốn dời kinh đô đến đấy” [Việt sử thông giám cương mục 1960: 26].    Có thể thấy các nguồn sử liệu Việt Nam đều thống nhất việc năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở động An Tôn, nay thuộc các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong kinh đô mới này, tòa thành đá đồ sộ do Hồ Quý Ly ra lệnh xây dựng, nên ngày nay dân gian thường quen gọi là Thành Nhà Hồ.

    Việc xây dựng Thành Nhà Hồ về cơ bản hoàn tất vào năm 1397. Tháng 3 năm 1398, Hồ Quý Ly đã cho chuyển đô từ Thăng Long vào kinh đô mới. Do có kinh đô mới cho nên từ năm 1398, trấn Thanh Hóa được đổi tên là trấn Thanh Đô.

Như vậy về mặt lịch sử, Thành Nhà Hồ là kinh đô của nhà Trần trong thời gian từ tháng 3 năm 1398 đến tháng 2 năm 1400.

Ngày 28 tháng 2 năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi Hoàng đế đặt tên nước là Đại Ngu, niên hiệu là Thánh Nguyên. Bắt đầu từ đây, Thành Nhà Hồ là kinh đô của nước Đại Ngu và vương triều Hồ.

Trong suốt quá trình tồn tại của vương triều Hồ, Thành Nhà Hồ [hay Tây Đô] tiếp tục được xây dựng, tu bổ và hoàn thiện:

        

Năm 1399: “Sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía Tây thành, phía Nam từ Đốn Sơn, phía Bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía Tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây quanh làm tòa thành lớn bọc phía ngoài” [Đại Việt sử ký toàn thư 1998a: 198].       Năm 1401: “Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch dưới bằng đá” [Đại Việt sử ký toàn thư 1998a: 202] [hình 15].         Năm 1402: “Hán Thương đắp sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu, dọc đường đặt phố xá và trạm truyền thư, gọi là đường Thiên Lý” [Đại Việt sử ký toàn thư 1998a: 202].        Năm 1402: “Hán Thương cho đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao” [Đại Việt sử ký toàn thư 1998a: 203].

        Năm 1407, trước cuộc xâm lăng của nhà Minh, vì nhiều nguyên nhân khách quan, vương triều Hồ thua trận. Thành Nhà Hồ trở thành nơi chiếm đóng của quân Minh.

Khai quật đàn tế Nam Giao năm 2008 

         Năm 1427, dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn đã chiếm lại tòa thành và Thành Nhà Hồ từ đó được mang tên Tây Kinh [kinh đô phía Tây Đại Việt] phân biệt với Đông Kinh, tên gọi của kinh đô Thăng Long nhà Lê. Kể từ đó, Thành Nhà Hồ trở thành một trong những trung tâm hành chính quan trọng của đất nước trong suốt nửa đầu thời Lê sơ, cho đến trước khi lỵ sở Thanh Hóa được chuyển dời xuống Dương Xá vào năm 1480.

         Vào cuối thời Lê Sơ và trong suốt thế kỷ 16, Thành Nhà Hồ luôn luôn là căn cứ địa hiểm yếu và vững chắc của nhà Lê sơ, nhà Lê Trung hưng và có lúc là của nhà Mạc trong các cuộc nội chiến phe phái nhằm bảo vệ vương quyền.

          Năm 1509, Giản tu công Lê Dinh [Lê Tương Dực] chiếm giữ Thành Nhà Hồ giành được ngôi Hoàng đế của Lê Uy Mục [vị vua ưa bạo lực, yếu kém nhất thời Lê sơ] ở Thăng Long.

         Năm 1516, trong loạn Trần Cảo, Lê Chiêu Tông được Trịnh Duy Sản giúp đỡ dùng Thành Nhà Hồ chiếm lại Thăng Long.

         Năm 1527, Mạc Đăng Dung nhân lúc nhà Lê sơ suy yếu đã giành được ngôi vua, vừa giữ thành Thăng Long, vừa giữ Thành Nhà Hồ.

        Tháng 7 năm 1530, dòng dõi nhà Lê là Lê Ý chiếm lại Thành Nhà Hồ từ tay nhà Mạc, nhưng mấy tháng sau lại bị quân Mạc chiếm lại.

         Năm 1543, Lê Trang Tông trung hưng nhà Lê được Nguyễn Kim phò tá chiếm được Thành Nhà Hồ. Từ năm 1543 đến nmột cứ điểm quân sự vững chắc của triều Lê Trung hưng. Đứng vững ở Thành Nhà Hồ, trong các năm 1591 – 1593, quân Lê – Trịnh đã tiến công đánh bại quân Mạc và cuối cùng chiếm lại Thăng Long.

       Không chỉ là một căn cứ quân sự trong thời gian này, Thành Nhà Hồ còn là một trung tâm văn hóa lớn của khu vực. Việc năm 1562 nhà Lê mở khoa thi Hương ở Cửa Nam thành Tây Đô đã phần nào cho thấy rõ điều đó [Đại Việt sử ký toàn thư 1998b:135].

Gốm hoa lam thời Lê Sơ [Thế kỷ 15]

       Từ khi nhà Lê Trung Hưng trở lại đóng đô ở Thăng Long, Thành Nhà Hồ không còn giữ vị trí trọng yếu như trước nữa. Cũng từ đó trở đi, tòa thành dần dần trở nên hoang phế. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19, tòa thành đá vẫn luôn luôn hiện diện và chiếm vị trí trang trọng trong các ghi chép thời Tây Sơn và thời Nguyễn như Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ [1800], Việt sử thông giám cương mục [thế kỷ 19]; Lịch triều hiến chương loại chí [1809 – 1819]; Đại Nam nhất thống chí [1848 – 1883], Đồng Khánh địa dư chí, Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí [1816], Hồ Thành châu bản [1868] v.v... 

      

Sau đây là một số mô tả tiêu biểu của sử sách thời Tây Sơn và thời Nguyễn:

      Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ [1800]:     “Xét thấy đô cũ của Quý Ly gọi là Tây Đô thành ở huyện Vĩnh Phúc, các ấp Tây Nhai, Hoa Nhai, Phương Nhai đều thuộc thành. Thành có cửa là nơi ra vào” và có lẽ là đường phố thời xưa cho nên đặt tên như thế. Nay đường lớn, đường nhỏ xây đá vẫn còn. Từ Đốn Sơn vào qua Hoa Nhai đến Cửa Nam thành ước vài dặm. Chỉ có một con đường thẳng đều xây đá vân làm đường, cho nên có tên gọi là Nhai. Cửa Nam thành xây 3 cửa đá như cửa Chu Tước của thành Thăng Long, còn các cửa Đông, Tây, Bắc thì chỉ xây có một cửa. Chung quanh dưới đều xây đá xanh làm móng, xây thành bằng gạch nung rất rắn, dưới thành có hào kéo dài khắp thành, trong thành ước rộng 300 mẫu đều để ruộng, nơi nào hơi có bùn lầy thì làm ao. Bên tả, bên hữu thành có núi đá, sát là một con sông phát nguồn từ Ai Lao tức sông Mã, một con sông phát nguồn từ Quảng Bình tức sông Lương [nay gọi là sông Chu], hai sông chảy hợp với nhau ở phía trước” [Ngô Thì Sĩ 1997: 503].

       

Hoàng Việt địa dư chí [thế kỷ 19] ghi:

        “Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly dời đô về động An Tôn thuộc huyện Vĩnh Phúc, nay là địa phận các xã Hoa Nhai, Phương Nhai và Tứ Nhai và gọi đó là Tây Đô. Hồ Quý Ly cho xây thành, đào hào, gây cơ sở rất kiên cố nay di tích ấy vẫn còn. Thành này rộng ước chừng hơn 300 mẫu, các đường đi trong thành đều lát gạch hoa, nền móng đều bằng đá, bốn mặt thành đều dùng đá thanh làm móng vừa vuông vức vừa dày dặn thật là kiên cố. Hai bên thành thì có các dãy núi đá, sông Mã, sông Lương hợp làm thành một dòng ngay trước mặt” [Phan Huy Chú 1990: 148].        Đại Nam nhất thống chí [thế kỷ 19] mô tả:

        “Thành Nhà Hồ, sử chép là đô thành cũ của Hồ Quý Ly, cũng gọi là thành Tây Đô, ở các xã Tây Giai, Xuân Giai, Phương Giai huyện Vĩnh Lộc, bốn mặt đều xây đá xanh, mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Lại xây một con đường lát đá hoa từ Cửa Nam suốt đến đàn Nam Giao ở Đốn Sơn phía ngoài thành. Mặt Nam thành xây cửa 3 tầng bằng đá, như cửa Châu Tước ở thành Thăng Long, còn về mặt Đông, mặt Bắc và mặt Tây đều mở cửa xây đá, quanh các cửa đều xây nền bằng đá xanh. Thành xây bằng gạch vuông, dày và rắn; dưới chân thành có hào ở ngoài. Trong thành ước hơn 300 mẫu, nay đều là ruộng, chỗ nào trũng thấp là hồ ao. Tả hữu thành đều gần núi đá, phía trước thành là sông Mã. Phía ngoài lại đắp đất làm La Thành, phía tả từ tổng Cổ Biện, phía Đông qua các xã Bút Sơn và Cổ Điệp theo ven sông Bảo chạy về Nam đến núi Đốn Sơn; phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy theo ven sông Mã chạy về Đông thẳng đến núi Yên Tôn mấy vạn trượng; nay đều đổ nát, dân sở tại vỡ làm ruộng” [Đại Nam nhất thống chí 2006: 313 – 314.

       Khu di tích Thành Nhà Hồ trải qua lịch sử tồn tại thật lâu dài. Từ năm 1398 đến năm 1407 là kinh đô của nước Đại Việt của vương triều Trần và nước Đại Ngu của vương triều Hồ. Từ năm 1408 cho đến năm 1593, tòa thành luôn luôn là một trọng điểm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa của Đại Việt ở khu vực miền Trung [hình 18-27].

       Xác định giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của khu di tích, ngày 28 tháng 4 năm 1962, di tích Thành Nhà Hồ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia, một di tích trọng điểm cần được bảo vệ và bảo tồn lâu dài trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

*Mẹo:Nếu không gửi được bình luận, vui lòng ấn F5 và thử lại.

Chủ Đề