Thông tư hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách an treo

So với Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì Luật thi hành án hình sự năm 2019 [có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020] quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất: Luật thi hành án hình sự năm 2010 không quy định về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo mà chỉ nêu thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo. Về điều kiện, trình tự thủ tục, thời hạn xem xét quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo.

Các quy định về điều kiện, thủ tục thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của án treo đã được quy định cụ thể tại Điều 89 và Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Tại Điều 89:  Rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, quy định:

“....

2. Người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.

...”

Như vậy,  khoản 2 Điều 89 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định bổ sung về việc: Nếu thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Đây là quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Hội đồng phiên họp xét đối với người được hưởng án treo có thời gian còn lại chưa đến 01 tháng và có lợi cho người được hưởng án treo.

Thứ hai: Bổ sung quy định nếu người được rút ngắn thời gian thử thách vi phạm nghĩa vụ thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

Tại khoản 4 Điều 89 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật này và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù”.

Luật thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không quy định về vấn đề này.

Đây là quy định mới của Luật thi hành án hình sự năm 2019 nhằm bảo đảm cho người được hưởng án treo sau khi được rút ngắn thời gian thử thách tiếp tục phải có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu không vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo.

Thứ ba: Về thời hạn thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách và thời hạn mở phiên họp.

Tại khoản 4 Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách”.

Luật thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định mới rút ngắn thời hạn thành lập Hội đồng phiên họp và thời hạn mở phiên họp so với các quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc quy định như trên là phù hợp, bảo đảm nhanh chóng việc mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, tạo niềm tin, động lực cho những người được hưởng án treo tiếp tục phấn đấu, chấp hành tốt nghĩa vụ của mình.

Như vậy, về điều kiện, trình tự, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm được sửa đổi để phù hợp với các quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019 nhằm bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án rút ngắn thời gian thử thách khi có các điều kiện như đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách của án treo, có nhiều tiến bộ được Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản. Người được hưởng án treo 01 năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm, được rút ngắn thử thách nhiều lần nhưng phải đảm bảo thực tế chấp hành thời gian thử thách là 3/4 thời gian Tòa án đã tuyên. Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ điều kiện nêu trên thì có thể được Tòa án quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Theo pháp luật hiện hành, người được hưởng án treo có thể được Tòa án xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, rút ngắn thời gian thử thách của án treo được thực hiện theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 [sửa đổi bổ sung năm 2017], Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo và Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/08/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về xét rút ngắn thời gian thử thách án treo đối với người phạt tù nhưng cho hưởng án treo, các quy định này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, một số quy định về xét rút ngắn thời gian thử thách án treo vẫn còn những vướng mắc, có những quan điểm, cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Thứ nhất, về hồ sơ đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách án treo.

Theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì Tòa án căn cứ vào thông tin, tài liệu có tại hồ sơ do Cơ quan thi hành án hình sự cung cấp như Bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án treo, văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo của cơ quan thi hành án hình sự, nhận xét của cơ quan đơn vị được giao giám sát giáo dục, kết quả thực hiện các khoản án phí và bồi thường thiệt hại…để xem xét, quyết định mức rút ngắn thời gian thời gian thử thách án treo khách quan, toàn diện, chính xác, đảm bảo công bằng, bình đẳng. Tuy nhiên, tại Điều 90 Luật thi hành án hình sự năm 2019 lại quy định: “Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bao gồm:

a] Đơn đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo;

b] Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo…

Tác giả thấy rằng, quy định này chưa phù hợp. Bởi lẽ, để quyết định mức rút ngắn thời gian thử thách án treo phù hợp đối với người chấp hành án, Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách án treo ngoài việc căn cứ vào nhận xét của cơ quan, đơn vị được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, sự tiến bộ của người chấp hành án treo trong thời gian thử thách và các đặc điểm nhân thân khác. Việc cung cấp bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án chỉ phù hợp đối với những người bị kết án đã được Tòa án xét rút ngắn lần thứ nhất, đối với những trường hợp này toàn bộ thông tin cần xem xét đã nắm được thông qua tài liệu có trong hồ sơ. Còn đối với những người chấp hành thời gian thử thách tại các cơ quan, đơn vị từ nơi khác chuyển đến mà được đề nghị xét rút ngắn, mặc dù đã được Tòa án khác ra quyết định xét rút ngắn thời gian thử thách lần thứ nhất, nhưng việc chỉ cung cấp quyết định thi hành án của người bị kết án thì cán bộ nghiên cứu, Hội đồng xét rút ngắn sẽ khó khăn trong việc đánh giá tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân, bởi vì các thông tin chỉ bản án mới thể hiện rõ nhất. Chính quy định này dẫn đến việc xem xét mức rút ngắn thời gian thử thách án treo thiếu khách quan, thiếu toàn diện, không đảm bảo tính công bằng khi quyết định mức xét rút ngắn cho những người bị kết án.

Thứ hai, trường hợp người được hưởng án treo là dân thường phạm tội bị Tòa án quân sự Khu vực xét xử. Thẩm quyền xét rút ngắn thời gian thử thách án treo là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú hay Tòa án quân sự Khu vực đã xét xử vụ án, cho hưởng án treo. Vấn đề này các Tòa án lại có những cách hiểu khác nhau.

Ví dụ: Lê Minh P, sinh năm 1983, cư trú tại Phường Đ, quận K, thành phố  N, bị Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y xét xử tuyên phạt P 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 52 tháng, về tội: ‘‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’’ theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự. Sau khi chấp hành được hơn ½ thời gian thử thách án treo P làm đơn xin rút ngắn thời gian thử thách, trong trường hợp này Tòa án quân sự khu vực X Quân khu Y đã xét xử vụ án hay Tòa án nhân dân cấp huyện nơi P cư trú có thẩm quyền xét rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Lê Minh P.

Cách hiểu thứ nhất: Căn cứ Điều 65 Bộ luật hình sự [sửa đổi bổ sung năm 2017], Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2019, Điều 6 Thông tư liên tịch số 08/2012/TLTT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/08/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về xét rút ngắn thời gian thử thách án treo; Điều 9 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo thì thẩm quyền xét rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Lê Minh  P thuộc về Tòa án nhân dân quận K, thành phố N nơi P đang cư trú.

Cách hiểu thứ hai: Căn cứ Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 [sửa đổi bổ sung năm 2017]; Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo thì Tòa án quân sự khu vực X Quân khu Y đã xét xử vụ án, cho P được hưởng án treo mới có thẩm quyền xem xét, rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Lê Minh P, chứ không phải Tòa án nhân dân quận K, thành phố N nơi P đang cư trú.

Quan điểm của tác giả đồng ý với cách hiểu thứ nhất: Thẩm quyền xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Lê Minh P trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân quận K, thành phố N, nơi P đang cư trú chứ không phải là Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y đã xét xử vụ án, bởi vì khi bản án có hiệu lực pháp luật Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y ra quyết định thi hành án treo giao cho Ủy ban nhân dân phường Đ, Cơ quan thi hành hình sự Công an quận K, thành phố N thi hành bản án này. Ủy ban nhân dân phường, Công an phường được giao giám sát, giáo dục P mới nắm được cụ thể tình hình chấp hành án, sự tiến bộ của P, trên cơ sở đó báo cáo với Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận K đề nghị mức xét giảm án treo phù hợp đối với P để Tòa án dân nhân quận K, thành phố N xem xét, quyết định.

Thực tiễn công tác xét giảm thời gian thử thách án treo cho thấy còn có vướng mắc, cách hiểu khác nhau giữa các Tòa án về thẩm quyền xét, quyết định rút ngắn án treo trường hợp người được hưởng án treo là dân thường phạm tội bị Tòa án quân sự xét xử, cho hưởng án treo. Trường hợp này, thẩm quyền xét rút ngắn án treo thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người hưởng án treo cư trú hay thuộc thẩm quyền Tòa án quân sự Khu vực đã xét xử, cho hưởng án treo.

Thứ ba, thẩm quyền của Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách án treo.

Khoản 5 Điều 6 Thông tư liên tịch số 08/2012 và khoản 4 Điều 9 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định: Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách án treo có quyền chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự …về rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Đây là quy định làm hạn chế quyền của Hội đồng, không phù hợp với vị trí vai trò là cơ quan có quyền phán quyết, quyết định cuối cùng đối với việc xét rút ngắn thời gian thử thách cho người đang chấp hành án treo. Bởi lẽ, trên thực tế có nhiều trường hợp, qua xem xét, đánh giá toàn diện các yếu tố, sự tiến bộ của người chấp hành án trong thời gian thử thách qua việc kiểm sát án treo của Viện kiểm sát cùng cấp, thấy rằng người đang chấp hành án có đủ điều kiện được hưởng mức cao hơn mức đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự mà Hội đồng xét rút ngắn không thể tăng mức rút ngắn đối với người đang chấp hành án treo. Chính quy định này đã tạo nên những khó khăn nhất định cho Hội đồng xét rút ngắn và quyết định của Hội đồng sẽ không đạt mục đích, hiệu quả, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người đang chấp hành án.

Ví dụ: Trần Hải Q phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, án phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 60 tháng, các khoản bồi thường, án phí đã thực hiện xong, chấp hành đầy đủ các quy định cam kết trong thời gian thử thách, có nhiều cố gắng trong quá trình chấp hành án, đã chấp hành hơn ½ thời gian thử thách; Hà Văn N phạm tội “Cố ý gây thương tích”, án phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 60 tháng, chấp hành xong án phí, có nhiều cố gắng trong quá trình chấp hành án, đơn vị được giao giám sát giáo dục và cơ quan thi hành án hình sự đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Q 09 tháng, N 12 tháng. Qua xem xét, đánh giá và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp thông qua công tác kiểm sát án treo người được hưởng án treo thực tế tại cơ quan, đơn vị được giao giám sát, giáo dục để đảm bảo khuyến khích người chấp hành án tích cực, tự giác học tập lao động, bảo đảm chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Nhà nước thực sự đúng ý nghĩa và để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được hưởng án treo, các thành viên Hội đồng đều có quan điểm thống nhất rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Q và N là12 tháng vẫn đảm bảo thời gian Q, N phải chấp hành án là ¾ thời gian thử thách. Tuy nhiên, căn cứ vào Thông tư 08/2012 và Nghị quyết 02/2018/HĐTP- TANDTC Hội đồng không thể rút ngắn thời gian thử thách án treo cho Q vượt quá đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự mà Hội đồng chỉ được chấp nhận toàn bộ, một phần hoặc không chấp nhận đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự. Vì vậy, để  đảm bảo tính khách quan trong đánh giá và quyết định mức phù hợp của Hội đồng xét rút ngắnthời gian thử thách án treo đối với từng trường hợp cụ thể, việc sửa quy định giới hạn mức xét rút ngắn thời gian thử thách án treo quy định tại Khoản 5 Điều 6Thông tư liên tịch số 08/2012 và khoản 4 Điều 9 Nghị quyết 02/2018/HĐTP TANDTC là cần thiết và hợp lý.

Thứ tư, công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ xét rút ngắn thời gian thử thách án treo.

Mặc dù công tác xét rút ngắn thời gian thử thách án treo được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự…Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hầu như trong hệ thống quy phạm pháp luật đó, không có điều khoản nào đề cập đến trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án, liên quan đến công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá hoạt động xét duyệt, thẩm định, nghiên cứu hồ sơ đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách án treo cho người chấp hành án. Trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, xem xét, quyết định mức rút ngắn thời gian thử thách án treo dựa trên cơ sở các thông tin có tại hồ sơ, tài liệu mà cơ quan thi hành án hình sự cung cấp. Đây thực sự là một hạn chế của pháp luật hiện hành và điều đó dẫn đến thực trạng các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến công tác xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, đặc biệt là Tòa án không kiểm tra, giám sát, nắm bắt được hoạt động, chất lượng thực thi án treo, các quyết định xét rút ngắn thời gian thử thách án treo.

Để tránh tình trạng thiếu công bằng, không khách quan trong công tác xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, pháp luật cần quy định chặt chẽ cơ chế phối hợp, thẩm định, kiểm tra chất lượng, hiệu quả trước và sau xét rút ngắn thời gian thử thách án treo giữa các cơ quan có liên quan như Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự.

Một số kiến nghị:

Để đảm bảo việc xét rút ngắn thời gian thử thách án treo được khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật, giảm các vướng mắc như đã nêu trên, tác giả có một số kiến nghị như sau:

– Bổ sung vào Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về hồ sơ đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách án treo: “Đối với trường hợp người được hưởng án treo từ các cơ quan, đơn vị đã được xét rút ngắn thời gian thử thách một lần và chuyển đến Tòa án khác đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách thì cơ quan, đơn vị được giao giám sát giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự phải cung cấp bản sao bản án”.

– Cơ quan nghiệp vụ cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo trường hợp người được hưởng án treo là dân thường phạm tội bị Tòa án quân sự xét xử, cho hưởng án treo giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã giám sát, giáo dục và Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện quản lý, thi hành; tránh để kéo dài thời gian xét rút ngắn thời gian thử thách án treo ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được hưởng án treo.

– Cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa quy định giới hạn mức xét rút ngắn thời gian thử thách án treo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư liên tịch số 08/2012 và khoản 4 Điều 9 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP theo hướng: ‘‘Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách án treo có quyền: Chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo hoặc có thể xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo cao hơn mức đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự nếu xét thấy đủ điều kiện. Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo mà thời gian thử thcahs còn lại không quá 01 tháng, thì Hội đồng có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại’’.

Video liên quan

Chủ Đề