Trận đánh mở màn cho chiến dịch là trận nào

[HBĐT] - Him Lam - căn cứ trọng yếu kiên cố của tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE - "đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt chỉ trong vòng 1 ngày đã khiến Bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ hoang mang cực độ.

Giai đoạn Đông xuân 1953-1954, lực lượng chủ lực của ta đã tiến hành hàng loạt cuộc tiến công chiến lược nhằm vào các mặt trận ở Lai Châu, Trung - Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi đó được xem là "pháo đài không thể công phá” và địch còn chủ quan cho rằng "Việt Minh biết điều thì không nên mở cuộc công kích” nếu quân chủ lực của ta liều lĩnh mở cuộc tấn công thì đây sẽ là "trận tiêu diệt lớn khối chủ lực của Việt Minh”.

Về phía ta, nhận thấy sự chủ quan của địch cộng với thời cơ đã đến nên Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc”, "đánh nhỏ ăn chắc”, "tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt”, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3 - 7/5/1954, được chia thành 3 đợt. Cuộc tấn công cụm cứ điểm Him Lam là trận đánh mở màn cho chiến dịch.

Thực hiện kế hoạch tác chiến đã được xác định, ngày 13/3/1954 ta nổ súng tấn công Him Lam - một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 [3/13 DBLE] phòng giữ.

Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng sáng 13/3, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13, Đờ-cát điều 1 đại đội lê dương cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh tiến ra đánh vào khu vực bàn đạp xuất kích của ta. Để thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch cho sử dụng Đại đội 806 lựu pháo 105 bắn vào Him Lam 20 phát. Thiếu tá Pê-gô, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/13 DBLE và 3 sĩ quan khác chết trong hầm chỉ huy vì trúng đạn pháo. Đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng địch hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Đến 17h5’ cùng ngày, pháo binh ta tập trung tiểu đoàn hỏa lực giáng đòn tấp cập mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm.

Trận pháo kích mở màn chiến dịch đã làm cho các trận địa pháo của địch đặt ở trung tâm bị tê liệt hoàn toàn, 1 kho xăng bốc cháy, 5 máy bay nổ tung, toàn bộ đội bay của địch ở Mường Thanh bị loại khỏi vòng chiến đấu, cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo.

Trong khi pháo bắn, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 141 và 209 khẩn trương qua sông Nậm Rốm tiến vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Các chiến sỹ sơn pháo 75 đi cùng bộ binh cũng nhanh chóng khiêng vác từng bộ phận của pháo vào, tiến hành lắp ráp ngay trước cứ điểm địch để ngắm bắn trực tiếp tiêu diệt vào các lô cốt, ụ súng đã được đánh số chi viện cho bộ binh mở cửa và xung phong vào cứ điểm địch.

Từ 18h30’, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, Trung đoàn 209 do đồng chí Hoàng Cầm làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 130 đột phá từ hướng Bắc tiêu diệt cứ điểm 3. Được hỏa lực pháo binh và các đơn vị trợ chiến yểm hộ, các tiểu đội bộc phá nối tiếp nhau tiến lên dùng thuốc nổ dọn sạch một con đường xuyên qua hàng trăm m rào dây kẽm gai. Cửa mở vừa mới khai thông, Tiểu đội trưởng Trần Can mang cờ "quyết chiến quyết thắng” cùng tiểu đội lao thẳng lên đỉnh đồi cắm cờ lên giữa cứ điểm địch. Đó là lá cờ đầu tiên của quân ta được cắm trên các trận địa phòng ngự của địch trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 1 giờ chiến đấu, đại đội lê dương số 11 bị tiêu diệt gọn, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ cứ điểm 3.

Trên hướng chủ yếu của trận đánh tấn công, Trung đoàn 141 do đồng chí Quang Tuyến làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 11 đánh chiếm và Tiểu đoàn 428 đột phá từ hướng đông - nam tiêu diệt cứ điểm 2. Tại đây, khi cửa mở được khai thông, các chiến sỹ xung kích Tiểu đoàn 428 lao vào thì gặp phải 1 hỏa điểm địch bắn dữ dội, để tiếp tục cho đồng đội mở đường, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót đã dùng tiểu liên, lựu đạn để diệt hỏa điểm địch. Khi hết đạn mà vẫn chưa diệt được mục tiêu, anh đã lấy thân mình để chèn lỗ châu mai khiến cho bọn địch ở trong không bắn ra được. Hành động của Phan Đình Giót đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ Tiểu đoàn 428 xông lên tiêu diệt địch. Đến 22h30’ tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tại cứ điểm 3, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt hơn. Đây là điểm phòng ngự chính của trung tâm đề kháng Him Lam và là mục tiêu cuối cùng tại khu vực chưa bị đánh chiếm nên địch dồn hết lực lượng đánh trả quyết liệt. Pháo binh của địch ở Mường Thanh sau khi bị hỏa lực của ta tấn công bất ngờ đã rơi vào tình thế khó khăn, tuy nhiên, địch cũng đã cố gắng chấn chỉnh lực lượng đánh chặn đường tiến quân của Tiểu đoàn 11 qua sông Nậm Rốm. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã chiến đấu dũng cảm và bị thương vong một số.

Để giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Trung đoàn trưởng 141 cũng ra lệnh cho Tiểu đoàn 428 mở một mũi đột phá từ cứ điểm 2 sang cứ điểm 1, phối hợp với đơn vị bạn. Trong khi Tiểu đoàn 428 và tiểu đoàn dự bị còn đang vượt qua hệ thống hầm hào chằng chịt của địch để sang cứ điểm 3 thì cùng thời gian đó, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã đột phá thành công vào chiếm nốt mục tiêu cuối cùng này.

Trận đánh mở màn chiến dịch kết thúc vào hồi 23h30’. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt, Tiểu đoàn 3/13 DBLE bị xóa sổ. Việc 1 căn cứ trọng yếu rất kiên cố của tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE - "đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt quá nhanh làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp và toàn bộ binh lính ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức lo sợ. Thắng lợi này là cơ sở cho quân chủ lực của ta củng cố thêm niềm tin chiến thắng trong đợt 2 và đợt 3.

Đinh Hòa [TH]


Vào cuối thượng tuần tháng 3-1954, sau một thời gian cố gắng liên tục, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã cơ bản hoàn thành. Bộ chỉ huy chiến dịch kiểm tra lại lần cuối để có thể sẵn sàng ra lệnh nổ súng vào đúng ngày giờ quy định.

Về phía địch, cho tới lúc này, nhìn chung từ các sĩ quan, binh lính Pháp đang đồn trú ở Ðiện Biên Phủ tới các tướng tá trong bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn đều còn rất chủ quan. Mặc dù bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã nhận được tin cuộc tiến công lớn của chủ lực ta sắp sửa bắt đầu, nhưng hầu như họ đều nhất trí cho rằng tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ sẽ đứng vững và chiến thắng, "Việt Minh biết điều thì không nên mở cuộc công kích". Ðể khiêu khích, họ còn dùng máy bay rải truyền đơn và dùng làn sóng vô tuyến điện truyền đi những lời thách thức bộ chỉ huy của ta tiến công vào vùng lòng chảo. Trong lần tới kiểm tra tại chỗ ngày 7-3-1954, khi tướng Na-va tỏ ra thận trọng hơn, muốn tăng cường thêm cho Ðiện Biên Phủ ba tiểu đoàn cơ động nữa vì phòng nhì Pháp báo cáo là cuộc tiến công của ta có thể sẽ xảy ra vào ngày 13 hoặc 15-3, De Castries đã dứt khoát từ chối và kiêu hãnh trả lời rằng: "Thật vô ích! Sẽ gay go nhưng chúng tôi giữ được" [1]. Ủng hộ ý kiến đó của De Castries, tướng Cô-nhi cũng cho là không nên làm bất cứ điều gì khiến cho Việt Minh chuyển hướng, bỏ cuộc tiến công mà toàn thể quân đồn trú đang chờ đợi. Họ đang chờ đợi những trận chiến đấu gay go, nhưng cũng chờ đợi cả chiến thắng nữa...

Cho tới khi quân ta bắt đầu tiến công, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ đã được tăng cường và bố trí một lực lượng tập trung mạnh mẽ. Phần lớn đó là các đơn vị tinh nhuệ, rất được tin cậy và các sĩ quan đều là loại cốt cán, có trình độ khá vào bậc nhất của bộ binh và các binh, quân chủng khác.

Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, và mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự. Nhiều cứ điểm nằm sát kề nhau được tổ chức lại thành cụm cứ điểm - "trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp" - có lực lượng cơ động và hỏa lực riêng, có hệ thống công sự vững chắc, chung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc và có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng một hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống vật cản [hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn] cùng một hệ thống hỏa lực rất mạnh. Tập đoàn cứ điểm được chia ra thành ba phân khu yểm hộ lẫn cho nhau.

Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch có Ðại đoàn bộ binh 308 [với ba trung đoàn 102, 88, 38], Ðại đoàn bộ binh 312 [với ba trung đoàn 141, 209, 165], Ðại đoàn bộ binh 36 thiếu [với hai trung đoàn 174, 98], trung đoàn bộ binh 57 [thuộc Ðại đoàn 304], tất cả gồm chín trung đoàn bộ binh và Ðại đoàn 351 với một trung đoàn lựu pháo 105 [trung đoàn 45], một trung đoàn sơn pháo và súng cối [trung đoàn 675], một trung đoàn pháo cao xạ [trung đoàn 367] và bốn tiểu đoàn công binh. Tổng quân số chủ lực ta ở hỏa tuyến khoảng hơn bốn mươi nghìn, nếu tính cả tuyến hai là năm mươi lăm nghìn. Ta ưu thế hơn địch, nhưng ưu thế đó không lớn. Tỷ lệ bộ binh chỉ đạt gấp đôi. Hỏa lực pháo, cối ta nhiều hơn địch một chút về số khẩu pháo [62 trên 49 khẩu] nhưng lại có ít hơn địch rất nhiều về số lượng đạn. Ta có pháo cao xạ nhưng địch hoàn toàn chiếm ưu thế về máy bay, xe tăng.

Với tỷ lệ đó, theo quan niệm thông thường, quân phòng ngự chưa hẳn đã bị coi là bất lợi về mặt so sánh lực lượng. Vì thế, khi xây dựng kế hoạch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch, Ðảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch cuối cùng đã lựa chọn phương châm "đánh chắc, tiến chắc".

Ngày 11-3-1954, trong lúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Ðiện Biên Phủ đang nỗ lực tiến hành công tác chuẩn bị ở bước cuối cùng để nổ súng mở màn chiến dịch, thì có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến. Người viết:

"Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú".

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhanh chóng phổ biến tới mọi cán bộ, chiến sĩ và anh chị em thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Một không khí phấn khởi, thi đua lập công truyền lan tới khắp các trận địa.

Ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 [3/13 DBLE] phòng giữ.

Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng 13-3, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13, Ðờ Cát cho điều một đại đội lê-dương cùng hai xe tăng từ Mường Thanh tiến ra đánh vào khu vực bàn đạp xuất kích của ta. Ðể thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch cho sử dụng đại đội 806 lựu pháo 105 bắn trước vào Him Lam 20 phát. Trừ hai phát đầu đạn rơi hơi xa vào phía trong, còn 18 phát sau đạn đều trúng mục tiêu. Thiếu tá Pê-gô, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/13 DBLE và ba sĩ quan khác chết trong hầm chỉ huy vì trúng đạn pháo. Ðại đội bộ binh cùng hai xe tăng địch đi lùng sục hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Ðến 17 giờ 5 cùng ngày, pháo binh ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập, mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm.

Trận pháo kích mở màn chiến dịch đạt hiệu quả khá tốt: Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị trúng đạn, đường dây điện thoại bị cắt đứt. Các trận địa pháo địch đặt ở khu trung tâm bị tê liệt hoàn toàn, mười hai khẩu pháo, cối bị đánh hỏng. Một kho xăng bốc cháy, năm máy bay địch trúng đạn nổ tung, toàn bộ đội bay địch ở sân bay Mường Thanh bị loại khỏi vòng chiến. Cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo, nhiều hầm hào, công sự sụp đổ, sở chỉ huy phân khu bắc bị đánh tơi tả, trung tá Gô-sê cùng một số sĩ quan tham mưu của phân khu bắc tử trận, tiểu đoàn trưởng Mác-ti-nen-ni bị thương nặng, phân khu bắc và cụm cứ điểm Him Lam không còn người chỉ huy trực tiếp. Ngay từ giờ phút đầu tiên, bọn địch ở Ðiện Biên Phủ đã bị giáng một đòn trừng phạt khủng khiếp [2].

Trong khi pháo bắn, dưới sự chỉ huy của đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và chính ủy Trần Ðộ, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 141 và 209 khẩn trương vận động qua sông Nậm Rốm trên những chiếc cầu vừa được ráp nối, tiến vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Các chiến sĩ sơn pháo 75 đi cùng bộ binh cũng nhanh chóng khiêng vác từng bộ phận của pháo vào, tiến hành lắp ráp ngay trước cứ điểm địch để ngắm bắn trực tiếp tiêu diệt các lô cốt, ụ súng đã được đánh số, chi viện cho bộ binh mở cửa và xung phong vào cứ điểm địch.

Từ 18 giờ 30, bộ binh ta bắt đầu mở cửa.

Trên hướng thứ yếu của trận đánh, trung đoàn 209 do đồng chí Hoàng Cầm làm trung đoàn trưởng sử dụng tiểu đoàn 130 đột phá từ hướng bắc tiêu diệt cứ điểm 3. Ðược hỏa lực pháo binh và các đơn vị trợ chiến yểm hộ, các tiểu đội bộc phá nối tiếp nhau tiến lên dùng thuốc nổ dọn sạch một con đường xuyên qua hàng trăm mét rào dây kẽm gai. Cửa mở vừa khai thông, tiểu đội trưởng Trần Can mang cờ "Quyết chiến quyết thắng" cùng tiểu đội lao thẳng lên đỉnh đồi. Khi hỏa lực địch bắt đầu bắn cản thì một trung đội xung kích đã lọt vào trong cứ điểm và chia thành hai mũi nhanh chóng đánh tỏa ra hai bên. Tiểu đội trưởng Trần Can cùng tiểu đội tiếp tục đánh thẳng vào tung thâm, cắm lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" lên giữa cứ điểm địch. Ðây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của quân ta được cắm trên các trận địa phòng ngự của địch tại chiến trường Ðiện Biên Phủ. Sau hơn một giờ chiến đấu, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ cứ điểm 3.

Trên hướng chủ yếu của trận đánh, trung đoàn 141 do đồng chí Quang Tuyến làm trung đoàn trưởng sử dụng tiểu đoàn 11 đánh chiếm cứ điểm 1 và tiểu đoàn 428 đột phá từ hướng đông - nam tiêu diệt cứ điểm 2.

Tại cứ điểm 2, khi cửa mở được khai thông, các chiến sĩ xung kích tiểu đoàn 428 vừa lao qua hàng rào cuối cùng thì vấp ngay phải một hỏa điểm địch bắn cản dữ dội. Ðể tiếp tục mở đường tiến cho đồng đội, tiểu đội trưởng Phan Ðình Giót mau lẹ trườn lên dùng tiểu liên, lựu đạn diệt hỏa điểm địch. Khi hết đạn mà vẫn chưa diệt được mục tiêu, anh dũng cảm lấy thân mình bịt lỗ châu mai khiến bọn địch ở trong lô cốt không thể tiếp tục bắn ra được. Hành động anh hùng của Phan Ðình Giót tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ xung kích tiểu đoàn 428 xông lên tiêu diệt địch. Ðến 22 giờ 30 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm 2.

Tại cứ điểm 3, cuộc chiến đấu diễn ra phức tạp hơn. Ðây là điểm phòng ngự then chốt của trung tâm đề kháng Him Lam và là mục tiêu cuối cùng tại khu vực chưa bị đánh chiếm nên địch dồn lực lượng đánh trả ta quyết liệt. Pháo binh địch ở Mường Thanh sau hơn một giờ bị hoàn  toàn tê liệt trước đòn tập kích hỏa lực bất ngờ của pháo binh ta, cũng đã một phần gượng lại được và tập trung hỏa lực bắn chặn đường tiến của tiểu đoàn 11 qua sông Nậm Rốm. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 11 chiến đấu dũng cảm và đã thương vong một số, nhưng bốn giờ trôi qua, đơn vị vẫn chưa mở xong được cửa đột phá. Ðể giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, đại đoàn trưởng Ðại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Trung đoàn trưởng 141 cũng ra lệnh cho tiểu đoàn 428 mở một mũi đột phá từ cứ điểm 2 sang cứ điểm 1 phối hợp với đơn vị bạn. Trong khi tiểu đoàn 428 và tiểu đoàn dự bị còn đang tìm đường vượt qua hệ thống hầm hào chằng chịt của địch để sang cứ điểm 3 thì cùng thời gian đó, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 11 đã đột phá thành công vào chiếm nốt mục tiêu cuối cùng này.

Trận đánh mở màn chiến dịch kết thúc vào hồi 23 giờ 30 phút. Trung tâm đề kháng Him Lam bị hoàn toàn tiêu diệt. Tiểu đoàn 3/13 DBLE bị xóa sổ, 200 tên địch bị bắt sống. Xuất phát từ lòng nhân đạo và cũng là đòn cân não khoét sâu điểm yếu về tinh thần của binh lính địch, sáng 14-3, Bộ chỉ huy chiến dịch cho phép quân Pháp ở Mường Thanh ra nhận thương binh ở một địa điểm do ta quy định.

Việc một trung tâm đề kháng được phòng ngự rất kiên cố và tiểu đoàn lê-dương 3/13 DBLE - "một đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào" - bị tiêu diệt quá nhanh, đã làm cho bộ chỉ huy quân Pháp bàng hoàng và binh lính địch ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ lo sợ.

Trích trong "Ðiện Biên Phủ - mốc vàng thời đại" - NXB Quân đội nhân dân 2004

[1] Y-vơ Gơ-ra, Lịch sử cuộc chiến tranh Ðông Dương, Sđd...

[2] Hạ sĩ Ku-bi-ắc, người sống sót trong trận Him Lam kể lại rằng: "Trận pháo kích dữ dội đến nỗi người ta tưởng như ngày tận thế đã đến và tưởng chừng như cứ điểm Bê-a-tơ-ri-xơ đã bay đi thành những làn bụi. Quanh tôi đất đá bị cày tung lên, đây đó đầy những người bị thương và nằm chết la liệt. Tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh lấy ở đâu ra nhiều pháo đến thế, họ đưa pháo bằng cách nào lên tận lưng chừng các mỏm núi cao này". [Hạ sĩ Ku-bi-ắc, Cuộc hành quân Ca-xto, Véc-đoong, 1954, tạp chí Kê-pi trắng, số tháng 10 năm 1962].

Video liên quan

Chủ Đề