Vai trò của nghiên cứu khoa học đối với xã hội

Nghiên cứu khoa học là gì? Các cấp độ nghiên cứu khoa học; Hình thức, nhiệm vụ và kỹ năng đòi hỏi trong nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học là gì?

Theo Babbie [2011] : Nghiên cứu khoa học là cách thức: con người tìm hiểu các hiện tượng khoa học một cách có hệ thống và quá trình áp dụng các ý tưởng, nguyên lý để tìm ra các kiến thức mới nhằm giải thích các sự vật hiện tượng.

Theo Armstrong và Sperry [1994] : Nghiên cứu khoa học dựa vào việc ứng dụng các phương pháp khoa học để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiện và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Hình thức nghiên cứu này cung cấp thông tin và lý thuyết khoa học nhằm giải thích bản chất và tính chất của thế giới. Nghiên cứu khoa học là hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm.

Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức, đạt được từ các thí nghiệm nghiên cứu khoa học để phát hiện những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Con người muốn nghiên cứu khoa học phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Vai trò của nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu là để truyền tải thông tin. Tuy nhiên một bài nghiên cứu hiệu quả phải:

Làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của người đọc.

Thuyết phục người đọc tin vào một điều gì đó.

Đưa người đọc đến quyết định và hành động.

Dẫn dắt người đọc theo một quy trình nào đó.

Hai cấp độ nghiên cứu khoa học

Khẳng định lý thuyết và quan sát là hai trụ cột của khoa học thì nghiên cứu khoa học được thực hiện ở hai cấp độ: lý thuyết và thực nghiệm.

Cấp độ lý thuyết liên quan đến phát triển các khái niệm trừu tượng về hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội và mối liên hệ giữa các khái niệm này [tức là xây dựng lý thuyết]. Trong khi cấp độ thực nghiệm lại liên quan đến việc kiểm nghiệm mức độ phù hợp với thực tiễn của các khái niệm lý thuyết và mối liên hệ giữa các khái niệm để xem xét chúng phản ánh mức độ quan sát thực tế nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là tạo ra những lý thuyết hoàn chỉnh hơn. Theo thời gian, lý thuyết ngày càng hoàn thiện hơn [tức là phù hợp hơn với thực tế được quan sát] và khoa học tiếp tục phát triển. Nghiên cứu khoa học liên quan đến việc hoán chuyển qua lại liên tục giữa lý thuyết và quan sát thực nghiệm. Cả lý thuyết và quan sát là hai thành phần thiết yếu của nghiên cứu khoa học. Vì thế, chỉ dựa trên những quan sát để suy luận mà bỏ qua lý thuyết thì không được coi là nghiên cứu khoa học đúng nghĩa.

Hình thức nghiên cứu

Tùy thuộc chuyên môn đào tạo và sở thích của người nghiên cứu, nghiên cứu khoa học có thể thực hiện bằng một trong hai hình thức: quy nạp hoặc diễn dịch. Trong nghiên cứu quy nạp [inductive research], mục tiêu của người nghiên cứu là đưa ra các khái niệm và cấu trúc lý thuyết từ các dữ liệu quan sát. Còn trong nghiên cứu diễn dịch [deductive research], mục tiêu của người nghiên cứu là để kiểm tra các khái niệm và các mô hình lý thuyết bằng cách sử dụng các dữ liệu thức nghiệm mới. Vì thế, nghiên cứu quy nạp cũng được coi là nghiên cứu xây dựng lý thuyết [theory-building] và nghiên cứu diễn dịch là nghiên cứu kiểm nghiệm lý thuyết [theory-testing]. Ở đây cần lưu ý rằng mục tiêu của kiểm nghiệm lý thuyết không phải là chỉ để kiểm nghiệm một lý thuyết, mà có thể là để chỉnh lý, nâng cao và mở rộng lý thuyết. Hình 1.1 mô tả sự bổ sung của nghiên cứu quy nạp và diễn dịch. Lưu ý rằng nghiên cứu quy nạp và diễn dịch là hai nửa của chu trình nghiên cứu liên tục lặp lại giữa lý thuyết và quan sát. Bạn không thể tiến hành nghiên cứu quy nạp hoặc diễn dịch nếu bạn không quen với cả hai thành phần lý thuyết và dữ liệu của nghiên cứu. Đương nhiên, một người nghiên cứu có kinh nghiệm có thể nghiên cứu toàn bộ theo chu trình và có thể tiến hành đồng thời cả hai nghiên cứu quy nạp và diễn dịch.

Cần chú ý rằng cả nghiên cứu xây dựng lý thuyết [nghiên cứu quy nạp] và nghiên cứu kiểm nghiệm lý thuyết [nghiên cứu diễn dịch] đều quan trọng đối với sự tiến bộ của khoa học. Lý thuyết không có giá trị nếu không phù hợp với thực tế. Tương tự như vậy, hàng núi dữ liệu cũng trở nên vô dụng cho đến khi chúng có đóng góp cho việc xây dựng một lý thuyết có ý nghĩa. Thay vì xem xét hai quá trình trong mối quan hệ vòng tròn như thể hiện trong Hình 1.1, có lẽ tốt hơn là cần xem chúng theo hình xoắn trôn ốc, theo đó mỗi chu kỳ tương tác giữa lý thuyết và dữ liệu quan sát sẽ góp phần diễn giải rõ hơn các hiện tượng và hoàn chỉnh lý thuyết. Mặc dù cả hai nghiên cứu quy nạp và diễn dịch đều rất quan trọng đối với sự tiến bộ của khoa học, nhưng dường như nghiên cứu quy nạp [xây dựng lý thuyết] có giá trị hơn trong nghiên cứu xây dựng lý thuyết tiên khởi [prior theories] hoặc nghiên cứu giải thích; trong khi nghiên cứu diễn dịch [kiểm nghiệm lý thuyết] sẽ phát huy hiệu quả hơn khi đã có nhiều lý thuyết về cùng một hiện tượng và nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem lý thuyết nào trong số này phù hợp nhất trong một môi trường, hoàn cảnh nhất định.

Hình 1.1. Chu trình nghiên cứu

Nhiệm vụ

Xây dựng lý thuyết và kiểm nghiệm lý thuyết là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong các ngành khoa học xã hội, bởi vì tính chất trừu tượng của các khái niệm lý thuyết, sự hạn chế của các công cụ để đo lường và khả năng hiện diện của nhiều yếu tố không mong muốn ảnh hưởng đến các hiện tượng nghiên cứu. Việc bác bỏ các lý thuyết không phù hợp cũng cũng rất khó khăn.

Ví dụ, học thuyết của Karl Marx coi chủ nghĩa cộng sản là một phương tiện đảm bảo tính hiệu quả cho sự phát triển kinh tế đã đứng vững trong nhiều thập kỷ trước khi nó mất uy tín do thua kém chủ nghĩa tư bản trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Nền kinh tế cộng sản trước đây như Liên Xô và Trung Quốc cuối cùng đã chuyển đổi sang nền kinh tế tư bản với đặc trưng là tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sự sụp đổ của việc cho vay thế chấp và lĩnh vực tài chính tại Hoa Kỳ gần đây chứng tỏ chủ nghĩa tư bản mà cũng có khuyết tật và không còn hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội như được kỳ vọng trước đó. Không giống như trong khoa học tự nhiên, các lý thuyết khoa học xã hội rất hiếm khi hoàn hảo. Điều đó tạo cho các nhà nghiên cứu cơ hội phát triển những lý thuyết hiện có hoặc xây dựng các lý thuyết thay thế.

Kỹ năng đòi hỏi

Thực hiện nghiên cứu khoa học đòi hỏi hai nhóm kỹ năng lý thuyết và phương pháp luận để tiến hành nghiên cứu ở cấp độ lý thuyết và cấp độ thực nghiệm tương ứng. Kỹ năng phương pháp luận [know-how biết bằng cách nào] là tương đối chuẩn mực, bất biến trong tất cả các bộ môn khoa học và dễ đạt được thông qua các chương trình đào tạo tiến sĩ. Còn kỹ năng lý thuyết [know-what biết được cái gì] thì khó khăn hơn, đòi hỏi phải có nhiều năm quan sát, suy tư và là kỹ năng ẩn mà không thể dạy được mà do tích luỹ qua kinh nghiệm. Tất cả các nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, như Galileo, Newton, Einstein, Neils Bohr, Adam Smith, Charles Darwin và Herbert Simon, là các nhà lý thuyết bậc thầy đã xây dựng các định đề dẫn đến thay đổi chiều hướng của khoa học. Kỹ năng phương pháp luận là cái cần thiết để trở thành một nhà nghiên cứu thông thường, còn kỹ năng lý thuyết là cái cần thiết để trở thành nhà nghiên cứu bậc cao.

Video liên quan

Chủ Đề