Vệ sinh thân thể là gì

Thông tin tác giả

Tham khảo

X

wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 53 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.

Bài viết này đã được xem 16.412 lần.

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân là rất quan trọng, không chỉ để cơ thể sạch sẽ và thơm tho mỗi ngày, mà còn để ngăn sự xâm nhập và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Bằng việc phòng ngừa đúng cách, bạn có thể tránh được bệnh tật và tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh. Hãy đọc tiếp nội dung bên dưới để biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân sao cho vẻ ngoài luôn tươm tất và sức khỏe được bảo vệ.

Các bước

Phần 1
Phần 1 của 2:
Nỗ lực giữ gìn vệ sinh cá nhân

  1. 1
    Tắm gội hằng ngày. Đây là cách tốt nhất để làm sạch bụi bẩn, mồ hôi và/hoặc vi khuẩn mà cơ thể tích tụ trong suốt cả ngày và ngăn ngừa các mầm bệnh liên quan đến vệ sinh.[1] Bên cạnh đó, việc tắm gội hằng ngày giúp bạn cảm thấy sạch sẽ, trông tươm tất và có mùi thơm tho trong suốt cả ngày.
    • Dùng xơ mướp, mút xốp hoặc khăn để nhẹ nhàng kỳ cọ toàn bộ cơ thể, làm sạch tế bào chết và bụi bẩn. Tuy nhiên, nhớ thay những vật dụng này thường xuyên vì chúng rất dễ bám khuẩn.
    • Nếu không muốn gội đầu hằng ngày, bạn có thể dùng mũ tắm trùm tóc rồi tắm sạch cơ thể với xà phòng và nước.
    • Nếu không có thời gian để tắm, bạn sẽ dùng khăn để rửa mặt và vùng da dưới cánh tay trước khi đi ngủ.
  2. 2
    Chọn sản phẩm rửa mặt hằng ngày. Hãy nhớ rằng da mặt thường nhạy cảm hơn những vùng da khác trên cơ thể. Bạn có thể dùng sản phẩm rửa mặt trong lúc tắm hoặc rửa mặt riêng tại bồn rửa tay.
    • Cân nhắc loại da của bạn khi chọn sản phẩm rửa mặt. Nếu da rất khô, bạn nên tránh sản phẩm có chứa nhiều cồn vì thành phần này sẽ làm da bạn khô hơn. Nếu da bạn vô cùng nhạy cảm, tốt nhất nên chọn sản phẩm không gây kích ứng với hàm lượng hóa học thấp.
    • Nếu trang điểm đậm, bạn cần chọn sản phẩm rửa mặt có kết hợp tẩy trang. Hoặc là bạn có thể mua một sản phẩm tẩy trang riêng và tẩy sạch lớp trang điểm trước khi rửa mặt vào cuối ngày.
  3. 3
    Chải răng vào buổi sáng và tối. Việc chải răng thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh về nướu - thường là nguyên nhân dẫn đến các bệnh khác trong cơ thể như tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường.[2] Việc chải răng sau khi ăn các món ngọt hoặc thực phẩm có tính axit là rất cần thiết để ngăn ngừa sâu răng.
    • Để nướu chắc khỏe hơn, bạn cần mang theo sẵn bàn chải và kem đánh răng cỡ du lịch để chải răng sau các bữa ăn.
    • Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng mỗi tối để ngăn ngừa tình trạng viêm nướu.
  4. 4
    Sử dụng sản phẩm khử mùi. Nhóm sản phẩm ngăn tiết mồ hôi giúp kiểm soát lượng mô hôi, còn sản phẩm khử mùi làm giảm mùi khó chịu do mồ hôi gây ra. Hãy chọn sản phẩm khử mùi tự nhiên, không có thành phần nhôm để giảm rủi ro về sức khỏe gây ra bởi các loại sản phẩm khử mùi truyền thống.[3]
    • Nếu không dùng sản phẩm khử mùi hằng ngày, bạn nên dùng vào những ngày có hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi, hoặc vào những sự kiện đặc biệt. Dùng sản phẩm khử mùi trước khi chơi thể thao, đến phòng tập hoặc tham gia một sự kiện trang trọng.
    • Nếu không dùng sản phẩm khử mùi, bạn cần vệ sinh vùng da dưới cánh tay với xà phòng và nước trong suốt cả ngày để khử mùi khó chịu.
  5. 5
    Giặt quần áo sau mỗi lần mặc. Thông thường, áo nên được giặt sau mỗi lần mặc, còn quần dài và quần ngắn có thể mặc vài lần rồi hẳn giặt. Hãy dùng phán đoán của bạn để xác định xem khi nào nên giặt quần áo.
    • Làm sạch các vết bẩn trên quần áo trước khi mặc.
    • Là phẳng các nếp nhăn, dùng sản phẩm tẩy xơ vải để làm sạch xơ và tóc bám trên quần áo.
  6. 6
    Cắt tóc sau mỗi 4-8 tuần. Cho dù bạn muốn nuôi tóc dài hay để tóc ngắn, việc cắt tóc sẽ giúp cho tóc khỏe mạnh, loại bỏ phần chẻ ngọn và làm cho mái tóc luôn sạch lẫn chắc khỏe hơn.
  7. 7
    Thường xuyên cắt móng tay và móng chân. Việc này không chỉ giúp cho tay và chân trông đẹp mắt mà còn tránh được các vết xước ở khóe móng, gãy móng và những hư tổn khác cho móng. Móng tay ngắn không bị bám bẩn bên dưới như với móng tay dài. Việc cắt móng tay bao lâu một lần còn tùy thuộc vào độ dài móng mà bạn yêu thích. Khi quyết định độ dài móng, hãy cân nhắc các hoạt động mà bạn thường làm mỗi ngày. Nếu bạn thường dành nhiều thời gian để gõ máy tính hoặc chơi đàn piano, móng tay ngắn có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nếu thích móng tay dài thì cũng không sao, nhưng bạn nhớ cắt tỉa thường xuyên để tránh bị gãy móng.
    • Dùng dụng cụ làm sạch móng để làm sạch bụi bẩn dưới móng nhằm ngăn tình trạng nhiễm khuẩn.

Phần 2
Phần 2 của 2:
Phòng bệnh

  1. 1
    Rửa tay với xà phòng và nước. Đây là một trong những cách quan trọng nhất để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn cho người khác.[4] Rửa tay sau khi đi vệ sinh; trước khi, trong khi và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn; trước và sau khi chăm sóc người bệnh; sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; sau khi chạm vào động vật và/hoặc dọn dẹp chất thải động vật.
    • Luôn mang theo sản phẩm rửa tay khô phòng trường hợp bạn không thể vào nhà vệ sinh để rửa tay.
  2. 2
    Thường xuyên làm sạch các bề mặt trong nhà. Bạn nên lau quầy bếp, sàn nhà, phòng tắm và bàn ăn ít một lần mỗi tuần với xà phòng và nước hoặc sản phẩm vệ sinh quen thuộc. Nếu sống cùng nhiều người khác, bạn cần lên kế hoạch làm việc nhà và luân phiên thay đổi việc vệ sinh mỗi tuần.
    • Dùng sản phẩm vệ sinh thân thiện với môi trường có chứa hàm lượng hóa học thấp hơn các nhãn hàng truyền thống.
    • Luôn dẫm đế giày vào thảm chùi chân trước khi bước vào nhà. Ngoài ra, bạn có thể cởi giày rồi để ngoài cửa trước khi vào nhà, và yêu cầu khách làm điều tương tự. Như vậy, bạn sẽ tránh được việc đem bụi bẩn và bùn đất vào trong nhà.
  3. 3
    Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi. Đây là một điều cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn tránh lây nhiễm vi khuẩn sang những người xung quanh. Nhớ rửa tay với xà phòng và nước sau khi ho hoặc hắt hơi.
  4. 4
    Không dùng chung dao cạo, khăn hoặc mỹ phẩm với người khác. Việc dùng chung các sản phẩm kể trên với người khác làm tăng khả năng lây lan bệnh viêm nhiễm tụ cầu.[5] Nếu dùng chung khăn hoặc quần áo với người khác, bạn nên nhớ giặt sạch trước và sau khi cho họ mượn.
  5. 5
    Phụ nữ cần thay băng vệ sinh/tampon thường xuyên. Thay tampon ít nhất một lần sau mỗi 4-6 tiếng để giảm khả năng mắc hội chứng nhiễm độc cấp tính [TSS].[6] Thay băng vệ sinh mới sau mỗi 4-8 tiếng. Nếu muốn ngủ hơn 8 tiếng, bạn nên dùng băng vệ sinh thay cho tampon trong khi ngủ.
  6. 6
    Thường xuyên đến gặp bác sĩ. Việc này có thể giúp bạn sớm phát hiện bệnh và các loại viêm nhiễm để dễ dàng chữa trị hơn. Do đó, hãy thường xuyên đến gặp bác sĩ gia đình, nha sĩ, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc các bác sĩ quen thuộc của bạn. Đến phòng khám khi bạn thấy không khỏe hoặc nghĩ rằng mình bị viêm nhiễm gì đó và nhớ duy trì việc khám sức khỏe định kỳ.

Video liên quan

Chủ Đề