Vi khuẩn BK là gì

Số trường hợp lao mới đang tăng. Năm 2007, thế giới có 13,7 triệu ca lao mạn tính hoạt động, 9,3 triệu ca lao mới, và 1,8 triệu người chết vì lao mà nhiều nhất là ở các nước đang phát triển. Phân bố không đồng nhất: thử lao tố da dương tính ở 80% dân số nhiều nước châu Á và châu Phi, trong khi chỉ dương tính ở 5 - 10% dân số Mỹ.

Các yếu tố nguy cơ

Có khoảng 5 - 10% trường hợp lao sơ nhiễm trở thành lao thực sự, phụ thuộc vào một loạt các yếu tố nguy cơ như: bệnh bụi phổi, đái tháo đường, cắt dạ dày, nối tắt ruột, ghép tạng, ung thư, dùng kim chung ở người nghiện, điều trị corticosteroid kéo dài, bệnh bạch cầu, Hodgkin, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, nhiễm HIV/AIDS, suy thận mạn, là nhân viên y tế, điều kiện kinh tế-xã hội thấp, sống chật chội, vô gia cư…

Tác nhân gây bệnh

Tác nhân chính là Mycobacterium tuberculosis [MT, quen gọi là vi khuẩn Koch hay BK, mang tên nhà vi khuẩn học người Đức Robert Koch]. Ngoài ra còn có các Mycobacterium khác cũng gây ra bệnh lao như: M. bovis [vi khuẩn lao ở bò trước đây cũng hay gặp gây ra bệnh lao ở người, nay đã bị loại trừ ở các nước phát triển nhờ tiệt khuẩn sữa bằng phương pháp Pasteur], M. africanum [không phân bố rộng nhưng là nguyên nhân quan trọng của lao ở nhiều vùng châu Phi]. BK là một vi khuẩn nhỏ, không di chuyển, hiếu khí. Vỏ mỡ của nó bắt màu đỏ của một bazơ là carbol-fuchsin và không bị phai màu khi rửa với acid loãng, do đó BK là một vi khuẩn bền màu với acid. Nhuộm Ziehl-Neelsen, BK có màu đỏ sáng nhìn rõ trên nền xanh lục.

Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây lao phổi

Quá trình gây bệnh

Phần lớn BK hít vào phổi sẽ bị loại trừ bởi cơ chế bảo vệ của đường hô hấp trên. Chỉ các mảnh nhỏ có đường kính < 5mm là qua được các phế quản tận để vào các phế nang, tại đó chúng xâm nhập và nhân đôi trong các đại thực bào phế nang. Tổn thương nhiễm đầu tiên ở phổi - lao sơ nhiễm - được gọi là ổ Ghon [mang tên nhà giải phẫu bệnh Anton Ghon người Áo, 1866 - 1936], là một nốt nhỏ dạng viêm hạt và khi to lên hay khi bị canxi-hóa thì có thể thấy được trên phim X-quang phổi. Trẻ bị lao sơ nhiễm có thể có các biểu hiện như gầy yếu, xuống cân, sốt nhẹ… nhưng thường là không có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm đàm tìm BK âm tính, phản ứng da với lao tố chuyển dương, và không có khả năng lây bệnh cho người khác. Vị trí kinh điển của lao sơ nhiễm là quanh các khe giữa các thùy phổi. Thường đi kèm phì đại các hạch vùng trung thất, khi đó ta có một phức hợp Ghon hay phức hợp lao sơ nhiễm.

Lao sơ nhiễm thường sẽ khỏi, nhưng ở một số người nhất là những người bị suy giảm miễn dịch thì có thể phát triển thành lao kê, đó là những hạt trắng nhỏ gặp tại khắp các mô của cơ thể, bệnh hết sức nặng có thể tử vong đến 100% nếu không được điều trị. Chỉ có khoảng 10% lao sơ nhiễm là tiến triển thành lao hoạt động. Khi đó vi trùng lao lan theo đường máu đi tới các mô và các tạng khác của cơ thể tạo ra các thương tổn lao thứ cấp: ở các vị trí khác của phổi [chiếm đa số, thường gặp tại các đỉnh phổi] hay ngoài phổi.

Triệu chứng lao phổi

Các triệu chứng kinh điển bao gồm: ho kéo dài với đàm có lẫn máu, sốt, ra mồ hôi về đêm, sụt cân. Chẩn đoán dựa vào chụp X-quang phổi, thử phản ứng da với lao tố, thử máu, tìm và nuôi cấy vi khuẩn ở đàm, mủ và các dịch của cơ thể.

Các hình ảnh X-quang của lao phổi hoạt động có thể gặp: 1. Thâm nhiễm là những nốt mờ ở một phân thùy, đôi khi cả một thùy phổi, thường khu trú ở các đỉnh phổi; 2. Tổn thương hang; 3. Dạng nốt với bờ không rõ của lao; 4. Tràn dịch màng phổi; 5. Phì đại các hạch rốn phổi ở một hay hai bên; 6. Lao kê với các hạt đường kính 1 - 2mm ở khắp các mô của cơ thể.

Chẩn đoán lao phổi

Chẩn đoán lao phổi thường dựa vào 3 yếu tố:

Nguồn lây: rất quan trọng đối với trẻ em, người lớn ít hơn.

Lâm sàng: hội chứng nhiễm lao thường có khuynh hướng kéo dài vì bản chất của lao là mạn tính.

Cận lâm sàng:

Thử đàm tìm vi khuẩn lao: đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán lao, nhưng thường âm tính, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh lao, hoặc đôi khi bệnh nhân đã vô tình sử dụng các thuốc ảnh hưởng lên vi khuẩn lao nên việc tìm BK ở đàm là rất khó. Một vấn đề lớn nữa trong chẩn đoán lao là khó khăn trong việc nuôi cấy loại vi khuẩn mọc chậm này ở phòng thí nghiệm [4 - 12 tuần cho cấy máu hay cấy mủ].

Khi đó chẩn đoán có thể dựa vào chụp X-quang phổi và thử phản ứng da với lao tố, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn không thể kết luận một cách chắc chắn.

Phản ứng khuếch đại gen: nhanh, nhạy và đặc hiệu để phát hiện DNA của BK, trong trường hợp không tìm thấy BK ở các mẫu đàm.

Điều trị lao phổi

Những năm gần đây nổi lên vấn đề lao kháng nhiều thuốc. Có thể là: kháng thuốc tự nhiên, hoặc kháng thuốc ở những bệnh nhân đã được điều trị trước đó hay chưa được điều trị. Vấn đề này rất nguy hiểm, làm cho việc chữa khỏi bệnh lao trở nên hết sức khó khăn.

Có 2 quan điểm trong điều trị bệnh lao phổi:

Đối với thầy thuốc chuyên khoa lao: các trường hợp lao phổi BK dương tính, bệnh nhân được quản lý và điều trị theo chương trình chống lao; còn các trường hợp BK âm tính thì quản lý và điều trị theo một tỉ lệ quy định bởi chương trình chống lao.

Đối với thầy thuốc không phải chuyên khoa lao: điều trị cho từng trường hợp lâm sàng, nếu có đủ các yếu tố chẩn đoán lao phổi [bao gồm nguồn lây, bệnh kéo dài, tổn thương X-quang phù hợp với lao phổi] thì việc điều trị phải tuân thủ chương trình chống lao chung.

Phòng bệnh dựa vào các chương trình tầm soát và tiêm chủng:

- Tiêm chủng với vắc-xin BCG là chủ yếu.

- Lây truyền bệnh lao chỉ xảy ra từ người mắc bệnh lao hoạt động. Có thể ngăn chặn lây bệnh bằng cách ly những người này và bắt đầu điều trị lao hiệu quả [sau 2 tuần, người bị lao hoạt động nói chung nếu không kháng thuốc sẽ hết khả năng lây nhiễm].

PGS.TS.BS. QUANG VĂN TRÍ

Khoa Khám bệnh- BV. ĐHYD TP.HCM


Lao phổi là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Xét nghiệm đờm AFB là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán và xác định lao phổi AFB âm tính, dương tính.

1. Lao phổi và xét nghiệm đờm AFB

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm thường gặp, do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Có lao phổi AFB âm tính và dương tính, với tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau, song triệu chứng và cách điều trị không khác biệt.

AFB là một tên gọi tắt của xét nghiệm vi khuẩn lao là Acid Fast Bacillus test. Xét nghiệm này được quan sát vi khuẩn lao trực tiếp trên kính hiển vi. Nó có tên gọi đặc biệt này bởi vì phương pháp xét nghiệm và quan sát rất khác biệt so với các vi khuẩn thông thường khác, do chúng kháng acid cồn.

Xét nghiệm đờm AFB là xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn lao AFB [Acid Fast Bacillus] trong đờm của bệnh nhân trực tiếp trên kính hiển vi. Đây là tiêu chuẩn có thể gợi ý đến một tình trạng bệnh Lao.

Bệnh nhân lao phổi có triệu chứng ho ra máu

Lao phổi AFB dương tính là khi phát hiện được vi khuẩn lao dạng AFB [+] gây ra tổn thương hang phổi và nhiễm trùng phế quản. So với AFB [-] thì loại vi khuẩn này hoạt động mạnh hơn, tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau.

Vi khuẩn lao AFB dương tính thường cư trú trong đờm, gây bệnh lao với triệu chứng ho liên tục, kéo dài, ho ra máu,...

Dù được chẩn đoán là lao phổi AFB âm tính thì người bệnh cũng bắt buộc phải điều trị giống như người lao phổi AFB dương tính.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán lao thông qua xét nghiệm đờm AFB

Chẩn đoán lao phổi AFB âm tính được Tổ chức y tế thế giới quy định khi có 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:

- 2 lần xét nghiệm đờm AFB thực hiện cách nhau 3 tuần cho kết quả AFB âm tính, trong đó mỗi lần xét nghiệm 3 mẫu đờm, có tổn thương lao tiến triển qua X - quang.

- Nuôi cấy BK [+] hoặc Haintest [+] hoặc Xpert MTB/Rif[+].

Với người nhiễm HIV: lao phổi AFB âm tính khi có hình ảnh lao, AFB 2 lần âm tính, không đáp ứng với kháng sinh phổ rộng [trừ Aminoglycosid và Quinolon]. Lao phổi AFB âm tính khác là khi người bệnh từng điều trị lao trước đây, nay chẩn đoán ra AFB [-].

Chẩn đoán lao phổi AFB dương tính khi xác định được 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:

- Một tiêu bản AFB [+] và cấy [+]

- Một tiêu bản AFB [+] và có hình ảnh lao tiến triển trên x-quang.

- ≥ 2 tiêu bản có AFB [+] từ 02 mẫu đờm khác nhau

Với người nhiễm HIV: xét nghiệm 1 tiêu bản AFB [+]. Lao phổi AFB dương tính khác là khi người bệnh từng điều trị lao trước đây nhưng không xác định được phác đồ và kết quả điều trị, nay chẩn đoán ra AFB [+].

Lao phổi AFB dương tính và âm tính đều cần điều trị

Ngoài ra, lao phổi AFB dương tính được chia thành các mức độ:

+ AFB 1+: Khi xét nghiệm soi đờm AFB thấy 10 - 99 AFB/100 vt, ứng với cục sần từ 10 - 14mm.

+ AFB 2+: Khi xét nghiệm soi đờm AFB thấy 1 - 10 AFB/vi trường, soi ít nhất 50 vi trường.

+ AFB 3+: Khi xét nghiệm soi đờm AFB thấy > 10 AFB/vi trường.

3. Điều trị và phòng ngừa lây lan bệnh Lao phổi AFB

Bệnh lao phổi AFB rất dễ lây lan, với tốc độ nhanh chóng qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao AFB trú ngụ rất nhiều trong đờm của bệnh nhân. Khi người bệnh ho hay hắt hơi, một lượng lớn vi khuẩn được giải phóng ra ngoài và tạo thành các hạt khí dung có mang vi khuẩn Lao trong không khí. Nếu người không mắc bệnh không đề phòng có thể dễ dàng hít hạt khí dung có chứa vi khuẩn AFB, chúng sẽ xâm nhập và gây bệnh.

Nếu người bị lây nhiễm AFB có sức đề kháng tốt thì có thể vi khuẩn AFB chưa phát triển nhanh và gây bệnh. Tuy nhiên khi sức đề kháng cơ thể yếu đi, hoặc khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn AFB sẽ lại sinh sôi, nhanh chóng gây bệnh lao nặng.

Do đó, với người mắc lao phổi AFB, cả AFB dương tính và âm tính đều phải được cách li, có biện pháp phòng ngừa lây lan cho cộng đồng.

Phác đồ điều trị bệnh lao phổi AFB âm tính và dương tính không có nhiều khác biệt, theo đó bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị kéo dài. Hiện nay, phương pháp điều trị phổ biến nhất là “điều trị có kiểm soát bằng phác đồ ngắn hạn”. Bác sĩ sẽ giám sát điều trị trực tiếp trong 2 tháng đầu, sau đó là tình nguyện viên hoặc người thân giám sát.

Căn bệnh lao phổi AFB là bệnh mang tính xã hội, do đó, điều trị và dự phòng lây nhiễm là vô cùng quan trọng, cần thực hiện song song. Biện pháp dự phòng quan trọng nhất là cắt nguồn lây, nghĩa là người bệnh được phát hiện sớm, chữa dứt điểm và cách li hoàn toàn trong quá trình điều trị.

Lao phổi rất dễ lây nhiễm ra cộng đồng

Để điều trị hiệu quả và dự phòng lây nhiễm lao phổi AFB cho cộng đồng, cần:

- Phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bệnh viện lao hoặc nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như trại giam, khu vực cách ly…

- Giáo dục và tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bệnh lao đến cộng đồng. Bệnh lao chủ yếu lây qua đường hô hấp và sinh hoạt, do đó cần tăng cường sức khỏe và vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ.

- Tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp không có biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân lao.

- Không dùng chung đồ cá nhân với người bệnh.

- Người bệnh lao khi hắt hơi, ho,… cần dùng giấy che miệng, sau đó vứt vào thùng rác riêng.

- Người bệnh tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị và yêu cầu của bác sĩ.

Hi vọng những thông tin về bệnh lao phổi AFB và xét nghiệm đờm AFB chẩn đoán trên đây sẽ giúp bạn đọc nắm bắt thêm nhiều kiến thức về bệnh, có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

MEDLATEC là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xét nghiệm. Trung tâm Xét nghiệm của bệnh viện đạt chuẩn quốc tế ISO 15189:2012, tự tin mang đến kết quả nhanh chóng và chính xác nhất.

Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm, sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích và phác đồ điều trị hiệu quả.

Nếu đang có nhu cầu tư vấn về xét nghiệm đờm AFB, liên hệ với MEDLATEC để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Video liên quan

Chủ Đề