Vì sao game thu khong muon cai nghien

Chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ “nghiện chơi game”. Người ta dùng cụm từ này để mô tả những người chơi game nhiều. Nhưng liệu chỉ chơi game nhiều có thể xem là nghiện? Và liệu rằng nghiện game có phải là một căn bệnh thật sự?

1. Nghiện game có thật sự là một rối loạn?

Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] công nhận “rối loạn chơi game” [hay còn họi là nghiện game] chính thức là một rối loạn thật sự. Nó nằm trong Phân loại bệnh quốc tế [ICD – 11]. Tuy nhiên, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ cho đến nay vẫn không xem chơi game là hành động có thể gây nghiện. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc đây có phải là một rối loạn thật sự.

Vậy khi nào chơi game là một vấn đề? Theo WHO, rối loạn chơi game là rất hiếm. Để được chẩn đoán, việc chơi game phải đủ nghiêm trọng và gây ra sự suy yếu đáng kể về hành vi cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác. Nghiện game được chẩn đoán khi nó kéo dài hơn 12 tháng và chi phối toàn bộ cuộc sống của người chơi.

Chơi game trở thành một rối loạn khi nó ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.

2. Tại sao chơi game có thể trở nên nghiện?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game. Một trong những lý do là trò chơi điện tử được thiết kế bằng cách sử dụng tâm lý hành vi hiện đại để khiến bạn bị cuốn hút. Các trò chơi là những trải nghiệm tuyệt vời, đặt ra nhiều nhiệm vụ để bạn vượt qua. Khi đạt được những mục tiêu hay chiến thắng trong game, não tiết ra một lượng dopamine cao làm cho bạn cảm thấy vui vẻ, hân hoan, dễ chịu. Bạn bắt đầu sống trong một thế giới game nơi bạn mong đợi sự hài lòng ngay lập tức. Các trò chơi rất hấp dẫn đến nỗi nó có thể dễ dàng chơi hàng giờ liền mà không chán. Game tạo ra một môi trường nơi bạn cảm thấy an toàn và trong tầm kiểm soát.

Cảm giác chiến thắng trong game làm tăng lượng dopamine trong não.

3. Những dấu hiệu nào cho thấy có thể bạn đã nghiện game?

Thật khó để phân định thế nào là nghiện game, thế nào là yêu thích chơi game. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi mình một vài câu hỏi:

  • Trò chơi video của bạn có cản trở những điều quan trọng khác trong cuộc sống của bạn, như các mối quan hệ, công việc hoặc đi học không
  • Bạn có cảm thấy như bạn đã vượt qua ranh giới giữa thích chơi và cảm giác thôi thúc phải chơi không?
  • Bạn có thể sử dụng chơi game để tránh né một vấn đề sâu sắc hơn như trầm cảm?

Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã xác định 7 dấu hiệu cảnh báo của rối loạn chơi game.

3.1 Trong đầu luôn bận tâm với các trò chơi game

Bạn luôn nghĩ về game liên tục trong ngày. Chơi game trở thành hoạt động chủ đạo trong cuộc sống hàng ngày.

3.2 Triệu chứng “cai” khi không được chơi game

Những triệu chứng này thường được mô tả là khó chịu, lo lắng, buồn chán khi không được chơi game.

3.3 Độ dung nạp khi chơi game

Điều này có thể giải thích rõ như sau: ví dụ như khi sử dụng heroin ban đầu chỉ cần dùng 1 lượng nhỏ là đã có thể đạt được cảm giác bạn mong muốn. Nhưng càng về sau, để đạt được cảm giác “phê” này, bạn bắt buộc phải tăng liều lên, tăng số lần sử dụng trong ngày thì đây gọi là độ dung nạp. Tương tự đó, thì chơi game cũng vậy, càng ngày nhu cầu dành nhiều thời gian tham gia vào các trò chơi video. Điều này có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu hoàn thành các mục tiêu ngày càng phức tạp, tốn thời gian hoặc khó khăn để đạt được sự hài lòng khi chơi game.

3.4 Những nỗ lực không thành công để kiểm soát hành vi chơi game

Trước đây, bạn có thể dừng chơi khi cần phải làm việc khác. Nhưng nếu hiện tại bạn không thể kiểm soát được nó. trong đầu muốn dừng chơi nhưng vẫn không thể nào thoát ra được.

3.5 Mất hứng trong các sở thích và giải trí trước đây do chơi game quá nhiều

Bạn tham gia chơi game và bị thu hút vào các trò chơi đến nỗi không còn quan tâm đến xung quanh. Thậm chí cả những sở thích trước đây bạn cũng không màng tới.

3.6 Tiếp tục sử dụng quá nhiều trò chơi mặc dù nó có tác hại tiêu cực

Bạn nhận diện được các tác hại do chơi game quá nhiều mang lại. Nhưng vẫn không thể nào kiểm soát được hành vi chơi game. Cho dù nó gây nguy hiểm hoặc mất một mối quan hệ, công việc, giáo dục hoặc cơ hội nghề nghiệp đáng kể.

3.7 Sử dụng trò chơi để thoát khỏi trạng thái tiêu cực

Bạn có xu hướng sử dụng các trò chơi video để thoát khỏi hoặc làm giảm tâm trạng tiêu cực. Ví dụ: cảm giác bất lực, mặc cảm, lo lắng. Tình trạng này lặp đi lặp lại và bạn bị lệ thuộc vào game.

Nếu bạn gặp những dấu hiệu này trên 12 tháng, có lẽ bạn đã bị rối loạn chơi game. 

4. Chơi game nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Nghiện chơi game là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống của một người. Một người nếu dành hơn 10 giờ mỗi ngày để chơi game, thường là vào ban đêm sẽ gây thiếu ngủ. Các game thủ được biết là có chế độ ăn uống nghèo nàn bao gồm chủ yếu là nước tăng lực chứa đầy caffeine và đường. Nhiều người bị mất nước và suy dinh dưỡng. Những người nghiện chơi game có xu hướng ủ rũ và cáu kỉnh, chán nản, hung hăng. Ngồi chơi game quá lâu gây các vấn đề về thị lực và các vấn đề về cơ xương khớp.

Một số loại game có xu hướng bạo lực, điều này làm gia tăng khả năng lệch lạc hành vi ngoài cuộc sống, đặc biệt là những đứa trẻ. Trên thực tế chúng ta đã có những vụ việc đáng tiếc do trẻ chơi game quá nhiều và có hành vi bạo lực do bắt chước theo game.

Việc chơi game quá nhiều tác động không nhỏ đến sức khỏe.

5. Điều trị rối loạn này như thế nào?

Khi nhận thấy bản thân hay con cái mình có dấu hiệu nghiện game, tôi nên tìm đến ai? Nghiện game hiện nay được WHO công nhân nhận là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Nên khi gặp khó khăn bạn hãy tìm đến bác sĩ hay nhà trị liệu mảng tâm thần – tâm lý.  Cần được thăm khám kĩ càng  liệu rằng chỉ bị rối loạn chơi game hay còn đồng mắc một bệnh nào khác. Các phương pháp điều trị nghiện game hiện vẫn còn đang nghiên cứu. Tuy nhiên phương pháp hiện có nhiều bằng chứng hiệu quả là CBT. Hay còn gọi là phương pháp trị liệu bằng nhận thức hành vi.

Nếu trong gia đình có người nghiện game. Bạn có thể thử một số biện pháp sau để hỗ trợ quá trình điều trị:

  • Đặt giới hạn thời gian để chơi và theo dõi sát người chơi trong giai đoạn đầu.
  • Bỏ điện thoại và các thiết bị để chơi game ra khỏi phòng ngủ. Quy định giờ ngủ rõ ràng, đến giờ ngủ là đi ngủ, không mang theo bất cứ thiết bị nào vào phòng ngủ. Quy định phòng ngủ chỉ dùng để ngủ. Xem thêm: 10 tác hại khôn lường khi dùng điện thoại thông minh quá nhiều.
  • Thực hiện các hoạt động thay thế khác mỗi ngày, ví dụ tập thể dục, nấu ăn,… Điều này sẽ làm giảm nguy cơ sức khỏe của việc ngồi chơi trong thời gian dài.

Tổng kết

Nếu việc chơi game của bạn hoặc con trẻ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đã liệt kê ở trên thì bạn cần phải lưu tâm. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia nếu bạn cảm thấy bối rối. Cai nghiện game không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng vẫn có thể đạt được. Nghiện chơi game có thể nguy hiểm như bất kỳ chứng nghiện nào khác và cần phải được điều trị. 

Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm.

Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý, khi ngồi trước màn hình máy tính quá lâu cũng sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường đối với mắt. Bạn có thể xem thêm các bài viết liên quan dưới đây:

>>> Bạn có đang bị mỏi mắt?

>>> 7 loại thuốc nhỏ mắt cho tình trạng khô mắt mà bạn cần biết

>>> Khô mắt vào mùa đông: Cách nhận biết và khắc phục

Video liên quan

Chủ Đề