An binh bat động tiếng trung là gì năm 2024

Án binh bất động là một từ ngữ quân sự cổ, gốc Hán. Cụm từ này, hiện nay ít được sử dụng nhưng nội dung của nó vẫn có một giá trị thực tiễn. Tuy nghĩa bóng, nghĩa xã hội là "chưa vội tiến hành một việc gì mà chưa đủ điều kiện" nhưng nghĩa đen, nghĩa quân sự là "giữ quân lính lại, không cho ra đánh". Hiện tượng này do hai nguyên nhân chi phối: một là chưa nắm hết được tình hình đối phương, hai là do chuẩn bị chưa kỹ.

Đây chính là điều muôn thuở của chiến tranh như binh thư cổ đã căn dặn: "Biết địch, biết ta, trăm trận không nguy (Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bất đãi). Chưa biết địch, chưa biết ta, nhất thiết không được hành động. Điều tốt nhất là im lặng. Biết tự kiềm chế cũng là sự thể hiện bản lĩnh cao của người chỉ huy quân sự. Như thế, hoàn toàn không có nghĩa là thủ tiêu chiến đấu mà tìm cách "nâng cấp" sự chuẩn bị để giành chiến thắng bằng phương pháp tối ưu. Sau đây, xin nêu lên một số thí dụ.

Thứ nhất là trường hợp Tư Mã Ý dưới thời Tam Quốc (220-280). Ông vốn là một viên tướng ưu tú, trưởng thành trong nội bộ tập đoàn Tào Ngụy và đã được phong tới chức Đại đô đốc, thống lĩnh quân đội, tương đương với chức Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang ngày nay. Vào cuối thời Tam Quốc, trên chiến trường Ngụy-Thục, ông là kẻ tử thù của Khổng Minh. Nhiều người cho rằng, về phương diện chiến lược quân sự, ông cao hơn Khổng Minh một bậc nhưng về phương diện chiến thuật như điều binh, khiển tướng, bày trận, dùng mưu, ông lại tự cho là Khổng Minh đáng được tôn vinh là vô địch. Chính vì thế mà trong trận Vị Bắc, thà mặc yếm, áo phụ nữ do đối phương mang lại, cam chịu lép vế, nhưng quyết thực hiện phương châm "án binh bất động" chứ Tư Mã Ý không chịu khinh xuất ra quân để sa vào âm mưu khiêu chiến.

Theo sách Tam Quốc diễn nghĩa thì Khổng Minh dẫn một toán quân đến đó ở gò Ngũ Trượng và đã nhiều lần sai người sang thách thức nhưng quân Ngụy nhất định không ra. Nhằm khích tướng, Khổng Minh bèn lấy một cái khăn, một cái yếm và quần áo trắng phụ nữ, gói vào một chiếc hòm rồi viết thư cử người mang đến doanh trại quân Ngụy.

Tư Mã Ý nhận hòm, sai mở ra xem thấy có khăn, yếm, áo quần phụ nữ và một phong thư với lời lẽ rất khinh thường. Tuy trong bụng rất căm giận nhưng xem xong thư. Tư Mã Ý vẫn nén chịu, gượng cười.

- Khổng Minh xem ta như đàn bà ư?

Rồi kính cẩn cúi đầu, chắp tay vái và nhận lấy bộ quần áo.

Sứ giả đem câu chuyện đó về thuật lại. Nghe xong, thấy được sự điềm tĩnh, chịu đựng quá mức của đối phương, biết rõ là mình đã "hết phép", không thể nào thắng nổi, Khổng Minh liền ngao ngán nói rằng:

- Tư Mã Ý thực là biết ta!

Thứ hai là trường hợp đạo quân Tây Sơn, một vạn người, ở Bắc Hà cuối năm 1788, dưới sự chỉ huy của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm khi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh tràn qua biên giới.

Trước tình hình đó, theo sách "Hoàng Lê Nhất thống chí"; Ngô Thì Nhậm phân tích rõ với Ngô Văn Sở: "Tướng giỏi đời xưa, lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành động, tùy theo tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước; đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì...".

... "Sở bèn nghe theo rồi mật truyền cho các viên trấn thủ ở Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, một mặt nói phao là đem quân đắp lũy ở sông Như Nguyệt, một mặt cất lẻn rút quân về", đồng thời "... sai chia quân đóng đồn dọc theo ven núi Tam Điệp thẳng đến bờ biển, hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau để cố thủ".

Kiểu hành xử "án binh bất động" của đạo quân Bắc Hà đã tạo cho phía sau có thêm thời gian chuẩn bị. Chẳng hạn như một ngày sau khi nhận được tin dữ, Nguyễn Huệ đã làm lễ đăng quang, lấy danh nghĩa một quốc gia có chủ quyền để tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; hay như nâng số quân từ 60.000 ở Phú Xuân lên 100.000 trên đường tiến ra phía bắc, qua việc tuyển quân ở Nghệ An, việc "thệ sư" ở Thanh Hóa... Chính vì vậy mà khi đến Tam Điệp, xem xét lại toàn bộ công việc đã làm, trước khi xuất phát tiến công, vua Quang Trung đã đánh giá rất cao thái độ tỉnh táo, nép mình chờ thời này: "Các người đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng".

Quả nhiên, những nước cờ cao thủ của các tướng lĩnh quân Tây Sơn cùng với tinh thần chiến đấu quên mình của quân và dân ta ở thế kỷ XVIII đã từng bước đẩy quân xâm lược lún sâu vào cảnh thảm bại: "Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu pháo rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu, xô đẩy nhau rơi xuống sông mà chết rất nhiều. Lát sau, cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn, không chảy được nữa".