Các công trình thủy lợi ở Việt Nam

Cung cấp lượng nước tưới lớn cho nông nghiệp

Những năm qua, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư xây dựng hàng nghìn hệ thống công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, từ các công trình đầu mối đến mặt ruộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, đảm bảo an sinh xã hội của người dân. Cùng với đó các thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về thủy lợi được hoàn thiện, quy định rõ các hoạt động thủy lợi; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân về thủy lợi. Đồng thời tạo động lực, tăng cường tính tự chủ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến năm 2019, cả nước có tổng số 100 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 84 công ty TNHH MTV (chiếm 84%), 5 ban (5%), 6 trung tâm (6%) và 5 chi cục thủy lợi (5%) làm nhiệm vụ quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Với các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hệ thống thủy lợi đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn (hệ thống có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho 2.000ha trở lên).

Các công trình thủy lợi đã góp phần tưới cho 4,28 triệu ha/11,54 triệu ha (36,5%) diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tổng diện tích tưới lúa cả năm 7,26 triệu ha/7,4-7,5 triệu ha gieo trồng. Tổng diện tích tưới rau màu cả năm 1,3-1,7 triệu ha. Tổng diện tích tưới cây công nghiệp hằng năm, cây công nghiệp lâu năm và cây dược liệu 759.900 ha.

Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp nước cả năm 686.600 ha. Đồng thời, cung cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp; kết hợp phát điện, giao thông thủy.

Ngoài ra, các hệ thống công trình thuỷ lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, việc khai thác các công trình thủy lợi ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tổ chức bộ máy khai thác công trình thủy lợi không thống nhất trên toàn quốc dẫn đến việc ban hành, áp dụng chính sách trong khai thác gặp nhiều khó khăn.

So với các lĩnh vực hạ tầng khác, thủy lợi chưa có điều kiện áp dụng công nghệ hiện đại và trang thiết bị quản lý tiên tiến vào xây dựng và quản lý, khai thác công trình. Do vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhiều nơi còn lạc hậu.

Đặc biệt là tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, xả nước thải chưa đủ tiêu chuẩn vào công trình thủy lợi xảy ra tại nhiều địa phương, chưa được giải quyết triệt để. Ở nhiều nơi, với sự phát triển kinh tế -  xã hội và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao dẫn đến việc quản lý công trình thủy lợi ngày càng khó khăn.

Cùng với đó, hiện nay, ở nhiều đơn vị khai thác cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chưa được kịp thời đào tạo lại, số công nhân trình độ cao ít. Một số nơi, không có lao động gắn bó với nghề vì công việc vất vả, thu nhập thấp hơn so với các ngành khác, nhất là ở những nơi là khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.

Cần nâng cao ý thức trong bảo vệ công trình thủy lợi

Để khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, góp phần thắng lợi cho mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp và các chương trình liên quan, thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Bộ NN&PTNT cần rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi quy định về cấp giấy phép khai thác nước mặt.

Đặc biệt, đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi quản lý trực tiếp các công trình thủy lợi, cần kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt với các tỉnh có công trình thủy lợi lớn, các tỉnh được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ quản lý công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên.

Hằng năm, bố trí kinh phí của tỉnh (ngoài số kinh phí được Nhà nước cấp hỗ trợ) cho công tác quản lý công trình thủy lợi để thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Thủy lợi. Chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý nghiêm, kịp thời, đúng thẩm quyền các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Cùng với đó, tuyên truyền mạnh hơn nữa tới cơ quan địa phương và người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thủy lợi, về lợi ích của công trình thủy lợi để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ công trình. Nhân rộng, phổ biến những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, cần thực hiện các nhiệm vụ quy định về quản lý, khai thác công trình, đảm bảo an toàn công trình và phát huy hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ công trình thủy lợi; tăng cường công tác kiểm tra công trình để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý./.