Cách chữa bệnh ảo giác


1. Khái niệm về ảo giác
 -Ảo giác tri giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không hề có thật trong thực tại khách quan. Ảo giác xuất hiện và mất đi không phụ thuộc theo ý muốn của người bệnh. Ảo giác có thể kèm theo hay không kèm theo rối loạn ý thức [mê sảng, mê mộng] hoặc rối loạn tư duy [hoang tưởng, mất phê phán về tri giác sai lầm của mình].
- Ảo giác là tri giác không đối tượng. Bình thường khi ta nghe được là có tiếng động hay âm thanh phát ra tác động lên tai truyền vào trung khu thính giác trong não mà ta biết được âm thanh đó là âm thanh gì và phát ra ở đâu. Nhưng những người bị ảo thanh thì tuy không có âm thanh nào phát ra cả nhưng bệnh nhân vẫn nghe thấy âm thanh ấy rất rõ, rất cụ thể giống như âm thanh ấy phát ra từ một dụng cụ nào đấy. Ví dụ như họ nghe thấy tiếng đàn nhưng chiếc đàn ấy không có nhạc công nào đang chơi cả. Họ chìm đằm trong những âm thanh hư ảo phát ra từ chiếc đàn mà không có người chơi đàn...

2. Các loại ảo giác


2.1. Ảo thanh [thường gặp nhất].Đôi khi chỉ là ảo thanh thô sơ: nghe thấy tiếng chuông, tiếng còi, tiếng máy nổ, tiếng súng, điệu nhạc...Thường gặp nhất là tiếng người nói rõ rệt như tiếng chuyện trò, tiếng nói có thể to hay nhỏ, có thể từ xa vang lại hay ở gần, từ trên xuống, từ dưới lên, từ hai bên lại...Nội dung của ảo thanh có thể là chế nhạo, cảnh cáo, đe dọa, báo trước một điều chẳng lành hay bình phẩm phê bình, chửi rủa ra lệnh... Tiếng nói có thể là của một người hay nhiều người, đàn ông hay đàn bà, trẻ em hay người già, xa lạ hay quen thuộc. Tiếng nói có thể là nói một mình hay nói với người bệnh.Ảo thanh rất hay gặp trong bệnh tâm thần phân biệt và còn gặp trong các bệnh loạn thần phản ứng, loạn tâm thần trước tuổi già, loạn tâm thần do chấn thương sọ não, loạn tâm thần nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Bệnh Tâm thần phân liệt, Bệnh Trầm cảm có loạn thần. Rối loạn cảm xúc hưng trầm cảm...

2.2- Ảo thị:

Cũng hay gặp trong lâm sàng, chỉ sau ảo thanh và thường kết hợp với ảo thanh.Ảo thị thường xuất hiện khi quá trình tri giác bị trở ngại như rối loạn ý thức [mê sảng, mê mộng], khi quá mệt mỏi, hoảng hốt, hay khi điều kiện ánh sáng thiếu [đêm tối, hoàng hôn].Nội dung của ảo thị rất đa dạng như: thấy ngọn lửa, thấy đom đóm, thấy khói, sương mù, màu sắc mơ hồ hay hình ảnh rõ rệt. Có thể là người, động vật, ma quỷ, phong cảnh, cảnh tượng v.v ... ảo thị có thể sinh động hay bất động, nội dung của ảo thị có thể thay đổi hoặc không thay đổi. ảo thị có thể là một hình ảnh đơn độc, một bộ phận của cơ thể [một con mắt, một cái tai...],  một đám đông người, một đàn thú dữ, một đàn sâu bọ... và có thể là ảo thị tự thấy mình. Kích thước của ảo thị có thể giống như tự nhiên, hoặc có thể lớn lên [ảo thị khổng lồ- macropsie] hay nhỏ đi [ảo thị tí hon - micropsie]. Có thể là ảo thị câm hay ảo thị kèm theo tiếng nói [ảo thanh].Thái độ của người bệnh trước ảo thị cũng khác nhau: có thể say mê, thích thú nhìn ngắm, bàng quan ngơ ngác, sợ hãi bỏ chạy hay họ tham gia hoạt động cùng ảo thị v.v...Ảo thị hay gặp trong các bệnh loạn tâm thần cấp, loạn thần nhiễm trùng, nhiễm độc, sảng run, đôi khi trong tâm thần phân liệt, loạn tâm căn phân ly [Hystéria]...

2.3. Ảo khứu và ảo vị:

Hai loại ảo giác này thường đi đôi với nhau và thường xuất hiện cùng với hoang tưởng. Ví dụ: người bệnh nghi bị đầu độc và ngửi thấy mùi thối trong cơm, ăn thấy đắng.Ảo khứu, người bệnh ngửi thấy nhiều mùi khó chịu: mùi trứng thối, mùi  cao su cháy, mùi tóc cháy, mùi xăng ngột ngạt...Ảo vị, người bệnh cảm thấy một vị vốn không có trong thức ăn, nước uống: đắng, chua, cay...Ảo vị và ảo khứu có thể gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, u não, động kinh, thường gặp nhất trong động kinh tâm thần [tổn thương khu trú ở thuỳ thái dương].

2.4. Ảo giác xúc giác:

Người bệnh cảm giác như kim châm, điện giật, tê lạnh ẩm ướt, nóng bỏng, sâu bọ bò trên da hay các vật lạ dưới da...có thể xuất hiện từng lúc hay thường xuyên, có thể kết hợp với ảo thị.

Thường gặp nhất trong loạn thần nhiễm độc. Cũng có thể gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần nhiễm trùng,v.v...


2.5. Ảo giác nội tạng và ảo giác về sơ đồ cơ thể:Người bệnh cảm thấy rõ ràng trong người những dị vật, những sinh vật nằm yên hay động đậy: đỉa trong tai, rắn trong bụng, ếch trong dạ dày, nước chảy trong đầu, điện giật trong tim, tay chân biến đổi, ma quỷ nhập trong người, bị sờ mó, bị hiếp dâm.v.v.. gặp trong bệnh tâm thần phân liệt.

2.6. Các ảo giác đặc biệt:


 Ảo thanh cơ năng: Xuất hiện đồng thời với âm thanh có thực bên ngoài cho đến khi nó hết tác động. Rất dễ nhầm với ảo tưởng. Ảo thanh cơ năng xuất hiện khi có kích thích thực tế. Trái với ảo tưởng, sự phản ánh đối tượng có thật trong ảo giác cơ năng không hoà lẫn với các biểu tượng bệnh tật mà tồn tại song song với chúng. Ví dụ: vừa nghe tiếng nước chảy, tiếng lá rì rào, tiếng tích tắc đồng hồ thì cũng nghe bản nhạc, nước dặn dò.v.v... Khi hết kích thích thì  ảo thanh cơ năng cũng mất.

2.7. Ảo giác lúc giở thức lúc giở ngủ:


Là những hình ảnh phát sinh không theo ý muốn trước lúc ngủ, khi nhắm mắt và ở chỗ tối. Hình ảnh rất đa dạng, lạ lùng, kỳ quái không giống các đối tuợng thực tế. ảo giác thường lặp đi lặp lại với tính chất ám ảnh hay tính chất định hình.


3. Kết luận: Ảo giác là một triệu chứng loạn thần của một số bệnh tâm thần ví dụ như: bệnh tâm thần phân liệt hay gặp ảo thanh, nghe tiếng nói trong đầu xui khiến,bình phẩm, ra lệnh cho bệnh nhân, bệnh trầm cảm có loạn thần-ảo thanh xui khiến thực hiện hành vi tiêu cực, động kinh tâm thần [động kinh thùy thái dương] và nhiều bệnh tâm thần khác. Khi gặp triệu chứng ảo giác người nhà và bệnh nhân hãy liên lạc ngay với Bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để khám, tư vấn và có phác đồ điều trị thích hợp.

Liên hệ 
ThS.Bs: Đinh Hữu Uân 0913511475

Hoang tưởng ảo giác là một dạng triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Đây là bệnh nội sinh nhưng có người vẫn còn lầm lẫn cho rằng đây là bệnh mắc phải do stress, do yếu tố môi trường, do chấn thương.

Tưởng bị hại

Đầu tháng 12-2011, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhận được điện thoại của một bạn đọc có tên Đ.C.T.. Qua điện thoại, anh T. phản ảnh anh không bị tâm thần nhưng hai năm nay bị gia đình đưa vào khoa tâm thần Bệnh viện 175

[TP.HCM] điều trị vì cho rằng anh tâm thần. Theo anh T., em gái anh đưa anh vào bệnh viện vì tranh chấp nhà. Ngày 9-12, trả lời phản ảnh của anh T., đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Hường - chủ nhiệm khoa nội tâm thần - khẳng định anh T. [44 tuổi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM] bị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid [hoang tưởng ảo giác]. Anh đã vào Bệnh viện 175 điều trị nhiều lần trong hai năm qua. Trước khi đến bệnh viện điều trị, anh có thời gian dài 12 năm điều trị bệnh hoang tưởng ảo giác tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 [Biên Hòa, Đồng Nai]. Người đưa anh T. vào bệnh viện điều trị là mẹ ruột. Mẹ anh T. thường đón anh về nhà nhưng được mấy ngày anh lại bỏ nhà đi lang thang và có hành vi gây nguy hiểm cho người khác nên mẹ anh lại phải đưa trở lại nhập viện điều trị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, mẹ anh T. là bà Đ.T.H.L. cho biết năm 18 tuổi anh chỉ đậu dự bị đại học. Khi thấy một số bạn bè học kém hơn nhưng lại đậu đại học, anh T. bắt đầu có biểu hiện phát bệnh tâm thần từ đó đến nay. Bà L. xác nhận anh T. điều trị hơn mười năm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Bà L. chỉ có hai người con trai. Em trai của anh T. đã có gia đình và ở riêng. Trong gia đình không có ai tranh chấp nhà cửa với anh T..

Không được uống rượu - bia, thức đêm...

Ngoài điều trị bằng thuốc, yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Bệnh nhân có thể làm việc nhưng không được làm việc nặng nhọc, thức đêm. Tuyệt đối không uống rượu, bia, hút thuốc lá. Với trà, cà phê có thể dùng chừng mực. Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân như lao động nhẹ, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, điều độ trong sinh hoạt giúp ổn định 50% tình trạng bệnh. Cần lưu ý việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá, stress, yếu tố môi trường, tình trạng gia đình [người thân bị mất, bản thân ly thân, ly hôn...] là các yếu tố thúc đẩy chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng ảo giác.

Chúng tôi cũng đã trò chuyện với anh T. gần một giờ tại bệnh viện. Có những lúc anh nói chuyện rất tỉnh táo, lưu loát và đề nghị báo can thiệp đưa anh đi giám định tâm thần. Tuy nhiên, anh cũng có nhiều biểu hiện không bình thường trong tư duy và ngôn ngữ. Ví dụ anh kể đã nghiên cứu và chế tạo thành công xe hơi điện. Khi chúng tôi hỏi chiếc xe này anh để ở đâu, lúc đầu anh bảo để ở nhà một người bạn, nhưng sau đó bảo đã bán xe này cho một công ty sữa với giá 400 triệu đồng. Tiền bán xe để đâu? Trả lời câu hỏi này anh T. bảo: “Tiền đâu có mang theo. Mang theo bị cướp hết thì sao?”.

Khi chúng tôi hỏi anh có đang nghiên cứu, phát minh gì không thì anh trả lời: “Phát minh làm cái gì, cái ông Thomas Edison phát minh ra bóng đèn điện về già không có vợ không có bạn”! Anh còn nói về mẹ mình là “bà già tôi bả tham lam lắm”!

860.000 người mắc bệnh

Nói về bệnh hoang tưởng ảo giác, đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Hường cho biết bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi 15-25, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, tỉ lệ nam-nữ mắc bệnh như nhau. Tỉ lệ mắc bệnh là 1% ở mọi quốc gia. Nguyên nhân bệnh do những biến đổi, khiếm khuyết về rối loạn chuyển hóa của tế bào não, rối loạn chức năng hoạt động của não và chưa một xét nghiệm nào có thể phát hiện được.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn giấc ngủ [có khi không có rối loạn] như mất ngủ, khó ngủ, không ngủ, đảo giấc [ngày ngủ đêm thức]; rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. Ví dụ như cảm giác hai chiều vừa yêu vừa ghét hay cảm xúc trái ngược là người thân thì rất ghét, căm thù nhưng người dưng lại tin yêu; đi dự đám ma thì cười nhưng đi đám cưới lại khóc.

Bệnh nhân còn có các triệu chứng điển hình như đi lang thang, nhặt rác, tích trữ các vật dụng bỏ đi, cười một mình; có dấu hiệu đáng quan tâm nhất mà bác sĩ thường ghi chẩn đoán là “ảo thanh bình phẩm”. Tức là bệnh nhân thường nghe có tiếng nói chuyện trong đầu, hoặc tiếng nói trong bụng phát ra. Có khi là tiếng nói xấu hoặc khen bệnh nhân, có khi phân tích, nhận xét những hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Thậm chí tiếng nói đó ra lệnh, bắt bệnh nhân làm theo việc này việc khác. Trong đầu bệnh nhân lúc nào cũng có tiếng đó.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng ma nhập, người chết nhập vào, luôn có cảm giác bị theo dõi, bị hại, bị bắt, bị giết, bị bệnh. Có người lại có hoang tưởng phát minh, nghiên cứu sáng chế... Tuy nhiên, bác sĩ Hường cho biết thực tế rất nhiều bệnh nhân tuy mắc bệnh hoang tưởng ảo giác nhưng nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí nhớ tốt hơn người bình thường.

Hoang tưởng ảo giác có từng đợt, lúc có lúc không và đặc biệt có tính thu hẹp, thụ động trong hoạt động và suy nghĩ. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm dễ chẩn đoán nhầm. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc nói chuyện với bệnh nhân để họ bộc lộ ra, chứ không có xét nghiệm hay chẩn đoán cận lâm sàng nào có thể tìm ra bệnh.

Về điều trị, bác sĩ Hường cho biết hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ. Việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh. 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HƯỜNG

Video liên quan

Chủ Đề