Cách giáo dục trẻ ngang bướng ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì, giai đoạn “dở dở ương ương”, bé chưa qua, lớn chưa tới. Bản thân trẻ cũng phải đối mặt với những biến đổi từ chính bản thân mình. Bướng bỉnh, ngang ngược và thậm chí, dễ bị tổn thương là bởi thế. Vậy làm thế nào để cùng con bước qua giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con và người lớn này?

“Cuộc chiến” của con

Tuổi dậy thì, độ tuổi với đủ mọi ví von, người cho rằng đó là cái tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới. Người bảo rằng, tuổi đó lúc tươi lúc héo, đủ mọi sắc màu, khi hoang mang, lúc tuyệt vọng, khi ngỡ ngàng, lúc lại xúc động… Nói thế để thấy giai đoạn này khó khăn với trẻ thế nào. Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ con và người lớn. Do đó, nó cũng là giai đoạn khủng hoảng nhất trong quá trình phát triển của mỗi đứa trẻ. Ở mỗi đứa trẻ có một cách biểu hiện khác nhau ở giai đoạn này tùy thuộc vào tính cách, môi trường, nền tảng giáo dục… Đây cũng là giai đoạn mà trẻ sẽ phải đối mặt với những đổi thay thậm chí những mâu thuẫn giữa trẻ và chính bản thân nó về đời sống tinh thần, tâm lý, cảm xúc, sinh lý.

Còn nói như tác giả của cuốn “Cuộc chiến tuổi dậy thì” thì đây là giai đoạn mà trẻ cùng lúc phải đối mặt ba cuộc khủng hoảng, giữa đứa trẻ với cha mẹ, cha mẹ với chúng và đứa trẻ phải “chiến” với chính bản thân mình. Cũng chính bởi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới, nên chúng lại càng dễ bị kích động, dằn vặt, khổ sở thậm chí tổn thương trong nhiều mối quan hệ. Đấy là chưa kể, chúng phải đối mặt với những áp lực học hành từ nhà trường, gia đình. Có thể nói, đây là một giai đoạn mà trẻ đáng thương và cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh hơn bao giờ hết.

Sự khốn khổ của các bậc phụ huynh

Không ít gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Sự bướng bỉnh, ngang ngược, thái độ thách thức thậm chí sự đua đùa đòi hư hỏng của trẻ luôn khiến các ông bố bà mẹ đau đầu. Cũng không ít mâu thuẫn giữa các bậc phụ huynh bắt đầu từ đây và không ít gia đình tan đàn xẻ ghé cũng chính vì chẳng thể dung hòa nổi cách dạy con. Nuôi dậy trẻ tuổi dậy thì luôn là một thách thức và đòi hỏi sự nỗ lực cùng sự chung tay của cả gia đình để giúp trẻ chiến thắng bản thân, kiểm soát được sự hưng phấn, dễ nổi nóng, kiểm soát được hành vi của bản thân. Nhưng làm thế nào?

Cùng con bước qua tuổi dậy thì

Theo các chuyên gia, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường có hai khuynh hướng, biểu hiện và bùng nổ hoặc im lặng và khép kín. Với khuynh hướng thứ nhất, việc các bậc huynh cần làm là quan sát, theo dõi hành động và phản ứng của trẻ để “ra” những chiêu để trị. Ở trường hợp thứ hai, cách duy nhất mà các bậc phụ huynh cần làm là quan tâm, làm bạn với con, bạn bè của trẻ để khai thác thông tin, từ đó để hiểu tâm tư của con, nhẹ nhàng khuyên bảo chúng.

Mềm mỏng và kiên trì

Có lẽ, nuôi con, điều cần nhất là sự mềm mỏng và kiên trì. Khi trẻ dậy thì, điều này lại càng cần hơn bao giờ hết. Bởi một trong những điểm yếu của trẻ ở tuổi dậy thì, đấy là tính dễ bị hưng phấn, kích thích và nóng nảy. Trẻ càng nóng tính, cha mẹ càng cần phải mềm mỏng, hãy để cơn bùng phát của trẻ như quả bóng tự xì hơi. Mình càng căng, trẻ càng thách thức. Thay vì cả hai căng thẳng, hãy cho trẻ khoảng lặng để trẻ tự trấn tĩnh.

Hãy tích cực nói với con những lời ngọt ngào, âu yếm. Có thể trẻ sẽ tỏ vẻ coi thường nhưng những cử trỉ, lời nói yêu thương được lặp đi lặp lại nhiều lần cũng sẽ làm “ngấm” vào chúng và làm “mềm” bản tính ngang ngạnh của mình. Vì độ tuổi này, trẻ rất dễ bị tổn thương nên trẻ càng cần tình yêu thương đúng cách của cha mẹ. Cha mẹ nên tránh áp đặt trẻ. Càng áp đặt, con phải làm cái này, con không được làm cái kia, chỉ càng khiến trẻ dễ bị kích động, bùng nổ và làm những điều ngược lại. Thay vào đó, hãy học cách kìm cơn nóng giận của mình để ngồi xuống chia sẻ với trẻ, những lời nói thủ thỉ, những cử chi yêu thương sẽ làm mềm sự nóng nảy, bốc đồng của trẻ.

Tôn trọng sự tự do của trẻ

Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu với những bí mật của riêng mình. Hãy cho trẻ không gian riêng và tôn trọng không gian riêng tư đó của trẻ. Bạn có thể cùng trẻ làm tấm biển với hai mặt “Con mời bố mẹ vào chơi”, mặt kia “Con không muốn bị làm phiền”. Khi con treo mặt nào thì bố mẹ cũng phần nào biết tâm trạng của trẻ. Cũng đừng vì tò mò muốn biết trẻ đang nghĩ gì mà lục thế giới riêng tư của trẻ. Một khi chúng biết, chúng sẽ “đóng” tức khắc ngay với bạn. Hãy bảo vệ trẻ bằng sự yêu thương, thái độ tôn trọng và chấp nhận những thay đổi của trẻ. Sẽ rất tệ nếu trẻ cảm thấy cô đơn và lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà của mình. Điều trẻ cần trên hết ở độ tuổi này là những người bạn, những người lắng nghe trẻ và cho trẻ những lời khuyên chứ không phải sự áp đặt.

Trẻ có quyền từ chối

Nhiều bậc phụ huynh cứ kì vọng trẻ sẽ trở thành người như họ mong muốn mà quên mất trẻ muốn trở thành người như thế nào. Cha mẹ có thể tạo điều kiện để con có những thứ tốt nhất theo họ nhưng đồng thời, hãy cho trẻ quyền từ chối. Càng cho trẻ sự thoải mái, trao đổi thẳng thắn, càng dễ nắm bắt suy tư của trẻ. Đừng chạy theo trẻ mà chỉ tạo điều kiện để hỗ trợ trẻ mà thôi. Cũng đừng nói suông hay ôm đồm mọi thứ với trẻ. Chúng đã lớn, hãy để chúng tự làm những công việc chúng có thể làm, đừng biến mình thành osin rồi kêu trẻ ích kỉ.

_____________

Trẻ càng nóng tính, cha mẹ càng cần phải mềm mỏng, hãy để cơn bùng phát của trẻ như quả bóng tự xì hơi. Mình càng căng, trẻ càng thách thức. Thay vì cả hai căng thẳng, hãy cho trẻ khoảng lặng để trẻ tự trấn tĩnh.

_____________

Cho trẻ làm từ thiện

Những hoạt động xã hội như từ thiện là những bài học thực tế về cuộc sống cho trẻ. Thông qua những chuyến đi như thế này, trẻ sẽ biết yêu thương, chia sẻ và thấy rằng, mình may mắn hơn rất nhiều người khác. Từ đó, trẻ sẽ trân trọng những gì mình có hơn. Đồng thời qua những chuyến đi từ thiện này, hãy giúp trẻ có những bài học về sự tiết kiệm, rằng nếu mình biết tiết kiệm và không lãng phí, mình có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Đón nhận sự thay đổi của trẻ

Ở giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có những khát khao khám phá thế giới, trẻ bắt đầu có thần tượng. Những ảnh hưởng và cả sự dao động tâm lý của trẻ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh đừng quá quan trọng hóa vấn đề, hãy lắng nghe trẻ để có những lời khuyên bổ ích cho trẻ.

Hãy đón nhận sự thay đổi cả về tâm sinh lý của trẻ một cách thoải mái nhất. Hãy có những buổi chia sẻ và nói chuyện thẳng thắn với con về vấn đề tình dục. Đừng lẳng tránh điều này, trẻ đang ở độ tuổi tò mò, hãy cho con những kiến thức cơ bản để phòng ngừa. Mặt khác, cha mẹ cũng cần quan tâm đến sách báo tạp chí mà con đang quan tâm. Nó phản ánh rất nhiều đến vấn đề tâm sinh lý của trẻ.

Text: THẢO AN
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

Mắc lỗi để trưởng thành

Nghe mẹ nói này con gái…

Chia sẻ với VnExpress.net, chị Hiền [quận 3, TP HCM] nói: "Tôi thấy nuôi con giờ sao khổ quá. Con gái 13 tuổi của tôi hay cãi, sớm không học mà đêm nào cũng ngồi vào bàn ôn bài xong là gần nửa đêm".

Người mẹ cho biết cho biết chồng chị hay bực bội và la rầy con. Thay đổi được vài bữa rồi mọi thứ lại đâu vào đấy. Chị ít khi lớn tiếng bắt con thế này thế nọ nhưng chỉ cần nói ra câu nào là con cãi lại ngay.

"Giờ cơm con gái hay mang bát vào phòng riêng để ăn. Tuổi này con đã bắt đầu có những mối giao tiếp khá rộng bên ngoài, nhiều lúc tôi cảm thấy mình không thể quản lý nổi", chị Hiền băn khoăn.

Quảng cáo

Chuyên viên tư vấn tâm lý Vũ Cẩm Vân cho rằng tâm trạng lo lắng của chị Hiền cũng là tâm sự chung của rất nhiều bố mẹ đang có con bước vào tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này, tâm sinh lý trẻ thay đổi rất phức tạp, vui buồn thất thường, hay nóng nảy, cáu giận và cũng rất dễ tự ái, tổn thương. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ thể, trẻ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chậm chạp và lười biếng hơn.

Đây cũng là thời gian mà trẻ thích khẳng định bản thân, muốn được bố mẹ tôn trọng và xem mình là người lớn thực thụ. Vì thế nếu không hiểu hết được những khó khăn của lứa tuổi dậy thì thì giữa bố mẹ và trẻ dễ xảy ra xung đột. Trẻ sẽ phản ứng bằng lời nói gay gắt, thái độ thách thức khi thường xuyên bị la mắng, chỉ trích. Trẻ nghĩ rằng bố mẹ không hiểu và tôn trọng mình, vì thế cháu tự thiết lập cho mình không gian riêng, tách rời bố mẹ và đồng thời tìm sự chia sẻ ở bạn bè.

Quảng cáo

Theo bà Vân, để tạo mối quan hệ gần gũi với con trong giai đoạn này, trước tiên cha mẹ cần có sự nhất quán trong việc cư xử, trò chuyện với con. Bố mẹ hãy cùng thiết lập một kỷ luật chung về giờ giấc sinh hoạt cho cả gia đình và là người đầu tiên tôn trọng, tuân thủ quy định đó. Kỷ luật này giúp rèn luyện để các con có thói quen sinh hoạt, học tập đúng giờ.

"Hơn bao giờ hết đây là giai đoạn mà trẻ rất cần sự thấu hiểu và thông cảm của bố mẹ", chuyên gia Cẩm Vân nói. Theo bà, người lớn hãy cố gắng kiềm chế nóng giận trong những lúc con tỏ ra ngang bướng hoặc tỏ thái độ thù nghịch. Đợi đến khi không khí lắng dịu, bố mẹ sẽ bình tĩnh ngồi lại và nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện với con trên nguyên tắc tôn trọng, đồng cảm. Người lớn cần nói để trẻ biết rằng "bố mẹ rất hiểu và thông cảm với những khó khăn mà con đang trải qua", gợi mở để cháu chia sẻ những bực bội, khó chịu trong lòng.

Bà Vân nhấn mạnh: "Có được sự đồng cảm từ bố mẹ, trẻ sẽ tin tưởng và dễ dàng tâm sự chuyện bạn bè, trường lớp, những băn khoăn, lo lắng… Nhờ đó, dù không quản lý chặt chẽ thì bố mẹ vẫn có thể nắm bắt và kịp thời định hướng, uốn nắn cho con. Hãy khéo léo và kiên nhẫn, qua giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, tâm lý lứa tuổi trở nên ổn định, trẻ lại sẽ vui vẻ, hoạt bát và gần gũi với bố mẹ hơn".

Trang Vân

Video liên quan

Chủ Đề