Cách làm bài văn thuyết minh trong phòng thi

Văn thuyết minh là một kiểu văn bản thường gặp trong chương trình Ngữ Văn cấp THCS và THPT. Song, có nhiều ý kiến cho rằng đây là một kiểu văn bản “đáng sợ” và “đáng ngại” vì nhiều lý do khác nhau. Vậy, đây có phải là kiểu văn bản khó? Mời các bạn cùng tham khảo: “Kỹ năng làm bài văn thuyết minh” cùng chuyenvan.vn để có thể làm được một bài văn thuyết minh thật hay và dễ dàng nhé!

Cách làm bài văn thuyết minh trong phòng thi
Văn thuyết minh là gì?

1. Khái niệm và đặc điểm của văn thuyết minh

1.1. Thuyết minh là gì?

Thuyết minh là nói hoặc chú thích cho mọi người về một sự vật, hiện tượng xác định nhằm mục đích chính là cung cấp tri thức khách quan về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của sự vật hiện tượng đó bằng phương thức trình bày, giải thích. Thuyết minh tồn tại dưới hai hình thức là nói và viết.

Thuyết minh ở dạng nói thường dùng trong các trường hợp giải thích các vấn đề đã nêu sẵn trước đó hoặc sử dụng lời thoại dịch các ngoại ngữ với mục đích cho người xem hiểu được nội dung và tình huống đã xảy ra trước đó.

Thuyết minh dạng viết hay còn gọi là văn bản thuyết minh là một trong những kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống.

1.2. Khái niệm văn thuyết minh

Văn thuyết minh là kiểu văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực của đời sống. Kiểu văn bản này có chức năng cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,… của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.

1.3. Đặc điểm văn thuyết minh

Văn bản thuyết minh có những đặc điểm sau:

  • Cung cấp tri thức khách quan về nhiều sự vật, sự việc, vấn đề, hiện tượng trong đời sống
  • Văn bản thuyết minh có phạm vi sử dụng rộng rãi
  • Văn bản thuyết minh có cách trình bày rõ ràng, chính xác, cô đọng, chặt chẽ và sinh động

2. Những yêu cầu khi viết một bài văn thuyết minh

Khi viết một văn bản thuyết minh, người viết cần phải chú ý những điều sau:

  • Về nội dung: Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi phải khách quan, xác thực, thực dụng và hữu ích cho mọi người
  • Về hình thức: Ngôn ngữ trong văn bản thuyết minh cần được sử dụng một cách khoa học, chính xác, rõ ràng
Cách làm bài văn thuyết minh trong phòng thi
Tìm hiểu kĩ và ghi chép lại thông tin của đối tượng thuyết minh

Vì vậy, khi chuẩn bị viết một bài văn thuyết minh chúng ta cần quan sát và tìm hiểu kĩ và tích luỹ sâu, chính xác tri thức về đối tượng cần thuyết minh. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải trình bày những đặc điểm chính về đối tượng một cách chi tiết, đúng sự thực và mạch lạc để đạt được hiệu quả cao.

3. Các phương pháp thuyết minh

Để có thể làm được một bài văn thuyết minh tốt, có tính thuyết phục, dễ hiểu và sáng tỏ, chúng ta có thể kết hợp sử dụng nhiều phương pháp thuyết minh trong một bài. Tuy nhiên lưu ý chúng ta cần lựa chọn sử dụng sao cho thích hợp.

Cách làm bài văn thuyết minh trong phòng thi
Sơ đồ về phương pháp thuyết minh

Có 8 phương pháp thuyết minh chính mà chúng ta cần ghi nhớ để sử dụng:

  • Phương pháp định nghĩa, giải thích: Sử dụng kiểu câu trần thuật có từ “là” nhằm giới thiệu, giải thích hoặc định nghĩa về sự vật, hiện hượng, vấn đề nào đó.

Ví dụ: Thiên nga là một nhóm chim nước cỡ lớn thuộc họ Vịt, cùng với ngỗng và vịt.

  • Phương pháp liệt kê: Liệt kê các mặt, các phương diện, các phần, các tính chất,… của đối tượng theo một trình tự nhất định nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về đối tượng một cách khách quan.

Ví dụ: Cây chuối cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: lá chuối được dùng để gói bánh, gói thực phẩm hoặc làm chất đốt; thân chuối có vỏ ngoài được dùng làm thức ăn cho lợn còn lõi non thì chế biến thành món ăn; bắp chuối hay còn gọi là hoa chuối làm gỏi, làm rau ăn kèm các món bún rất ngon;…

  • Phương pháp nêu ví dụ: Đưa ra các ví dụ thực tiễn, sinh động chính xác và cụ thể, có tác dụng thuyết phục cao, làm cho người đọc tin cậy.

Ví dụ: Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la)

  • Phương pháp dùng số liệu: Dùng những con số có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề nhanh nhất, thực tế nhất mà lại có sức thuyết phục nhất về đặc điểm nào đó của đối tượng, về vai trò nào đó của đối tượng.

Ví dụ: Chiều cao của đỉnh núi Phan Xi Păng được đo đạc năm 1909 là 3.143 m, tuy vậy theo số liệu mới nhất của Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 6 năm 2019, đỉnh núi cao 3.147,3m.

  • Phương pháp so sánh: So sánh đối tượng, khía cạnh của đối tượng… với những cái gần gũi, cụ thể giúp cho người đọc tiếp cận vấn đề nhanh, cụ thể, sáng rõ bởi nó dễ hiểu.

Ví dụ: Ở biển Chết, người ta ghi nhận độ mặn nước khoảng 33,7%, tức gấp gần 10 lần so với độ mặn tiêu chuẩn của nước biển.

  • Phương pháp phân loại, phân tích: Đối với những loại sự vật, đối tượng đa dạng, người ta chia ra từng loại, từng phần theo đặc điểm đối tượng thuyết minh để trình bày. Như vậy sẽ mang tính khách quan, đầy đủ, dễ theo dõi đối với người đọc.

Ví dụ: Người ta thường chia hoa mai thành bốn loại: mai vàng, mai tứ quý, mai trắng và mai chiếu thuỷ. Mai vàng hay còn gọi là huỳnh mai, là loại mai phổ biến nhất, được trồng hay mọc tự nhiên ở rừng còi hoặc rừng thưa. Đây là họ mai cao đến 6 mét, thường trổ vào thời gian Tết. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, màu vàng, có mùi thơm nhẹ rất e ấp và kín đáo. Vỏ cây có vị đắng, được dùng làm thuốc khai vị.

Không những thế, mai vàng còn có tên là Nam Chi, do thông thường trên một cành mai những hoa ở hướng Nam nở trước. Loại thứ hai là mai tứ quý hay còn gọi là nhị độ mai, hoặc mai đỏ. Loại mai này thường được trồng làm kiểng. Lá dầy và cứng, bìa có răng, hoa 5 cánh vàng, trổ quanh năm. Đây cũng thuộc họ mai vàng nhưng sau khi cho hoa, cây lại còn cho quả màu đỏ nhạt và bóng như ngọc.

  • Phương pháp thuyết minh bằng chú thích: Nêu ra một tên gọi khác hoặc một cách nhận thức khác nhằm nêu ra những đặc điểm của sự vật, hiện tượng nhưng yêu cầu về mức độ chuẩn xác của phương pháp chú thích không cao như phương pháp định nghĩa. Điều này có thể chưa phản ánh đầy đủ những thuộc tính cơ bản của đối tượng, nhưng nó có tính linh hoạt, mềm dẻo, dễ sử dụng.

Ví dụ: Tên hiệu của Nguyễn Trãi là Ức Trai.

  • Phương pháp thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân – kết quả: Lí giải mối quan hệ giữa các sự vật, các hiện tượng có quan hệ gắn bó với nhau, hoặc làm nảy sinh nhau. Phương pháp này làm cho đối tượng thuyết minh được thể hiện cụ thể, sinh động, hấp dẫn và tăng thêm những biểu hiện mới mẻ, thú vị cho người đọc.

Ví dụ: “Một đệ tử mang đến cho ông một cây lạ nhập giống từ xứ Trung Hoa. Đấy là cây chuối, giống chuối tiêu. Và ngay tức thì nhà thơ say mê nó, ông bị những tàu lá dài và rộng kia quyến rũ… Trong tiếng Nhật, cây chuối là ba-sô… còn cái tên nào thích hợp cho ông lấy làm bút danh hơn là tên loài cây mà ông yêu mến.” (Theo Hàn Thuỷ Giang, Thi sĩ Ba-sô và “con đường hẹp thiên lý”)

Quan hệ nhân – quả: Từ niềm say mê câu chuối dẫn đến kết quả thi sĩ đã lấy bút danh cho mình là Ba-sô.

4. Các bước xây dựng một bài văn thuyết minh

Cách làm bài văn thuyết minh trong phòng thi
Các bước làm một bài văn thuyết minh

4.1. Bước 1: Tìm hiểu đề

Một ngôi nhà đẹp không bằng móng chắc nền vững. Vì thế, đây là một bước vô cùng quan trọng để có thể viết nên một bài văn thuyết minh hay và độc đáo. Trong bước này, chúng ta cần thực hiện những việc sau:

  • Xác định đối tượng thuyết minh: Việc xác định đối tượng sẽ thuyết minh sẽ giúp chúng ta không bị lạc đề và bước đầu có những tri thức chung về đối tượng ấy
  • Xác định phạm vi tư liệu: Có thể từ thực tế đời sống, sách báo, hay những nguồn tư liệu đáng tin cậy khác
  • Xác định phương pháp thuyết minh phù hợp: Áp dụng một số phương pháp trong 8 phương pháp thuyết minh để bài văn trở nên sinh động hơn

4.2. Bước 2: Lập dàn ý

Bước này sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn sơ lược về bài viết của mình. Cũng giống như các kiểu văn bản khác, khi viết một bài văn thuyết minh chúng ta cũng phải chia thành 3 phần gồm:

Mở bài:

  • Dẫn dắt tạo ra sự chú ý của người đọc về đối tượng sẽ thuyết minh
  • Giới thiệu đối tượng thuyết minh

Thân bài:

  • Trình bày các đặc điểm có tính chất khách quan khoa học về đối tượng (tuỳ dạng bài chúng ta sẽ triển khai phần thân bài khác nhau)

Kết bài:

  • Đánh giá về đối tượng với khả năng, vai trò ứng dụng của nó trong thực tế
  • Nêu cảm nhận của bản thân

4.3. Bước 3: Viết nháp

Từ những ý đã lập ở bước hai, chúng ta sẽ viết thành một bài văn hoàn chỉnh.

Có rất nhiều bạn bỏ qua bước này, nhưng chính bước viết nháp sẽ giúp chúng ta luyện tập cách hành văn, nâng cao kỹ năng viết của mình. Khi viết hãy chú ý viết đúng trọng tâm và hạn chế mắc những lỗi như: chính tả, cách dùng từ,… và hãy triển khai ý rõ ràng, mạch lạc, trôi chảy.

4.4. Bước 4: Đọc và sửa chữa

Trong bước này, chúng ta sẽ dò lại và chỉnh sửa những lỗi chính tả, cách sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, cách hành văn chưa tốt hay diễn dạt còn lủng cũng. Đây là bước cần thiết để chúng ta hoàn thiện bài văn của mình nên đừng bỏ qua các bạn nhé!

5. Một số yếu tố giúp bài văn thuyết minh đạt hiệu quả cao hơn

Để bài văn thuyết minh trở nên cụ thể, sinh động và hấp dẫn, thì yếu tố miêu tả là một “gia vị” không thể thiếu. Bởi lẽ yếu tố miêu tả là những yếu tố của hiện thực khách quan trong đời sống. Qua sự miêu tả hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hình khối, hương vị,… rất cụ thể mà giác quan con người có thể cảm nhận được rõ nét đối tượng thuyết minh. Đồng thời yếu tố này còn có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng.

Không những thế, để văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn hơn, chúng ta còn có thể sử dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật. Bởi, các biện pháp nghệ thuật thích hợp sẽ góp phần làm nổi bật lên những đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

Tuy nhiên, người viết không nên lạm dụng hai yếu tố này mà cần phải chọn lọc sao cho thích hợp để bài văn thuyết minh vẫn đạt hiệu quả cao mà không lạc đề.

6. Các dạng văn thuyết minh

Có 7 dạng văn thuyết minh thường gặp, gồm:

  • Thuyết minh về vật dụng
  • Thuyết minh về loài vật
  • Thuyết minh về phương pháp
  • Thuyết minh về một danh lam, thắng cảnh
  • Thuyết minh về phong tục
  • Thuyết minh về con người
  • Thuyết minh về văn học, nghệ thuật

Chuyenvan.vn mong rằng các bạn sẽ vận dụng những kiến thức và kỹ năng trong bài viết và kiến tạo nên một bài văn thuyết minh thật hay nhé!

Chúc các bạn thành công.

Biên soạn: Cô Lê Nguyễn Quỳnh Dung