Chân dung nhà văn nguyễn mạnh tuấn cù lao tràm năm 2024

"Chỗ đứng dưới đáy xã hội, nhưng tôi đã vượt lên và có chút thành đạt. Người khác coi văn học như một nghề cao cả, như thánh đường. Tôi chỉ nghĩ, viết văn là một nghề lao động chân chính. Điều quan trọng nhất đời người là giữ được nhân cách", nhà văn tâm sự.

- Giờ đây khi là một trong số ít nhà văn giàu nhất TP HCM, anh nghĩ sao về cái ngày làm đơn ra khỏi biên chế nhà nước?

- Tất cả đều có duyên cớ. Tôi có những lúc tự ái khi người ta bảo: nhà văn không thể sống bằng nghề. Và tôi quyết tâm chứng minh điều ngược lại, chứ hoàn toàn không phải vì bất mãn nên bỏ. Tôi đã có thời gian làm thường trú ở Nhà xuất bản Lao động trong TP HCM, rồi trưởng phòng biên tập ở hãng Phim TP HCM. Mất nhiều thời gian vào những chuyện họp hành, sự vụ cơ quan, thời gian viết teo lại. Năm 1990, tôi nghỉ. Ban đầu cấp trên giữ lại, mời tôi vào ban cố vấn của Sở VH-TT nhưng tôi quyết nghỉ hẳn.

Khi nghỉ hẳn nhà nước, lĩnh một cục tiền, tôi càng thấy quyết định của mình là sáng suốt. 30 năm lĩnh 1,8 triệu đồng, tính ra hồi đó là 4 chỉ vàng. Tôi tự bỏ tiền in sách (cuốn Ngoại tình), vợ tôi đứng ra tự phát hành.

Dù trước đó tôi đã sống khoẻ bằng ngòi bút, với những cuốn sách có lượng phát hành cao như Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển. Tuy thế cảm giác hụt hẫng không phải là không có. Bao năm quen làm công dân Nhà nước rồi, nay bỗng hẫng về mặt tâm lý. Ngay chuyện người của phòng điều tra dân số đến nhà, mình phải khai là phó thường dân, nghe làm sao ấy... Rồi chuyện ra khỏi biên chế Nhà nước của tôi trùng với chuyện tôi ra khỏi Hội Nhà văn VN. Hai sự kiện trùng nhau, làm nhiều người coi tôi là kiêu ngạo, bất mãn.

Ngày trước, tôi như một "ngôi sao" trong văn học VN. Vở Ma tuý và mỗi người viết nhưng không được dựng, thậm chí còn bị ghi vào sổ đen. Giờ thì Idecaf công diễn và được khán giả khen. Nhưng tôi cũng nói thẳng: tạng mỗi người một khác, một số bắt chước tôi bỏ Nhà nước về làm ngoài thì gãy.

- Ngoài chuyện tự ái ra, thì anh lấy gì làm động lực để vươn lên, bởi lẽ khi con người ta nhiều thời gian thì sự buông thả, dễ dãi cũng nhiều hơn?

- Đã chấp nhận năm ăn năm thua thì quyết tâm phải cao. Ban đầu là tự phát, về sau bị dồn vào chân tường thì quyết tâm càng cao. Vả lại tôi đi vào nghề văn là sự bức bí của hoàn cảnh.

Ông ngoại tôi làm ở NXB Mai Lĩnh in sách của Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố. Sau giải phóng, bố tôi in lại sách của một số nhà văn, trong đó có Vũ Trọng Phụng (hồi đó bị coi là nhà văn có nhiều "vấn đề")... Thế là gia đình tôi chịu đòn búa bổ. Con cái phiêu bạt. Tôi làm thợ ở Quảng Ninh, không được thi đại học. Con người tôi cảm thấy đầy rẫy sự bức bách, nên quyết tâm viết văn để giải toả cảm xúc trong lòng và thành công đến ngay.

Xuất phát từ các cụ ngày xưa đi dép mo cau, coi văn như một thứ đạo để chơi. Tôi thì coi văn là một lao động chân chính để kiếm tiền. Mơ mộng không có lỗi, nhưng đừng lấy cái nghèo làm chuẩn mực, đừng đặt nó lên tượng đài.

- Anh nghĩ sao khi các kịch bản phim chứng minh sự sắc sảo, thì độc giả vẫn nhớ nhiều đến những tác phẩm văn học của anh từng làm dậy sóng văn đàn?

- Nhiều người bảo tôi viết phim làm gì, nó hỏng bút đi. Tôi không nghĩ thế. Không chỉ viết phim, tôi còn viết báo. Và với tôi, nghề viết không có chính, phụ, tay trái, tay phải. Cái gì cũng phải làm hết mình. Một cuốn tiểu thuyết 300 trang bán được 4 triệu đồng, trong khi một kịch bản phim nhiều tập 30-40 triệu đồng thì sao không làm? Phải sống để nuôi lấy cái hứng thú lâu dài của mình. Vả lại khi đó, sách không còn bán chạy được như trước. Nếu Đứng trước biển, Cù Lao Chàm đều từ 150.000 bản trở lên... thì đến Bốn bàn tay trắng, Phần hồn... số lượng đã giảm.

- Anh làm gì để bứt khỏi sự ghen tỵ của đồng nghiệp, điều mà nhà văn Hoàng Ngọc Hiến bảo "nước mình nó thế"?

- Đừng giao dịch với đồng nghiệp. Tôi có nhiều bạn thân, ít bạn văn. Bạn bè trong giới y học rất nhiều. Có thể vì tôi gốc gác thợ thuyền nên rất bình tĩnh. Tôi từng bị truy tố ra toà, bị đốt sách. Cuốn tiểu thuyết Cù Lao Chàm của tôi ra đời bị công kích dữ dội. Lúc mà người ta đang ca ngợi kinh tế miền Tây, vựa thóc, vựa lúa của cả nước, văn hoá Óc Eo, thì Cù Lao Chàm của tôi lại như một tiếng nói phản biện, dù rằng thời gian sau, những lập luận về kinh tế của tôi trong cuốn sách được chứng minh là đúng, nó đã mang tính dự báo. Thế mà Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TP HCM không có một lời nói, cử chỉ nào bênh vực tôi. Thời gian đó chỉ trơ ra hai vợ chồng. Thế là tôi ra khỏi Hội.

Rồi vụ án tôi bị bôi nhọ là phim Tướng cướp Bạch Hải Đường. Phim tôi viết về Bạch Hải Đường thời hiện đại. Năm 1957 ở miền Nam có một vở cải lương về Bạch Hải Đường lấy cốt truyện từ một phim Hong Kong. Một thằng đểu ở Sài Gòn xem phim và viết lại một kịch bản khác ghi ngày tháng năm 1975 rồi phát đơn kiện tôi ăn cắp bản quyền. Các tờ báo lớn không can thiệp. Tôi bị đánh hội đồng bằng những tờ báo lá cải. Sau hai phiên tòa tôi trắng án.

- Anh viết về nông thôn Nam Bộ trong "Cù Lao Chàm", những người đánh cá trong "Đứng trước biển", những người nuôi bò sữa trong "Phần hồn", dân cà phê thành phố trong "Yêu như là sống"... với lối viết rất hiện đại. Anh lấy cảm xúc từ đâu?

- Đời tôi ba chìm bảy nổi. Tôi không đi thực tế, vì cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều nghề, nhiều thời đoạn. Mỗi khi viết một cuốn gì, tôi đọc rất kỹ. Khi viết Cù Lao Chàm, tôi phải mò đọc sách về kinh tế nông nghiệp, chính sách về hợp tác hoá nông nghiệp, các khu định cư... Hay mới đây khi viết kịch bản phim lịch sử Trần Thủ Độ, tôi bỏ ra 3 triệu đồng khuân về một đống sách. Nhưng điều quan trọng là hãy sống thật với những khát vọng, lãng mạn của mình. Tôi chỉ sợ trùng lặp chính mình trong cách viết.

- Anh lý giải sao về trường hợp "sớm nở tối tàn" của một số cây bút trẻ từng được chờ đợi rất nhiều để rồi nhanh chóng mất hút trên văn đàn?

- Nhà văn viết về những người xung quanh mình trước rồi mới viết về mình, nếu viết về bản thân sẽ nhanh hết vốn, dù anh đắc ý. Với văn học, ba yếu tố quan trọng nhất xếp thứ tự là tư tưởng - cấu trúc - ngôn ngữ. Dễ nổi nhất là tung hứng ngôn ngữ và đạp đổ thần tượng. Có người hỏi tôi: sách ông sống được bao năm? Tôi bảo: tồn tại trong 3 năm đã là quá tốt. Năm thứ 4, người ta quên thì tôi viết cuốn khác.