Chiến dịch biên giới thu đông diễn ra năm

TP - Ký ức về một thời trai trẻ, về “con đường lửa” như những thước phim quay chậm khiến ông Nông Đình Đề xúc động. Sống đã gần thế kỷ nhưng ông vẫn còn khỏe, tinh anh, nhất là khi nhắc đến các trận chiến ngay trên quê hương xứ Lạng.   

Ông Nông Đình Đề [SN 1928], dân tộc Tày, trú tại thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định [Lạng Sơn] chống gậy đến hội trường UBND huyện Tràng Định tham dự lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Tràng Định và 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam [22/12/1944-22/12/2020]. Mọi người xúm quanh ông, hỏi han chuyện xưa. Vẫn là bản chất của người lính cụ Hồ, ông Đề luôn mỉm cười, nói chậm rãi: Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 mà tiêu biểu tại đường số 4, là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và giặc Pháp, như trận Bông Lau, Lũng Phầy, trận Đông Khê 1 và 2.

“Đồng chí Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, đơn vị chủ lực của ba tỉnh: Cao - Bắc - Lạng đã viết những dòng sâu sắc và lý thú: Cũng là những đường xuyên rừng núi hiểm trở, nhưng riêng đường số 4 như thiên nhiên xếp đặt, giăng bẫy sẵn, tạo cửa tử, giúp ta dẫn dụ, mai phục, buộc địch lâm cảnh thất bại”, ông Đề nhớ lại.

Nói đoạn, ông Đề giới thiệu, ngày 1/3/1945, khi đó ông tròn 17 tuổi đã xung phong đi bộ đội. Sau khi được huấn luyện quân sự, ông trở về Trung đoàn 28 [Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng, sau đó đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 174] công tác.

Chuyện đánh giặc Pháp

Ông Đề hào hứng kể: Ngày đó, cấp trên phổ biến kế hoạch mở cuộc tấn công lên căn cứ Việt Bắc từ giữa tháng 10 năm 1947 của thực dân Pháp hòng tiêu diệt, đánh phá Bộ chỉ huy, chính phủ kháng chiến và lực lượng chủ lực của ta. Trung ương Đảng, Bác Hồ ra lệnh chặn đánh địch ở khắp nơi, chia cắt các gọng kìm của chúng.

Ông Nông Đình Đề kể lại chiến tích xưa. Ảnh: Duy Chiến

Con đường số 4 đoạn qua đèo Bông Lau - Lũng Phầy dài gần chục km thuộc địa phận huyện Tràng Định, giáp tỉnh Cao Bằng, có địa thế hiểm trở, một bên núi dựng, một bên khe sâu. Con đường đèo vắt ngang qua sườn núi được coi là “cửa tử” của mọi thế trận phục kích. Nơi đây đã diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ trong suốt 4 năm liền [1947- 1950], gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề.

Theo ông Nông Đình Đề, những ngày sôi động đó, ông là lính trinh sát nên thường đi thực địa kiểm tra thì thấy cây cối um tùm, địa hình mấp mô. Tại đây, các tổ, đội công tác của ta tổ chức đào công sự kéo dài hàng km, đồng thời chuẩn bị các trận địa súng cối, súng bazooka. Khi nghe thấy tiếng ô tô của địch đi trên đường là lập tức triển khai lực lượng vây đánh. Địch cứ thế bị thất bại, tiêu diệt. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh ngày 25/3/1949, Trung đoàn 147 phối hợp với Tiểu đoàn C3 thuộc liên khu phục kích một đoàn xe của địch từ Thất Khê lên Đông Khê [Cao Bằng], phá hủy 53 xe, đốt cháy 10 vạn lít xăng, diệt 250 lính Âu- Phi trong đó có 2 sỹ quan. Ngày 3/9/1949, Trung đoàn 174 tiếp tục phối hợp với bộ đội địa phương và quân dân du kích đánh địch suốt đèo Bông Lau - Lũng Phầy dài 6km, tiêu diệt 217 lính Âu - Phi, bắt sống 37 tên địch...

 “Tôi nhớ mãi, trận đánh địch tại Phja Khóa - Đông Khê. Khu vực đồn trú của địch nằm trên đỉnh núi đá Yên Ngựa khá cao. Theo trinh sát nắm được, quân số của địch trong đồn gồm một trung đội, phần lớn là lính địa phương do một tên Pháp chỉ huy với trang bị súng cối 60 ly cùng súng máy, đại liên. Trong khi đường lên xuống cổng đồn chỉ có lối duy nhất ở hướng tây. Kế hoạch đánh đồn bí mật, bất ngờ được vạch ra, đó là phải tìm cách leo lên dốc dựng đứng, che khuất thì địch không phát hiện ra. Người liên lạc của đơn vị khi đó là đồng chí Hoàng Văn Mỏng, tuổi tròn 17, người địa phương tình nguyện dẫn đường, tiên phong và đồng chí Bế Chu Lang [người Lạng Sơn, sau này là đại tá, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cao Lạng] trực tiếp chỉ huy.

Quân ta đã dùng 5 chiếc thang dây nhỏ, mỗi người một thang, mỗi thang cao khoảng 2 m. Còn người thì vận đồ gọn nhẹ, mang theo 1 khẩu súng tiểu liên cùng 2, 3 thủ pháo và 2 miếng bộc phá. Tờ mờ sáng, bộ đội triển khai trận đánh. Khi tới đỉnh, quân giặc còn đang ngáp ngủ, ta dùng súng và đồng loạt ném thủ pháo làm địch bất ngờ, hoảng loạn chạy. Trận này ta tiêu diệt gần hết địch, bắt sống vài tên việt gian và chiếm được đồn. Sau trận đánh, đồng chí Hoàng Văn Mỏng và Bế Chu Lang được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất”, ông Đề kể.

Sức mạnh tổng hợp

Dẫn chúng tôi đến khu di tích chiến thắng Lũng Phầy, nằm trên đỉnh con đường số 4, thuộc xã Chí Minh, huyện Tràng Định, cựu chiến binh Nông Đình Đề rưng rưng nhớ lại ký ức oai hùng. Ông quan sát từ mỏm núi, vạt rừng rồi nói: “Ngày ấy, có một câu tâm niệm của anh em chiến sỹ trong đơn vị là “Hẩu tả pha xòng xéng”, [tiếng Tày, Nùng nghĩa là “đánh giỏi vẫn sợ phục sẵn” “có mạnh vẫn sẽ bị bất ngờ”]. Đây là bài học, kinh nghiệm quý mà chúng tôi vẫn áp dụng có hiệu quả sau này”.

Bà Đặng Thị Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Tràng Định cho biết thêm, trong chiến thắng biên giới Thu - Đông, ngoài việc huy động lực lượng tham gia chiến đấu, địa phương còn phát động quyên góp ủng hộ “hũ gạo kháng chiến”, huy động dân công từ 16 đến 55 tuổi tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, cứu thương, xay giã gạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đến tối 10/10/1950, huyện Tràng Định hoàn toàn giải phóng. Trên đường chỉ huy chiến dịch, tối cùng ngày, Bác Hồ đã gặp mặt cán bộ, chiến sỹ đại đoàn 308 và nhân dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định.

“Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 có ý nghĩa rất quan trọng và làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của thực dân Pháp. Nhờ chiến thắng này, chúng ta đã khai thông 750 km đường biên giới Việt - Trung với 35 vạn dân, phá thế kìm kẹp của thực dân Pháp đối với căn cứ địa Việt Bắc. Người dân hân hoan đón mừng chiến thắng và Tràng Định trở thành một phần trong căn cứ địa của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Ngày 11/6/1999, đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện nhà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 6 xã được công nhận là An toàn khu”, bà Vân cho biết.

Cựu chiến binh Nông Đình Đề, 65 tuổi đảng, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông đã tham gia nhiều trận đánh trên đường số 4. Sau khi rời quân ngũ, ông từng đảm trách các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông được thưởng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Duy Chiến

Đầu năm 1950, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, cục diện trên chiến trường giữa ta và địch chuyển sang thế cầm cự giằng co. Trong lúc này, cuộc kháng chiến của ta giành được sự hỗ trợ của các nước Dân chủ nhân dân trên thế giới. Từ những điều kiện thun lợi đó, tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Tháng 7/1950, Ban thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch. Sau khi khảo sát trận địa, ngày 6/8/1950, Đảng ủy mặt trận đưa ra nhận định: Đông Khê là cái “yết hầu” bảo đảm cho Cao Bằng. Đánh vào Đông Khê buộc địch phải cứu viện, sẽ tạo cho ta thời cơ tiêu diệt bọn viện binh. Đánh địch trong lúc đang vận động ngoài công sự dễ dàng, thuận lợi hơn. Một khi viện binh bị tiêu diệt sẽ gây ra nỗi kinh hoàng cho bọn cố thủ trong cứ điểm. Chắc chắn ta dễ thắng to. Đồng thời, Đảng ủy mặt trận báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người chỉ rõ: Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi địch tương đối yếu. Nhưng đây lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội tiêu diệt chúng trong vận động.

Với phương châm tác chiến "đánh điểm diện viện" Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh cứ điểm Đông Khê - mở màn cho Chiến dịch Biên giới 1950.

Trận đánh cứ điểm Đông Khê do Tổng Tham mưu trưởng quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ huy. Để bảo đảm chắc thắng trận đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tập trung một lực lượng mạnh gồm ba Trung đoàn [174, 209, 36] và hai tiểu đoàn bộ binh [11, 426], được tăng cường 13 khẩu đại bác 70 và 75 ly. Lực lượng chủ công đánh Đông Khê là Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209, còn Trung đoàn 36 làm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh quân nhảy dù và chặn đường rút lui của địch về phía Nam.

Cứ điểm Đông Khê là nơi có vị trí chiến lược quan trọng. Từ Đông Khê [Thị trấn, trung tâm huyện Thạch An] có thể tỏa đi các hướng: xuống tỉnh Lạng Sơn, lên Thị xã Cao Bằng [nay là Thành phố Cao Bằng], sang huyện Phục Hòa [nay là huyện Quảng Hòa] qua cửa khẩu Tà Lùng sang Trung Quốc, do vậy việc kiểm soát vị trí chiến lược này sẽ cắt đứt toàn bộ mối liên hệ giữa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước Xã hội Chủ nghĩa, tạo thế bao vây, cô lập tiến tới tiêu diệt hoàn toàn cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Minh tại chiến khu Việt Bắc, vì vậy Thực dân Pháp đã cho xây dựng dọc tuyến quc lộ 4a một loạt hệ thống đồn bốt hình thành liên khu biên giới Đông Bắc và cứ điểm hạt nhân là cứ điểm Đông Khê.

Tháng 5/1950 ta mở chiến dịch Phan Đình Phùng đánh cứ điểm Đông Khê [trận đánh Đông Khê lần thứ nhất], địch tái chiếm và củng cố lại hệ thống cứ điểm kiên cố vững chắc, địch xây dựng các lô cốt, ụ súng, hầm ngầm kiên cố bằng bê tông. Phía Bắc và Đông Bắc đồn, địch cải tạo, san ủi thành một bãi trống. Phía Tây cụm cứ điểm là sân bay dã chiến. Xung quanh khu trung tâm, trên những mỏm đồi, địch xây dựng các cứ điểm phòng thủ vòng ngoài như Phia Khóa, Pò Đình, Cạm Phầy, Pò Hẩu, … tạo thành hệ thống cứ điểm liên hoàn vững chắc chi viện hỗ trợ nhau. Nối trung tâm với các cứ điểm, sân bay là hệ thống giao thông hào có nắp che. Xung quanh từng cứ điểm có hệ thống hàng rào dây thép gai, xen kẽ các bãi mìn chống bộ binh. Lực lượng quân địch ở cụm cứ điểm Đông Khê có hai đại đội bộ binh [5,6] thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 lê dương [3e REI], một trung đội lính ngụy và một phân đội pháo binh.

Với quyết tâm đảm bảo chắc thắng trong trận then chốt mở màn chiến dịch,  lực lượng tập trung chiếm ưu thế so với địch, kế hoạch tiến công vào cụm cứ điểm Đông Khê được Bộ chỉ huy chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi để tạo thế triển khai lực lượng đột phá vào Đông Khê; giai đoạn 2 đánh địch trong trung tâm Đông Khê.

Vi tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân lên Cao Bằng để cùng Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đến 6h sáng ngày 16/9/1950, pháo binh của ta đồng loạt tấn công cứ điểm Đông Khê cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đỉnh núi Báo Đông [thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An], nơi đặt đài quan sát của Sở chỉ huy chiến dịch Biên giới 1950 quan sát và chỉ đạo trận đánh.

Sau trận pháo kích, bộ đội ta từ nhiều hướng tấn công cứ điểm Đông Khê. Hướng Đông Bắc, Trung đoàn 174 mở cuộc tấn công vào các vị trí tiền tiêu ngoại vị. 9 giờ sáng quân ta chiếm đồn Yên Ngựa, 10 giờ 30 phút chiếm đồn Phia Khóa [nằm ở phía Đông đồn trung tâm]. Hướng Tây Nam, Trung đoàn 209 triển khai trận địa chậm đến 18 giờ ngày 16/9/1950 mới nổ súng; đến 21 giờ chiếm được đồn Pò Đình và tiếp tục tấn công đồn Pò Hẩu.

Ngày 17/9/1950, ta tiếp tục tấn công địch. 4 giờ sáng, Trung đoàn 174 chiếm đồn Cạm Phầy, Trung đoàn 209 chiếm Phủ Thiện. Trưa 17/9, ta bắn rơi một máy bay quần đảo trong đợt vãi đạn yểm trợ cho đồn Đông Khê. 18 giờ 30 phút ngày 17/9, Chỉ huy trưởng mặt trận Hoàng Văn Thái hạ lệnh tổng tấn công đồn Đông Khê và Đồn Nhà Thương [hai đồn kiên cố nhất trong cụm cứ điểm Đông Khê]. Tiểu đoàn 251 từ hướng Đông tiến công đồn Đông Khê, từ hướng Bắc tiểu đoàn 249 đánh đồn Nhà Thương [đồn hướng Bắc cứ điểm]. Trận đánh kéo dài suốt đêm 17/9 và xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng: Tiểu đội trưởng La Văn Cầu ôm bộc phá lao lên và bị thương, nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương tiếp tục ôm bộc phá xông lên tiêu diệt đồn địch. Đồng chí Lý Viết Mưu bị thương vẫn dũng cảm ôm bộc phá, phá tan lô cốt của địch và anh dũng hy sinh. Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai chặn làn đạn của địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch; và còn rất nhiều tấm gương dũng cảm của các nữ dân công như chị Đinh Thị Dậu dân công huyện Thạch An; chị Triệu Thị Soi quê ở Trùng Khánh nhiều lần dũng cảm vượt qua lửa đạn tiếp tế đạn cho bộ đội và cõng thương binh về hậu cứ cứu chữa; chị dân công Đinh Thị Bỏng dẫn đầu cùng 38 chị em dân công huyện Thạch An suốt ngày đêm tải đạn, tải lương phục vụ trận đánh.

Đến 4 giờ sáng ngày 18/9 quân ta đã thọc sâu chiếm Sở chỉ huy cứ điểm tại đồn Đông Khê. 10 giờ ngày 18/9, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ phố Đông Khê, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn bị tiêu diệt.

Sau 54 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch [trong đó có tên quan ba Alioux - Đồn trưởng], bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang của địch.

Trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4, phá vỡ sự liên kết giữa phân khu Cao Bằng và phân khu Thất Khê của địch. Đây là trận đánh đầu tiên quân ta áp dụng thành công chiến thuật công kiên cấp trung đoàn, có sự hiệp đồng giữa các binh chủng, tập trung tiêu diệt một cứ điểm lớn của địch phòng ngự kiên cố, hỏa lực mạnh. Thắng lợi của trận đánh cứ điểm Đông Khê đã tạo điều kiện quan trọng cho chiến dịch, đồng thời mở ra một giai đoạn chiến đấu mới: Chuyển từ cách đánh du kích sang đánh chính quy của quân đội nhân dân Việt Nam.

Với giá trị ý nghĩa lịch sử to lớn, di tích đồn Đông Khê đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1975, là một di tích quan trọng nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt [QGĐB] Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, với những giá trị về lịch sử, cảnh quan sinh thái, khoa học, thẩm mỹ,… Di tích QGĐB Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng công nhận tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg, ngày 25/12/2017. Đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, di tích đồn Đông Khê nói riêng đã và đang được đầu tư bảo tồn, tôn tạo với nhiều hạng mục công trình như: Nhà trưng bày chiến thắng Đông Khê, Lô cốt tháp canh; nhà trại lính; lô cốt số 1; lô cốt số 2; hệ thống hầm ngầm,…. Bên cạnh đó, trong khuôn viên di tích đồn Đông Khê, khu nghĩa trang với diện tích hơn 2.000 m2, quy tập hơn 300 mộ liệt sĩ là những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong chiến dịch Biên giới năm 1950; công trình Nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sỹ của huyện Thạch An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong chiến sự Biên giới năm 1979, là nơi để đồng bào nhân dân huyện Thạch An nói riêng, du khách cả nước mỗi khi có dịp đến tham quan, nghiên cứu và học tập tại di tích được thành kính tri ân đến các anh hùng liệt sĩ.

Nhằm phát huy hiệu quả giá trị di tích, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền giáo dục phát huy giá trị di tích như: Thường xuyên tiến hành chỉnh trang khuôn viên, cắt tỉa thảm cỏ, trồng bổ sung hoa, cây cảnh làm cho di tích ngày càng được khang trang; xây dựng kế hoạch phục dựng, bảo quản, bảo dưỡng đối với các công trình di tích; bổ sung trưng bày các tranh, ảnh, tài liệu, hiện vật về di tích; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, tuyên truyền viên ngày càng chuyên nghiệp; quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá di tích trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; quảng bá trong các lễ hội và các sự kiện văn hóa nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước; xuất bản sách, ấn phẩm có nội dung về các di tích; … nhằm quảng bá hình ảnh di tích đến với đông đảo du khách. Hy vọng, với sự nỗ lực của Ban quản lý các di tích QGĐB tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước Quốc tế trong thời gian tới, là không gian bảo tàng sống động để du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập./.

[Ảnh tư liệu]

̣[Ảnh tư liệu]
[Ảnh tư liệu]
Bộ đội ta làm chủ hoàn toàn Thị trấn Đông Khê [Ảnh tư liệu]

Toàn cảnh Thị trấn Đông Khê thời Pháp thuộc [Ảnh tư liệu]

Video liên quan

Chủ Đề