Chủ thể có thẩm quyền thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh

Tìm hiểu quy định về thẩm tra

  • 1. Khái niệm thẩm tra
  • 2. Ý nghĩa, vai trò của hoạt động thẩm tra
  • 3. Chủ thể và đối tượng của hoạt động thẩm tra
  • 3.1 Đối với thẩm tra chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL
  • 3.2 Đối với thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
  • 4. Nội dung của hoạt động thẩm tra
  • 5. Thời hạn thẩm tra

1. Khái niệm thẩm tra

Thẩm tra là kiểm tra, xem xét các nội dung cơ bản của một vấn đề nào đó để đi đến kết luận về tính đúng đắn, tính hợp pháp và tính khả thi.

Theo Từ điển Luật học, thẩm tra “là việc xem xét lại kỹ lưỡng dự án luật, pháp lệnh do Hội đồng dân tộc, Ủy ban pháp luật hoặc một ủy ban hữu quan của Quốc hội hay một ủy ban lâm thời được Quốc hội chỉ định tiến hành trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội [UBTVQH]. Cơ quan thẩm tra xem xét cả về hình thức và nội dung nhưng tập trung chủ yếu vào xem xét sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp; đối tượng; nội dung; phạm vi và tính khả thi của dự án”.

Nhìn chung, thẩm tra được hiểu là xem xét, đánh giá nội dung, chính sách pháp luật, hình thức của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật [QPPL] và kỹ thuật pháp lý, nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi của dự thảo văn bản. Hoạt động này được tiến hành trước khi dự thảo văn bản QPPL được trình lên chủ thể có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Quá trình này do tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Việc thẩm tra có. thể áp dụng đối với nhiều đối tượng khác nhau như thẩm tra dự án luật, thẩm tra thiết kế, thẩm tra luận chứng kinh tế - kĩ thuật, thẩm tra giám định thiết kế... Ví dụ: Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn phân công cơ quan thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, thẩm tra những báo cáo được Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao... Kết quả thẩm tra phải được thông báo bằng văn bản.

2. Ý nghĩa, vai trò của hoạt động thẩm tra

Thứ nhất, thẩm tra là giai đoạn quan trọng trong quy trình ban hành văn bản QPPL. Trong đó, thẩm tra gần như là khâu cuối cùng trước khi dự thảo văn bản QPPL được trình lên cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành văn bản. Trên thực tế, ý kiến của cơ quan tiến hành thẩm tra có tác động không nhỏ đến các thủ tục tiếp theo trong quy trình xây dựng văn bản. Trường hợp báo cáo thẩm tra đưa ra ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện để trình thì sẽ trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản.

Thứ hai, hoạt động thẩm tra là căn cứ để đánh giá dự thảo văn bản QPPL, góp phần đảm bảo chất lượng của văn bản. Thông qua kết quả của hoạt động thẩm tra, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sẽ có thêm cơ sở để xem xét và quyết định thông qua, ban hành văn bản.

Thứ ba, với cơ quan soạn thảo, thẩm tra có vai trò kiểm định lại kết quả làm việc, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan này. Những tham vấn trong các báo cáo thẩm tra được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, kịp thời sửa đổi đã mang lại chất lượng cao hơn cho dự thảo.

>> Xem thêm: Xin xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu và như thế nào?

Thứ tư, thẩm tra là cơ chế đảm bảo, nâng cao sự phối hợp và giám sát lẫn nhau của các cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng văn bản QPPL. Việc đặt ra thủ tục này trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL giống như một cơ chế để kiểm soát chất lượng, hiệu quả của giai đoạn soạn thảo, vừa khiến cơ quan chủ trì cần nâng cao trách nhiệm của mình trong quá trình soạn thảo, vừa giúp họ nhìn nhận những điểm còn thiếu sót trong dự thảo. Đồng thời, đối với chủ thể ban hành, việc thẩm tra sẽ hỗ trợ không nhỏ trong việc xem xét và thông qua dự thảo văn bản.

3. Chủ thể và đối tượng của hoạt động thẩm tra

3.1 Đối với thẩm tra chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL

Điểm mới nổi bật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 là bổ sung quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo. Việc xây dựng chính sách được thực hiện trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL. Theo quy định của Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật này, thì không phải tất cả văn bản QPPL đều phải xây dựng chính sách trước khi soạn thảo, mà chỉ được tiến hành đối với một số văn bản: luật; pháp lệnh; nghị quyết của Quốc hội quy định tại điểm b và c, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; nghị quyết của UBTVQH quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 và 3, Điều 19 của Luật; nghị quyết của Hội đồng nhân dân [HĐND] cấp tỉnh quy định tại khoản 2, 3 và 4, Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Điều này đồng nghĩa với việc, các văn bản nêu trên sẽ là đối tượng của hoạt động thẩm tra chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL, trừ trường hợp nghị định của Chính phủ - bởi thẩm tra chỉ được tiến hành đối với văn bản của cơ quan quyền lực nhà nước [Quốc hội, UBTVQH, HĐND].

Tuy nhiên, rà soát tất cả quy định về thẩm tra chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL nói chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì chỉ được ghi nhận duy nhất tại Điều 47 về thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh. Điều này có nghĩa, trong số các văn bản phải xây dựng chính sách, Luật 2015 chỉ quy định thẩm tra chính sách đối với luật và pháp lệnh.

Theo đó, chủ thể tiến hành thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh là Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Pháp luật tập hợp và chủ trì thẩm tra đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội và kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban pháp luật trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh và phát biểu ý kiến về sự cần thiết ban hành, chính sách của văn bản, thứ tự ưu tiên trình dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.

Tuy nhiên, có hai trường hợp đặc biệt được đặt ra. Thứ nhất, trường hợp UBTVQH trình dự án luật thì Quốc hội quyết định cơ quan thẩm tra hoặc thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra. Thứ hai, trường hợp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh thì UBTVQH quyết định cơ quan thẩm tra.

3.2 Đối với thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

>> Xem thêm: Tư vấn quy trình kết nạp đảng khi đã bị hủy kết nạp lần đầu ?

Thẩm tra dự án, dự thảo VBQPPL được tiến hành sau giai đoạn soạn thảo, khi các chính sách đã được quy phạm hóa thành các điều khoản cụ thể. So với thẩm tra chính sách thì đối tượng các văn bản được tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo đầy đủ hơn, bao gồm tất cả văn bản QPPL của Quốc hội, UBTVQH và HĐND các cấp.

Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, tiến hành thẩm tra đối với: dự án luật, nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì thẩm tra dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực do mình phụ trách và dự án, dự thảo khác do Quốc hội, UBTVQH giao; tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra theo sự phân công của UBTVQH.

Ở địa phương, các ban của HĐND các cấp tiến hành thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp đó.

4. Nội dung của hoạt động thẩm tra

Thứ nhất, về nội dung thẩm tra chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL, việc thẩm tra tập trung vào: Sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chính sách cơ bản của văn bản, tính thống nhất, tính khả thi, thứ tự ưu tiên, thời điểm trình, điều kiện bảo đảm để xây dựng và thi hành văn bản.

Thứ hai, về nội dung thẩm tra dự án, dự thảo VBQPPL, việc thẩm tra tập trung vào: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản; Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết [nếu có]; Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản; Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản QPPL; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Đối với dự thảo nghị quyết của HĐND, Điều 124, 136 và 143 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau: Nội dung của dự thảo nghị quyết và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.

5. Thời hạn thẩm tra

>> Xem thêm: Điều kiện được học cảm tình đảng và kết nạp Đảng là gì ? Phân loại Đảng viên thực hiện thế nào ?

* Thời hạn thẩm tra đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội

Đối với dự án, dự thảo trình UBTVQH, chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban về Các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp UBTVQH, hồ sơ dự án, dự thảo phải được gửi đến các thành viên UBTVQH, trong đó bao gồm cả báo cáo thẩm tra[3]. Đây là một quy định khó hiểu, bởi Luật 2015 quy định thời hạn để cơ quan trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra và thời hạn phải gửi hồ sơ dự án, dự thảo sau khi thẩm tra đến các thành viên UBTVQH để xem xét, thông qua cùng là “chậm nhất 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp UBTVQH”. Thiết nghĩ, nếu cơ quan trình dự án, dự thảo thực hiện đúng quy định này là gửi hồ sơ để thẩm tra trước 20 ngày bắt đầu diễn ra phiên họp UBTVQH thì có thời hạn nào cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm tra?

Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, hồ sơ dự án, dự thảo trình Quốc hội phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội [Điều 73]. Với quy định nêu trên, thời hạn để Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra một dự án luật có thể chỉ là 10 ngày. Con số như vậy liệu có phù hợp?

* Thời hạn thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh

Theo quy định của Điều 124, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND được phân công thẩm tra để thẩm tra. Và báo cáo thẩm tra phải được gửi đến Thường trực HĐND chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND. Theo quy định này, có thể tính ra thời hạn tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là 5 ngày.

* Thời hạn thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện

Đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện, Luật quy định chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gửi dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND được phân công thẩm tra. Ban của HĐND được phân công thẩm tra có trách nhiệm gửi báo cáo thẩm tra đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu HĐND chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp [Điều 136 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015]. Như vậy, thời hạn tiến hành thẩm tra chỉ có 3 ngày.

* Thời hạn thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã

Riêng đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã, Luật quy định chậm nhất là 3 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, Ủy ban nhân dân gửi tờ trình, dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan [trong đó có báo cáo thẩm tra] đến các đại biểu HĐND [Điều 143]. Như vậy, khác với các trường hợp nêu trên, Luật không quy định cụ thể về thời hạn cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo đến Ban của HĐND để tiến hành thẩm tra mà chỉ quy định về thời hạn phải trình dự thảo đến các đại biểu HĐND để thảo luận, xem xét, thông qua. Do đó, không thể tính được thời hạn tiến hành thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã là bao nhiêu ngày.

Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm.

>> Xem thêm: Những trường hợp công dân được kết nạp Đảng ? Điều kiện kết nạp Đảng là gì ?

Trân trọng./

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề