Chuỗi liên kết là gì

[HNM] - Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuỗi liên kết; việc kết nối nông dân với doanh nghiệp còn không ít bất cập. Vậy đâu là giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết nông sản mang lại hiệu quả thực tế cho cả người sản xuất và tiêu dùng?

Nông dân trồng nhãn chín muộn Hoài Đức đã tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Hiệu quả đã rõ, vì sao khó nhân rộng?

Từ năm 2012, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú [huyện Chương Mỹ] thực hiện thí điểm dự án Pamci, canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ do Nhật Bản hỗ trợ. Trên cơ sở thành công của dự án này, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập. Hiện nay, hợp tác xã có 103 thành viên, canh tác trên diện tích 25ha, có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Từ vụ xuân năm 2019, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam tiêu thụ 100% sản phẩm. Thu nhập từ 1ha canh tác lúa đạt 180 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so với canh tác thông thường.

Mô hình nêu trên không phải là cá biệt, kết quả từ thực tế hoạt động của các chuỗi liên kết nông sản đã được ghi nhận. Tuy nhiên, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy: Các mô hình liên kết chuỗi trên địa bàn thành phố vẫn chưa nhiều, chưa xứng tầm với vị thế của nông nghiệp Thủ đô, quá trình liên kết còn không ít bất cập.

Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt [huyện Mê Linh] Vũ Văn Kỳ cho biết: Với diện tích 200ha rau, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm [vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm], hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết chuỗi với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco ở tỉnh Bắc Giang và Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco tại Hà Nội, tuy nhiên mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20-30% sản lượng. Còn lại phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố hoặc tự tìm nơi tiêu thụ nên thu nhập của người trồng rau không ổn định.

Về những bất cập trong phát triển chuỗi liên kết nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Việc liên kết giữa các cá nhân trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa tạo lập được sức mạnh tổng hợp cũng như thế mạnh của từng ngành hàng. Toàn thành phố hiện có 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, con số này rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp Thủ đô. Nguyên nhân là sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ theo hộ gia đình nên sản lượng thấp. Mặt khác, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ và có độ đồng đều không cao. Thêm nữa là tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi và giá bán thực tế bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất…

Tháo gỡ bất cập

Tổng Giám đốc Công ty GreenPath Phùng Thị Thanh Hương - doanh nghiệp đang liên kết với nông dân các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức và Quốc Oai xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ gạo hữu cơ, nhãn chín muộn, cho rằng: Hà Nội có thể lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh nhằm thay thế sản phẩm nhập khẩu, đồng thời nâng cao khả năng xuất khẩu. Và, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân, cần xây dựng cũng như mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Cùng với đó là tạo cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm kiểm định sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chí về xuất khẩu.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch nhìn nhận: Doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Thế nhưng, để hoạt động kết nối mang lại hiệu quả trong thực tế, không chỉ trông cậy vào sự chủ động tích cực của nhà sản xuất, nhà phân phối mà rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học...

Nhấn mạnh vai trò của chuỗi liên kết nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội xác định đến năm 2020 sẽ tiếp tục tổ chức liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh mô hình liên kết theo chuỗi giá trị… Và để tháo gỡ bất cập, vướng mắc từ thực tế, Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình OCOP [mỗi xã một sản phẩm]. Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức các hội chợ, triển lãm chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp... Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các huyện, thị xã chủ động tổ chức lại hợp tác xã, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm...

Cùng với việc triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu ngành giai đoạn 2016-2020, hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá được xem là giải pháp căn cơ, hứa hẹn mang đến nhiều thành công mới cho nông nghiệp Thủ đô.

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết

Your browser does not support the audio element.

LIÊN KẾT ĐỂ NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

24/02/2020

Theo định nghĩa, chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Trong trường hợp sản phẩm được tạo ra bởi sự liên kết của nhiều doanh nghiệp thì chuỗi giá trị sẽ được gói lại trong một khái niệm rộng hơn, được gọi là “giá trị hệ thống”. Có thể hình dung một chuỗi giá trị nông sản điển hình như sơ đồ sau:

Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau. Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, tại hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam” diễn ra vào tháng 12/2016 ở TP Hồ Chí Minh, đã chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất đối với chuỗi giá trị nông sản hiện nay đó là rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân. Vấn đề này đã được đem ra thảo luận và phân tích rất nhiều qua các phương tiện truyền thông. Nhưng cho đến nay, doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy, để có thể hoàn thiện một chuỗi giá trị hiệu quả cần thỏa mãn 2 điều kiện. Đầu tiên là các mắt xích phải hoạt động hiệu quả. Người sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp phải hỗ trợ các thiết bị tiên tiến phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điều thứ 2 là phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp.

Để một mắc xích hoạt động có hiệu quả thì trước tiên mắc xích đó phải đủ mạnh. Để có thể cạnh tranh trên thị trường nông sản rất cần khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá cạnh tranh. Hộ nông dân cá thể không khó có đủ điều kiện để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự liên kết ngang trong sản xuất qua việc tham gia các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác… Qua đó, các hộ nông dân có được sự thống nhất cao để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng cánh đồng lớn, từng trang trại hoặc vùng chăn nuôi với quy mô đủ lớn, đạt hiệu quả cao và có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, liên kết ngang được các chuyên gia kinh tế xem như là “lực đẩy” dòng sản phẩm nông sản ra thị trường.

Còn để có “lực kéo”, cần phải tạo ra mối liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Và đó chính là liên kết dọc giữa nông dân với các doanh nghiệp [cung ứng vật tư đầu vào, sơ chế, chế biến, tiêu thụ đầu ra]. Hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ này giúp tránh tạo ra các khâu trung gian làm thiệt hại cho người sản xuất như làm tăng chi phí đầu vào, giảm giá trị đầu ra… Liên kết dọc này đem lại lợi ích cho cả 2 phía liên kết. Nếu không có sự liên kết dọc, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang sẽ không đạt được lợi ích như mong muốn. Về phía doanh nghiệp, với liên kết này sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, giúp cho sản xuất ổn định, đảm bảo kế hoạch, phát huy được giá trị thương hiệu.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang rất quan tâm đến các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Bên cạnh nhiều cuộc hội thảo về việc nâng cấp chuỗi giá trị cây thanh long, cây sả, mãng cầu xiêm… đã có nhiều đề tài nghiên cứu về chuỗi giá trị của cây xoài, khóm, vú sữa, rau má… Mới đây, căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019, quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tin rằng, từ đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nông dân liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra, với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện kế hoạch của ngành nông nghiệp là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững .

[Bài viết có tham khảo thông tin từ Internet]

Lập Đức

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết

Tương phản

Video liên quan

Chủ Đề