Có nên vì con mà sống chung

Em là công chức, lấy chồng được 8 năm và có 2 cô con gái. Con gái lớn học tiểu học, còn cháu nhỏ mới 3 tuổi. Khi mới yêu, gia đình anh phản đối vì chê em trình độ thấp (cao đẳng) không xứng đôi vì anh là kỹ sư xây dựng, nhà lại có điều kiện, đã có nhà riêng. Nhưng anh vẫn theo đuổi vì nói em xinh, ngoan hiền...

Anh quyết tâm cưới em bằng được nên gia đình đành nhượng bộ, nhưng bằng mặt chứ không bằng lòng.
Sau khi cưới, tưởng hôn nhân sẽ bình yên vì vợ chồng ở riêng, không va chạm với ba mẹ chồng. Nào ngờ chồng em cực kỳ gia trưởng cộng với việc anh là trụ cột kinh tế, em thì không được lòng nhà chồng nên càng lép vế. Anh độc đoán, áp đặt, muốn tâm sự anh cũng gạt đi khiến em rất cô đơn…

Mâu thuẫn nhiều lần khiến em rất bức bối. Em cay đắng nhận ra, phụ nữ càng mềm yếu, ngoan ngoãn, dễ thông cảm càng bị chồng khinh. Nhất là mọi việc sắm sửa lớn bé trong nhà đều do anh quyết định và chi trả. Em chỉ lo ăn uống trong gia đình nên giờ nhìn lại vẫn tay trắng.

Sau nhiều lần cân nhắc, em quyết định ly hôn và yêu cầu được nuôi con. Chồng em đồng ý nhưng với điều kiện, mẹ con em ra đi với hai bàn tay trắng và không được đòi trợ cấp. Có lẽ, chồng nghĩ với sự nhu nhược bấy lâu, em sẽ không dám ly hôn. Nhưng thật sự, em rất muốn ly hôn vì đã hết tình cảm với chồng. Em đã nghĩ đến việc sẽ ở trọ và lương đủ cho 3 mẹ con sinh sống tối thiểu. Nhưng em đang phân vân vì con còn quá nhỏ, cần có sự chăm sóc, yêu thương của ba. Không biết quyết định ly hôn của em có sai lầm, gây tâm lý bất ổn cho con khi thiếu cha?

Tuệ Mẫn (TP. Đồng Xoài)

Tuệ Mẫn thân mến!

Hôn nhân tan vỡ là điều không ai muốn. Nhưng nếu đợi con lớn rồi ly hôn thì sự tổn thương của các con còn tăng gấp nhiều lần. Vì lúc đó, các con đã nhận thức được sự mất mát, bất hòa trong gia đình, chứng kiến những tổn thương mà mẹ phải gánh chịu…

Vợ chồng còn yêu thương thì cùng nhau vun đắp, ngược lại đừng cố gắng gượng ép, càng không thể lấy con cái làm lý do níu kéo. Hơn nữa, ba mẹ không sống với nhau đâu có nghĩa là hết thương con.

Tâm lý phụ nữ thường gửi gắm niềm tin, hy vọng, đặt ước mơ vào cuộc hôn nhân lớn hơn đàn ông nên khi thất vọng cũng sẽ nhiều hơn. Ly hôn là điều không ai muốn nhưng là giải pháp tốt để giải thoát khi không còn cách để hóa giải mâu thuẫn. Đặc biệt là khi hai người không còn tình cảm với nhau. Em không còn tình cảm với chồng, anh ấy cũng không đáp ứng nhu cầu chia sẻ vui buồn khiến em cô đơn trong chính ngôi nhà của mình thì giải phóng khỏi cuộc hôn nhân bế tắc, không có tình yêu là điều nên làm…  

Đó là chưa kể, khi hạnh phúc gia đình được tạo ra theo cách giả tạo để che mắt các con thì đến lúc đủ lớn để nhìn nhận, đứa bé chứng kiến gia đình không có tình yêu, tâm lý con có thể sẽ phát triển lệch lạc rất khó uốn nắn. Nếu em xem việc chồng để 3 mẹ con ra đi với hai bàn tay trắng, không chút ăn năn là “giọt nước đã tràn ly” thì càng không nên lăn tăn “vì con” mà ở lại.

Theo tâm lý người Á Đông, phụ nữ Việt Nam vẫn thường hy sinh vô điều kiện cho chồng, con. Nhưng khi chồng không xứng đáng với sự hy sinh ấy, có cần để em tiếp tục không? Sao không suy nghĩ thoáng hơn: Ly hôn cũng là giải pháp để cuộc sống của em nhẹ nhàng hơn? Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn, sao cứ phải níu kéo trong đau khổ, dằn vặt và không biết ngày mai sẽ ra sao? Nếu đã hết yêu, hãy buông bỏ, quan trọng là em đã có một ngã rẽ để lòng thanh thản và tiếp tục vui sống bên con.

"Tôi cho rằng hôn nhân là nơi để người ta cảm thấy hạnh phúc khi được bên nhau. Còn khi không còn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ nữa thì cũng nên dừng lại. Không phải ai cũng có thể đi chung với nhau đến hết đoạn đường đời. Tôi rất thích gọi người kia là 'bạn đời' vì nó phản ánh đúng ý nghĩa của hôn nhân. Có nghĩa là cùng nhau bước đi trên một đoạn đường đời có dăm bảy khúc cua, ngã rẽ.

Nếu còn nắm tay nhau thì vui, không thì đến ngã rẽ thì chia tay cũng bình thường. Mỗi người rẽ đi một hướng và lại tìm thấy niềm vui với những con đường mới, người bạn mới. Nếu cứ nghĩ kết hôn là phải cùng nhau ăn ở đến 'răng long đầu bạc', thì khi ly hôn sẽ thất vọng vì không như mong đợi. Nhưng nếu bạn nghĩ kết hôn vì mình muốn được ở bên người kia, dù một năm, hai năm thì cũng vui và hạnh phúc. Vậy mà sau đó được bên nhau những 10 năm, 20 năm rồi mới ly hôn, thì chẳng phải là quá sức mong đợi đó sao?

Hãy để mọi người bước vào hôn nhân với niềm vui và ra đi cũng vui vì đã được cùng nhau hạnh phúc trong một khoảng thời gian nào đó. Cuộc đời vô thường và cũng nhiều bất ngờ. Biết đâu sau khi ly hôn, ai đó lại cảm thấy hạnh phúc hơn trước kia".

Đó là quan điểm của độc giả Tên Không Đẹp, ủng hộ tư tưởng ly di khi vợ chồng không còn thấy hạnh phúc. Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong bốn đôi đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa ly dị. Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn khiến không chỉ các cặp đôi trẻ mà nhiều cặp đôi đã chung sống nhiều năm cũng đi đến quyết định này.

Có cùng quan điểm thoáng về chuyện ly hôn, bạn đọc Hai vu lấy dẫn chứng từ chính câu chuyện gia đình mình: "Tôi từng có tuổi thơ lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ luôn luôn nói rằng vì con cái nên không ly dị, họ vẫn sống với nhau. Nhưng đi kèm đó là liên tục những cuộc cãi vã, mâu thuẫn chồng chất suốt nhiều năm trời. Ấy vậy mà cuối cùng người ta vẫn luôn rao giảng 'sống với nhau vì con cái'. Hoàn toàn là nguỵ biện.

Nếu thực sự vì con cái, hãy chia tay càng sớm càng tốt khi các bất hòa và mâu thuẫn không thể giải quyết, để khi ra đi mỗi bên vẫn còn sự tự tôn, và dành tôn trọng nhất định cho nhau. Khi đó, bầu không khí yên bình vẫn được duy trì, mỗi người có một cuộc sống mới khác nhau nhưng hạnh phúc. Như vậy, những đứa trẻ kia vẫn rất may mắn hơn là phải chịu đựng sự mâu thuẫn, thù hằn dưới cùng một mái nhà.

Nhiều người đang cố tình đánh tráo khái niệm một gia đình có bố và mẹ dưới một mái nhà hạnh phúc, và một gia đình tan vỡ nhiều bất hòa nhưng bố mẹ không chịu ly hôn. Và họ cứ lấy lý do vì con cái ra để bao biện cho hành vi của mình.

Nếu thực sự vì con cái thì hãy cho chúng thấy bố mẹ hạnh phúc, và vẫn tôn trọng nhau tới lúc không còn chung một mái nhà. Và nếu bọn trẻ thấy được rằng, bố mẹ dù không còn là vợ chồng, nhưng có thể tìm được hạnh phúc mới, và vẫn luôn tôn trọng và có thể hỗ trợ nhau, thì đó là một bài học và món quà cực kỳ giá trị cho con cái".

Khẳng định lựa chọn ly hôn tốt hơn cố chịu đựng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, độc giả Joey Dam nhấn mạnh: "Cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực mà gia đình là tổ ấm, là nơi yên bình để giúp bạn cân bằng lại. Nhưng nếu nó không còn êm ấm hay yên bình thì mỗi ngày trôi qua bạn sẽ chỉ sống trong sự dằn vặt, chán chường và mệt mỏi. Và khi cuộc sống mất cân bằng như vậy, bạn có chắc mình sẽ đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái hay không?

Tinh thần bạn không tốt để dành cho công việc, tâm lý bạn luôn căng thẳng mỗi lần hai người đối thoại, nó ảnh hưởng ngược lên cả con cái của bạn. Hệ quả xấu hơn nữa là bạn căng thẳng luôn với cả con cái, mỗi người lại tìm chân trời riêng để giải tỏa, cuộc sống hoàn toàn lệch lạc hơn so với bản chất con người bạn.

Vậy liệu những đứa trẻ sống trong ngôi nhà như vậy có phát triển tốt hay không, liệu đứa trẻ không đối mặt với thực tế đó nó có sống quá mơ mộng và thiếu thực tế hay không, sau này nó bước vào đời sống hôn nhân nó có bị quá lầm tưởng hay không? Nói đơn giản là đừng vẽ cho con cái một bức tranh đẹp mà quên mất cho nó thấy đằng sau bức tranh đẹp đó là lớp vải cũ sờn hoặc một bức tranh đã cũ được vẽ đè lên, như vậy chúng sẽ sẵn sàng đối diện với cuộc sống hơn và mạnh mẽ hơn".

>> Song Joong Ki ly hôn Song Hye Kyo và 'niềm tin vào tình yêu' của người Việt

Bất cứ ai khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân đều mong muốn có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Nhưng khi cả hai không còn nhìn chung về một hướng, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Ly hôn là giải pháp cuối cùng được đặt ra để kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ chuyện ly dị, giống như trường hợp của bạn đọc AnhMinh Do: "Tôi là người đang trong hoàn cảnh lăn tăn với những gì đang diễn ra với cuộc sống của mình. Tôi thấy trên lý thuyết, nhìn nhận từ góc độ nào cũng có những cái đúng cái sai của nó, tuy nhiên, chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất về những vấn đề của mình. Xin đừng nghĩ ly hôn chỉ đơn giản là ký một tờ giấy là xong.

Chúng ta sống trong mối quan hệ xã hội, gia đình, rất nhiều những điều đan xen chồng chéo, bạn có chắc không rằng mối quan hệ giữa hai người không thể hàn gắn? Bạn có chắc không những đứa trẻ của bạn không bị tổn thương? Bạn đã làm hết sức mình và đúng hay chưa? Và tương lai, bạn dám chắc ngoài kia là bầu trời rất rộng?

Đôi khi, chính bạn cũng không hiểu nổi mình thì đừng nghĩ đến những đứa trẻ sẽ cảm thông khi bố mẹ ly dị. Phần nhiều trong chúng còn rất nhỏ, chưa hiểu gì. Trong cuộc sống, sẽ có những thử thách, có những khó khăn, nói buông tay thật dễ, chỉ là đi tiếp cùng nhau mới là khó mà thôi.

Khi đủ 18 tuổi, bạn đã lựa chọn và cần dũng cảm chịu trách nhiệm và nỗ lực về những lựa chọn của chính mình. Tôi nghĩ, dễ dàng buông bỏ là một sự hèn nhát. Nó chỉ là lựa chọn cuối cùng khi không thể cố bước mà thôi. Vậy nên, tôi không ủng hộ ly dị, hãy cố gắng hàn gắn hết sức của mình, để rồi dẫu thế nào cũng không hề nuối tiếc về sau...".

Đồng quan điểm, độc giả Minh Tân Phan cho rằng cha mẹ ly hôn là tàn nhẫn với con trẻ: "Hai vợ chồng bạn tôi cùng là nhà giáo và có những kiến thức nhất định về nuôi dạy con trẻ và cuộc sống. Tôi biết được họ đã không còn yêu nhau hay chăn gối hằng đêm được ba năm nay, nhưng họ vẫn ngủ chung một giường và sống chung một nhà.

Nhiều ý tưởng thời hiện đại thực sự quá vô trách nhiệm, cho rằng bản thân mình cần hạnh phúc, thế con cái của các bạn nó có cần hạnh phúc không? Hai bạn tôi cùng đi đến quan điểm thống nhất về một số vấn đề mục tiêu, trách nhiệm, hình ảnh của nhau trong lòng các con, và thống nhất làm "bạn chung nhà" với mục đích cốt lõi là chăm sóc hai đứa trẻ cho tới khi chúng nó học đại học và cùng nhau xây dựng một kinh tế vững chắc.

Để rồi sau đó, cả hai viên mãn với hôn nhân là sinh ra và nuôi dạy tầng lớp mới cho xã hội và ly dị để có cuộc sống như ý sau khi tròn trách nhiệm làm cha mẹ.
Tôi vẫn thấy sống như thế mới là đáng tự hào mới đáng làm cha mẹ của con trẻ, mang lại hạnh phúc cho mình và cho con.

Còn nếu cứ khó chịu, không hợp tính là đường ai nấy đi, thì đó là vô trách nhiệm và ích kỷ. Nếu cả hai cùng thống nhất bằng văn bản và miệng với nhau rằng sẽ tôn trọng nhau như hai người bạn trong nhà và cùng nuôi dạy con cái trưởng thành, đấy mới gọi là 'viên mãn'.

Hôn nhân phá đi thì dễ, xây lại mới khó, người làm việc lớn thì phải trưởng thành từ cách nghĩ, trong đấy nghĩa vụ làm cha, mẹ là chuyện cao cả.
Đừng có nói suông, hay biện minh cho chuyện ly hôn, đó chẳng qua chỉ là "vô trách nhiệm mà thôi". Con không bỏ cha mẹ nghèo, nhưng cha mẹ lại bỏ con không hạnh phúc?".

Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Ánh Trình về giá trị của hôn nhân: "Nếu bạn là cha, mẹ, chắc sẽ có lần bạn nói với con rằng 'khi khó khăn, con cần cố gắng, tìm mọi cách giải quyết để vượt qua'. Cuộc hôn nhân nào không có lúc giống như đi tàu lượn trên cao hay có những lúc toàn những lời lăng nhục nhau. Giữa lúc sóng gió ấy, vợ hay chồng vội vã lên giường với người khác hay quyết định dứt bỏ thì ly dị là cái kết.

Nếu nghĩ lại ngày ta lấy nhau, những lúc dễ thương của hai vợ chồng, bỏ bớt cái tôi, bỏ bớt sự vị kỷ, chia sẻ cùng nhau khó khăn, giúp nhau vượt qua chặng đường của hôn nhân, thì chắc chắn ly dị không thể gõ cửa hôn nhân của bạn. Các con đâu đòi ta sinh ra chúng. Ta tự nguyện tạo ra các con, nên hãy đối xử với chúng dịu dàng, yêu thương, bỏ bớt cái tôi để bên nhau, cho con những năm tháng thơ ấu hạnh phúc.

Các con rồi sẽ lớn, sẽ có cuộc sống riêng, nhưng hôn nhân tan vỡ chắc chắn là một dấu vết không yêu kiều trong hành trang kỷ niệm bước vào đời. Nhìn thấy ba hay mẹ, những người sinh ra mình âu yếm người khác hay con cái mới, chắc chắn cảm giác thiệt thòi khó tránh. Con tôi có lần đến bên tôi và nói con ước muốn gia đình đừng tan vỡ, ba mẹ đừng cãi vã.

Góc nhìn của tôi là vợ chồng có thể tranh luận cùng nhau để giải quyết mâu thuẫn, để tốt đẹp hơn chứ không phải bất đồng để chia rẽ và ly dị. Sâu thẳm trong ta là ước muốn gia đình hạnh phúc. Khi Bill và Melinda, thông minh giỏi giang, giàu có, xinh đẹp, con cái đủ đầy, nhà cao cửa rộng mà vẫn ly hôn, ta mới thấy hôn nhân hạnh phúc giữ lại mới khó, chứ bỏ rất dễ".