Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020 [sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TU], Phong trào thi đua "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai sâu rộng và tạo sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và đã thực sự trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp, được người dân đồng tình hưởng ứng. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày một tăng [Tính theo số liệu trước khi sáp nhập xã, đến năm 2020, toàn tỉnh có 74/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính theo số liệu sau khi sáp nhập xã, đến năm 2020, toàn tỉnh có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới]. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng được 30 khu dân cư kiểu mẫu; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm [OCOP]. Qua đó, đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập người dân nông thôn tăng 2,98 lần so với năm 2011; mức độ hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục của người dân được nâng lên; xuất hiện nhiều mô hình khu dân cư kiểu mẫu có những nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững.

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới phải thực hiện đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung ưu tiên chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới. Các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 sát với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng xa, biên giới xây dựng nông thôn mới và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp.

Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung trọng tâm của Chương trình. Đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới [trong đó ưu tiên phát triển các thế mạnh của vùng về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…]. Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, cây ăn quả, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng [VietGap, GlobalGap] và truy xuất nguồn gốc; bảo vệ tài nguyên rừng bền vững… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa Chương trình, cùng với đó tái cơ cấu các tổ chức kinh tế sẵn có theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, xem đây là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; chú ý thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi cung ứng bên cạnh việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.  

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.  Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng ở các vùng nông thôn. Tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn [thu gom xử lý nước thải, chất thải, bao gói thuốc bảo vệ thực vật…], cải tạo cảnh quan môi trường, chú trọng phát triển các mô hình thôn, bản xanh, sạch đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng gắn kết hình thành các tour du lịch kết nối với các điểm nhấn thu hút khách du lịch như Mẫu Sơn, Thung Lũng hoa Bắc Sơn, Thác Đăng Mò huyện Bình Gia... Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và Nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Triển khai các giải pháp để kiềm chế và xử lý có hiệu quả các vấn đề về an ninh nông thôn. 

Bốn là, tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó ưu tiên nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và các xã điểm đặc biệt khó khăn, biên giới; đối với các nhóm xã còn lại tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư; khuyến khích thực hiện giao công trình phù hợp cho người dân và cộng đồng dân cư trực tiếp thi công, bảo đảm phát huy tối đa nội lực của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, du lịch, dịch vụ ở khu vực nông thôn.

Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, đề án cụ thể trên địa bàn, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, có giải pháp hỗ trợ bổ sung kỹ năng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng. Thực hiện tốt công tác cán bộ cơ sở, tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở huyện, xã khó khăn, tiến độ triển khai còn chậm để tạo sự chuyển biến trong triển khai chương trình, luân chuyển cán bộ từ những địa phương làm tốt sang các địa phương còn khó khăn;... 

Sáu là, tiếp tục triển khai các đề án chuyên đề theo chỉ đạo của Trung ương [Phát triển môi trường, phát triển du lịch nông thôn, an ninh trật tự...] để phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm hỗ trợ, triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bẩy là, thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nông dân, hộ nghèo thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới.

Tám là, thường xuyên tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình gắn với rà soát, nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Ban Biên tập

Video liên quan

Chủ Đề