Đánh giá chất lượng môi trường biển năm 2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đây là báo cáo đầu tiên về hiện trạng môi trường biển quốc gia, được xây dựng sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực thi hành. Báo cáo đánh giá tổng quan các vấn đề về hiện trạng và diễn biến môi trường biển và hải đảo quốc gia trong 5 năm qua.

Đánh giá chất lượng môi trường biển năm 2024

Báo cáo gồm 6 chương với các nội dung chính: Tổng quan về biển và hải đảo Việt Nam; Áp lực của phát triển kinh tế-xã hội đối với môi trường biển và hải đảo; Hiện trạng môi trường biển và hải đảo; Tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Quản lý môi trường biển, liên quan đến quản lý Nhà nước về biển và hải đảo; Các cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực – Áp lực – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng (DPSIR). Trong đó, “động lực” là sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và các ngành kinh tế biển... Các hoạt động phát triển này đã tạo ra những áp lực lớn làm thay đổi hiện trạng chất lượng môi trường nước biển và hải đảo. Hiện trạng môi trường biển và hải đảo tập trung đánh giá chất lượng nước biển ven bờ, xa bờ, trầm tích biển và hiện trạng đa dạng sinh học biển. Chất lượng môi trường nước biển được đánh giá thông qua chỉ số rủi ro môi trường và thông qua việc so sánh kết quả quan trắc các thông số đặc trưng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường nước biển, trầm tích biển hiện hành.

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN XA BỜ TƯƠNG ĐỐI ỔN ĐỊNH

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý và kiểm soát môi trường biển đã có nhiều nỗ lực với hàng loạt công cụ pháp lý được ban hành, đây là giai đoạn hình thành, kiện toàn hệ thống quản lý tổng hợp biển từ Trung ương đến địa phương.

Báo cáo đánh giá, chất lượng môi trường biển được duy trì khá tốt. Theo kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ mà Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi biển ven bờ của 15 tỉnh, thành phố ven biển cùng với số liệu quan trắc xa bờ của Trung tâm Trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Quân chủng Hải quân thực hiện (356 điểm) và Trung tâm Quan trắc môi trường, Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện (20 điểm) giai đoạn 2016-2019 cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển.

Kết quả tính toán chỉ số tai biến môi trường (RQ) giai đoạn 2015-2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị RQ đạt ở mức tốt (RQ <1). Tuy nhiên, tại một số thời điểm ở một vài vị trí có chỉ số RQ >1,5 nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm. Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ và chất rắn lơ lửng từ đất liền ra biển và sự trôi dạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ. Chất lượng môi trường nước biển xa bờ tương đối ổn định và ít biến động qua các năm, giá trị hàm lượng trung bình của các thông số quan trắc đều đạt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN CHỊU TÁC ĐỘNG MẠNH TỪ CÁC NGUỒN THẢI

Báo cáo cũng chỉ rõ, dưới áp lực phát triển kinh tế - xã hội, môi trường biển và hải đảo chịu tác động lớn. Chất lượng môi trường nước biển chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển KT-XH khu vực ven bờ.

Cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thải lượng các chất ô nhiễm trực tiếp xả ra môi trường biển, phần lớn các nghiên cứu tập trung phân tích, tính toán thải lượng của một ngành nghề hoặc một hoạt động phát thải ra vùng biển. Do hạn chế về nguồn số liệu, báo cáo phân tích nguồn thải về quy mô tác động, mức độ ảnh hưởng, thành phần chất thải phát sinh. Các nguồn thải chính được đề cập trong báo cáo gồm nguồn thải từ hoạt động dân cư (sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ); nguồn thải từ hoạt động công nghiệp; nguồn thải từ hàng hải trên biển; nuôi trồng thủy hải sản trên biển; khai thác, thăm dò dầu khí trên biển.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển chỉ ra rằng, phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo, theo các dòng chảy sông ra biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng động dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển. Kết quả thống kê cho thấy, 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển đã được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày. Có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, kéo theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển. Tác động rõ nhất có thể nhận thấy là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng tại các khu ven biển thời gian qua.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển 2016-2020 cũng xác định rõ các nguồn thải trên biển. Theo đó, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trưởng cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển Việt Nam. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại đương trong những năm gần đây là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và cũng đang gây áp lực không nhỏ trong công tác quản lý chất thải trên biển ở nước ta.

Việc xảy ra một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, hệ sinh thái biển, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra ở các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam...

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường biển. Đặc biệt nước biển dâng trong bão kèm theo sóng lớn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng do mức nước dâng cao bất ngờ, gây ngập lụt khu vực ven biển.

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững, dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa và quý hiếm được dưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên thế giới) để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN LÀ MỘT NỘI DUNG XUYÊN SUỐT

Biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định bảo vệ môi trường biển là một nội dung xuyên suốt.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường biển, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức tỏng công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất. Các quy định pháp lý, đặc biệt là các chế tài về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển va quy định về lấn biển cũng đang trong quá trình xây dựng; không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường biển còn hạn chế.

Trên cơ sở phân tích trên, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đang tiếp tục được kiện toàn. Đi kèm đó là các nội dung triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, tăng cường năng lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xử lý một số vấn đề môi trường biển nổi cộm như: quản lý rác thải nhựa đại dương; ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển; bảo tồn đa dạng sinh học biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển…

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 được xác định là một nguồn tài liệu quan trọng, nguồn thông tin dữ liệu hữu ích, hỗ trợ tích cực, kịp thời, thiết thực đối với công tác tác quản lý, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.