Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong cộng đồng năm 2024

Phương pháp đánh giá tổng thể tình trạng dinh dưỡng theo chủ quan (Subjective Global Assessment – SGA) Điều tra khẩu phần ăn: phương pháp nhớ lại khẩu phần ăn 24 giờ Chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) Đo chu vi vòng cánh tay (MUAC- Mid-Upper Arm Circumference, tính bằng cm) Đo bề dày lớp mỡ dưới da Phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng thông qua chỉ số albumin và pre-albumin huyết thanh Kết luận Tài liệu tham khảo

Mở đầu

Chế độ dinh dưỡng luôn có ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến triển hoặc suy giảm của nhiều loại bệnh, đặc biệt là các nhóm bệnh tiên lượng xấu như béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư. Ngay từ thời trước Công Nguyên, con người đã quan tâm đến vai trò ăn uống và xem ăn uống như là một phương pháp để điều trị bệnh tật. Theo Hyppocrate: “Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng”. Từ thế kỷ XVII, nhất là cuối thế kỷ XIX, vấn đề dinh dưỡng bệnh lý đã được các quốc gia chú ý, nổi bật nhất là vấn đề tiêu hao năng lượng. Dinh dưỡng thu vào phải đảm bảo năng lượng tiêu hao, do đó, cần xây dựng chế độ ăn uống để bồi dưỡng cho các bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc hạn chế đồ ăn cho những bệnh nhân thừa cân1.

Ăn không những để giữ sức khỏe cho bệnh nhân mà còn phải là một phương pháp điều trị và là một yếu tố điều trị chủ yếu trong một số bệnh. Ăn còn ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh, đến các cơ chế điều hòa, khả năng phản ứng và bảo vệ cơ thể. Hơn nữa, ăn điều trị không những làm tăng hiệu quả của các biện pháp điều trị khác mà còn hạn chế và giảm tái phát một số bệnh mạn tính. Dinh dưỡng đưa vào đồng thời cũng là nền tảng để các bác sỹ điều trị sử dụng các biện pháp điều trị khác nhau và củng cố kết quả tích cực của các biện pháp điều trị đó. Mặt khác, khi quyết định liều lượng thuốc, chế độ lao động, thể dục liệu pháp, bác sỹ cần phải dựa vào tình hình sức khỏe và khả năng ăn uống của bệnh nhân - đồng nghĩa với việc xem thức ăn như thuốc. Việc xác định nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, cách thức chế biến để giữ được giá trị dinh dưỡng và tạo ra các món hợp khẩu vị người bệnh, ấn định số lượng, chất lượng mỗi bữa ăn đều phải thực hiện nghiêm túc như một y lệnh điều trị. Hơn thế nữa, dinh dưỡng bệnh lý còn phải dựa trên cơ sở là nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, tình trạng lâm sàng và diễn biến bệnh của người bệnh, đồng thời chú ý vào điều trị bảo vệ các bộ máy chức năng trong cơ thể người bệnh’ (Renata Micha)2.

Nội dung

Phương pháp đánh giá tổng thể tình trạng dinh dưỡng theo chủ quan (Subjective Global Assessment – SGA)

Phương pháp SGA khởi đầu được phát triển bởi Detsky và cộng sự nhằm xác định tình trạng dinh dưỡng ở những bệnh nhân trải qua phẫu thuật dạ dày-ruột, sau đó được áp dụng cho những cộng đồng dân số khác như ung thư, bệnh thận, tim mạch3. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số SGA thấp thì có sự phối hợp với tỷ lệ tử vong cao4. Một nghiên cứu so sánh trực tiếp với việc xác định tổng lượng Nitrogen chứa trong cơ thể bằng phương pháp phân tích Neutron phóng xạ chứng minh rằng SGA có thể phân biệt bệnh nhân có tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) nặng với người dinh dưỡng bình thường5. Đây là phương pháp đánh giá mang tính chủ quan, kỹ thuật đơn giản, cho kết quả nhanh chóng, ít tốn kém, có thể thực hiện nhiều lần và là công cụ hữu ích cho việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại giường, từ đó cung cấp cái nhìn tổng thể về tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Bên cạnh những ưu điểm trên, SGA cũng có nhược điểm là không đánh giá được mức độ protein nội tạng mà chỉ tập trung vào dinh dưỡng đưa vào và thành phần cơ thể; phương pháp mang tính chủ quan nên kết quả còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của người đánh giá. Một số thang SGA phổ biến hiện nay gồm:

SGA_7 thang điểm: phiên bản SGA _7 thang điểm đầu tiên được thực hiện trong nghiên cứu CANUSA (Canada - USA Peritoneal Dialysis Study) trên đối tượng bệnh nhân thẩm phân phúc mạc. Trong phiên bản này, các đề mục đánh giá được giữ nguyên như nguyên bản SGA_3 thang điểm mà chỉ thay đổi thang điểm đánh giá theo hướng mở rộng ra: thay vì đánh theo 3 thang điểm là A/B/C, SGA_7 đánh giá theo 7 thang điểm từ 1 đến 7 với phân loại 1 - 2 là SDD nặng; 3 – 5: SDD nhẹ - trung bình; 6 – 7: dinh dưỡng bình thường. Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc suy giảm một đơn vị của kết quả đánh giá SGA tương đương với tăng nguy cơ tử vong lên 25% ở đối tượng bệnh nhân thẩm phân phúc mạc6.

Phiên bản SGA_7 thang điểm và 4 phần đánh giá: Vào năm 1997 - 2002 nghiên cứu NECOSAD (Netherlands Cooperative Study on the Adequacy of Dialysis) được thực hiện trên đối tượng bệnh nhân lọc máu. Trong nghiên cứu này, phiên bản SGA_7 thang điểm được cải tiến bằng cách bỏ bớt chỉ còn 4 phần đánh giá gồm: thay đổi cân nặng; triệu chứng dạ dày – ruột; mất lớp mỡ dưới da; teo cơ. 4 đề mục này vẫn được đánh giá theo thang điểm từ 1 – 7. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 4 phần đánh giá đều có liên quan đến dự đoán tử vong. Những bệnh nhân xác định SDD có sự tăng nguy cơ tử vong gấp 2 – 5 lần, đặc biệt bệnh nhân SDD nặng có sự gia tăng nguy cơ tử vong gấp 5 lần trong vòng 6 tháng theo dõi7.

Dialysis Malnutrition Score (DMS/MS): năm 1999 Kalanter - Zadeh trình bày phiên bản mới của SGA gọi là phiên bản cải tiến định lượng, thực hiện trên đối tượng bệnh nhân lọc máu. Có 7 đề mục (thay đổi cân nặng; chế độ dinh dưỡng; triệu chứng dạ dày – ruột; hoạt động chức năng của cơ thể; bệnh kết hợp; mất lớp mỡ dưới da; teo cơ) được đánh giá theo thang điểm từ 1 – 5. Kết quả đánh giá được tính bằng cách tính tổng số điểm của các phần sau đó phân loại với 7 điểm là dinh dưỡng bình thường và 35 điểm là SDD nặng. Kết quả đánh giá cho thấy chỉ số DMS có tương quan mạnh với các chỉ số khác như khả năng kết hợp sắt toàn phần (Total Iron Binding Capacity - TIBC) R = 0,77, phép đo chu vi cơ giữa cánh tay (Mid Arm Muscle Circumference - MAMC) với R = 0,66 và tương quan mức độ trung bình với các chỉ số albumin huyết thanh, chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI), nếp gấp da cơ nhị đầu (Biceps Skinfold – BSF), tuổi tác và thời gian lọc máu8.

The Malnutrition - Inflammation Score (MIS): năm 2001 Kalanter - Zadeh và cộng sự cũng tạo ra phiên bản đánh giá dinh dưỡng khác theo kiểu định lượng gồm 10 phần đánh giá theo 4 thang điểm (0 – 3) như sau: thay đổi cân nặng; chế độ dinh dưỡng; triệu chứng dạ dày – ruột; hoạt động chức năng của cơ thể; bệnh kết hợp; mất lớp mỡ dưới da; teo cơ; chỉ số BMI; nồng độ albumin huyết thanh, nồng độ TIBC huyết thanh. Kết quả đánh giá được tính bằng cách tính tổng số điểm của các phần sau đó phân loại với 0 điểm là dinh dưỡng bình thường và 30 điểm là SDD nặng. Chỉ số MIS cho kết quả tương quan mạnh với các chỉ số sinh hóa máu, thời gian nằm viện, tỷ lệ tử vong hơn so với chỉ số SGA_3 thang điểm hay chỉ số DMS9.

Điều tra khẩu phần ăn: phương pháp nhớ lại khẩu phần ăn 24 giờ

Phương pháp điều tra khẩu khẩu phần là phương pháp liệt kê lại tỷ mỉ những gì đã ăn uống trong ngày hôm trước hoặc trong 24 giờ trước khi phỏng vấn. Người phỏng vấn cần được huấn luyện kỹ để có thể thu được các thông tin chính xác về số lượng các loại thực phẩm (kể cả đồ uống) đã được đối tượng tiêu thụ. Phương pháp được tiến hành bằng cách sử dụng phiếu hỏi ghi các thực phẩm đã tiêu thụ trong khoảng thời gian 24 giờ qua. Ngoài ra cần thu thập những thông tin ảnh hưởng lên khẩu phần như: họ tên, tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý (có thai, cho con bú, bệnh lý), số bữa ăn/ngày, số lượng các loại thực phẩm đã tiêu thụ trong khoảng thời gian 24 giờ qua. Cần lưu ý là không hỏi những ngày có các sự kiện đặc biệt làm tăng khẩu phần ăn như: giỗ, tết, liên hoan mà cần bắt đầu thu thập thông tin từ bữa ăn gần nhất rồi hỏi ngược dần theo thời gian. Việc đánh giá và phân tích kết quả được thực hiện sau khi thu thập đầy đủ dữ liệu về chế độ ăn trong 24 giờ. Tiến hành sắp xếp thức ăn theo nhóm như sau: nhóm cung cấp chất đạm và chất béo có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa), nhóm cung cấp chất đạm và chất béo có nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, lạc, vừng), nhóm chất béo (dầu, bơ), nhóm ngũ cốc, khoai củ, nhóm rau quả, nhóm đường và các thức ăn ngọt, gia vị. Dữ liệu thu thập được có thể phân tích theo nhiều cách khác nhau. Để có kết quả nhanh chóng, các chuyên gia dinh dưỡng có thể ước tính năng lượng khi so sánh với số lượng các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn tiêu chuẩn khuyến cáo. Phương pháp này có ưu điểm là có thể tiến hành đơn giản bằng cách hỏi 15 - 20 phút, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng ngay cả với những đối tượng trình độ văn hóa thấp hoặc mù chữ. Tuy nhiên, phương pháp này không thể áp dụng cho người có trí nhớ kém và khó ước lượng chính xác lượng thực phẩm tiêu thụ.

Chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index)

Cách tính BMI = Cân nặng (kg)/Chiều cao2 (m).

Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới khuyên dùng BMI để đánh giá, phân loại tình trạng dinh dưỡng. BMI theo phân loại WHO (Word Health Organization – Tổ chức y tế thế giới) 2006 khuyến nghị cho người trưởng thành như sau10: • < 18,5: nhẹ cân • 18,5 – 24,9: bình thường • 25,0 – 29,9: thừa cân • ≥ 30: béo phì Để đánh giá tình trạng gầy hay thiếu năng lượng trường diễn (Chronic Energy Deficiency – CED), dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI như sau: • CED độ 1: 17 – 18,49 (gầy nhẹ). • CED độ 2: 16 – 16,99 (gầy vừa). • CED độ 3: < 16,00 (quá gầy). Ưu điểm của phương pháp đánh giá BMI là dễ đo lường, nhanh chóng và tiện lợi. Đây là công cụ được sử dụng phổ biến nhất để xác định tương quan nguy cơ của các vấn đề sức khoẻ với cân nặng. BMI được phát triển bởi Adolphe Quetelet từ thế kỷ 19, dựa trên dữ liệu và báo cáo từ nhiều quốc gia. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng BMI là một đại diện tốt cho các vấn đề liên quan đến mỡ và thừa cân - ước đoán lượng mỡ của cơ thể, do đó được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người lớn [31]. Tuy nhiên, do chỉ phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao và không xem xét được các mức độ khác nhau dựa trên tuổi tác, mức độ hoạt động thể lực và giới tính, do đó, các kết quả thường thiếu chính xác vì tiêu chuẩn lấy từ người bình thường giống nhau ở mọi lứa tuổi, sắc tộc, quốc gia. BMI thường sai số lớn trong đánh giá các tình trạng bệnh lý gây mất nước hay phù làm biến đổi cân nặng11.

Đo chu vi vòng cánh tay (MUAC- Mid-Upper Arm Circumference, tính bằng cm)

Chu vi vòng cánh tay là một phép đo đơn giản đã được sử dụng trong nhiều năm để đánh giá dinh dưỡng, là một chỉ số phản ánh về dự trữ protein và năng lượng của từng cá thể. Các nghiên cứu khác nhau đã sử dụng MUAC như một thông số dinh dưỡng ở các nhóm dân cư khác nhau (như người già, người bệnh nội trú, trẻ sơ sinh, trẻ em trước tuổi đến trường, trẻ em đi học, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú). Chu vi vòng cánh tay là kĩ thuật đo rất hữu ích khi theo dõi khối lượng mỡ cơ thể bị mất hay tăng. Tuy nhiên cần đánh giá thận trọng những chỉ số nhân trắc này trên người bệnh nội trú nặng vì các giới hạn của nó được xây dựng dựa trên đại diện những người khỏe mạnh, có thể không phù hợp với quần thể bệnh lý.

Đo bề dày lớp mỡ dưới da

Đo độ dày lớp mỡ dưới da rất hữu ích trong việc đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng ở những người bệnh không thể cân. Tuy nhiên, kỹ thuật có nhiều sai số, giữa các lần đo cũng như giữa các điều tra viên. Cụ thể: sai số phát sinh trong việc xác định vị trí chính xác để đo lường; cách thức lấy da; cách đặt thước trên nếp gấp; độ nén của nếp gấp và thời gian đọc chính xác. Khắc phục sai số bằng cách lấy giá trị trung bình của ba lần đọc và đo ở tay bên trái. Mặc dù đo bề dày lớp mỡ dưới da phản ánh tổng lượng mỡ trong cơ thể, tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác vì nam giới béo phì có xu hướng giảm mỡ bụng nhiều hơn phụ nữ; mỡ nội tạng và mỡ dưới da đã được chứng minh là có khác biệt về mặt sinh học. Trong thực hành lâm sàng, trọng lượng cơ thể hữu ích hơn độ dày lớp mỡ dưới da trong việc kiểm soát béo phì. Ngưỡng đánh giá < 5mm phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Giống như BMI, bề dày lớp mỡ dưới da không phản ánh được những thay đổi nhanh và ngắn hạn về dự trữ chất béo12.

Đánh giá tình trạng dự trữ chất béo của cơ thể bằng phép đo độ dày nếp gấp da

Phép đo độ dày nếp gấp da là phương pháp đơn giản và đã được sử dụng trong thời gian dài. Đây một chỉ số đáng tin cậy trong việc đánh giá tổng lượng chất béo trong cơ thể ở những người có tình trạng dinh dưỡng ổn định vì hơn một nửa lượng chất béo trong cơ thể được tìm thấy ở lớp dưới da. Tuy nhiên, phép đo độ dày nếp gấp của da chỉ tại một vị trí có tính dự báo tương đối kém chính xác về tổng lượng chất béo và tỷ lệ thay đổi trong tổng lượng chất béo của cơ thể bởi vì mỗi vị trí nếp gấp da phản ứng theo một cách khác nhau, liên quan đến sự thay đổi trong tổng lượng chất béo toàn cơ thể. Để khắc phục nhược điểm trên, phương pháp đo độ dày nếp gấp da sẽ tiến hành tại bốn vị trí (cơ tam đầu, cơ nhị đầu, dưới xương vai, mào chậu) mà thông qua đó xác định số lượng độ dày mô chất béo dưới da ở các chi và thân mình13. Phương pháp này có thể được xem là phép đo bán định lượng xác định số lượng hoặc tỷ lệ thay đổi trong tổng lượng chất béo cơ thể. Từ tổng số đo độ dày nếp gấp da tại bốn vị trí cơ tam đầu, nhị đầu, dưới xương vai và mào chậu chúng ta có thể tính tổng khối chất béo của cơ thể dựa theo công thức của Durnin và Wormersley như sau14:

Khối chất béo (kg)= trọng lượng cơ thể (kg) x [(4.95/D) – 4.5]

Trong đó D là tỷ trọng cơ thể được xác định từ số đo tổng độ dày nếp gấp da tại bốn vị trí: cơ tam đầu, nhị đầu, dưới xương vai, mào chậu. Chúng ta phải sử dụng công thức tương ứng với độ tuổi và giới tính để ước tính tỷ trọng cơ thể (D, g/mL). Đây là phương pháp không xâm lấn, không tốn nhiều thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên, phương pháp này khó khăn trong việc tạo ra một nếp gấp da và chất béo dưới da một cách thích hợp đặc biệt là ở những người quá béo, quá gầy hoặc bị phù tại khu vực đo. Ngoài ra để tạo ra nếp gấp da phải gây ra lực đè nén nên việc thực hiện phép đo nhiều lần cùng với những bất cẩn khi kẹp thước đo calipers có thể gây đau đớn, những vết thâm tím và tổn thương da cho bệnh nhân. Và nhược điểm quan trọng nhất việc thiếu nguồn dữ liệu chuẩn dùng để so sánh và đánh giá kết quả15.

Phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng thông qua chỉ số albumin và pre-albumin huyết thanh

Albumin huyết thanh: Một phần ba albumin trong cơ thể được duy trì trong nội mạch và hai phần ba là trong thành phần ngoại mạch. Lượng albumin huyết thanh đại diện cho cả chức năng tổng hợp albumin của gan và sự dị hóa hay mất albumin. Tuy nhiên, albumin huyết thanh không phải là một thông số tốt để phản ánh tình trạng dinh dưỡng vì nó là chỉ số ít nhạy cảm hơn so với việc khám lâm sàng và hỏi bệnh sử16. Thời gian bán hủy của albumin từ 18 – 20 ngày, vì vậy các ảnh hưởng của chuyển hóa lên nồng độ albumin cần thời gian lâu hơn. Nồng độ albumin trong huyết thanh sẽ phản ánh tốc độ tổng hợp, thoái hóa và thể tích phân bố. Quá trình tổng hợp albumin chịu tác động điều hòa của một loạt yếu tố, như tình trạng dinh dưỡng, áp lực keo huyết thanh, các cytokin và hormon17,18. Albumin được chỉ định xét nghiệm để: (1) Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân; (2) Thăm dò và đánh giá các tình trạng bệnh lý mạn tính; (3) Thăm dò và đánh giá bệnh lý gan. Albumin máu là một chỉ số rẻ tiền, dễ thực hiện nhưng không phải là chỉ số đặc hiệu đánh giá tình trạng dinh dưỡng, albumin huyết thanh có thể giảm trong các bệnh lý: gan cấp và mạn, bỏng, chấn thương, chảy máu, mất protein qua đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, tăng thể tích tuần hoàn, trong quá trình viêm,… Bình thường albumin huyết thanh của người lớn từ 35 - 48 g/l. Lượng albumin <35 g/l được coi là SDD19, trong đó: (1) Suy dinh dưỡng nhẹ: 28 - <35 g/l; (2) Suy dinh dưỡng vừa: 21 – 27 g/dl; (3) Suy dinh dưỡng nặng: <21 g/dl. Với ưu điểm dễ thực hiện, có giá trị và ít tốn kém nên albumin huyết thanh được sử dụng rộng rãi trong đánh giá tình trạng dinh dưỡng một cách định kỳ trong bệnh viện và trong điều trị dài hạn. Sự suy giảm mức độ albumin huyết thanh cho thấy có sự liên quan đến tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhập viện. Vì lý do này mà mức độ albumin huyết thanh thường được sử dụng như là chỉ số tiên lượng. Tuy nhiên, Albumin có nhược điểm là thời gian bán hủy khá dài, khoảng 20 ngày. Mức độ thấp của albumin phản ánh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng đã tồn tại từ lâu, ít nhất là vài tuần hoặc là vài tháng. Ngoài ra ở những bệnh nhân đang được điều trị hỗ trợ về dinh dưỡng, sự cải thiện giá trị albumin huyết thanh cùng với trạng thái dinh dưỡng hồi phục chỉ có thể quan sát được sau 2 tuần. Tóm lại, albumin huyết thanh được xem là chất chỉ thị muộn cho tình trạng suy dinh dưỡng và không được khuyến cáo sử dụng để theo dõi kết quả của những can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng.

Pre-albumin huyết thanh: Pre-albumin huyết thanh là một protein giàu tryptophan, được sản xuất bởi gan. Pre-albumin có thời gian bán hủy trong máu 2 ngày, nhanh hơn nhiều so với albumin (20 ngày) và chiếm một lượng nhỏ trong huyết thanh, vì vậy nó là một dấu ấn được sử dụng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở người bệnh nhạy hơn so với albumin20. Nồng độ pre-albumin huyết thanh là chỉ số tốt phản ánh hiện trạng của dinh dưỡng. Nếu nồng độ pre-albumin thấp, protein và các chất dinh dưỡng khác trong máu cũng có thể là thấp. Tuy nhiên, pre-albumin cũng nhạy cảm với tình trạng viêm và tăng cao khi người bệnh dùng liệu pháp Corticoid và người bệnh suy thận. Bình thường, nồng độ pre-albumin ở người khỏe mạnh từ 15- 35 mg/dL. Các mức độ pre-albumin huyết thanh phản ánh nguy cơ suy dinh dưỡng có thể được đánh giá như sau: (1) 11-15 mg/dL: nguy cơ suy dinh dưỡng tăng (increased risk of malnutrition); (2) 5-10,9 mg/dL: nguy cơ suy dinh dưỡng cao (high risk); (3) < 5 mg/dL: suy dinh dưỡng nặng, tiên lượng kém (poor prognosis). Khi chỉ định pre-albumin để theo dõi hiệu quả điều trị suy dinh dưỡng, các dấu hiệu cho thấy việc cung cấp dinh dưỡng là phù hợp khi: mức độ pre-albumin tăng 2 mg/dL/ngày và mức độ pre-albumin trở về bình thường trong 8 ngày. Cần phải điều trị dinh dưỡng tăng cường nếu mức độ pre-albumin tăng không quá 4 mg/dL trong 8 ngày [41]. Mặc dù pre-albumin được tổng hợp chủ yếu ở gan nhưng việc tổng hợp này vẫn được duy trì cho đến giai đoạn muộn của bệnh lý về gan. Vì vậy, giá trị pre-albumin ít bị ảnh hưởng bởi các chứng bệnh về gan hơn là albumin21. Đồng thời tình trạng hydrat hóa cũng không ảnh hưởng lên mức độ prealbumin22. Tương tự như albumin huyết thanh, mức độ pre-albumin huyết thanh còn có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm hoặc là phản ứng cấp tính trong trường hợp chấn thương, và nồng độ pre-albumin huyết thanh thấp có thể là do kết quả của tình trạng suy dinh dưỡng hoặc tình trạng viêm hoặc là sự phối hợp của cả hai tình trạng trên (trong trường hợp này giá trị pre-albumin huyết thanh sụt giảm nhanh và mạnh). Nếu sau đó mức độ pre-albumin huyết thanh tăng lên thì có khả năng là ít nhất 65% nhu cầu đã được đáp ứng. Ngoài ra, cần quan tâm đến các nhân tố ảnh hưởng lên pre-albumin huyết thanh trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng23: Những nhân tố làm tăng mức độ pre-albumin huyết thanh như nghiện rượu, bệnh Hodgkin, cường tuyến thượng thận, corticosteroid liều cao, non-steroid liều 24 cao, androgen... Những nhân tố làm giảm mức độ pre-albumin huyết thanh như Sự thiếu hụt kẽm, một vài loại thuốc (amiodarone, oestrogens và các loại thuốc ngừa thai đường uống), các chứng bệnh nặng mãn tính (ung thư, bệnh cường giáp, bệnh gan nặng, viêm, nhiễm trùng nghiêm trọng, những rối loạn hệ tiêu hóa)...Tuy nhiên, chỉ cần các nhân tố ảnh hưởng lên mức độ pre-albumin huyết thanh được xem xét cẩn thận thì định lượng prealbumin huyết thanh luôn được khuyến cáo sử dụng trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng vì pre-albumin huyết thanh nhạy hơn albumin huyết thanh và cung cấp những thông tin về tình hình dinh dưỡng hiện tại.

Hemoglobin: Hemoglobin là một loại protein do globin tổng hợp có chứa sắt tạo thành. Hemoglobin tồn tại trong hồng cầu, vận chuyển oxy đến các tổ chức và cơ quan, và đào thải cacbondioxit được sản sinh qua trao đổi chất ra ngoài cơ thể theo đường hô hấp. Khi thiếu máu, số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin cũng giảm. Nếu trong chế độ dinh dưỡng thiếu nguyên tố sắt hoặc việc hấp thu sắt kém thì sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, lúc này nồng độ hemoglobin giảm đi. Vì thế, có thể thông qua xét nghiệm nồng độ hemoglobin để đánh giá người bệnh có bị thiếu máu hay không. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đánh giá là thiếu máu khi hemoglobin dưới 130g/L ở nam trưởng thành, dưới 120g/L ở nữ trưởng thành24.

Kết luận

Xuất phát từ điều trị bệnh, việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh là bước đệm quan trọng và thiết yếu để lựa chọn phác đồ điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân, từ đó làm tăng hiệu quả trong điều trị bệnh. Để có được những thông tin chính xác về tình trạng dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng đã thiết lập ra nhiều phương pháp đánh giá dinh dưỡng người bệnh qua đo lường các chỉ số trên cơ thể người bệnh, tuy nhiên mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng của nó. Bên cạnh việc xem xét tính chất của từng phương pháp, các bác sỹ/điều dưỡng cũng cần kết hợp xem xét bệnh tình, điều kiền kinh tế của người bệnh để đưa ra một phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng tối ưu nhất, dẫn đến kết quả gần như chính xác nhất, từ đó thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp và tăng tính hiệu quả điều trị bệnh cho người bệnh.