Đổi mới phương pháp, tác phong công tác trong quân đội

Ngày đăng: 18/12/2018

QK2 – Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ và khoa học. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hằng năm Bác thực hiện hơn 60 lượt xuống kiểm tra cơ sở, thăm các địa phương, công trường, hợp tác xã, nhà máy xí nghiệp, đơn vị bộ đội. Mỗi ngày, dù bận trăm công nghìn việc, dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn dành thời gian đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi đến, những ý kiến cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết. Người còn trực tiếp viết thư động viên, tặng Huy hiệu chúc mừng những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Theo quan điểm của Bác, muốn tổ chức thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết thì gắn liền với triển khai phải tổ chức kiểm tra, giám sát, “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng, kịp thời. Người cho rằng, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu khen thưởng các tập thể trong Phong trào Thi đua Quyết thắng Cục Chính trị, giai đoạn 2013 – 2018.

Học tập và làm theo Bác, những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì cấp ủy, chỉ huy ở nhiều cơ quan, đơn vị trong Quân khu đã đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó có phương pháp, tác phong sâu sát cơ sở để triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn kịp thời những sai sót, đảm bảo cho các hoạt động đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Ví dụ, để công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT đạt hiệu quả, Cục Chính trị đã triển khai thực hiện “một tập trung, hai đột phá”, “Hướng về cơ sở”; “Hướng dẫn sâu, kiểm tra sát”; “Nói ngắn, viết gọn, tham mưu trúng, đúng, hiệu quả”…. góp phần cho hoạt động CTĐ, CTCT của Quân khu luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp thường xuyên đề cao trách nhiệm trong công tác, có phương pháp tổ chức thực hiện, kiểm tra hợp lý, gương mẫu chấp hành nguyên tắc, chế độ công tác; chủ động bám nắm cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Một số cấp ủy chỉ huy, cơ quan thường xuyên tổ chức kiểm tra đơn vị “đáy” và đã phát hiện, chấn chỉnh những “lỗ hổng”, sai sót, trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, phương pháp tác phong công tác của nhiều cán bộ các cấp chưa thực sự sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Năng lực hoạt động thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số chỉ huy, chính ủy, chính trị viên quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết chưa sâu, chưa kỹ; chấp hành quy chế không nghiêm, triển khai nhiệm vụ chưa coi trọng kiểm tra, giám sát. Công tác dự báo, nắm tình hình địa bàn, tình hình cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, nhất là nhiệm vụ duy trì, quản lý chấp hành pháp luật, kỷ luật. Một vài đơn vị, nhất là cơ quan quân sự địa phương chưa thể hiện hết vai trò, năng lực làm tham mưu cho địa phương, triển khai thực hiện thiếu sự vận dụng sáng tạo, phù hợp; vì thế, chất lượng, hiệu quả công tác còn nhiều sai sót, kết quả có mặt chưa cao, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị.

Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất là vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa phát huy triệt để; năng lực, phẩm chất một số cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn hạn chế; nghiên cứu văn bản, hướng dẫn của các cấp không đầy đủ, dẫn đến chỉ đạo, triển khai không sâu và còn có biểu hiện “khoán trắng” cho cấp dưới; ít đi kiểm tra “đáy”.

Đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên bám nắm đơn vị, quan tâm, động viên bộ đội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 yêu cầu: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy gắn với phát huy trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, sâu sát cơ sở, phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng, khắc phục tình trạng quan liêu, trì trệ, nói không đi đôi với làm”. Để khắc phục những hạn chế khuyết điểm nêu trên, rèn luyện phương pháp tác phong công tác sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể, khoa học, đội ngũ cán bộ các cấp cần thực hiện một số nội dung biện pháp sau:

Thứ nhất: Cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp cần nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, nội dung phương pháp tác phong công tác sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; đây là biểu hiện của tác phong công tác khoa học, sát thực tế. Cụ thể, tỉ mỉ là phải đến tận nơi, đến địa bàn để “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nói”, hiểu thấu những khó khăn, tổng hợp kinh nghiệm từ thực tiễn, chỉ ra biện pháp hay giúp đơn vị. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là yêu cầu cần thiết để từng cá nhân, trên cương vị chức trách xác định những biện pháp cụ thể trong xây dựng, học tập, rèn luyện tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, khoa học.

Thứ hai: Tích cực đổi mới phương pháp nắm tình hình, kiểm tra đơn vị. Sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ không có nghĩa là lúc nào, khi nào cũng phải có mặt ở cơ sở, luôn luôn phải chạy xuống đơn vị cơ sở mà mỗi lần, mỗi đợt đi kiểm tra, bám nắm cơ sở phải có mục đích rõ ràng, chuẩn bị chu đáo; xuống cơ sở phải nắm đúng tình hình, hiểu được khó khăn vướng mắc, nguyện vọng của quần chúng, phát hiện những vấn đề chưa đúng, chưa trúng để giúp đỡ, chỉ đạo, hướng dẫn, thậm chí phải “cầm tay chỉ việc” nếu thấy cần thiết.

Để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn phiền hà cho đơn vị, cán bộ chủ trì từng cấp, từng cơ quan đơn vị đổi mới cách kiểm tra, “khâu đầu mối” các ngành chức năng để kiểm tra nắm tình hình, lựa chọn nội dung, biện pháp, đơn vị cụ thể để kiểm tra đánh giá chính xác, thực chất; rèn luyện phương pháp tác phong xem xét, điều tra, thu thập tình hình, lắng nghe ý kiến đề nghị của cơ sở, phát hiện những vấn đề phát sinh, tránh chỉ nghe báo cáo mà chưa đi sâu vào thực tế. Thời gian kiểm tra có thể không dài nhưng cần kết luận sát, cụ thể, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện.

Thứ ba: Phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của cấp dưới, của cơ quan, ngành chức năng trong rèn luyện tác phong sâu sát, tỉ mỉ. Nhiệm vụ của mỗi cơ quan, ngành chức năng đặt ra yêu cầu đòi hỏi riêng về phương pháp, cách thức thực hiện, nhất là những ngành đòi hỏi chuyên môn sâu. Cán bộ chuyên môn tốt thì giỏi, sâu sát, tỉ mỉ ở ngành mình, biết việc ngành khác, hay nói cách khác là phải giỏi một việc nhưng phải biết nhiều việc. Vì vậy cấp ủy, chỉ huy, người chủ trì cần phải biết phát huy trách nhiệm quản lý chuyên môn cũng như vai trò tham mưu của ngành chức năng để qua đó nắm chất lượng ngành chuyên môn để vừa có tính bao quát, vừa cụ thể, thực chất.

Thứ tư: Cấp ủy, cán bộ chủ trì phải là những tấm gương về phương pháp, tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; biết yêu thương đồng chí, đồng đội, biết vì cái chung. Sâu sát, cụ thể trong nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên, triển khai có trọng điểm, chọn lọc, kiểm tra chất lượng triển khai thực hiện của cấp dưới. Khi kiểm tra nắm tình hình, bằng phương pháp thuyết phục, động viên, giúp đỡ cấp dưới tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời vướng mắc nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc giữ vững chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt để quần chúng, cấp dưới tin cậy; không đẩy khó khăn, đùn trách nhiệm cho dưới; không tự nhận thuận lợi, khen thưởng về mình theo kiểu “nhận công – đổ lỗi”, bởi mỗi cán bộ là tấm gương soi, là mệnh lệnh không lời thuyết phục cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo.

Thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản trên chính là đã rèn luyện một trong những yêu cầu về phương pháp, tác phong công tác khoa học và thuyết phục, góp phần quan trọng trong hoàn thiện phẩm chất, năng lực công tác của người cán bộ gần gũi, bám sát cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị 53 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu về nâng cao trách nhiệm cán bộ chủ trì các cấp; đúng với tinh thần Quy định số 08-QÐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

            Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN
Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu

 

Quán triệt nghiêm túc, triển khai phù hợp

Thực hiện Văn bản hướng dẫn số 256/CT-TH của TCCT, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã và đang triển khai kịp thời, nghiêm túc. Theo đó, cấp ủy, người chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu kỹ nội dung của đề án; chú trọng lựa chọn những nội dung trong đề án có liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá vào những khâu yếu, việc khó, những bất cập, vướng mắc về quy chế, quy định của đơn vị, tác phong công tác trong ứng xử giải quyết công việc của cán bộ, công chức, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Tìm hiểu thực tế tại đơn vị và trao đổi với Thượng tá Trần Đại Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 [Quân khu 2], chúng tôi được biết: Nhận được hướng dẫn của trên, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, học tập để nắm chắc nội dung đề án, vận dụng linh hoạt vào tình hình đơn vị; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, lễ tiết tác phong quân nhân, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương về chuẩn mực VHCV, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Điều lệnh Quản lý bộ đội.

Cán bộ cơ quan quân sự huyện Lập Thạch [Vĩnh Phúc] thực hiện chi trả chế độ cho người có công trên địa bàn. Ảnh:HỒNG SÁNG.

Để Đề án VHCV sớm đi vào cuộc sống, nhiều cơ quan, đơn vị lựa chọn nội dung phù hợp bổ sung vào kế hoạch của các cấp ủy đảng và cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị… góp phần để VHCV dần trở thành thói quen, nếp nghĩ hằng ngày của bộ đội. Đó cũng là cụ thể hóa về thái độ, trách nhiệm của mỗi quân nhân trong xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, rèn luyện lễ tiết tác phong quân nhân, thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân; là sự ứng xử có văn hóa với đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới...

Văn hóa công vụ - nét đẹp quân nhân

Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng [BĐBP] đặc biệt chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính [CCTTHC], nâng cao đạo đức công vụ tại khu vực biên giới, cửa khẩu cảng, nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông xuất nhập cảnh [XNC], xuất nhập khẩu. TheoĐại tá Lê Văn Phúc, Cục trưởng Cục Cửa khẩu, BĐBP: Từ tháng 7-2018, BĐBP đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, cảng biển theo cơ chế một cửa quốc gia tại toàn bộ 36 cửa khẩu cảng trên toàn quốc; rút ngắn nhiều thời gian làm thủ tục cho hành khách. Việc CCTTHC trong lĩnh vực quản lý biên giới góp phần công khai, minh bạch, đơn giản hóa và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, giảm các loại giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục biên phòng, tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, loại bỏ những tiêu cực, phiền hà của cán bộ làm công tác XNC. Khách du lịch qua các cửa khẩu được giải quyết các thủ tục XNC nhanh chóng, thuận lợi, góp phần để hình ảnh đất nước Việt Nam và BĐBP Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Các bệnh viện, cơ sở quân y thường xuyên tiếp xúc, phục vụ bộ đội, nhân dân, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, VHCV. Theo Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Thời gian qua, bệnh viện tăng cường tổ chức các lớp học kỹ năng mềm, nhằm thực hiện tốt hơn việc phục vụ, giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân theo phương châm:“Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, góp phầnnâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, thầy thuốc, nhân viên.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận [TCCT] cho rằng: Để thực hiện hiệu quả đề án,mỗi cán bộ, chiến sĩ cần có động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, lối sống trong sạch, lành mạnh; thường xuyên trau rèn phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung Đề án VHCV trong quân đội. Các tổ chức quần chúng đẩy mạnh hoạt động xung kích, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, hội viên, đoàn viên. Chú trọng đột phá vào khâu yếu, việc khó, nhất là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc, tham gia giải quyết các công việc liên quan đến bộ đội và nhân dân, như: Cán bộ dân vận, chính sách; cán bộ phụ trách các tổ chức quần chúng ở cơ quan quân sự các địa phương. Cán bộ, chiến sĩ tham gia làm công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… càng phải đề cao ý thức trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ”, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước, kỷ luật dân vận, giữ đúng lễ tiết, tác phong quân nhân, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thêm đẹp trong lòng nhân dân.

Có thể khẳng định việc xây dựng phương pháp, tác phong công tác chính quy, khoa học, văn minh lịch sự… của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội theo Đề án VHCV là rất cần thiết, góp phần nhân lên nét đẹp quân nhân, đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà trong tiếp xúc, giải quyết công việc đối với bộ đội và nhân dân, đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước một cách tự giác, nghiêm minh của quân nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...

Bài và ảnh:NGUYỄN HỒNG SÁNG

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề