Hyperparathyroidism là gì

PTH là hormon của tuyến cận giáp có vai trò trong chuyển hóa canxi (tăng canxi máu). Xét nghiệm PTH thường được chỉ định trong một số bệnh như: Cường cận giáp, Loạn dưỡng xương, Suy cận giáp…

PTH được định lượng bằng phương pháp miễn dịch sandwich sử dụng công nghệ hóa phát quang hay điện hóa phát quang. PTH có trong mẫu thử đóng vai trò kháng nguyên được kẹp giữa hai kháng thể, kháng thể thứ nhất là kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng PTH đánh dấu biotin, kháng thể thứ hai là kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng PTH đánh dấu ruthenium (chất có khả năng phát quang) tạo thành phức hợp miễn dịch kiểu sandwich. Cường độ phát quang tỷ lệ thuận với nồng độ PTH có trong mẫu thử.

II. CHUẨN BỊ 

1. Người thực hiện

01 cán bộ đại học, 01 kỹ thuật viên chuyên ngành hóa sinh.

2. Phương tiện, hóa chất

- Phương tiện: Máy xét nghiệm Unicel DxI 600.

- Hóa chất: Hóa chất xét nghiệm PTH, chất chuẩn PTH, chất kiểm tra chất lượng PTH.

3. Người bệnh 

Người bệnh cần được giải thích về mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm. 

4. Phiếu xét nghiệm 

Phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin về tên, tuổi, giới tính, khoa phòng, chẩn đoán của người bệnh và ghi rõ chỉ định xét nghiệm 

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

1. Lấy bệnh phẩm 

- Lấy 2 ml máu tĩnh mạch vào ống không có chất chống đông hay ống có chất chống đông là K3-EDTA. Máu không vỡ hồng cầu.

- Sau khi lấy máu, đem ly tâm tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương.

- Bệnh phẩm ổn định 8h ở 15-25°C, 3 ngày ở 2-8°C, 6 tháng ở -20°C.

- Bệnh phẩm chỉ rã đông 1 lần và phải để bệnh phẩm đạt nhiệt độ phòng trước khi phân tích. Để tránh hiện tượng bay hơi, bệnh phẩm, chất chuẩn, chất kiểm tra chất lượng nên phân tích trong vòng 2 giờ. 

2. Tiến hành kỹ thuật 

- Máy phân tích cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chương trình xét nghiệm PTH. Máy đã được chuẩn với xét nghiệm PTH. Kết quả kiểm tra chất lượng với xét nghiệm PTH đạt yêu cầu không nằm ngoài dải cho phép và không vi phạm luật kiểm tra chất lượng.

- Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có) 

- Nạp mẫu bệnh phẩm vào máy phân tích

- Ra lệnh cho máy thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm.

- Đợi máy phân tích mẫu theo protocol của máy. 

- Khi có kết quả cần xem xét đánh giá kết quả sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.

IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

- Trị số bình thường: 1.6 - 6.9 pmol/l

- PTH máu tăng trong: Cường cận giáp, Loạn dưỡng xương, Có thai, loạn sản sinh dục nữ.

- PTH máu giảm trong: Suy cận giáp, Tăng Ca máu không do tuyến cận giáp.

V. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ

- Sử dụng  nhầm chất chống đông (Xét nghiệm yêu cầu sử dụng chất chống đông EDTA). Khắc phục: Người lấy mẫu máu cần nắm rõ yêu cầu về bệnh phẩm trước khi lấy máu và lưu ý dùng đúng ống đựng mẫu. Khi nhận mẫu máu, người nhận cũng cần kiểm tra xem ống máu có đúng yêu cầu không.

- Những yếu tố gây nhiễu cho kết quả xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi:

+ Huyết thanh vàng: Bilirubin < 65 mg/dL hay 1112 µmol/L 

+ Tán huyết: Hemoglobin <1.1 g/dl.

+ Huyết thanh đục: Triglyceride < 1500 mg/dl. 

+ Biotin  <50  ng/ml.  trường  hợp  người bệnh  sử dụng  Biotin  với  liều  > 5 mg/ngày cần lấy máu xét nghiệm ít nhất 8h sau khi sử dụng Biotin lần cuối.

+ Không có hiệu ứng “high-dose hook” (Hiệu ứng mẫu bệnh phẩm có nồng độ cao) khi nồng độ PTH tới 17000 pg/mL hay 1802 pmol/L

+ RF <1500 IU/mL 

- Khắc phục: Có thể hòa loãng bệnh phẩm và thực hiện lại xét nghiệm sau đó nhân kết quả với độ hòa loãng (Trường hợp có hòa loãng tự động trên máy thì kết quả không cần nhân với độ hòa loãng do máy đã tự tính toán)                            

27-11-2010

A- ĐỊNH NGHĨA:

Cường tuyến cận giáp (CTCG)  là tình trạng cơ thể sản xuất ra quá nhiều hocmon tuyến cận giáp. Hocmon này giúp điều hoà lượng calcium và phosphor trong cơ thể.

Ở bệnh nhân CTCG, lượng hocmon dư thừa làm mất cân bằng calcium, phosphor và gây ra một loạt vấn đề về sức khoẻ. CTCG ảnh hưởng đến răng, xương, hệ thần kinh, thận và các cơ. Điều trị CTCG dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm thể CTCG của bệnh nhân.

B- TRIỆU CHỨNG

Đa số bệnh nhân CTCG không có triệu chứng và dấu hiệu nào cả. Triệu chứng thường xuất hiện chậm và rất kín đáo: cảm giác yếu mệt hoặc đau nhức mơ hồ. Khi bệnh tiến triển xa, triệu chứng sẽ nặng hơn:

+  Khát nước và tiểu nhiều do tăng bài tiết calcium qua nước tiểu (hypercalciuria)

+  Sỏi thận

+  Đau bụng

+  Buồn nôn, nôn hoặc chán ăn

+  Loãng xương (osteoporosis), dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương.

+  Lú lẫn hoặc giảm trí nhớ

+  Yếu cơ, mệt mỏi

C- NGUYÊN NHÂN

Nội tiết tố tuyến cận giáp (parathyroid hormone=PTH) được sản xuất bởi các tuyến cận giáp nhỏ  hình oval nằm kề cận với tuyến giáp ở cổ. Mỗi tuyến cận giáp chỉ bằng kích thước một hạt đậu. Các tuyến cận giáp duy trì nồng độ calcium và phosphor trong cơ thể bằng cách điều chỉnh việc tiết hocmon tuyến cận giáp (parathyroid hormone= PTH). Bình thường có sự cân đối tốt. Khi calcium trong máu xuống thấp, các tuyến cận giáp bài tiết ra đủ lượng PTH để tái lập lại sự quân bình. PTH tăng nồng độ calcium bằng cách huy động calcium từ xương và tăng cường hấp thu calcium ở ruột non. Khi lượng calcium trong máu lên quá cao, các tuyến cận giáp giảm sản xuất PTH. Nhưng đôi khi, một hoặc nhiều tuyến cận giáp sản xuất ra quá nhiều hocmon, dẫn đến lượng calcium máu tăng bất thường (hypercalcemia), đồng thời với giảm phosphor máu. Calcium giữ cho xương và răng chắc khoẻ. Nhưng calcium còn có nhiều vai trò khác. Nó giúp dẫn truyền tín hiệu trong các dây thần kinh, góp phần trong sự co cơ. Phosphor, một chất khoáng khác, phối hợp với calcium trong các hoạt động này.

D. Các týp Cường Tuyến Cận Giáp: CTCG có 2 týp — CTCG nguyên phát và CTCG thứ phát.

1. Cường Tuyến Cận Giáp nguyên phát. Đa phần týp này gây ra bởi một u lành tuyến (adenoma) xuất hiện ở một trong các tuyến cận giáp, mặc dầu tình trạng này cũng có thể xảy ra khi 2 hoặc nhiều tuyến phì đại (hyperplasia) và sản xuất ra quá nhiều hocmon. Ở một số trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân của CTCG có thể là ung thư ở một trong các tuyến cận giáp.

Nguyên nhân Cường tuyến cận giáp nguyên phát: adenom tuyến cận giáp, phì đại tuyến cận giáp nguyên phát--Cận lâm sàng: Tăng Calcium máu-- Biến chứng: Tăng HA, mất xương, viêm tuỵ, loét dạ dày, sỏi thận

2. Cường Tuyến Cận Giáp thứ phát. Týp này hiếm gặp hơn và xảy ra khi những bệnh lý khác thúc đẩy các tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều PTH để đáp ứng với tình trạng calcium máu thấp mãn tính. Suy thận, các vấn đề về kém hấp thu và còi xương, do thiếu vitamin D trầm trọng, là những nguyên nhân chính của typ CTCG thứ phát này.

Sinh lý bệnh học cường tuyến cận giáp thứ phát: Suy thậnà Giảm Ca, tăng P, giảm vitamin D3 -> Tuyến cận giáp tăng tiết PTHà ảnh hưởng ngược trở lại trên thận và các xương

E- CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Tỉ lệ cường cận giáp ở nữ cao gấp đôi nam, và nguy cơ mắc bệnh cũng tăng theo tuổi tác. 2 trên 1000 phụ nữ tuổi từ 65 trở lên sẽ bị bệnh này. Trẻ em và người lớn thiếu vitamin D có nguy cơ cường cận giáp thứ phát cao. Các bệnh nhân đa u nội tiết týp I (multiple endocrine neoplasia type I= MEN I) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao, đây là một hội chứng di truyền ảnh hưởng đến các tuyến giáp, tuyến tuỵ và tuyến yên (pituitary gland). Bị CTCG gia đình  cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

E- XÉT NGHIỆM VÀ CHẨN ĐOÁN

Do bệnh CTCG thường ít có triệu chứng, đa số bệnh nhân không biết mình có bệnh cho đến khi phát hiện lượng calcium trong máu cao khi đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ hoặc đến khám vì một lý do khác. Một số bệnh lý và thuốc men khác có thể làm tăng lượng calcium máu, do đó chỉ được phép chẩn đoán CTCG khi có đồng thời lượng calcium và hocmon PTH trong máu tăng cao.

- Một khi đã thiết lập chẩn đoán CTCG, cần phải kiểm tra thêm các biến chứng của bệnh. Các xét nghiệm này có thể bao gồm: Xét nghiệm đo mật độ chất khoáng trong xương (Bone mineral density test= bone densitometry); Xét Nghiệm Nước Tiểu; Hình ảnh học…

- Đôi khi chưa cần thiết điều trị ngay CTCG, nhất là khi lượng calcium trong máu chỉ tăng nhẹ. Những trường hợp đó chỉ cần kiểm tra lượng calcium và chức năng thận mỗi 6 tháng, chụp Xquang bụng mỗi năm một lần và đo mật độ xương mỗi 1 hoặc 2 năm. Nếu diễn biến bệnh không tiến triển xấu đi, bệnh nhân không cần thiết phải làm các xét nghiệm quá thường xuyên.

F- BIẾN CHỨNG

Tăng hocmon tuyến cận giáp quá nhiều có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:

+  Loãng xương. CTCG đem đến nguy cơ lâu dài cho xương — tuyến cận giáp càng sản xuất và phóng thích nhiều PTH thì tình trạng loãng xương càng tăng. Xương sẽ mỏng manh, yếu và dễ gãy (xương thuỷ tinh)

 Gẫy xương bệnh lý do loãng xương ở bệnh nhân cường tuyến cận giáp 

+  Sỏi thận. Do cơ thể cố gắng bù trừ lượng calcium dư thừa bằng cách bài tiết khoáng chất ra nước tiểu nhiều hơn, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị sỏi thận, dẫn đến tổn thương thận.

+  Loét tiêu hoá. Lượng calcium trong máu cao kích thích dạ dày tiết nhiều acid, khiến bệnh nhân dễ bị loét tiêu hoá.

+  Tăng huyết áp. Tăng lượng calcium trong máu sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và suy tim ứ huyết.

+  CTCG sơ sinh. CTCG nặng và không được điều trị ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến lượng calcium thấp nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

 Các biến chứng của CTCG: Teo cơ, rối loạn cảm xúc, tăng calcium máu, viêm xơ nang xương (osteitis fibrosa cystica), loét dạ dày, viêm tuỵ, sỏi thận, vôi hoá thận.

G- THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

Việc điều trị CTCG được tiến hành theo các mức độ từ theo dõi quan sát đến tiến hành phẫu thuật sẽ tuỳ thuộc nhiều yếu tố: týp CTCG cùng sự hiện diện của các triệu chứng và dấu hiệu.

1. Cường tuyến cận giáp nguyên phát

Nếu không có triệu chứng đồng thời cũng không kèm theo tổn thương ở xương và thận, có thể chỉ nên theo dõi quan sát. Xét nghiệm chức năng thận, tình trạng của xương và mức độ calcium đều đặn 2 lần mỗi năm. Nếu có biến chứng, hoặc khi các triệu chứng hiện diện từ vừa đến nặng; hoặc mức độ calcium cao dù chưa có triệu chứng, có thể thực hiện các bước điều trị sau đây:

- Phẫu Thuật. Từ trước đến nay, phẫu thuật cắt bỏ 1 hay nhiều tuyến cận giáp (parathyroidectomy) là chọn lựa duy nhất cho các bệnh nhân CTCG có triệu chứng, và vẫn là tiêu chuẩn vàng trong điều trị. Toàn bộ phẫu thuật được thực hiện xuyên qua một đường rạch nhỏ ở cổ. Phương pháp vô cảm thường là gây tê tại chỗ hơn là gây mê toàn thân. Nếu áp dụng gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể về nhà vài giờ sau phẫu thuật.

- Liệu pháp hocmon thay thế. Ở phụ nữ mãn kinh có các dấu hiệu loãng xương nhưng không có triệu chứng nào khác, có thể thay thế phẫu thuật bằng liệu pháp estrogen thay thế. Tuy nhiên, dùng estrogen uống có thể dẫn đến nguy cơ bị một số loại ung thư. Cần cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích để quyết định xem dùng biện pháp nào là phù hợp nhất.

- Thuốc. Thuốc cinacalcet (Sensipar) đã được chấp thuận để điều trị CTCG thứ phát ở bệnh nhân bệnh thận và ung thư tuyến cận giáp. Trong các thử nghiệm lâm sàng, nó cũng cho thấy khả năng điều trị hiệu quả CTCG nguyên phát.

2. Cường cận giáp thứ phát

Trong những trường hợp cường cận giáp thứ phát, mục tiêu đầu tiên là điều trị bệnh gốc. Suy thận mãn là nguyên nhân thường gặp nhất gây cường cận giáp thứ phát. Thận bị tổn thương không thể chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động được, do đó bệnh nhân phải dùng một dạng vitamin D hoạt động để giảm bớt lượng PTH. Sau nhiều năm điều trị, vitamin D có thể mất hiệu quả ở một số bệnh nhân, và do đó, lượng calcium và phosphor sẽ tích luỹ rất cao. Thuốc cinacalcet (Sensipar) có thể làm giảm lượng PTH, và giảm khả năng xảy ra hiện tượng kể trên.

H- LỐI SỐNG VÀ TỰ CHĂM SÓC

Các phương thức sau đây có thể giúp đề phòng biến chứng của CTCG:

- Uống nhiều nước. Sẽ giúp phòng chống sỏi thận.

- Vận động. Đây là cách tốt nhất để giúp xương chắc khoẻ và phòng chống loãng xương. Cố gắng phối hợp tập sức lực với tập chịu đựng trọng lượng. Tập sức lực sẽ giúp cơ xương ở 2 tay và phần cột sống trên khoẻ mạnh. Tập chịu đựng trọng lượng— như đi bộ, đi rảo bước (jogging), chạy, leo cầu thang, nhảy dây, trượt tuyết — chủ yếu tác động vào các xương ở chân, hông và phần cột sống thấp. Nên chú ý tập với cường độ tăng dần. Khi đã thích nghi, nên cố gắng duy trì tập luyện đủ 30 phút mỗi ngày.

- Dùng đầy đủ lượng vitamin D cần thiết. Trước 50 tuổi, dùng ít nhất 200 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Sau 50 tuổi, lượng vitamin D sử dụng cần tăng lên từ 400 đến 800 IU mỗi ngày.

- Không hút thuốc. Hút thuốc làm gia tăng loãng xương và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.

- Cảnh giác với những tình huống có thể làm tăng calcium máu. Rối loạn tiêu hoá kèm ói và tiêu chảy có thể làm tăng calcium máu. Nên đi khám bệnh sớm để phát hiện kịp thời.

Hypoparathyroidism là gì?

Tóm tắt Hypoparathyroidism Suy tuyến cận giáp tình trạng tuyến cận giáp trạng không sản sinh đủ hormon tuyến cận giáp (viết tắt PTH - Parathyroid hormon), có tác dụng trong việc điều chỉnh lượng canxi và photpho trong xương và máu của cơ thể. Thiếu PTH dẫn đến tình trạng giảm canxi và tăng photpho trong máu.

Secondary Hyperparathyroidism là gì?

Cường cận giáp trạng thứ phát (Secondary hyperparathyroidism) một rối loạn mắc phải, xảy ra thứ phát sau những rối loạn nguyên phát khác nhau, thường thấy ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (chronic disease – CKD), đặc biệt bệnh nhân suy thận mạn (STM) giai đoạn cuối dù bệnh nhân đã được điều trị thay thế.

PTH có tác dụng gì?

Hormon PTH tác dụng trực tiếp lên xương, thận và ruột. Chúng làm tăng mức giải phóng canxi từ xương vào máu bằng việc tác động lên sự biệt hóa và hoạt động của tế bào xương. Bên cạnh đó, hormon PTH làm giảm bài xuất ion calci ở thận, tăng tái hấp thu ion calci và magie ở ống thận nhất là ở ống lượn xa và ống góp.

Cận giáp có chức năng gì?

Tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ của hệ thống nội tiết điều chỉnh canxi trong cơ thể. Các tuyến cận nằm ở cổ phía sau tuyến giáp, nơi chúng liên tục theo dõi và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Tuyến cận giáp giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu, trong xương và khắp cơ thể.