Khoảng cách theo chiều dọc giữa đường tổng chi phí và chi phí cố định là

 Ngắn hạn biểu thị khoảng thời gian mà doanh nghiệp chỉ có thể điều chỉnh hay thay đổi được một số yếu tố đầu vào, trong khi không điều chỉnh hay thay đổi một số yếu tố đầu vào khác.

Không phải mọi đầu vào đều dễ dàng điều chỉnh như nhau. Khi cần tăng sản lượng, dĩ nhiên, doanh nghiệp phải sử dụng thêm các yếu tố đầu vào. Nó phải sử dụng thêm nguyên, nhiên, vật liệu, tăng mức sử dụng lao động, hay sử dụng nhiều máy móc, thiết bị hơn. Tuy nhiên, việc gia tăng thêm nguyên, nhiên, vật liệu tương đối dễ dàng, trong khi đó, việc lắp đặt thêm hệ thống máy móc mới, hay xây dựng thêm nhà xưởng lại đòi hỏi nhiều thời gian hơn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất điện năng, chế tạo máy v.v¼Vả lại, nếu doanh nghiệp cho rằng, xu hướng gia tăng sản lượng chỉ là tạm thời, nó không muốn mở rộng sản xuất bằng cách đầu tư thêm vào nhà xưởng hay máy móc, thiết bị. Cách đơn giản và kinh tế hơn là: mua thêm nguyên, vật liệu, sử dụng thêm lao động mà trước hết là động viên công nhân làm thêm giờ trên cơ sở những nhà xưởng và thiết bị, máy móc hiện có. Nói cách khác, trong ngắn hạn, khi cần thay đổi sản lượng, doanh nghiệp chỉ có thể điều chỉnh một số yếu tố đầu vào, đồng thời bị ràng buộc bởi một số yếu tố đầu vào cố định khác. Quy mô kỹ thuật của doanh nghiệp thể hiện ở số lượng nhà xưởng, máy móc, thiết bị thường được xem là những yếu tố cố định này.

Dài hạn là khoảng thời gian đủ dài để doanh nghiệp có thể thay đổi hay điều chỉnh được tất cả các yếu tố đầu vào.

Một mặt, thời gian đủ dài khiến cho việc điều chỉnh, tăng, giảm quy mô của các đầu vào, kể cả những đầu vào không dễ dàng thay đổi trong một thời gian ngắn trở nên có thể thực hiện được. Mặt khác, khi doanh nghiệp tin tưởng rằng, xu hướng gia tăng hay giảm sút trong nhu cầu về loại hàng hóa mà nó đang kinh doanh là ổn định trong một thời gian dài, nó có thể yên tâm đầu tư thêm hay thu hẹp quy mô của những đầu vào loại này. Vì thế, trong dài hạn, về nguyên tắc, mọi yếu tố đầu vào đều có thể thay đổi được.

Sự phân chia ngắn hạn và dài hạn chỉ có tính tương đối và nó phụ thuôc vào tính chất kỹ thuật của từng ngành. Một năm có thể là khoảng thời gian dài hạn đối với doanh nghiệp sản xuất gạch thủ công, song lại là thời gian ngắn đối với công ty thủy điện.

Vì thời gian điều chỉnh các đầu vào của các doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn là khác nhau, nên quyết định của chúng trong ngắn hạn cũng có thể khác trong dài hạn. Chẳng hạn, trong một thời gian ngắn, các khoản thua lỗ có thể được doanh nghiệp chấp nhận và công việc kinh doanh vẫn được duy trì, trong khi các khoản thua lỗ dài hạn buộc doanh nghiệp phải tính đến việc rời khỏi lĩnh vực đang kinh doanh. Vì thế, cần phân biệt chi phí ngắn hạn và chi phí dài hạn.

Chi phí ngắn hạn: Trong ngắn hạn, do bị ràng buộc bởi một số yếu tố đầu vào không thay đổi được, nên một số chi phí của doanh nghiệp là cố định.

Chi phí cố định [FC] là khoản chi phí không phụ thuộc vào mức sản lượng. Khi sản lượng tăng hay giảm, chi phí cố định vẫn không thay đổi. Ví dụ, một doanh nghiệp hàng tháng phải trả 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng và nhà xưởng để sản xuất. Hợp đồng thuê này kéo dài trong hai năm. Vậy thì trong khoảng thời gian này, dù doanh nghiệp không sản xuất gì [sản lượng bằng không], sản xuất nhiều hay ít [tất nhiên, trong giới hạn chưa phải thuê thêm mặt bằng, nhà xưởng mới], nó vẫn phải trả 100 triệu đồng tiền thuê những yếu tố đầu vào trên. Khoản 100 triệu đồng tiền thuê đó là một khoản chi phí cố định.

Ngoài chi phí cố định, các chi phí khác tăng hay giảm tùy theo mức sản lượng sản xuất. Những chi phí phụ thuộc vào sản lượng như thế gọi là chi phí biến đổi [VC]. Những loại chi phí về nguyên, nhiên, vật liệu hay tiền lương, nói chung là chi phí biến đổi. Sản lượng sản xuất ra càng lớn, lượng đầu vào này được sử dụng càng nhiều, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra càng cao. Vì vậy, trong khi chi phí cố định độc lập với mức sản lượng, chi phí biến đổi lại được coi là một hàm của sản lượng. Đây cũng là một hàm đồng biến, thể hiện quan hệ thuận giữa q và VC. Sản lượng càng tăng thì chi phí biến đổi càng lớn và ngược lại.

Như vậy, trong ngắn hạn, tổng chi phí bằng các chi phí cố định cộng các chi phí biến đổi: TC = FC + VC. Vì độc lập với sản lượng, đường chi phí cố định được thể hiện như một đường nằm ngang, song song với trục hoành, trục biểu thị các mức sản lượng. 

Trong khi đó, do VC = TC - FC nên đường chi phí biến đổi có hình dáng y hệt như đường tổng chi phí. Nó chính là đường tổng chi phí tịnh tiến song song xuống dưới một đoạn chính bằng FC. Vì khi sản lượng bằng 0, chi phí biến đổi cũng bằng không, nên đường chi phí biến đổi có điểm xuất phát chính từ gốc tọa độ.

Các thước đo TC, FC và VC đều đo chi phí theo một khối lượng sản phẩm nhất định. Cũng như ATC đo chi phí bình quân chung cho mỗi đơn vị sản phẩm, ta có thể tính chi phí cố định FC và chi phí biến đổi VC một cách bình quân cho mỗi đơn vị sản lượng.

Chi phí cố định bình quân [AFC] là chi phí cố định tính đều cho mỗi đơn vị sản lượng:

AFC = FC / q .

Mặc dù FC là hằng số, độc lập với sản lượng q, song AFC lại là một đại lượng phụ thuộc vào q. Khi q càng lớn, chi phí cố định bình quân càng nhỏ. Đường AFC có xu hướng tiệm cận dần với trục hoành. 

Chi phí biến đổi bình quân [AVC] là chi phí biến đổi tính đều cho mỗi đơn vị sản lượng:                 

AVC = VC / q.

Vì đường chi phí biến đổi VC có hình dáng tương tự như đường tổng chi phí TC nên đường chi phí biến đổi bình quân AVC cũng có hình dáng chữ U như đường chi phí bình quân ATC. Đương nhiên, ở mỗi mức sản lượng q, AVC nhỏ hơn ATC, nên đường AVC phải nằm dưới đường ATC. Khoảng cách giữa hai đường này chính là AFC. Mối quan hệ này có thể biểu diễn qua công thức: ATC = TC/q = FC/q + VC/q = AFC + AVC. 

Ở trên, ta đã biết rằng đường chi phí biên MC luôn luôn đi qua điểm ATC tối thiểu của đường ATC. Quan hệ tương tự cũng tồn tại giữa đường chi phí biên MC với đường chi phí biến đổi bình quân. Đường MC cũng luôn luôn cắt đường AVC tại điểm AVC tối thiểu. Có thể dùng cách tương tự như cách chứng minh MC cắt ATC tại điểm ATC tối thiểu để giải thích điều này.

 

2. Chi phí dài hạn

 Trong dài hạn, doanh nghiệp có khả năng thay đổi tất cả các yếu tố đầu vào. Vì thế, các đường chi phí dài hạn có những đặc điểm khác với các đường chi phí ngắn hạn. Nói chung, các thước đo chi phí [tổng chi phí, chi phí bình quân, chi phí biên] được sử dụng trong ngắn hạn đều có thể sử dụng cả trong dài hạn. Vì vậy, khi cần phân biệt chúng với nhau, người ta dùng thêm chữ S để biểu thị các chi phí ngắn hạn và L để biểu thị các chi phí dài hạn. 

Trước hết, trong dài hạn, không tồn tại các chi phí cố định. Điều này liên quan đến định nghĩa về khoảng thời gian dài hạn. Do mọi yếu tố liên quan đến các đầu vào đều có thể thay đổi được nên trong dài hạn, mọi chi phí đều là chi phí biến đổi. Nói cách khác, tổng chi phí dài hạn [LTC] bằng tổng chi phí biến đổi dài hạn [LVC]: LTC = LVC hay LFC = 0.

Thứ hai, tại mỗi mức sản lượng, các chi phí [tổng và bình quân] dài hạn thường nhỏ hơn hoặc bằng các chi phí ngắn hạn tương ứng:

Có thể giải thích đơn giản điều khẳng định này như sau: trong dài hạn, vì không bị cột chặt vào một số yếu tố đầu vào cố định, nên khi sản xuất một khối lượng sản phẩm q, doanh nghiệp có thể lựa chọn được quyết định tương đối tối ưu hơn so với trong ngắn hạn. Chẳng hạn, hãy xét thước đo tổng chi phí. Để có thể sản xuất một mức sản lượng q, doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm các kết hợp đầu vào tốt nhất để tối thiểu hóa chi phí. Ít nhất, nó cũng có thể lựa chọn một kết hợp đầu vào như nó đã sử dụng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với khả năng có thể thay đổi được cả quy mô kỹ thuật của doanh nghiệp, nó có thể có nhiều phương án lựa chọn hơn. Một khi phương án mới cho phép nó sản xuất ra cùng mức sản lượng q nhưng với tổng chi phí thấp hơn so với quyết định ngắn hạn, các kết hợp đầu vào như trong ngắn hạn sẽ không được lựa chọn. Điều đó giải thích tại sao tổng chi phí dài hạn lại thấp hơn hoặc bằng tổng chi phí ngắn hạn ở mỗi mức sản lượng.

Vì tại mỗi mức sản lượng, LTC luôn nhỏ hơn hoặc bằng STC nên LATC hay LTC/q cũng luôn nhỏ hơn hoặc bằng SATC hay STC/q. Để có thể mô tả các đường chi phí bình quân ngắn hạn và dài hạn trên một đồ thị, ta nhớ rằng, mỗi đường chi phí bình quân ngắn hạn [SATC] thể hiện các mức chi phí bình quân khác nhau tương ứng với các mức sản lượng khác nhau, trong điều kiện doanh nghiệp bị gắn cố định với một số yếu tố đầu vào không điều chỉnh được. Còn đường chi phí bình quân dài hạn [LATC] mô tả các mức chi phi bình quân tương ứng với các mức sản lượng, trong điều kiện doanh nghiệp có thể lựa chọn tự do các yếu tố đầu vào để tìm kiếm các kết hợp đầu vào tốt nhất cho mục đích tối thiểu hóa chi phí. Khi sản lượng cần sản xuất còn nhỏ, [ví dụ, q = q1], người ta chỉ có thể đầu tư xây dựng những nhà máy với quy mô kỹ thuật [nhà xưởng, hệ thống máy móc hay dây chuyền sản xuất] tương đối nhỏ. Khi quy mô kỹ thuật này là cố định, ta có thể vẽ được một đường chi phí bình quân ngắn hạn SATC1 thể hiện các mức chi phí bình quân khác nhau tại các mức sản lượng khác nhau. Nếu tại sản lượng q1, quy mô kỹ thuật trên với các kết hợp đầu vào khác là thích hợp nhất để tối thiểu hóa chi phí, nó sẽ được doanh nghiệp lựa chọn trong cả phương án dài hạn. Nói cách khác, tại sản lượng q1, chi phí bình quân dài hạn bằng chi phí bình quân ngắn hạn [bằng SATC1 tại mức sản lượng q1]. Điều đó thể hiện ở điểm A như một điểm vừa nằm trên đường SATC1, vừa nằm trên đường LATC. Ở mức sản lượng cao hơn q2, nếu việc mở rộng quy mô kỹ thuật cho phép doanh nghiệp có được sự lựa chọn tối ưu hơn thì quy mô kỹ thuật ban đầu không phải là quy mô thích hợp cho dài hạn. Doanh nghiệp sẽ lựa quy mô kỹ thuật mới để sản xuất sản lượng q2 sao cho tổng chi phí và chi phí bình quân là thấp nhất. Rõ ràng, tại sản lượng q2, cũng như các mức sản lượng khác, SATC1 sẽ cao hơn LATC. Lập luận tương tự, nếu coi SATC2 là đường chi phí bình quân ngắn hạn ứng với quy mô kỹ thuật mới nói trên, thì tại sản lượng q2, chi phí bình quân dài hạn LATC lại bằng chi phí bình quân ngắn hạn SATC2 [trên đồ thị điều này thể hiện ở điểm B], mặc dù tại các mức sản lượng khác, SATC2 sẽ có giá trị cao hơn so với LATC. Như thế, tại mỗi mức sản lượng, LATC nhỏ hơn hoặc bằng SATC và đường LATC được xem như một đường bao bọc phía dưới các đường SATC. 

Nguồn: PGS.TS. Phí Mạnh Hồng [Quantri.vn biên tập và hệ thống hóa]

Video liên quan

Chủ Đề