Một số giải pháp ổn định thị trường

  • Trang chủ
  • Chi tiết tin tức

Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp

Ngày 12/5/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT/BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Chỉ thị nêu rõ: trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia trong khu vực châu Á như Campuchia, Lào, Thái Lan và Ấn Độ. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong tình hình hiện nay.

- Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/01/2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19; theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly, có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

- Phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa và các văn bản chỉ đạo liên quan khác của Chính phủ, Bộ, ngành.

- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm lương thực, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhân dân.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra các hành vi vi phạm trên thì Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường ở địa phương đó chịu trách nhiệm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm cho thị trường, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các Bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường lương thực, thực phẩm nói riêng; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao vào ngày 13 và ngày 25 hàng tháng gửi về Bộ Công Thương./.

VD

Thứ tư,08/06/2022 17:16

Một số giải pháp ổn định thị trường
Từ viết tắt
Một số giải pháp ổn định thị trường
Một số giải pháp ổn định thị trường
Xem với cỡ chữ

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 8/6/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

Một số giải pháp ổn định thị trường

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến thị trường Bất động sản tại phiên trả lời chất vấn chiều 8/6 (Ảnh: VGP/ Nhật Bắc)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường… Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện gồm: Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… và nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh Bất động sản. Trong năm 2021 và Quý I/2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển; tổng lượng giao dịch bất động sản cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng bất động sản mới; tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh. Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này và từ kinh nghiệm các nước, để đảm bảo thị trường Bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển nền kinh tế, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, bao gồm:

- Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; Tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp; Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết;

- Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; Thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ;

- Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường; kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán. Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định; Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

- Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các Dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng, chưa được phép đầu tư; hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, Bất động sản.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành chuẩn bị Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Bộ Xây dựng cũng khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, các kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, trong nước; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.