Newton bị táo rơi trong vườn nhà ai

Cây táo đã đi vào huyền thoại đó vẫn còn sống, dù có tuổi đến 400 năm, trong vườn nhà Newton ở làng Woolsthorpe, gần thị trấn Grantham, cách Cambridge chừng 100 km về phía Bắc.

Trinity College, ra đời năm 1546, là trường lớn nhất, giàu nhất và danh giá nhất trong 31 college hợp thành Viện Đại học Cambridge [University of Cambridge] ở nước Anh. Chỉ nói đến giải Nobel thôi thì giảng viên, giáo sư, nhà nghiên cứu của trường [gọi chung là fellow], cũng như cựu sinh viên, từ trước đến nay đã nhận đến 34 trên tổng số 121 giải mà toàn thể Đại học Cambridge có được, tính từ năm 1904 đến 2020.

Nhưng không phải vì lý do này mà nhiều người, trong số trên 5 triệu du khách đến thành phố Cambridge hàng năm, tìm đến tham quan các tòa nhà cổ kính của Trinity. Họ đến đó còn để ngắm nhìn cây táo đứng một mình ở một góc sân cỏ, ngay bên dưới căn phòng Isaac Newton [1643-1727] đã ở khi ông là sinh viên của trường vào những năm 1661-1665.

Cây táo này là “hậu duệ”, tức được chiết ra và đem trồng ở đây năm 1954, từ chính cây táo gốc nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học vì đã gợi hứng cho Newton đề ra lý thuyết về lực vạn vật hấp dẫn.

 Cây táo đứng ở một góc sân, bên dưới căn phòng xưa kia của sinh viên Newton trong Trinity College, Cambridge. Ảnh: Shaun in Japan

Cây táo đã đi vào huyền thoại đó vẫn còn sống, dù có tuổi thọ đến 400 năm, trong vườn nhà ông ở làng Woolsthorpe, gần thị trấn Grantham, cách Cambridge chừng 100 km về phía Bắc. Năm 2010, tức gần 350 năm sau “chuyện cây táo” xảy ra với Newton, một nhánh cây của nó đã được gởi vào vũ trụ, theo tàu con thoi Atlantis.

Có trái táo nào rơi trúng đầu Newton không?        

Truyền thuyết về Newton và “trái táo rơi trúng đầu ông” được phổ biến cho con nít toàn cầu từ mấy trăm năm nay, không biết bây giờ còn tiếp tục không?

Tận mấy chục năm trước, tôi còn nhớ ông thầy giáo tiểu học của mình đã hứng chí kể cho đám học trò con nít nghe là ông Newton ngồi dưới gốc cây táo đang nhìn trời hiu quạnh thì bỗng bị một quả táo rớt trúng đầu cái bịch! Thầy làm bộ nhăn nhó như thể đau đớn lắm, đưa bàn tay xoa xoa cái đầu, mắt trừng trừng nhìn xuống đất tưởng như nhìn theo quả táo thủ phạm đang lăn. Rồi thầy nghiêm mặt, lên giọng hùng hồn: “Nhờ đó mà ông Newton khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn!” 

Tuy chẳng hiểu gì lắm lúc đó nhưng tôi vẫn nhớ hoài chuyện quả táo rơi ngay đầu ông Newton xa lạ ở tận nước Anh xa xôi, không khác gì hàng chục ngàn du khách hàng năm thường tìm đến tận làng quê Woolsthorpe hẻo lánh đó, bắt chước ông Newton đứng hay ngồi dưới cây táo để… tạo dáng chụp hình. Họ đến đó đông đến nỗi có thể làm chết các rễ cây nên vào năm 2011 ban quản lý phải đặt một vòng rào bảo vệ bằng gỗ liễu cao 0,6 m xung quanh để ngăn cản khách tham quan hào hứng hè nhau đến đặt đít dưới gốc cây.

Cây táo nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học, tới nay vẫn sống trong vườn nhà của Newton ở làng Woolsthorpe, với hàng rào gỗ bao quanh. Ảnh: Daily Mail

Thật ra, câu chuyện đó chỉ là “hoa lá cành” để trang trí quanh câu chuyện có thực là trong hai năm 1665 và 1666, do Đại học Cambridge đóng cửa để mọi người di tản vì sợ bệnh dịch hạch trong cuộc đại dịch The Great Plague đang hoành hành ở thủ đô London lan tới, Newton đã phải rời trường trở về quê nhà. Và ông bắt đầu suy nghĩ về hấp lực trong khoảng thời gian rảnh rỗi và trong không gian tĩnh lặng này.

Ông nhận ra hấp lực là sức hút mọi vật trên mặt đất về tâm của Trái đất nên các đồ vật khi bị rớt thì rơi thẳng xuống đất chứ không trôi nổi trong không gian, tương tự như mấy quả táo rơi trong vườn nhà ông vậy.

Nói rộng ra, mọi vật trong vũ trụ đều có lực hút, tuy mạnh yếu khác nhau, và chúng hút lẫn nhau. Cái nào có khối lượng lớn hơn thì có sức hút mạnh hơn, như Trái đất hút trái táo rớt xuống, chứ không thể ngược lại. Và ví dụ như Mặt trăng, nó hút Trái đất nhưng cũng chịu sức hút của Trái đất. Tuy nhiên, vì nó lớn quá nên sức hút của Trái đất không đủ mạnh làm nó rơi xuống mà chỉ đủ làm nó quay xung quanh Trái đất. Mặt trời cũng vậy, sức hút của nó chỉ đủ làm Trái đất xoay quanh nó. 

Tuy tóm tắt nôm na theo sách giáo khoa trung học như vậy nhưng đó là định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng của Newton, Newton’s law of universal gravitation, mà người ta tin rằng ông đã suy nghĩ và phát triển trong hai năm 1665-1666 ở quê nhà, trước khi trở lại Cambridge và được bầu làm fellow vào năm 1667 ở Trinity College.

“Subsizar là gì?”  

Dĩ nhiên, ông được lưu danh thiên cổ không chỉ nhờ cái định luật nói trên mà còn những đóng góp to lớn khác cho khoa học, cũng như cuộc đời ông không chỉ có chuyện trái táo mà còn nhiều chuyện đáng kể khác nữa.

Trong tiếng Anh có một từ hiếm khi gặp nhưng được dùng nhiều ngày xưa ở Cambridge là sizar và subsizar. Sizar là một sinh viên được college cho phép trả tiền ăn ở hay học phí với giá rẻ hơn; còn subsizar là sinh viên phải làm phụ việc trong nhà bếp hay dọn dẹp phòng ốc của các fellow và sinh viên khác để được miễn học phí và tiền ăn ở. Newton, sinh ra sau khi cha chết ba tháng, nhà nông nghèo, nên từ khi nhập học ở Trinity College năm 1661 đã làm subsizar trong suốt ba năm đầu tiên, cho tới khi nhận được học bổng của trường năm 1664.

Và như nhiều triết gia phương Tây lớn trong lịch sử, ông chọn sống độc thân suốt đời. Nhưng ông sống rất lâu, thọ đến 84 tuổi, hơn gấp đôi tuổi thọ trung bình của đàn ông thời đại đó. Khi qua đời năm 1727, ông được chôn cất ở Westminster Abbey ở London, nơi yên nghỉ dành cho các danh nhân nước Anh [giống như điện Panthéon ở Paris dành cho danh nhân nước Pháp], từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. 

Triết gia Pháp Voltaire[*] khi sống lưu vong chính trị ở London, đã đến dự đám tang trọng thể của Newton. Và chính Voltaire là người đề cập đến chuyện quả táo rơi trong cuốn Essay on Epic Poetry [Tiểu luận về sử thi] mà ông viết thẳng bằng tiếng Anh, xuất bản cùng năm đó ở London. Và đây là câu viết được trích dẫn rất nhiều: “Sir Isaac Newton walking in his gardens, had the first thought of his system of gravitation, upon seeing an apple falling from a tree” [Dạo bước trong vườn nhà, Sir Isaac Newton có được ý tưởng đầu tiên cho hệ thống lý thuyết về hấp lực của mình trong khi nhìn thấy một trái táo rơi từ cây xuống].

Thế là Voltaire, qua danh tiếng của ngòi bút mình, và nhiều cây bút khác sau ông, đã tạo nên một giai thoại khoa học lưu truyền cho tới ngày nay. 

Isaac Newton [1643-1727] 

Trong suốt cuộc đời mình, Newton đã viết ra ước tính khoảng 10 triệu từ, nhưng người ta vẫn chưa tìm ra một câu viết nào của ông nói đến chuyện quả táo rơi trong vườn nhà gợi ý cho ông khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn. Nhưng khi về già ông có mở miệng nói ra chuyện này, theo lời kể của một người bạn vong niên là William Stukeley [1687-1765] trong cuốn Memoirs of Sir Isaac Newton’s Life [Hồi ký về cuộc đời Sir Isaac Newton], xuất bản năm 1752. Và người đời không quên “sáng tạo” thêm chi tiết “rơi trúng đầu Newton” cho tăng phần kịch tính.

“Đứng trên vai những người khổng lồ”

Xin ghi thêm một danh ngôn được nhiều người nhắc đến của Newton, nói lên tính khiêm cung của một bộ óc thiên tài cũng như lòng biết ơn đối với những nhà khoa học đi trước: “If I have seen further it is by standing on the shoulders of giants” [Nếu tôi đã nhìn xa hơn, chính là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ - 1676]. Những tên tuổi lớn mà ông hàm ý trong câu nói này, theo chỗ tôi hiểu, là Nicolaus Copernicus [người Ba Lan, 1473-1543], Galileo Galilei [người Ý, 1564-1642], Johannes Kepler [Đức, 1571-1630] và René Descartes [Pháp, 1596-1650]... Cho nên người ta không lạ gì khi hơn 300 năm sau, một nhà vật lý kỳ tài khác, Stephen Hawking [1942-2018], cũng làm nghiên cứu và giảng dạy cả đời ở Đại học Cambridge, đã dùng một phần của câu trên, “On the shoulders of giants” làm tựa đề cho cuốn sách của mình, xuất bản năm 2002. 

Năm 1999, một trăm nhà vật lý hàng đầu thế giới, khi được hỏi ý kiến, đã bầu chọn Albert Einstein [1879-1955] là nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử, và Newton được chọn đứng thứ hai. Cả hai ông đều đã là “người trăm năm cũ”, nhưng khi còn sống Einstein luôn để một tấm ảnh chân dung của Newton trong phòng làm việc của mình, và khi đặt chân đến nước Anh lần đầu tiên vào ngày 13.6.1921, ông đã tìm ngay tới Westminster Abbey đặt một vòng hoa tưởng niệm trước mộ Newton.

Quế Sơn

________

[*] Voltaire [1694-1778] cũng được cải táng vào điện Panthéon ở Paris năm 1791, ngay giữa cuộc Đại Cách mạng Pháp

Câu chuyện Newton bị một quả táo rơi trúng đầu và từ đó khám phá ra lực hấp dẫn chỉ là giai thoại. Ảnh: Occultum.

Trong giới khoa học từ lâu lan truyền câu chuyện rằng nhà bác học  Isaac Newton khám phá ra lực hấp dẫn sau khi bị  một quả táo rơi trúng đầu trong lúc ngồi dưới gốc cây táo trong vườn nhà ở  trang viên Woolsthorpe tại Lincolnshire, Anh vào năm 1666 , theo  How Stuff Works .

Câu chuyện quả táo rơi vào đầu Newton trở thành một trong những giai thoại phổ biến và lâu dài trong lịch sử khoa học, thậm chí còn được đưa vào nội dung sách giáo khoa. Nhưng trên thực tế, Newton không bị quả táo nào rơi vào đầu khi khám phá ra lực hấp dẫn.

Đúng là Newton đã trở về  ngôi nhà thời thơ ấu ở  Woolsthorpe để chạy trốn nạn dịch hạch đang hoành hành ở London và ô ng cũng thường xuyên đi dạo trong khu vườn, nơi có ít nhất một cây táo. Nhưng khám phá của Newton về trọng lực là kết quả của nhiều lần nghiên cứu và suy nghĩ chứ không phải chỉ nhờ khoảnh khắc quả táo rơi trúng đầu.

Dù Newton không ghi lại chính xác thời điểm ông phát hiện ra lực hấp dẫn, ông từng trao đổi với đồng nghiệp về vấn đề này. William Stukeley, người viết một trong những tiểu sử sớm nhất về Newton, nhớ lại một cuộc thảo luận với Newton về khái niệm trọng lực khi đang đi bộ với Newton trong khu vườn gia đình và uống trà dưới bóng cây táo.

Newton chỉ vào một quả táo trên cành cây làm ví dụ. Ông tự hỏi tại sao quả táo luôn rơi xuống mặt đất khi rụng khỏi cành cây, thay vì rơi ngang hoặc bay ngược lên. Newton nói rằng Trái Đất hút quả táo bằng một lực chưa được biết đến.

Bản thân Newton rất thích giai thoại về quả táo rơi trúng đầu mình vào những năm sau đó. Các nhà sử học cho rằng Newton đưa ra các tình tiết về câu chuyện "táo rơi trúng đầu" để minh họa ngắn gọn khám phá của ông về lực hấp dẫn, giúp người nghe dễ hiểu hơn.

Video liên quan

Chủ Đề