Nguyên nhân rửa tiền

 Trang chủ » [Tạp chí] Phòng ngừa Tội rửa tiền qua hoạt động ngân hàng ở Việt Nam hiện nay – Khó khăn và giải pháp khắc phục

Phòng ngừa Tội rửa tiền qua hoạt động ngân hàng ở Việt Nam hiện nay – Khó khăn và giải pháp khắc phục

Tác giả: THS. ĐỖ THỊ MINH PHƯỢNG (Thạc sĩ, Học viện Ngân hàng)

  • Tóm tắt
  • 1. Nhận diện tội phạm rửa tiền thông qua hoạt động lưu chuyển tiền tệ bởi hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay
  • 2. Thực trạng đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền qua hoạt động ngân hàng ở Việt Nam hiện nay – Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Những bước tiến của hội nhập quốc tế toàn cầu đã giúp cho luồng luân chuyển vốn quốc tế gia tăng không ngừng, đồng thời cũng khiến cho các hành vi rửa tiền trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Do đó, nỗ lực chống rửa tiền được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi những tác động tiêu cực của nó không chỉ đối với nền kinh tế quốc gia mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Bài viết nêu ra một số khó khăn trong hoạt động phòng ngừa tội rửa tiền qua hoạt động ngân hàng ở nước ta hiện nay cũng như đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.

Nguyên nhân rửa tiền

Thực tiễn đấu tranh phòng chống rửa tiền ở Việt Nam cho thấy khuôn khổ pháp luật về phòng chống rửa tiền đã không ngừng được hoàn thiện kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về phòng chống rửa tiền là Nghị định số 74/2005/ NĐ-CP ngày 07/6/2005 Chính phủ được ban hành. Trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng – lĩnh vực thường bị các hành vi rửa tiền lợi dụng, cũng như các cam kết về mở cửa thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn đã làm cho hành vi rửa tiền có điều kiện không ngừng nhân rộng phạm vi ảnh hưởng, làm rối loạn luồng vốn đầu tư cũng như trật tự thị trường. Có thể khẳng định, phòng chống rửa tiền hiệu quả là nhân tố quan trọng và quyết định trong việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, hiệu quả, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào dòng chảy của nguồn vốn trên thị trường.

1. Nhận diện tội phạm rửa tiền thông qua hoạt động lưu chuyển tiền tệ bởi hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay

Rửa tiền là hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác; che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản cũng như thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

Hội nhập quốc tế và tự do hóa các giao dịch tài chính, ngân hàng là xu hướng phát triển ở mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Có thể nói, xu hướng này tạo điều kiện đa dạng hóa các quan hệ ngân hàng, tài chính. Hệ thống tài chính có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tạo cơ sở cho sự mở rộng các giao dịch tiền tệ xuyên quốc gia, đáp ứng nhu cầu về đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và làm tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng tạo cho hệ thống tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nạn rửa tiền đang trở thành một vấn đề toàn cầu, được hợp pháp hóa bởi các giao dịch tài chính quốc tế.

Rửa tiền và tội phạm rửa tiền đã được chứng minh là hành vi nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn gây xáo trộn trật tự xã hội trong phạm vi quốc gia, trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng xuyên biên giới, mang tính toàn cầu. Hành vi rửa tiền thường tập trung vào các giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Hành vi rửa tiền gây ra sự lưu chuyển giữa các nguồn tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những biến động trong cung cầu tiền tệ, bất ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái và làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, hành vi rửa tiền nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của các tài sản do phạm tội mà có để che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp.

Giai đoạn đầu tiên của quy trình rửa tiền là sắp xếp, tìm cách đưa các khoản tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính. Ở giai đoạn phân tán (giai đoạn 2), nguồn tiền “bẩn” được đưa vào hệ thống tài chính thông qua các khoản tiền sẽ được chuyển đổi qua lại giữa nhiều tài khoản ngân hàng ở các quốc gia với hình thức như đầu tư dự án, mua bán bất động sản, hàng hóa xa xỉ, cổ phiếu,… nhằm mục đích che giấu nguồn gốc tài sản. Giai đoạn cuối cùng của hoạt động rửa tiền là quy tụ, chính thức thâm nhập vào nền kinh tế hợp pháp và có thể sử dụng cho các mục đích khác. Nếu rửa tiền thành công, khoản tiền “bẩn” này cho phép tổ chức tội phạm tích lũy nguồn lực để sau đó mở rộng quy mô phạm tội, thậm chí trở thành nguồn tài trợ cho hoạt động khủng bố hoặc giúp trốn tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế. Nói rộng hơn, hoạt động rửa tiền là tình trạng nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển, tạo ra nhiều mối đe dọa tới kinh tế – xã hội và an ninh toàn cầu.

Hành vi rửa tiền thường được thực hiện thông qua các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp, bất động sản và các sản phẩm tài chính khác, trong đó, rửa tiền thông qua hoạt động ngân hàng là phương thức phổ biến. Trên thế giới có những vụ án rửa tiền gây chấn động và có khoảng 1,6 – 4 ngàn tỉ đô la Mỹ tiền bẩn được rửa mỗi năm, tương đương 2-5% GDP toàn cầu. Theo ước tính của Liên hợp quốc, vụ bê bối của Danske Bank – ngân hàng lớn nhất Đan Mạch bị phanh phui trong hai năm 2017-2018 liên quan đến các giao dịch nghi rửa tiền giá trị 200 tỉ euro (220 tỉ đô la) chủ yếu từ Estonia, Nga, Latvia, Anh đã được thực hiện thông qua chi nhánh của Danske Bank ở Estonia trong khoảng thời gian từ 2007-2015. Hay như ngân hàng Standard Chartered có trụ sở đặt tại London (Anh) và mạng lưới chi nhánh ở hơn 70 nước. Năm 2012, ngân hàng này bị Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) cáo buộc hỗ trợ chính phủ Iran lách các quy định chống rửa tiền của Mỹ để tiến hành 60.000 giao dịch rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ với tổng giá trị 250 tỉ đô la trong giai đoạn 2001-2007. Trường hợp khác, năm 2010, Ngân hàng Wachovia – một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (hiện đã được sáp nhập vào Ngân hàng Wells Fargo) thừa nhận các vi phạm hệ thống và nghiêm trọng, từ đó cho phép các cơ sở đổi tiền của Mexico chuyển 378,4 tỉ đô la đáng ngờ sang các tài khoản ở Ngân hàng Wachovia trong giai đoạn 2004-2007. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, số tiền này có liên quan các tổ chức buôn lậu ma túy của Mexico và Colombia.

Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, hoạt động ngân hàng được hiểu là: việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Đây là 3 nghiệp vụ cơ bản, chủ yếu và thường xuyên của tổ chức tín dụng (TCTD) và TCTD là ngân hàng có thể thực hiện một hoặc tất cả các hoạt động trên trong phạm vi giấy phép do Ngân hàng trung ương cấp.

Hoạt động ngân hàng tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ rửa tiền rất lớn vì các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động dựa trên nguyên tắc đi vay để cho vay, là trung gian giữa người gửi tiền và người vay vốn. Người gửi tiền có thể là cá nhân, tổ chức, gửi tiền dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm hoặc có thể mua các giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi… (Điều 92 Luật các TCTD năm 2010). Các khoản tiền gửi này là nguồn vốn huy động chủ yếu của các ngân hàng hiện nay, tuy nhiên, việc làm rõ nguồn gốc của các nguồn tiền gửi là rất khó xác định.

Các hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể xuất hiện trong các giao dịch huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán, các dịch vụ ngân hàng điện tử¸ bao gồm cả các hành vi trong các giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn. Những hành vi rửa tiền chủ yếu của lĩnh vực ngân hàng có thể là:

– Sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để chuyển và nhận các khoản tiền bất hợp pháp;

– Gửi tiền có nguồn gốc bất hợp pháp tại các TCTD dưới một cách chính danh hoặc dưới tên người khác;

– Mở tài khoản ngân hàng để mua các giấy tờ có giá vô danh từ nguồn tiền bất hợp pháp, sau đó bán các giấy tờ này và nhận tiền thông qua tài khoản mở tại ngân hàng.

– Mở tài khoản tại các TCTD để các doanh nghiệp chuyển tiền “lòng vòng” qua nhiều khâu, biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch”;

– Vay vốn ngân hàng dùng tài sản bảo đảm là tài sản do phạm pháp mà có;

– Chuyển tiền bất hợp pháp qua ngân hàng tư nhân để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh hợp pháp bất động sản, chứng khoán, vàng (kinh nghiệm rửa tiền của các ngân hàng phương Tây vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20).

– Thành lập tài khoản ngân hàng hay công ty ở những đất nước có hệ thống pháp luật lỏng lẻo, những nước không có hiệp định tư pháp với đất nước thực hiện tội phạm nguồn hoặc những nước có luật pháp cấm nước ngoài can thiệp và điều tra vào tình hình tài chính kinh tế của nước đó.

– Thực hiện các giao dịch thanh toán qua tài khoản ngân hàng đột biến, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không. Mặt khác, pháp luật không yêu cầu phải kê khai nguồn gốc của tiền gửi khi khách hàng gửi tại ngân hàng (trừ trường hợp đối với người nước ngoài), trong khi đó khởi nguồn của hoạt động rửa tiền lại bắt đầu từ các khoản tiền gửi này. Hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cũng như nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, vì vậy nguồn vốn huy động được sẽ được luân chuyển trong nền kinh tế để cho vay, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh hoặc nhu cầu đời sống. Cứ như thế, một cách ngẫu nhiên, các đồng tiền phi pháp được hợp thức hóa và được sử dụng để đầu tư, kinh doanh, thực hiện các mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp. Ngoài ra, thông qua hoạt động thanh toán của ngân hàng, các dòng tiền được luân chuyển thông qua các tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại NHTM. Mục đích thanh toán có thể là rất khác nhau như thanh toán tiền mua hàng hóa, tiền cung ứng dịch vụ, tiền chi trả các hoạt động mà pháp luật cho phép như tiền mua bất động sản, ô tô, xe máy… Trên thực tế, các chứng từ để thanh toán tại ngân hàng có thể là giả mạo, các hoạt động kinh doanh trên thực tế không có thật, “khống” mà ngân hàng rất khó phát hiện khi cung ứng dịch vụ thanh toán. Vì vậy, hoạt động ngân hàng có đối tượng kinh doanh là tiền tệ đã tạo điều kiện cho các chủ thể có thể rửa tiền.

Từ những phân tích trên, các hậu quả của hành vi rửa tiền đối với an ninh tài chính được thể hiện trên các khía cạnh:

– Gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, làm cho những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái nhất là ở các quốc gia đang phát triển khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ. Từ đó, làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn, thậm chí là làm vô hiệu hóa mục tiêu chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa.

– Làm mất đi tính minh bạch và các điều kiện bảo đảm an toàn – những chiếc “áo giáp” bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính. Thực tiễn cho thấy, hệ thống tài chính dễ bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm thông qua hoạt động đầu tư vào ngân hàng hoặc trở thành khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng để lợi dụng sơ hở để rửa tiền. Điều này sẽ gây bất ổn hệ thống tổ chức tài chính như làm mất uy tín trên thị trường, tấn đông đội ngũ nhân viên thông qua hành vi lôi kéo, mua chuộc để tiếp tay cho hành vi rửa tiền, gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các tổ chức tài chính bằng cách đảo nợ…

– Dựa vào tâm lý hám lợi của nhà đầu tư, hành vi rửa tiền có thể tạo ra những xu hướng đầu tư ảo do các hành vi đánh bóng, thổi phồng có mục đích. Hệ thống công ty chân rết (công ty bình phong) sẽ tạo ra các giao dịch giả tạo nhằm định hướng thị trường, định hướng đầu tư, định hướng tiêu dùng (hàng hóa xa xỉ). Nếu các định chế tài chính không nhận diện được các thủ đoạn che đậy của hành vi rửa tiền thì có thể ra các quyết định cấp dụng dụng cho những giao dịch kinh tế che đậy nhằm mục đích rửa tiền.

Nguyên nhân rửa tiền

2. Thực trạng đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền qua hoạt động ngân hàng ở Việt Nam hiện nay – Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Ở Việt Nam, tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống nhưng đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thực tế là số trường hợp rửa tiền bị đem ra xét xử là rất ít ỏi. Thực tiễn phòng, chống tội phạm rửa tiền cho thấy Việt Nam xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi, tạo ra những khó khăn nhất định trong đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền. Những khó khăn này ở Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, tình trạng sử dụng tiền mặt của người dân còn quá phổ biến. Đồng thời, trong thực tiễn thực hiện giao dịch kinh doanh, việc chứng minh nguồn gốc dòng tiền là không bắt buộc đối với các chủ thể tham gia giao dịch. Đây là mảnh đất “màu mỡ” cho tội phạm lạm dụng để thực hiện hoạt động rửa tiền mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, nhất là trong hoạt động kinh doanh. Đó là điều kiện tiên quyết thu hẹp “không gian hoạt động” của hành vi rửa tiền thông qua sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán được cung cấp bởi các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2018, 2019 và những tháng đầu năm 2020, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong quý I/2019, hệ thống IBPS đã xử lý 37.325 nghìn giao dịch, tương ứng với giá trị 20.691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018). Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Đến cuối tháng 3/2019, trên toàn quốc có 18.668 ATM (Automatic Teller Machine – máy rút tiền tự động) và 261.705 POS (Point of Sale – điểm bán lẻ hàng hóa). POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học… Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong quý I/2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Trong 04 tháng đầu năm 2020, sau đợt dịch Covid-19, số lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng vọt, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.3

Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp tình thế bằng công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TTNHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng, áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2020…, các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ. Tuy nhiên, thực tiễn giao dịch không dùng tiền mặt cho thấy, phí giao dịch qua các ngân hàng tại Việt Nam còn cao nên việc sử dụng tiền mặt vẫn có những tiện lợi và tiết kiệm cho người dân. So sánh phí rút tiền mặt với phí chuyển khoản cho thấy phí chuyển khoản cho một giao dịch đang khá cao, sử dụng tiền mặt thanh toán giao dịch nhỏ, lẻ vẫn tiết kiệm tiền cho người dân. Ví dụ: Nếu khách hàng rút 5 triệu đồng từ máy ATM trong cùng hệ thống mất phí 1.100 đồng/lần rút, khác hệ thống mất phí 2.200 đồng/lần rút. Sau đó, họ mang tiền mặt đi mua bán và không mất một khoản phí nào. Nhưng nếu khách hàng sử dụng 5 triệu đồng để thực hiện 10 giao dịch mua bán và thanh toán qua ngân hàng khác hệ thống, phí mỗi giao dịch 10.000 đồng (Biểu phí hiện tại của Vietcombank) thì số phí khách phải trả khi sử dụng cho 10 giao dịch là 100.000 đồng. Như vậy có nghĩa là sử dụng tiền mặt thanh toán giao dịch nhỏ, lẻ vẫn tiết kiệm tiền cho người dân.4

Do đó, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như giải pháp hữu hiệu để chống rửa tiền ở Việt Nam, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực dân cư. Đối với khu vực doanh nghiệp có mở tài khoản ngân hàng thì thanh toán không dùng tiền mặt là bắt buộc.

Thứ hai, chưa có cơ chế kiểm soát lượng kiều hối không chính thức về Việt Nam. Trong những năm qua, lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh là do: i) Lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông và định cư tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thề giới. Trong đó, lượng người đi lao động xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá cao – đây là lực lượng chủ lực “kiếm tiền gửi về nước”; ii) Hiệu quả chính sách khuyến khích kiều bào về nước đầu tư cũng như cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng; iii) Những tác động tích cực từ dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên, đây là lượng kiều hối chính thức, có thể kiểm soát vì nó được thực hiện thông qua ngân hàng – tức là giao dịch được kiểm soát. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh lượng kiều hối chính thức này, còn có một lượng kiều hối “xách tay” về Việt Nam dường như chưa được kiểm soát hiệu quả. Đây là lỗ hổng có thể bị lạm dụng bởi các hành vi rửa tiền. Điều này đã được thể hiện trong Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền vào đánh giá và đánh giá nguy cơ rửa tiền trong 15 lĩnh vực như: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển và thu đổi ngoại tệ, cầm đồ… Cụ thể, với kênh chuyển tiền phi chính thức có lợi ích vượt trội về phí chuyển tiền, tính tiện lợi, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, tính đơn giản về thủ tục… So sánh với các kênh chuyển tiền chính thức, các kênh chuyển tiền phi chính thức (chuyển tiền ngầm) cũng được sử dụng để chuyển kiều hối về Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền cao hơn.

Vì vậy, để chống rửa tiền thông qua kênh chuyển ngoại tệ phi chính thức, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát tại cửa khẩu và tăng cường biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đáng ngờ liên quan đến vận chuyển ngoại tệ thông qua kênh kiều hồi vào Việt Nam.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, các tổ chức tội phạm cũng sẽ “theo chân” hoạt động đầu tư nước ngoài hoặc lợi dụng các chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động rửa tiền. Để nhận diện hành vi lợi dụng hoạt động đầu tư nhằm rửa tiền, pháp luật đầu tư cần thiết lập được cơ chế sàng lọc nhà đầu tư “sạch”, kiểm soát dòng tiền và những biểu hiện đáng ngờ của hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tội phạm rửa tiền tại Việt Nam thường do cả người nước ngoài hoặc Việt kiều thực hiện. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng một số thủ đoạn khác như:

+ Sử dụng L/C khống để các đối tượng ở nước chuyển tiền vào Việt Nam mà không có hàng xuất ra nước ngoài.

+ Sử dụng giấy tờ giả mạo để nhận tiền tại các tài khoản tại Việt Nam sau khi đã chuyển tiền ngoài vào các tài khoản này. Có thể kể đến trường hợp đối tượng Musasa Paul (quốc tịch Zămbia) sử dụng 8 hộ chiếu giả mang quốc tịch Nam Phi với 8 tên khác nhau (nhưng đều dán ảnh của Paul) vào Việt Nam mở 6 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau tại Hà Nội để nhận tiền từ nước ngoài chuyển vào. Paul bị phát hiện sau khi đã nhận trót lọt 35.000 EUR và 13.200 USD. Qua xác minh ban đầu cho thấy, số tiền trên là do Paul có được thông qua các hành động lừa đảo được thực hiện từ nước ngoài.

+ Rửa tiền dưới hình thức đầu tư vào các dự án. Ví dụ: Lê Thị Phương M là một đối tượng tham gia đường dây buôn bán hơn một triệu viên thuốc lắc tại Mỹ. M đã làm thủ tục đầu tư dự án khu nghỉ mát cao cấp Dốc Lết (Khánh Hoà) trị giá 25 triệu USD. M mở tài khoản tại một ngân hàng ở Việt Nam để chuyển tiền từ các tài khoản ở Hồng Kông, Ma Cao và Canada nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt giữ. Các đối tượng là người Việt Nam phạm tội ở trong nước sử dụng các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để cất giấu nguồn tiền do phạm tội mà có. Trong vụ tham nhũng tại Liên doanh Dầu khí Việt – Xô xảy ra tại Vũng Tàu, Trần Q (Công ty Dịch vụ Kỹ thuật khí – PTSC) đã liên kết với một Việt kiều tại Nga lập ra 3 công ty để mở 3 tài khoản tại Ngân hàng Deustche Bank của Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh để nhận các khoản tiền từ đường dây tham nhũng do Q và Nguyễn Quang T (Giám đốc PTSC) chỉ đạo. T đã chỉ đạo nhân viên chuyển vào 3 tài khoản của Q tại Ngân hàng Deustche Bank 6.708.760 USD, còn lại 1.081.912 USD chưa kịp chuyển thì bị phát hiện.

Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện Luật phòng, chống rửa tiền, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo khuyến nghị của FATF (Financial Action Task Force – Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền) và các yêu cầu của Ủy Ban Basel về quản lý rủi ro, phòng chống rửa tiền trong hoạt động ngân hàng, trên cơ sở đó đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ, hạn chế hiện tượng rửa tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế VAT, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tài sản, pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm… nhằm kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tổ chức, từ đó ngăn chặn hiện tượng rửa tiền. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định cũng cần gắn liền với việc đề xuất tăng các chế tài phạt tiền nặng đối với những tổ chức, cá nhân che giấu hoạt động rửa tiền. Hơn nữa, cần phát triển hệ thống thông tin quốc gia công khai, minh bạch, cập nhật và thuận tiện cho tra cứu các quy định, nhận biết các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan của các tổ chức tín dụng và người dân về chuyển tiền và giao dịch ngân hàng, phòng, chống rửa tiền.

Thứ tư, sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm cho các trò chơi trực tuyến, có thưởng ngày càng phát triển. Các đối tượng sử dụng tiền ảo để rửa tiền. Tiền điện tử được tổ chức phát hành bảo đảm giá trị bằng cam kết chuyển đổi sang tiền giấy theo yêu cầu của người sở hữu. Hiện nay, trên thế giới có nhiều loại tiền ảo rất dễ dàng đổi sang các loại tiền thật khác như: Liberty Reserve, e-gold, webmoney, e-passport, Pecunix, e-Bullion, Yandex, imoney, Money Mail, INOCard, RuPay, InterBill RUR & UkrMoney… Tội phạm trên thế giới đang sử dụng các loại tiền ảo này để che giấu danh tính và nguồn gốc tiền. Tội phạm rửa tiền trực tuyến bằng cách sử dụng thẻ tín dụng trộm cắp, lấy tiền từ tài khoản xâm nhập được, sử dụng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp khác, trả tiền trên các các trang web tiền ảo, các trang Web gameonline, các trang cá độ bóng đá, đánh bạc… Một số chuyển đổi bất hợp pháp ngoại tệ ra tiền ảo và chuyển ngoại tệ, tiền ảo qua mạng ra nước ngoài để rửa tiền, làm phương tiện mua các tài sản ảo, cuối cùng để lấy lại tiền thật hoặc dưới hình thức quà tặng, trao đổi lợi ích kinh tế trong thế giới ảo.

Tuy nhiên, điều đáng lo là hiện nay, các phương thức rửa tiền sẽ ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, các hình thức game đánh bạc trực tuyến…, khiến cho hoạt động rửa tiền càng trở nên khó kiểm soát, trong khi các quy định của pháp luật thường không thể theo kịp được với những thay đổi thực tiễn. Chẳng hạn, việc sử dụng đồng tiền bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, trong đó không loại trừ khả năng có những giao dịch bất hợp pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ, không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, chính vì vậy sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Thực tế, Luật Phòng, chống rửa tiền đã có quy định khung về các biện pháp phòng, chống và xử lý hiện tượng rửa tiền, tuy nhiên mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Vì vậy, đối với lĩnh vực ngân hàng, cần cụ thể hóa các nguyên tắc, trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống rửa tiền của lĩnh vực này tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và Luật các TCTD năm 2010 chỉ quy định rất chung chung và duy nhất tại 1 điều của mỗi luật. Theo đó, Điều 11 Luật các TCTD năm 2010, khoản 13 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rưa tiền”.

Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động rửa tiền ngày càng trở nên tinh vi, khó lường qua các kênh như giao dịch tiền ảo, những quy định hiện tại trong pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe để điều chỉnh các hoạt động rửa tiền. Có thể thấy, việc giao dịch bằng tiền ảo cũng đang diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, để lại những hậu quả khó lường. Giao dịch tiền ảo cũng là kênh rửa tiền được các đối tượng phạm tội hướng đến mặc dù tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ – CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán) quy định phương tiện thanh toán không bao gồm tiền ảo mà chỉ có: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các đạo luật về phòng, chống rửa tiền, các luật trong lĩnh vực ngân hàng cũng không có quy định về giao dịch tiền ảo và cũng không cấm các chủ thể sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán. Như vậy, có thể thấy Việt Nam hiện thiếu cơ sở pháp lý về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với tài sản ảo (trong đó có tiền ảo) và các nhà cung cấp dịch vụ ảo.

Do đó, rất cần thiết hoàn thiện pháp luật theo hướng quy định rõ về việc cấm sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Nếu sử dụng loại tiền này để giao dịch thì có thể bị liệt kê vào diện giao dịch đáng ngờ và áp dụng chế tài xử lý vi phạm tương ứng.

Thứ năm, hiện nay pháp luật về ngân hàng đã cho phép các TCTD tự chủ, tự quyết trong hoạt động kinh doanh ngân hàng trong khuôn khổ giấy phép do Ngân hành Trung ương cấp nên những hoạt động này sẽ diễn ra ngày càng đa dạng hơn theo hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động của ngân hàng số. Tuy nhiên, các dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch với các ngân hàng cần kiểm soát đang quy định theo kiểu liệt kê trong Luật Phòng, chống rửa tiền chủ yếu liên quan đến các hoạt động ngân hàng truyền thống, chưa đề cập tới hết các loại hình dịch vụ mà TCTD cung ứng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay (có tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền) như dấu hiệu trong các giao dịch huy động vốn bằng phát hành các giấy tờ có giá của ngân hàng, cấp tín dụng dưới các hình thức bao thanh toán, phát hành thẻ, hoạt động cho thuê tủ két…

Do đó, thay vì liệt kê các dấu hiệu đáng ngờ, pháp luật cần quy định về các tiêu chí của giao dịch đáng ngờ đối với từng lĩnh vực của nền kinh tế, ví dụ tiêu chí về tổng giá trị tối thiểu của giao dịch, về chủ thể thực hiện giao dịch, về cách thức thực hiện giao dịch, về mức độ rủi ro của giao dịch… Mặt khác, quá trình đấu tranh phòng ngừa tội phạm rửa tiền trong hoạt động ngân hàng cho thấy, chưa có quy định cho phép cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước phong tỏa tài khoản, tạm giữ tiền của đối tượng rửa tiền. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ được phép phong tỏa tài khoản tạm thời tối đa 03 ngày để kiểm tra, xác minh, kết luận giao dịch đáng ngờ, sau đó phải chuyển cho Cơ quan điều tra xử lý. Cục phòng, chống rửa tiền là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong thu thập, xử lý thông tin về hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố nhưng không có chức năng điều tra tội phạm, khả năng phân tích, đánh giá về rủi ro tội phạm rửa tiền rất hạn chế, vì vậy phần lớn các thông tin về giao dịch đáng ngờ chưa đủ căn cứ để phát hiện dấu hiệu tội phạm. Do đó, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền, cần có quy định mở rộng thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều tra các giao dịch đáng ngờ, nâng cao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD trong việc báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định cũng cần gắn liền với việc đề xuất tăng các chế tài phạt tiền nặng đối với những tổ chức, cá nhân che giấu hoạt động rửa tiền, quy định rõ chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không báo cáo kịp thời các giao dịch trên, không rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan chức năng.6

Thứ sáu, rửa tiền và tội phạm rửa tiền bắt nguồn từ nhiều hành vi phạm tội từ trước đó. Dưới góc độ tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, có thể thấy một số phương thức, thủ đoạn phạm tội rửa tiền phổ biến sau:

+ Chẻ tiền: Liên quan đến hành vi gửi tiền mặt nhiều lần vào ngân hàng với số tiền gửi mỗi lần nhỏ hơn mức được yêu cầu phải báo cáo;

+ Làm sai lệch hoá đơn: Trong các giao dịch xuất khẩu và làm giả thư tín dụng nhập khẩu cũng như tờ khai hải quan cũng có thể che đậy việc chuyển tiền, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới;

+ Buôn lậu trong nước hoặc qua biên giới: Những tài sản bị mất cắp như phương tiện đi lại, đồ cổ… có thể được mua bán, trao đổi qua biên giới nhằm thu lợi bất hợp pháp;

+ Chuyển tiền giữa các ngân hàng: Có thể không thuộc phạm vi báo cáo nghi vấn rửa tiền, do vậy các nhân viên ngân hàng bị mua chuộc có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn để che giấu việc chuyển những khoản tiền lớn bất hợp pháp giữa các tài khoản với nhau;

+ Các sản phẩm tài chính phát sinh: Là chứng từ thay thế cho những cơ hội mua bán nội bộ như cổ phiếu giả của một công ty bị sáp nhập hoặc mua lại có thể được sử dụng để tránh bị phát hiện những thay đổi bất thường về giá của chứng khoán được niêm yết.

Theo Nghị quyết số 03/2019/NQHĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội rửa tiền đã chỉ ra nhiều tội phạm là tội phạm nguồn của tội rửa tiền.7 Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa từ sớm đối với loại tội này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Anh (biên dịch), “Báo động tình trạng tội phạm rửa tiền”, truy cập ngày 26/02/2020 tại địa chỉ: htps://nhandan.com.vn/baothoinayhosotulieu/bao-dong-tinh-trang-toi-phamrua-tien-473306/.
  2. Lê Linh, “Những vụ rửa tiền gây chấn động thế giới”, truy cập ngày 5/10/2019 tại địa chỉ: htps://www.thesaigontimes.vn/294985/ nhung-vu-rua-tien-gay-chan-dong-tren-thegioi.html.
  3. Vân Linh, “Thanh toán không dùng tiền mặt, những con số bất ngờ”. htps:// tinnhanhchungkhoan.vn/dich-vu-tai-chinh/ thanh-toan-khong-dung-tien-mat-nhungcon-so-bat-ngo-331480.html
  4. Lê Đình Hạc, “Xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ 2, tháng 11/2019, truy cập tại địa chỉ: htp://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ xu-huong-phat-trien-thanh-toan-khongdung-tien-mat-tai-viet-nam-318136.html
  5. Việt Dũng, “Đâu là lĩnh vực có nguy cơ cao nhất về rửa tiền?”, truy cập ngày 4/11/2019 tại địa chỉ: https://www.thesaigontimes. vn/296383/dau-la-linh-vuc-co-nguy-co-caonhat-ve-rua-tien.html
  6. PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy, “Pháp luật về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán”. Kỷ yếu hội thảo “Pháp luật về phòng, chống rửa tiền trên thế giới và ở Việt Nam”, Khoa Luật Đại học Quốc gia, 8/2020
  7. Bộ luật hình sự năm 2015
  8. Anh Minh, “Cảnh báo nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng”, http://baochinhphu.vn/kinh-te/canh-baonguy-co-rua-tien-trong-linhvuc-bat-dongsan-ngan-hang/366223.vgp
  9. Luật các TCTD năm 2010, Thông tư số 39/2016/TT-NHNNVN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.