Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi cho tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng những dự án nào

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

VỀ VAY VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC

....................***....................

1. Đối tượng cho vay

Đối tượng cho vay là Chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, bao gồm các ngành nghề, lĩnh vực:

a. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội [không phân biệt địa bàn đầu tư], bao gồm:

- Dự án đầu tư đường bộ, cầu đường bộ, đường sắt và cầu đường sắt;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ công nghiệp và sinh hoạt;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện và các cụm công nghiệp làng nghề;

- Dự án xây dựng quỹ nhà ở tập trung cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, ký túc xá cho sinh viên;

- Dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế: mở rộng, nâng cấp, đầu tư thiết bị, xây dựng mới bệnh viện;

- Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề;

- Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại làng nghề tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề ở nông thôn.

b. Nông nghiệp nông thôn [Không phân biệt địa bàn đầu tư], bao gồm:

- Dự án xây dựng mới, mở rộng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung;

- Dự án phát triển giống thuỷ, hải sản; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thuỷ, hải sản;

- Dự án phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp;

c. Công nghiệp [không phân biệt địa bàn đầu tư], bao gồm:

- Dự án đầu tư chế biến sâu quặng từ khoáng sản, cụ thể:

+ Phôi thép, gang có công suất tối thiểu 200 nghìn tấn/năm; + Sản xuất Alumin có công suất tối thiểu 300 nghìn tấn/năm; sản xuất nhôm kim loại có công suất tối thiểu 1.000 nghìn tấn/năm; + Sản xuất Fero hợp kim sắt có công suất tối thiểu 300 nghìn tấn/năm; + Sản xuất kim loại màu có công suất tối thiểu 5.000 nghìn tấn/năm;

+ Sản xuất Fero bột màu đioxit titan có công suất tối thiểu 20.000 nghìn tấn/năm.

- Dự án sản xuất động cơ Điezel từ 300CV trở lên;

- Dự án đầu tư đóng mới toa xe đường sắt và lắp ráp đầu máy xe lửa;

- Dự án đầu tư bào chế, sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc cai nghiện, văcxin thương phẩm và thuốc chữa bệnh HIV/AIDS;

- Dự án đầu tư xây dựng thuỷ điện nhỏ công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100MW; xây dựng nhà máy điện từ gió;

- Dự án đầu tư sản xuất DAP và phân đạm.

d. Các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang.

đ. Các dự án cho vay theo Hiệp định Chính phủ; các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Điều kiện cho vay

a. Đối với dự án:

- Thuộc Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

- Được lập và trình duyệt theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Hồ sơ dự án phải đảm bảo đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, chính xác, trung thực.

NHPT có quyền từ chối thẩm định và xem xét cho vay khi phát hiện trong hồ sơ dự án do chủ đầu tư cung cấp có những tài liệu, giấy tờ phản ánh thông tin sai sự thật.

- Phải có hiệu quả về tài chính, có khả năng cân đối và hoàn trả nợ vay trong thời hạn vay vốn của dự án; được NHPT thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và quyết định cho vay theo các quy định hiện hành.

- Trường hợp dự án đã được quyết định đầu tư, hoặc dự án đã thực hiện đầu tư bằng các nguồn vốn khác, nhưng giá trị khối lượng thực hiện chưa vượt 30% tổng mức đầu tư; nếu cơ cấu nguồn vốn theo quyết định đầu tư được duyệt có sự biến động dẫn đến không đủ vốn để thực hiện dự án thì NHPT có thể xem xét cho vay nếu dự án và chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện vay vốn theo quy định.

- Phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản theo quy định hiện hành của pháp luật và của NHPT; trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản NHPT thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

b. Đối với chủ đầu tư:

- Phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Phải đảm bảo đủ vốn thực hiện dự án [ngoài vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước], bao gồm: vốn tự có, vốn vay tổ chức tín dụng, vốn huy động khác. Trong đó mức vốn tự có tham gia đầu tư dự án tối thiểu bằng 15% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án; đối với dự án đầu tư tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, việc đảm bảo mức vốn tự có thấp hơn do Tổng giám đốc NHPT quyết định trên nguyên tắc dự án phải có hiệu quả, có khả năng thu hồi nợ.

Số vốn tự có tham gia đầu tư dự án được gửi vào tài khoản mở tại hệ thống NHPT để giải ngân cùng vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án:

+ Nếu là đơn vị mới thành lập thì các thành viên, cổ đông sáng lập phải có khả năng về tài chính để đảm bảo đủ vốn tự có cũng như khả năng huy động các nguồn vốn khác tham gia đầu tư dự án.

+ Nếu là đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, thì phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế tính đến năm tài chính liền kề; có khả năng đảm bảo đủ vốn tự có và các nguồn vốn khác để tham gia đầu tư dự án; không phát sinh nợ quá hạn trong quan hệ tín dụng với NHPT tại thời điểm thẩm định dự án.

- Đơn vị đang sản xuất kinh doanh hoặc các thành viên, cổ đông sáng lập [đối với đơn vị mới thành lập] phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư dự án, có bộ máy quản lý có đủ trình độ và năng lực chuyên môn để điều hành hoạt động của dự án.

- Cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay và bảo hiểm tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước và của NHPT.

- Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối.

- Người đại diện theo pháp luật của Chủ đầu tư phải có: năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất kinh doanh, thời gian tác nghiệp trong lĩnh vực đầu tư của dự án hoặc lĩnh vực liên quan đến dự án không dưới 5 năm; có uy tín trong quan hê tín dụng với NHPT, không để phát sinh các khoản nợ khó đòi trong các hợp đồng tín dụng ký với NHPT mà người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư là chủ thể.

- Các cổ đông sáng lập của doanh nghiệp [đối với công ty cổ phần] hoặc thành viên góp vốn [đối với công ty trách nhiệm hữu hạn] hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp [đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp tư nhân] phải có uy tín trong quan hệ tín dụng với NHPT, không để phát sinh nợ khó đòi trong các hợp đồng tín dụng ký với NHPT mà các đối tác nêu trên là chủ thể.

3. Mức vốn cho vay

- Mức vốn vay đối với từng dự án do NHPT quyết định, tối đa bằng 70% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án theo quyết định đầu tư được người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp cho vay vượt mức quy định trên thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ đầu tư phải sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác [vốn tự có, vốn tự huy động, vốn vay tổ chức tín dụng...] cùng với vốn vay NHPT để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định đầu tư dự án.

- NHPT thực hiện giải ngân cho dự án theo cơ cấu nguồn vốn tham gia đầu tư dự án.

4. Thời hạn cho vay

- Thời hạn cho vay là khoảng thời gian từ khi rút vốn lần đầu cho đến khi trả hết nợ vay [gốc và lãi] theo hợp đồng tín dụng đã ký. Thời hạn cho vay được tính theo tháng và xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 144 tháng.

- Một số dự án đặc thù được vay với thời hạn cho vay trên 144 tháng nhưng tối đa không quá 180 tháng, gồm có dự án nhóm A, dự án trồng cây thông, cây cao su.

- Thời hạn cho vay tối đa không được vượt thời hạn hoạt động còn lại của chủ đầu tư theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và thời hạn giao đất, cho thuê đất còn lại.

5. Lãi suất cho vay

- Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, hiện nay là 9%/năm;

- Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam hiện nay là 8,4%/năm; bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm

- Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi do Bộ Tài chính quyết định, hiện nay 7,5%/năm;

- Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu tiên và không thay đổi cho cả thời hạn vay vốn;

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng, được tính trên số nợ gốc và lãi chậm trả;

- Trong thời gian ân hạn, chủ đầu tư chưa trả nợ gốc nhưng phải trả lãi vay.

6. Bảo đảm tiền vay

- Các Chủ đầu tư, khi vay vốn hoặc được bảo lãnh dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh. Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện bảo đảm biền vay và bảo lãnh, Chủ đầu tư phải sử dụng tài sản hợp pháp khác để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh với giá trị tối thiểu bằng 15% tổng mức vốn vay và bảo lãnh;

- Nhà xuất khẩu khi vay vốn hoặc được bảo lãnh tín dụng xuất khẩu phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành của Pháp luật; được miễn tài sản thế chấp khi bảo lãnh dự thầu hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng;

- Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không được chuyển nhượng, bán, cho thuê, cho mượn hoặc thế chấp, cầm cố tài sản bảo đảm khi chưa trả hết nợ. Trường hợp Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không trả được nợ hoặc giải thể, phá sản, NHPT Việt Nam được áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Pháp luật đối với các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ.

Video liên quan

Chủ Đề