Nhân viên google làm việc như thế nào năm 2024

Kỷ nguyên chuyển đối số và giai đoạn hậu COVID-19 chứng kiến hàng loạt những xáo trộn và thay đổi đáng kể về môi trường làm việc, kéo theo những trải nghiệm, lo lắng và kỳ vọng của nhân viên cũng thay đổi. Trong bối cảnh công việc và cuộc sống ngày càng thay đổi, các cách thức quản trị nhân sự kiểu cũ sẽ không hiệu quả trong thời đại mới. Cuộc chiến cạnh tranh và giữ chân nhân tài sẽ trở nên thách thức hơn rất nhiều và không thể chỉ được giải quyết với những hành động đơn thuần như tăng lương. Trải nghiệm nhân viên (Employee Experience – EX) vì thế, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo và quản trị nhân sự doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts và IBM, các doanh nghiệp có chỉ số trải nghiệm nhân viên cao nhất thì nỗ lực của nhân viên lên tới 95% và hiệu quả làm việc đạt 96%. Trong khi nhóm có điểm EX thấp nhất chỉ nhận được 33% nỗ lực của nhân viên và hiệu quả chỉ đạt 73%. Các tổ chức có trải nghiệm nhân viên tích cực sẽ có văn hoá doanh nghiệp tích cực và tăng gấp đôi sự đổi mới.

Hiện nay, trải nghiệm nhân viên đang là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh doanh chủ chốt và được xem là xu thế phát triển nhân sự của tương lai của nhiều “ông lớn” trên thế giới như IBM, LinkedIn, General Electrics, Facebook, và điển hình nhất chính là Google. Chính sách quản trị nhân sự luôn là điểm nổi bật nhất của Google.

Chú trọng tuyển dụng theo cá tính hơn kỹ năng

Mỗi năm Google nhận được khoảng ba triệu đơn ứng tuyển và sau quá trình tuyển dụng khắt khe, Google chỉ tuyển khoảng 7000 ứng viên. Google coi trọng các ứng viên có đạo đức trong công việc hơn là chỉ số IQ. Họ muốn thu hút những người thông minh và có hiệu suất cao nhưng đồng thời cũng khiêm tốn, tận tâm, và thoải mái khi đối phó với khó khăn. Cuối cùng thì con người chính là yếu tố giúp Google thành công.

Để tạo cho ứng viên cảm giác làm việc tại Google thực sự như thế nào, ứng viên có thể nói chuyện với những người làm việc trong những phòng ban khác. Điều này giúp Google xem xét sự hợp tác cũng như độ phù hợp của ứng viên với Google. Công ty dành rất nhiều thời gian để làm cho quá trình tuyển dụng của tổ chức hiệu quả nhất có thể – giảm thời gian phỏng vấn và tăng sự giao tiếp với ứng viên.

Hỗ trợ trong thời gian hội nhập và minh bạch thông tin

Vào đêm trước khi một nhân viên mới bắt đầu nhận việc, Google sẽ gửi email danh sách này cho các nhà quản lý như một lời nhắc nhở hữu ích:

  • Kết hợp người mới tuyển với một người đồng nghiệp đồng trang lứa
  • Giúp người mới tuyển xây dựng một mạng lưới trên mạng xã hội
  • Đào tạo và định hướng nhân viên mỗi tháng một lần trong sáu tháng đầu tiên
  • Khuyến khích đối thoại một cách cởi mở
  • Gặp những nhân viên mới của bạn vào ngày đầu tiên nhân việc của họ

Bên cạnh đó, Google khác sẵn sàng chia sẻ mọi thứ một cách minh bạch, ngay cả với nhân viên mới. Ví dụ, một nhân viên kỹ sư phần mềm mới được tuyển dụng có thể truy cập vào hầu hết các mã hệ thống ngay từ ngày đầu làm việc. Nhân viên cũng có thể xem lộ trình ra mắt sản phẩm, các kế hoạch, báo cáo nhân viên mỗi tuần, mục tiêu từng quý, ai đang làm những gì, v.v.

Phát triển nghề nghiệp: Phản hồi liên tục và đề cao tính tự thân

Google luôn duy trì giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên nhằm giúp cấp trên hiểu được môi trường, cuộc sống hay những ưu tiên, khó khăn của nhân viên. Từ đó điều chỉnh lại mục tiêu, dự án để mọi người giải quyết vấn đề cá nhân trước. Khi việc riêng dàn xếp ổn thỏa, họ có thể an tâm, tập trung hoàn toàn vào công việc.

Chiến lược quản lý nhân sự của Google nhấn mạnh vào sự tự học, tự trải nghiệm của bản thân. Theo Lazlo Bock – Cựu Phó Chủ tịch cấp cao mảng điều hành nhân sự của Google thì “về cơ bản, bạn sẽ dần khoác chiếc “áo mới”, cách tư duy, học hỏi và phát triển – mọi thứ đều khác đi”. Công ty đưa ra nhiều chương trình phát triển, xã hội và học tập với mức hỗ trợ lên tới 12.000 USD học phí/năm và chương trình hỗ trợ giáo dục giúp họ theo đuổi mọi mục tiêu, như học ngôn ngữ hay lập trình. Đồng thời, mang lại cơ hội phát triển cho nhân viên với các khóa on-the-job training và khuyến khích họ giúp đỡ các nhân viên khác bằng cách tham gia vào hệ thống kết nối của chương trình nội bộ.

Giữ chân nhân tài: Chú trọng cân bằng 2 yếu tố Con người và Công việc

“Tổ chức thông tin của thế giới và khiến chúng trở nên hữu ích cũng như dễ dàng truy cập trên phạm vi toàn cầu” là nhiệm vụ mà Googlers ở đây luôn hướng tới. Đội ngũ lãnh đạo của Google nhận thức rằng: “Nhiệm vụ thế này giúp cho mỗi cá nhân tìm ra được ý nghĩa trong công việc của mình. Nó gắn liền với các giá trị đạo đức và tinh thần hơn chỉ đơn thuần là một mục tiêu kinh doanh”. Không hề đề cập đến lợi nhuận, thị thường, cổ phần hay khách hàng, cái họ hướng tới tới là con người đi cùng các giá trị tinh thần. Google muốn tạo cho nhân viên của mình cảm hứng làm việc, khát khao cống hiến.

Một trong ba nền tảng cho văn hóa Google là tiếng nói của nhân viên. Vì thế công ty luôn hạn chế sự chênh lệch và khác biệt địa vị cũng như luôn có một nhóm cùng thảo luận và đưa ra quyết định dựa trên hệ thống dữ liệu thay vì chỉ có người quản lý. Google cũng hạn chế những dấu hiệu và yếu tố kích thích khác của thứ bậc: các điều hành viên cấp cao nhất chỉ nhận được những lợi ích, bổng lộc và tài nguyên giống như những nhân viên mới tuyển.

Ngoài ra, Google hiểu rằng rất ít người có thể hoàn toàn tập trung 100% vào công việc trong 8 tiếng liên tục. Do đó, công ty khuyến khích nhân viên chỉ cần tập trung vào một khoảng thời gian ngắn nhưng hiệu quả nhất. Thời gian còn lại có thể dành cho các hoạt động thư giãn như xem phim, chơi game, đọc sách, ngủ,… Đây là lý do văn phòng làm việc của Google được thiết kế nhiều không gian nghỉ, tạo cảm giác thoải mái như ở nhà với những khu vực để nhân viên nằm nghỉ, phòng gym, phòng mát-xa riêng biệt hay cả khu vực “không làm việc” để tiếp đón bạn bè hoặc đối tác.

Rời bỏ: Giá trị đạo đức và tính trách nhiệm

Không chỉ nhiều đặc quyền cho nhân viên, Google cung cấp cho người làm mức lương hậu hĩnh, và các chính sách phúc lợi, các ưu đãi tài chính như chương trình đối ứng hưu trí, đóng góp vào tài khoản 401K tương đương nhân viên lên tới 3.000 USD, và có thể lên tới 50%, và không quá 8.250 USD tháng. Nếu nhân viên quyết định nghỉ việc, họ có thể giữ lại khoản đóng góp bằng cách chuyển tiếp hoặc rút về, nhưng chịu mức phạt 10%.

Google cũng có những chính sách để tri ân các nhân viên chẳng may qua đời. Khi một nhân viên mất, số cổ phiếu Google của họ sẽ ngay lập tức được sở hữu vô điều kiện, vợ hay chồng còn được hưởng phân nửa mức lương của họ trong vòng 10 năm, cùng mức trợ cấp 1.000 USD mỗi tháng cho mỗi người con chưa thành niên. Google cho biết những quyền lợi này không mang lại nhiều lợi ích cho công ty nhưng đó là một giá trị đạo đức mà công ty muốn duy trì khi Google cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ nhân viên nếu thảm kịch xảy ra với cuộc đời họ.

Nguồn nhân lực là nguồn lực không thể thiếu, quyết định sức cạnh tranh và tài sản của doanh nghiệp, gắn với chiến lược trải nghiệm nhân viên, nhất là với thế hệ nhân viên 9x và Gen Z. Trải nghiệm nhân viên không chỉ là một hay nhiều hoạt động, nó nên được nhìn nhận như một chiến lược. Lãnh đạo doanh nghiệp cần nghĩ về trải nghiệm nhân viên như một trong những điều nên được ưu tiên hàng đầu cần định hình và thiết kế trong công ty. Tất cả những điểm chạm trên hành trình trải nghiệm nhân viên đều ảnh hưởng đến cách nhân viên cảm nhận về công ty. Những cảm xúc này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng giữ chân nhân tài, gắn kết nội bộ, giúp nhân viên cải thiện hiệu suất, đem lại sự phát triển trong công việc, cũng như gia tăng tỷ lệ giữ chân và hài lòng của khách hàng. Cũng như Richard Branson đã từng nói rằng: “Khách hàng không đến trước. Nhân viên đến trước. Nếu bạn chăm sóc nhân viên của mình, họ sẽ chăm sóc khách hàng của bạn”. Nguồn nhân lực đã, đang và luôn đóng vai trò quan trọng bậc nhất để doanh nghiệp duy trì đà phát triển và lớn mạnh từ sâu bên trong.

Nguồn tham khảo:

https://www.perkupapp.com/post/11-awesome-google-benefits-and-perks-for-employees https://www.businessinsider.com/google-is-the-best-company-to-work-for-in-america-2016-4

most-googlers-think-their-work-makes-the-world-a-better-place-2

https://financialpost.com/business-insider/google-internshiphttps://www.ibm.com/downloads/cas/JDMXPMBM