Phun thuốc diệt cỏ có ảnh hưởng đến cây trồng

Thay vì phát cỏ, dọn vệ sinh đồng ruộng, nhiều hộ dân tại Hà Tĩnh đã lạm dụng thuốc trừ cỏ để làm sạch ruộng đồng. Tuy tiết kiệm được chút thời gian, công sức, nhưng việc làm này lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, môi sinh và đe dọa đến sức khỏe con người.

Cỏ “ăn” thuốc, chết khô trên cánh đồng

Các chủ đồng ruộng cắm cọc có chai thuốc làm dấu hiệu cảnh báo khu vực phun thuốc

Thời gian qua, tình trạng phun thuốc trừ cỏ để làm sạch đất nông nghiệp bỏ hoang lâu ngày diễn ra trên địa bàn một số huyện. Trên các cánh đồng, những đám cỏ chết khô sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, xen lẫn là một số khu vực được phủ màu mùn đen do chủ đất đã đốt cỏ khô sau phun.

Ghi nhận trên cánh đồng thuộc xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Giang [ Nghi Xuân]; xã Thịnh Lộc, [Lộc Hà],... cỏ dại chết khô. Cùng với đó là chai, lọ thuốc trừ cỏ sau khi phun được vứt bừa bãi trên cánh đồng. Trong số đó, đa phần là những chai thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, như: Kanup 480SL, Bravo 480SL,… Đây là hoạt chất đã được Cục Bảo vệ thực vật [Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn] đưa vào danh mục cấm và sẽ cấm sử dụng hoàn toàn vào tháng 6/2020.

Và để tránh người dân dẫn trâu, bò đi vào những khu vực phun thuốc, các chủ đất đã cắm cọc có chai thuốc trừ cỏ làm dấu hiệu cảnh báo.

Chai thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate [hoạt chất đã được đưa vào danh mục cấm và sẽ cấm sử dụng hoàn toàn vào tháng 6/2020] người dân bỏ lại ở cánh đồng sau khi phun.

Được biết, những khu vực người dân phun thuốc chủ yếu là đất trồng hoa màu không sản xuất từ tháng 5/2019, cỏ dại mọc dày đặc.

Theo một số người dân, sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, cỏ chết rất nhanh. Loại thuốc này được xem như một “phép màu”, vừa rẻ tiền, vừa nhanh chóng biến những đám cỏ rộng lớn, còn tươi xanh trở nên chết khô chỉ sau một thời gian ngắn.

Để tiết kiệm thời gian, công sức, nhiều người nông dân chọn cách phun thuốc diệt cỏ

Ông T. – một người dân xã Xuân Mỹ [Nghi Xuân], nhìn nhận: “Đã là thuốc trừ cỏ thì ít nhiều gì cũng độc hại. Nhưng nếu làm cỏ, mất rất nhiều ngày công, còn chỉ cần phun 1 bình thuốc là dọn sạch cả sào đất. Có nhiều loại thuốc diệt cỏ nhưng loại hiệu quả cao, cỏ chết nhanh, đại lý bán nên chúng tôi mua”.

Lợi tức thì, hậu quả lâu dài

Thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate mà nhiều người dân đang sử dụng hiện nay có khả năng gây ung thư đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cấm tại Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019.

Quyết định này nêu rõ: Loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với các thuốc có chứa hoạt chất Glyphosate. Các loại thuốc chứa hoạt chất này không được phép sản xuất, nhập khẩu, chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực [quyết định có hiệu lực sau 60 ngày từ ngày ban hành].

Như vậy, đến ngày 10/6/2020, thuốc bảo vệ thực vật chứa Glyphosate sẽ bị cấm buôn bán, sử dụng.

Cạnh những đám cỏ cháy khô là chai lọ thuốc trừ cỏ vứt bừa bãi

Ông Nguyễn Trí Hà cho biết, vài năm trở lại đây, Bộ NN& PTNT đã cấm rất nhiều hoạt chất thuốc BVTV vì tính nguy hại đến môi trường và sức khỏe.

Đối với thuốc trừ cỏ hoạt chất Glyphosate, ngay sau khi Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cấm, chi cục đã có công văn xuống các địa phương, cơ sở, khuyến cáo người dân không nên sử dụng và các cơ sở kinh doanh không nhập thêm thuốc mới về. Tuy nhiên, vì chưa cấm bán và sử dụng nên tình trạng người dân sử dụng vẫn còn.

Khi quyết định có hiệu lực, đơn vị sẽ thanh tra, kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV, nếu phát hiện tình trạng buôn bán, sử dụng, sẽ tiến hành xử phạt.

Một số tên thương phẩm thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate đã nằm trong danh sách cấm và sẽ bị cấm sử dụng từ 10/6/2020.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật [BVTV] Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà, hậu quả của lạm dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng là làm mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường nặng nề, gây thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là ảnh hưởng sức khỏe con người.

Người sử dụng thuốc BVTV là người đầu tiên bị ảnh hưởng. Các độc tính có thể không nguy hiểm ngay mà tích lũy dần dần đến một lúc nào đó sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Nguy hiểm hơn, có nhiều loại thuốc BVTV gây biến đổi di truyền ở nhiều đời như dị tật hay mắc những bệnh hiểm nghèo bẩm sinh.

Khánh Ngọc

Người dân xã Hoằng Thắng [Hoằng Hóa] sử dụng thuộc “cỏ cháy” để dọn đồng ruộng.

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới [WHO] công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] chứa hoạt chất Glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến.

Đối với hoạt chất paraquat có thể gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim. Khi tiếp xúc trực tiếp với paraquat qua da, hô hấp hoặc đường tiêu hóa đều có thể bị ngộ độc và tử vong mà không có thuốc giải độc. Ngoài ra, paraquat được xếp vào nhóm rất độc với thủy sinh, để lại hậu quả lâu dài... Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, việc bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate và paraquat để phun diệt cỏ vẫn còn khá phổ biến.

Có mặt tại cánh đồng màu xã Hoằng Thắng [Hoằng Hóa], tận mắt chứng kiến từng đám cỏ bị cháy khô xen lẫn với những thửa đậu xanh tốt, tò mò chúng tôi xuống gặp gỡ người phụ nữ đang dọn đám cỏ khô trên ruộng. Bà H., thôn Hoàng Trì 1, xã Hoằng Thắng vừa vơ cỏ, vừa cho biết: Thửa ruộng gần 500m2 của gia đình bà trước đây trải túi bóng để trồng dưa thì ít cỏ dại. Nhưng vụ dưa nào cũng bị mất trộm mà giá lại thấp nên vụ vừa rồi bà chuyển sang trồng lạc. Thế là cỏ dại mọc um tùm. Để dọn ruộng chuẩn bị cho cây trồng mới, bà phải mua thuốc “cỏ cháy” về để phun.

- “Bà có biết là thuốc này độc hại lắm không?”, chúng tôi hỏi.

- “Cũng chẳng biết có độc hay không nhưng tôi thấy phun diệt cỏ hiệu quả nên cứ dùng. Ở đây nhiều người cũng dùng để dọn ruộng, dọn bờ chứ làm thủ công thì không xuể được” - bà H., thẳng thắn trả lời.

Cách đó không xa, cô L., ở thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng đang đốt đống cỏ khô. Cô L. cho biết: Cỏ mọc trên ruộng thì cô nhổ bỏ, phơi khô và đốt, còn lại ở bờ ruộng, nhiều cỏ quá nên cũng đành phải phun thuốc “cỏ cháy” để dễ dọn. “Mua thuốc này có khó không ạ?”, chúng tôi hỏi. – “Thuốc bây giờ bị cấm nên cũng khó mua, thuốc này là do cô mua trữ từ vụ trước để dành dùng dần?!”, cô L. ngần ngại nói.

Ông H., ở xã Hoằng Lưu nhưng có người em ở xã Hoằng Thắng đi làm ăn xa. Thửa ruộng gần 500m2 ngay giáp đường giao thông của gia đình người em không có người canh tác nên ông tận dụng sản xuất để có thêm thu nhập. Nhưng vì không có lao động nên ruộng không thể liên canh được, thành thử mỗi năm chỉ trồng được vụ lạc, vụ ngô, thời gian chuyển vụ là cỏ dại lại mọc um tùm. Vừa đeo trên vai bình thuốc cỏ, không khẩu trang, không trang phục bảo hộ, ông H. chĩa vòi phun vào đám cỏ bên bờ ruộng. Vừa phun, ông vừa nói: Cỏ mọc tốt lắm, không phun thế này thì không thể nào dọn được ruộng. Phun cả ruộng như thế này phải mất 3 lọ thuốc, giá gần 60.000 đồng thì mới đủ để diệt cỏ. Giờ thuốc này bị cấm nên rất khó mua.

Không chỉ người dân ở xã Hoằng Thắng sử dụng thuốc “cỏ cháy” để diệt cỏ mà hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh, người dân vẫn sử dụng thuốc này để dọn ruộng nhằm giảm công lao động. Theo người dân, sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, cỏ dại trên đồng đều bị chết cháy. Thế nhưng, đó chỉ là cái nhìn trước mắt của người dân. Còn trên thực tế, các loại thuốc “cỏ cháy” có hoạt chất paraquat và Glyphosate thuộc nhóm thuốc trừ cỏ không chọn lọc, có tác động đến hầu hết các loài thực vật đang ở thời kỳ sinh trưởng. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhóm thuốc trừ cỏ này có tính độc hại cao và chỉ đăng ký sử dụng chủ yếu để khai hoang, vỡ hóa, trừ cỏ trên đất trồng cây lâu năm, đất không trồng trọt. Song việc sử dụng các loại thuốc này đối với đất trồng trọt cũng không phải là hiếm.

Ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục BVTV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NN&PTNT] tỉnh, cho biết: Ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn tình trạng nông dân sử dụng nhóm thuốc trừ cỏ không chọn lọc để diệt cỏ. Hoạt động này mang tính tự phát, để lại hệ lụy nặng nề bởi các hoạt chất có tính độc cao, thời gian tồn dư trong đất dài, gây tác hại đến môi trường sống. Chính vì vậy, Nhà nước đã loại bỏ các loại thuốc BVTV có hoạt chất độc hại này ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể, theo Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 2-8-2017 của Bộ NN&PTNT, từ ngày 8-2-2019, thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và paraquat chính thức bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Do vậy, cơ sở hoặc hộ nông dân nào mua bán hoặc sử dụng loại thuốc này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với hoạt chất Glyphosate, tại Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10-4-2019 cũng nêu rõ: Loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đối với các thuốc có chứa hoạt chất Glyphosate. Các loại thuốc chứa hoạt chất này không được phép sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực [quyết định có hiệu lực từ ngày 9-6-2019]. Vì vậy, chi cục đã hướng dẫn các địa phương cấm người dân không được sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất 2.4D, paraquat và hạn chế sử dụng thuốc có hoạt chất Glyphosate để phun trên đất nông nghiệp.

Về phía người dân khi sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng [bao gồm: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp]. Để góp phần hạn chế tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV, đặc biệt những loại thuốc nằm trong danh mục không được phép sử dụng tại Việt Nam; cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về hậu quả của việc sử dụng tràn lan thuốc diệt cỏ, cách thức thay thế bằng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cùng với cơ quan quản lý, chính quyền cơ sở cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, giám sát trong cộng đồng dân cư về việc sử dụng thuốc BVTV, để ngăn chặn, xử lý những trường hợp sử dụng các loại thuốc BVTV không được phép sử dụng, tạo tính răn đe, giáo dục đối với mỗi người dân.

Minh Hiền

Video liên quan

Chủ Đề