Rò rỉ hạt nhân là gì

Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, thì bức xạ hạt nhân tiềm ẩn những mối nguy hiểm lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và môi trường cộng đồng nếu như chúng ta không quản lý chặt chẽ.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, kỹ thuật bức xạ hạt nhân đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống như: y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, thì bức xạ hạt nhân tiềm ẩn những mối nguy hiểm  lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và môi trường cộng đồng nếu như chúng ta không quản lý chặt chẽ.

Rò rỉ phóng xạ và những nguy cơ cho sức khỏe

Các vụ cháy nổ ở Nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima được coi là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất mà Nhật Bản phải đối mặt kể từ sau vụ bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II. Đây cũng là lần đầu tiên một mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng như vậy đã được dấy lên trên thế giới kể từ sau vụ nổ ở Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine vào năm 1986. Tuy vậy, các nhà khoa học cũng khuyên người dân không nên lo lắng thái quá trước những nguy cơ này.

Tất cả các nhân phóng xạ có trong tự nhiên gây ra cho con người một liều chiếu bức xạ nhất định. Các nhân phóng xạ phát ra các bức xạ ion hóa và nếu chúng ở bên ngoài cơ thể của con người sẽ gây ra một liều chiếu ngoài. Các nhân phóng xạ cũng có thể xâm nhập vào trong cơ thể của con người qua đường hô hấp và tiêu hóa gây nên một liều chiếu trong. Radon có thể được xem như là một nguồn phóng xạ tự nhiên có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe của con người. Hằng năm trung bình mỗi người chúng ta nhận một liều bức xạ từ các nguồn phóng xạ tự nhiên khoảng 2mSv. Liều bức xạ giới hạn đối với con người là 50-100mSv. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, liều bức xạ hạt nhân xung quanh các nhà máy điện nguyên tử bị cháy nổ đã tăng tới liều giới hạn của cơ thể người. Iôt-131 và Cesi-137 là một trong số các chất phóng xạ thải vào khí quyển sau các sự cố hạt nhân. Bởi vậy, chúng ta có thể tiếp xúc, ăn uống, hít thở phải phóng xạ. Việc phân rã các hạt nhân urani trong lò phản ứng hạt nhân tạo ra một lượng lớn Iôt-131. Bởi vì Iôt ở dạng khí khi ở nhiệt độ cao, nên nó có thể lan ra trong môi trường sau một vụ nổ hạt nhân. May mắn là chu kỳ bán rã của Iot chỉ có 8 ngày. Sau 8 ngày, hoạt độ của nó chỉ còn 1/2, sau 16 ngày còn 1/4, sau 24 ngày còn 1/8. Các chất phóng xạ tự hủy cũng không có nghĩa là bức xạ không tồn tại trong môi trường vĩnh viễn. Các chất có đời sống ngắn, khi sinh ra sẽ được phân rã nhanh hơn các chất có đời sống dài. Khi bức xạ xuyên qua một vật vô sinh sẽ không nhận thấy sự thay đổi về cấu trúc của vật liệu. Nhưng khi bức xạ vào một điểm của tế bào sống thì có thể làm tổn thương lâu dài đến mô. Về nguyên tắc, ngay cả một lượng bức xạ ion hoá nhỏ nhất cũng có thể làm thay  đổi một phân tử quan trọng và điều đó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của tế bào. Tuy vậy khả năng liều xạ nhẹ dẫn đến ung thư là rất hiếm. Các tế bào trong cơ thể con người đổi mới liên tục, không ngừng. Bức xạ vào cơ thể hôm nay sẽ không ảnh hưởng đến chính tế bào đã bị ảnh hưởng xạ một năm trước đây. Do vậy, theo đánh giá, thì liều cao một lần có thể gây tử vong, trong khi với cùng liều như vậy nhưng chịu dần dần, lâu dài có thể không gây bất cứ biểu hiện bệnh tật nào. Những liều xạ nhỏ có thể gây tổn thương các phần tử trong tế bào đơn độc, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Sau các vụ cháy nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy đã tăng ở mức có thể gây hại cho sức khỏe.

Đối với DNA - thành phần cơ bản của gen, điều khiển việc sản sinh ra các nhân tế bào cùng loại, thì ảnh hưởng của bức xạ có thể là nghiêm trọng. Con đường duy nhất mà liều xạ thấp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe là gây tổn thương nghiêm trọng cho phân tử DNA. Nếu một tế bào DNA bị tổn thương tiếp tục sản sinh ra các tế bào khác thì tổn thương đó có thể tiếp tục được nhân lên mãi. Kết quả có thể là các tế bào không bình thường được hình thành. Về lâu dài, việc đó có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Tuy nhiên có nhiều cách để vượt qua, trước khi DNA tổn thương trở thành ác tính. Bức xạ không gây ra một loại bệnh ung thư mới đặc biệt nào. Ung thư phổi do khói thuốc lá về mặt y học cũng giống như ung thư phổi do hít thở không khí nhiễm độc hay khí xạ. Nếu một bệnh nhân bị ung thư, không chắc chắn tuyệt đối là do nguyên nhân bức xạ.

Phải chăng ảnh hưởng tâm lý là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của bức xạ đối với con người?

Sau tai nạn Chernobyl, không có ai trong các nước Tây Âu và Scandinavia bị liều bức xạ tức thì vượt quá 0,1mSv [bằng 1/500 - 1/1000 so với liều bức xạ giới hạn]. Thế nhưng, nhiều người nói rằng, do bức xạ mà họ bị đau đầu, mẩn ngứa, phát ban, đi ngoài, mất ngủ. Không có bằng chứng gì để xác định rằng những triệu chứng đó của họ là do ảnh hưởng sinh học của bức xạ đối với cơ thể. Sự lo sợ, mối quan tâm và thiếu hiểu biết có thể gây ra các dấu hiệu bệnh tật nhất thời. Sự căng thẳng thần kinh và tâm lý làm cho lo lắng, mất ngủ, đau đầu và đau dạ dày. Những người đã được thông tin đầy đủ và hiểu vấn đề, thì không có những triệu chứng đó, mặc dù họ cũng chịu cùng một liều bức xạ.

Vụ cháy nổ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản.

Ngoài ra cũng có khả năng là hoàn toàn không có mối liên quan nào, dù chỉ là tâm lý, giữa bệnh tật và bức xạ. Những người cảm thấy bệnh bởi bất cứ nguyên nhân gì trong thời gian sự cố có thể tin rằng bệnh tật là do bức xạ gây ra, mặc dù không phải là như vậy. Ngay cả khi các liều xạ đến vài trăm mSv/năm, gấp vài lần liều giới hạn, có thể cũng không hề gây ra các triệu chứng bệnh tật trầm trọng. Bệnh nhân cảm thấy ốm có thể cho rằng các triệu chứng của họ là do bức xạ, nhưng họ nghĩ như vậy là sai. Để chữa trị cho một người như vậy, cần phải tìm các nguyên nhân khác gây ra bệnh. Nếu như các triệu chứng là do tâm lý, gây ra bởi sự lo sợ thì cần phải nói cho bệnh nhân biết sự thực là các liều nhỏ không gây ra dấu hiệu bệnh tật. Các triệu chứng được cho là có liên quan đến bức xạ có thể tạo ra sự lo lắng không cần thiết và làm cho tình trạng người bệnh xấu thêm.            

  BS. Bùi Long


Chủ Đề