So sánh cung oán ngâm và hai đứa trẻ năm 2024

Song thất lục bát là một phát minh vĩ đại của dân tộc ta. Thể thơ này không chỉ làm bật lên những nét đẹp rất đặc trưng, rất riêng của tiếng Việt ta mà còn chuyên chở tâm tình người Việt suốt hàng thế kỷ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất được viết bằng thể thơ song thất lục bát là tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, được sáng tác vào khoảng nửa sau thế kỉ XVIII.

2. Thời kỳ “Lê-Nguyễn”

“Lê-Nguyễn” là khái niệm dùng để chỉ giai đoạn lịch sử dài hơn 500 năm từ năm 1427 khi nghĩa quân Lam Sơn triển khai thành công chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan quân Minh, nước Đại Việt được khôi phục, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đến giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1528-1802), giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945), kết thúc bằng sự kiện vua Bảo Đại thoái vị.

Lịch sử Phật giáo suốt hai triều Lê-Nguyễn kéo dài 517 năm, nhưng do tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động (cuộc chiến giữa các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực) nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nước nhà nói riêng.

Thời Hậu Lê, xu hướng quan điểm tam giáo đồng nguyên (hòa hợp ba tôn giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo) bị loại bỏ, nền văn hóa dân tộc độc lập của Đại Việt bị chèn ép bởi nền hệ tư tưởng giáo điều của Tống Nho (ta lấy Tống Nho hà khắc làm nền tảng cai trị chứ không lấy Hán Nho cởi mở, phóng khoáng). Tư tưởng cửa Khổng sân Trình đã chiếm địa vị quan trọng bậc nhất trên trường chính trị, đồng thời lan tỏa sự ảnh hưởng sâu rộng đến các tác phẩm văn học. Phật giáo bị đẩy ra khỏi hệ tư tưởng của vua quan, những nhà sư đã không còn được tham gia chính sự nữa mà phải lui về chốn thiền môn, đạo Phật đã suy thoái lại càng suy thoái hơn. Triều Hậu Lê được xem là thời kỳ mà Phật giáo suy đồi nhất trong các triều đại kể từ khi đất nước Đại Việt dành lại chủ quyền dân tộc từ tay các thế lực phong kiến Trung Quốc thời Bắc thuộc. Trong thời kỳ này, nhiều nhà sư không học hành nghiêm chỉnh, chỉ chăm chăm tu tập theo hình thức, không chú trọng nội dung tư tưởng, ngoài ra còn làm nhiều việc mê tín (như điểm nhãn, cầu mưa, phù chú) hòng mưu cầu danh lợi...

3. Tác giả - tác phẩm

Nguyễn Gia Thiều (sinh năm 1741, mất năm 1798) là người làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh , thân phụ là Nguyễn Gia Cư, một quan võ được phong tước Đạt Vũ Hầu, thân mẫu là bà Ngọc Tuân Quỳnh Liên công chúa, con gái chúa Trịnh Hy Tô.

Ông vốn thuộc dòng dõi quí tộc, có tư chất thông minh dĩnh ngộ khác thường, khi trẻ ngoài sự học văn còn theo học võ, tinh thông cung kiếm, 19 tuổi được vào cung trung làm chức Hiệu uý quản binh mã, lập chiến công, được phong tước Ôn như Hầu. Trong thời gian làm tổng binh ở Hưng Hóa, dù có công và được khen thưởng nhưng ông vẫn thường bỏ về nhà riêng ở Hồ Tây để làm thơ và bàn luận về triết học với bạn bè. Có người nói rằng chúa Trịnh không còn tin dùng ông nữa nên đẩy ông đi trấn giữ Hưng Hóa vì thế mà ông chán nản bỏ về nhà sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả tu hành với hiệu là Như Ý Thiền. Ông còn những biệt hiệu khác là Hy Tôn Tử, Tân Thi Viện Tử và Sưu Nhân. Đến khi Tây Sơn lấy Bắc hà, thì ông đi ở ẩn không chịu ra làm qua, thọ bệnh và mất năm 1798, hưởng thọ 58 tuổi.

Những tác phẩm còn để lại, về phần chữ Hán có bộ Tiền hậu thi tập, nhưng chưa tìm thấy, chỉ còn khẩu truyền một vài bài; về phần chữ Nôm thì còn Tây hồ thi tập, bộ tứ trai và Cung oán ngâm khúc. Ở tập Chuyết thập tạp chí của ông Lý Văn Phức chép truyện Ôn như Hầu có nói rằng: "Nhất thị ứng khẩu thành tụng, ngữ ngữ khả nhân, nhất thị thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân", nghĩa là: một là ra lời nói thành câu thơ, lời lời thảy nghe được, hai là nghìn lần nhồi nặn, trăm lần nung luyện ra câu thơ, lời lời khiến người nghe phải sợ... tức là Nguyễn Gia Thiều có tài ứng đối thơ nhanh chóng và những lời thơ ấy khi qua trau chuốt, chỉnh sửa lại thì càng hay hơn

Tác phẩm Cung oán ngâm khúc không chỉ là minh chứng sáng rõ cho tài hoa của Nguyễn Gia Thiều mà còn là đóng góp đáng kể của ông cho nền văn chương nước nhà nói chung và cho văn học Phật giáo Lê - Nguyễn nói riêng.

Cung oán ngâm khúc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ Nôm, gồm 356 câu thơ làm theo thể song thất lục bát. Đây là một bài ca ai oán về thân phận của người cung nữ tài sắc vẹn toàn, lúc đầu được vua sủng ái, yêu thương thắm thiết nhưng chẳng bao lâu lại bị bỏ rơi. Người cung nữ sống trong cung cấm trong tâm thế cô đơn, khắc khoải mong chờ một ngày lại được cửu trùng đoái tới, nhưng càng ngóng đợi bao nhiêu thì bóng dương lại càng xa vời bấy nhiêu. Nàng thiết tha mơ về cảnh “hoắc lê thanh đạm”, dù nghèo đói bần hèn nhưng cuộc đời lại thong dong, hạnh phúc. Nàng cung nữ nghĩ cho phận mình rồi lại ngẫm cảnh đời biến chuyển, vô thường, ân sủng mà nàng từng có được và cả vinh hoa phú quí mà nàng được hưởng đều chỉ như giấc mộng Nam Kha, có thể dễ dàng biến mất bất cứ lúc nào.

.jpg)

4. Ngôn ngữ

Tác phẩm dùng nhiều thuật ngữ trong kinh điển Phật học. Các từ ngữ gợi chỉ về Phật giáo tập trung chủ yếu ở đoạn III (câu 33 - câu 132):

“Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau!”

“Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,

Mối thất tình quyết dứt cho xong

Đa mang chi nữa đèo bòng ?

Vui gì thế sự, mà mong nhân tình!”

“Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”

“Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh.”

“Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,

Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên”

Huyễn hóa: chỉ muôn vật không có thật tính

Phù sinh: chỉ cuộc đời vô thường, không vững bền, không cố định mà luôn thay đổi

Cửa Phật: chỉ chốn chùa chiền yên tĩnh, thanh tịnh, không vướng bụi hồng trần.

Phù thế: chỉ cuộc đời vô thường, không vững bền, không cố định mà luôn thay đổi

Bể khổ: bởi chữ khổ hải. Tiếng nói của nhà Phật, ví sự khốn khổ mênh mông vô cùng như bể vậy.

Bến mê: bởi chữ mê tân, nhà Phật nói: sự ngờ vực ở nơi tam giới và lục đạo thì gọi là mê tân, bến lạc đường phải nhờ thuyền Từ bi của Phật mới đưa vào đến bến.

Bào ảnh: là cái bọt cái bóng. Kinh Kim cương bát nhã nói: “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ riệc như điện, ưng tác như thị quan” nghĩa là: hết thảy những điều có làm, có bắt chước thảy là như giấc chiêm bao, như chuyện huyền ảo, như bọt nước, như bóng đèn, như giọt móc và cũng như ánh sáng của chớp nhoáng, thì hết thảy nên xem như vậy cả. Ý nói những sự hiện hữu trên đời đều không được lâu bền

Hoa đàm: bởi chữ Ưu đàm hoa, là một hoa thiêng liêng của nhà Phật, ba nghìn năm mới có một lần nở hoa, mỗi khi có hoa tức có Phật ra đời,(Điển lược chép ở Pháp Hoa kinh)

Đuốc tuệ: bởi chữ Tuệ hỏa, tiếng nhà Phật nói: ngọn lửa trí tuệ để đem chúng sinh ra khỏi nơi chướng ngại khổ sở.

.jpg)

Việc sử dụng nhiều thuật ngữ Phật học đã tạo cho tác phẩm mùi văn đậm hương khói cửa Thiền. Từ ngữ được đưa vào một cách tự nhiên, gần gũi, góp phần biểu thị nội dung tư tưởng của tác giả. Phật học đi vào Cung oán ngâm khúc trơn tru nhuần nhị như nước sông hòa vào biển lớn. Tác giả không cố công nhồi nhét Phật giáo vào tác phẩm mà để mọi thứ diễn ra tự nhiên, thuận theo mạch sáng tác nghệ thuật chủ quan của mình.

Các thuật ngữ Phật học chỉ xuất hiện nhiều ở đoạn III mà không xuất hiện xuyên suốt tác phẩm vì chỉ có đoạn III là đoạn thể hiện rõ nhất nội dung tư tưởng triết lý nhân sinh mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Những phân đoạn khác không thể hiện triết lý mà lần lượt miêu tả người cung nữ trước khi lọt vào mắt xanh cửu trùng, những ngày tháng hạnh phúc được hưởng ân mưa móc của vua, nỗi cô đơn buồn tủi xen lẫn oán trách khi không được đoái hoài và niềm tin đầy vô vọng về một ngày nào đó nàng sẽ lại được quân vương âm yếm ấp iu.

5. Tư tưởng

Phật giáo có quan niệm về thập nhị nhân duyên. Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa: rằng tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà được sinh ra và tồn tại trên cõi đời, nhân duyên hợp là sanh, nhân duyên tan rã là diệt. Trước khi diễn ra kiếp sống cuối cùng của Đức Phật, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, dứt mình ra khỏi vòng luân hồi vô thủy vô chung, đó là các vị Độc giác. Còn người thường không trải qua giác ngộ thì sẽ bị trói buộc trong sự luân chuyên của mười hai nhân duyên, gắn mình với khổ đau trần thế.

Thập nhị nhân duyên bao gồm: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử. Trong đó, nhân duyên khó cắt đứt nhất chính là “Ái”. Người cung nữ trong tác phẩm phải đặt cả tấm lòng mình vào quân vương nên nàng mới biết buồn khổ khi không còn được đoái hoài, ân sủng. Nàng phải yêu nhà vua nên mới cố “Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo”, cố níu kéo tuổi xuân hòng được bậc cửu trùng yêu thương, nhớ đến. Đây cũng chính là nguồn gốc nỗi khổ đau, cô đơn, tủi phận của người cung nữ. Nếu nàng không yêu, hẳn nàng sẽ không buồn rầu đến thế. Nàng có thể vui lòng với vinh hoa phú quí trong cung, sống đời vô vi, không bận tâm nhân tình thế thái. Nếu vua ban ân sủng, nàng vui mừng nhưng nếu không có thì nàng cũng chẳng quá khổ sở. Nhưng sợi tơ duyên đã cột hạnh phúc cả đời nàng vào đế vương - chủ nhân của tất cả những nữ nhân trong tam cung lục viện. Chủ nhân của vườn hoa, vị Chúa Xuân ấy chỉ “nhìn ngắm một hai bông gần”, để tâm đến những bông hoa đương độ bung nở đẹp nhất. Khi bông hoa ấy đã nhạt màu, tàn rũ thì Chúa Xuân lập tức tìm đến những bông mới đẹp đẽ hơn, tươi tắn hơn. Người cung nữ đã rất nhiều lần tự nhủ với lòng rằng nàng phải buông bỏ mối duyên đau đớn này, thậm chí còn nguyền rằng thà trước đây không vào cung cầu vinh mà chỉ cần một đời thanh đạm yên bình nơi chân quê là được. Nhưng rốt cuộc, nàng vẫn chẳng thể buông bỏ được. Mối nhân duyên “Ái” đầy đau khổ buộc chặt hạnh phúc người cung nữ.

Bên cạnh sự ảnh hưởng từ tư tưởng Phật giáo, Cung oán ngâm khúc cũng mang chứa rất nhiều âm vang Nho học. Đây là một hệ quả tất yếu bởi lẽ tác phẩm ra đời trong thời kỳ đỉnh cao của Nho giáo (Tống Nho) ở Việt Nam. Nho gia quan niệm rằng ba mối quan hệ rường cột, đóng vai trò giữ vững tôn ti trật tự cho xã hội là: quân thần (quân vương và thần tử, thần tử phải trung vơi vua), phu phụ (quan hệ vợ chồng, trong đó vợ phải tôn kính chồng, đặt chồng lên trên mình) và phụ tử (quan hệ cha con, con phải hiếu kính với cha). Từ ba mối quan hệ trên, có hai điều mà Nho giáo suy tôn, bảo vệ: địa vị của đàn ông trong xã hội và quyền lực tối cao của “thiên tử” (người đứng đầu bộ máy phong kiến). Như vậy, dù bị ruồng rẫy, đối xử như một món vật đã hết giá trị sử dụng nhưng người cung nữ vẫn trung với vua, một lòng với quân vương, giữ tròn vẹn đạo quân thần, phu phụ theo khuôn khổ của Tống Nho hà khắc. Nàng không thể nào xuất cung sống cuộc sống bình dân thanh đạm được vì lễ giáo phong kiến không cho phép. Nhưng thứ ràng buộc nàng đâu chỉ là bản cung quy dài dằng dặc, đâu chỉ là lớp lớp cấm quân gươm giáo sẵn sàng, đâu chỉ là mấy bức tường thành cao lớn lạnh lẽo. Những thứ ấy chỉ giam được thân thể nàng mà thôi, còn sự ràng buộc trong tâm nàng là do nàng tự đặt ra. Người cung nữ dẫu trải qua tháng ngày khổ sở, cô quạnh trong cung cấm nhưng nàng chưa hề nảy ra bất kỳ ý tưởng phản bội quân vương nào. Nàng vẫn một lòng một dạ chờ đợi ân sủng của nhà vua. Dẫu đã trở nên già nua, dù nhan sắc đã nhạt nhòa, dù lòng quân vương đã vĩnh viễn không còn lưu lại ở nàng nữa nhưng nàng vẫn bám víu chút hy vọng mong manh rằng nếu nàng cố trang điểm, cố che giấu dấu vết thời gian trên gương mặt thì vẫn còn cơ hội diện thánh hưởng ân sủng một lần nữa. Nàng vẫn đau đáu trong tâm can:

.jpg)

Niềm hy vọng của người cung nữ mới mỏng manh làm sao, đáng thương làm sao. Bản thân nàng chưa từng hai lòng với quân vương. Đạo làm vợ nàng giữ trọn, đạo quân thần cũng chưa từng lung lay. Trên thực tế, theo những giáo điều phong kiến thời bấy giờ, người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc không được xem là “vợ”, là “thê” của nhà vua mà chỉ là thân phận thiếp thất mà thôi. Sự tồn tại của nàng trên lý thuyết là giúp đấng quân vương “khai chi tán diệp”, nối dài dòng giống mà xã hội thời đó cho là dòng giống cao quý nhất. Thực tế, nàng cung nữ không khác gì một đồ vật để mua vui, để thỏa mãn ham muốn dục vọng của nhà vua. Khi nàng đã không còn gây cho vua hứng thú nữa thì nàng bị vứt vào một góc, không ai đoái hoài, không ai để tâm đến. Nàng không phải là “Hoàng hậu”, người được công nhận là thê, là vợ của người nàng yêu. Nàng không phải là “Hoàng hậu”, người chưởng quản lục cung, kề vai sát cánh, phân ưu cùng đấng quân vương. Nàng chỉ là người cung nữ nhỏ nhoi không danh phận, một sinh thể vô hình vô giá trị trong tam cung lục viện. Một thân phận như vậy, một con người như vậy vẫn phải làm tròn đạo “phu phụ” dẫu rằng người “phu” kia không để tâm, đoái hoài đến mình. Không được buông lời oán than. Không được có tư tình. Không được xuất cung dưới bất kỳ hình thức nào mà không được vua cho phép, kể cả tự tử (luật xưa quy định nếu cung phi tự tử thì gia đình người ấy sẽ chịu liên lụy, bản thân người cung phi ấy cũng thân mang tội lỗi xuống mồ). Trật tự xã hội, trật tự trong Cung oán ngâm là thứ trật tự cực kì hà khắc, cay nghiệt, có khả năng chèn ép thân phận con người đến tận cùng. Dẫu nỗi đau cá nhân có lớn lao đến thế nào, con người thời bấy giờ vẫn phải tuân thủ “tam cương”, “ngũ thường”, phải sống vì đạo lý lớn, vì thiên tử. Họ không được phép phản kháng lại những quy tắc hà khắc ấy, không được phép phá vỡ thứ “trật tự” đầy khắc nghiệt mang đậm màu sắc Tống Nho mà thế lực phong kiến thời bấy giờ đã áp đặt.

6. Cảm hứng nhân đạo

Bản thân Phật giáo là một tôn giáo mang tính dân chủ, phóng khoáng và nhân đạo. Qua nhiều thời kì phát triển, những lúc thịnh suy, đến với nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, Phật giáo vẫn giữ được tinh thần dân chủ, phóng khoáng và nhân đạo ấy. Trong thời kì đất đước chịu nhiều binh biến can qua, tinh thần nhân đạo của Phật được thể hiện ở những con người bé nhỏ với số phận đau khổ. Hình tượng con người như vậy không chỉ có ở các tác phẩm văn học lấy Phật pháp làm đích đến mà còn có ở các tác phẩm mang ít nhiều phong vị chốn thiền môn. Đặc trưng về cảm hứng nhân đạo của văn chương Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng, đồng thời gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền văn chương Việt Nam nói chung trong thời Lê - Nguyễn. Trong thời Lý - Trần, con người trong văn học Phật giáo hiện lên “tự do, tự tại, phá chấp”. Với tinh thần trên, con người (bản ngã) trở lại thành chính mình (thành cái vô ngã), hòa hợp và hòa nhập với thiên nhiên, với đời và với đạo. Trong thời Lê - Nguyễn, hình tượng con người được đưa ra nhằm thể hiện những nỗi khổ đau, thân phận hèn mọn yếm thế. Hành động của chủ thể gắn liền với giáo lý nhà Phật về Tứ diệu đế, xoay quanh những đau khổ trầm luân kéo dài không dứt trong cuộc đời phù du đầy ảo mộng.

Với tác phẩm Cung oán ngâm khúc và hình tượng người cung phi bị vua ruồng rẫy, Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện lòng cảm thương sâu sắc với thân phận người phụ nữ bị siết chặt trong các thiết chế nam quyền của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Sống trong cung vua phủ chúa nhưng nàng không hề hạnh phúc, ngược lại, nàng còn ước ao cuộc sống tuy nghèo khó nhưng hạnh phúc, tự do nơi thôn quê. Say đắm trong ân sủng và vinh hoa, trầm mê trong nỗi cay đắng đơn độc nơi cung cấm, nàng nhận ra sự vô thường của kiếp người, của “mồi phú quý”, của “bả vinh hoa”.

7. Kết

Tác phẩm là một trong những đỉnh cao văn chương trong kho tàng nước nhà. Dù Nguyễn Gia Thiều vẫn chưa thể hiện thật sự rõ ràng sự thối nát của chế độ phong kiến nước ta (người cung nữ không oán trách triều đình phong kiến, chế độ đa thê hay các giáo điều Tống Nho hà khắc mà chỉ trách người vô tình, đời đen bạc) nhưng tác phẩm đã thể hiện rất rõ sự khốn khổ của thân phận người phụ nữ dưới ách phong kiến nặng nề, tàn độc. Những vần thơ làm dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương và sự đồng cảm sâu sắc với người cung nữ, đồng thời cũng thể hiện cái nhìn nhân văn mang đậm màu sắc Phật giáo của tác giả. Đây là một thi phẩm đáng để hậu nhân lưu lại, đọc lại để mà suy ngẫm, để mà xót thương.

Tác giả: Hoàng Anh

Designer: Trúc Phương

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv