So sánh quy định cạnh tranh năm 2024

Từ ngày 01/07/2019, Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/06/2018 bắt đầu có hiệu lực.

Mục tiêu cơ bản của Luật Cạnh tranh là nhằm bảo vệ các quan hệ cạnh tranh, một loại quan hệ công. Thực thi Luật Cạnh tranh với mục tiêu cao nhất là bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, làm động lực phát triển cho nền kinh tế.

Với xu thế toàn cầu hóa và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng trên phạm vi nhiều lãnh thổ, quốc gia khác nhau. Khi đó, thực tiễn sẽ phát sinh nhiều hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc “tác động ảnh hưởng của hành vi” để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước.

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CẠNH TRANH 2018

1. Những quy định bị bãi bỏ:

- Bỏ hành vi tập trung kinh tế ra khỏi khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh (Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018;

- Khái niệm về bí mật kinh doanh (Khoản 10 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004);

- Khái niệm về bán hàng đa cấp (Khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004).

2. Những quy định mới được bổ sung:

- Nguyên tắc cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh (Khoản 2 Điều 5);

- Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cạnh tranh của cơ quan nhà nước (Điều 8);

- Quy định về cách thức xác định thị phần và thị phần kết hợp (Điều 10)

+ Số đơn vị hàng hóa bán ra trên tổng số đơn vị hàng hóa bán ra;

+ Số đơn vị hàng hóa mua vào trên tổng số đơn vị hàng hóa mua vào.

- Hành vi thỏa thuận cạnh tranh (Điều 11):

+ Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm: thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng một thị trường liên quan gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định (Điều 12);

- Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm: miễn trừ của các ngành, lĩnh vực đặc thù (Điều 14);

- Bổ sung thêm thành phần hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và đưa bổ sung quy định: doanh nghiệp tham gia hạn chế cạnh tranh bị cấm nộp hồ sơ (Điều 15);

- Quy định về bãi bỏ quyết định miễn trừ: dựa trên thông tin, tài liệu không chính xác về điều kiện được miễn trừ (Điều 23);

- Lưu ý khi xác định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường: Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan (Điều 24);

- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí đôc quyền bị cấm (Điều 27);

- Hậu quả pháp lý “chấm dứt hoạt động kinh doanh” của doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất (Điều 29);

- Mua lại doanh nghiệp: đưa ra thêm quy định mua lại trực tiếp/gián tiếp (Điều 29);

- Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế: dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế; phương án khắc phục khả năng gây hạn chế cạnh tranh, báo cáo tác động tích cực của việc tập trung kinh tế (Điều 34).

3. Những quy định được thay thế:

- Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, trước đó là Bộ Thương mại (Điều 7);

- Khái niệm về tập trung kinh tế bị cấm: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Do Ủy ban cạnh tranh quốc gia đánh giá. Bỏ quy định về việc chiếm hơn 50% thị phần (Điều 30);

- Thông báo tập trung kinh tế: Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 34 của Luật này trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế (quy định hiện hành là 30- 50%) và được xác định từ các căn cứ: tổng tài sản, tổng doanh thu, giá trị giao dịch, thị phần kết hợp (Điều 33);

- Thay đổi một số quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 45)

+ Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;

+ So sánh hàng hóa của doanh nghiệp mình với hàng hóa của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung. (Hiện hành, chỉ cần so sánh trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác thì đã là hành vi cạnh tranh không lành mạnh)

+ Quy định cụ thể về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh: Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. (Trước đó quy định là khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh);

- Quy định về tố tụng cạnh tranh (Chương VIII).

4. Những quy định hoàn toàn mới:

- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Điều 13);

- Thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 05 năm (Điều 21);

- Xác định sức mạnh thị trường đánh kể (Điều 26);

- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế (Điều 31);

- Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế (Điều 32);

- Thẩm định việc tập trung kinh tế: thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế; tập trung kinh tế có điều kiện, hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (từ Điều 36 đến Điều 40);

- Quyết định về việc tập trung kinh tế và Tập trung kinh tế có điều kiện (Điều 41, 42);

- Các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (Điều 44);

- Lập nên Ủy ban cạnh tranh quốc gia, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động của Ủy ban này (Chương VII)./.

5. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định trong một số luật khác

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 như sau:

  1. Thay cụm từ “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 1, điểm e khoản 2 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 56 bằng cụm từ “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”;
  1. Thay cụm từ “Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 26 và Điều 27 bằng cụm từ “Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”;
  1. Điểm đ khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;”.

2. Bãi bỏ khoản 6 Điều 19 của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12.

3. Bãi bỏ điểm 4.1 tiểu mục 04, mục II, Phần A thuộc Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13.

6. Điều khoản chuyển tiếp

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau:

1. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý mà được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý;

2. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này. Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11.