Song ngành là gì

Theo khoản 1 Điều 18 Quy chế đào tạo chương trình đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT, đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai.

Hiện nay, rất nhiều trường đại học đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình học. Tuy nhiên để được học song song 2 chương trình, 2 chuyên ngành khác nhau, sinh viên phải đáp ứng được một số quy điều kiện nhất định.

Sinh viên có thể học song ngành nếu đáp ứng đủ điều kiện Quy chế đào tạo chương trình đại học và điều kiện khác của Trường Đại học giảng dạy song ngành

Tại khoản 2 Điều 18 Quy chế đào tạo chương trình đại học quy định, sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 01 trong 02 điều kiện sau và các điều kiện khác của cơ sở đào tạo:

- Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

- Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Ngoài điều trên, tùy từng chương trình học, chuyên ngành mà các trường sẽ đặt ra các yêu cầu riêng cho sinh viên muốn học song ngành như: trình độ ngoại ngữ và các chứng chỉ liên quan, không bị kỷ luật, cảnh cáo…

Bên cạnh đó, theo Điều 18 Quy chế ban hành kèm Thông tư 08 quy định như sau:

Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích lũy của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.

Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng kí muộn nhất 02 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

Cơ sở đào tạo chỉ tổ chức đào tạo chương trình thứ hai cho sinh viên khi đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng về chỉ tiêu tuyển sinh, năng lực đào tạo; đồng thời có quy định chi tiết về quy trình, thủ tục, điều kiện đăng ký học và cấp bằng tốt nghiệp chương trình thứ hai.

Như vậy, khi học song ngành, sinh viên phải tập trung đồng đều cho cả hai chương trình học. Nếu kết quả chương trình học thứ nhất của sinh viên ở mức không đạt thì không được học chương trình thứ 2. Đồng thời, nếu chương trình thứ 2 không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đào tạo thì sinh viên cũng không được cấp bằng.

Bên cạnh đó, về thời gian học, khoản 4 Điều 18 nêu rõ, thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất [không quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá].

Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

Từ năm 2020, Đại học Quốc gia TPHCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống.

Theo quy chế này, đào tạo song ngành là phương thức tổ chức học cùng lúc hai chương trình, trong đó ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Ngành thứ hai sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện đăng ký và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định.

Theo đó, chương trình song ngành sẽ gồm 2 phần, ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam, ngành thứ hai tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành.

Sinh viên đăng ký học song ngành phải đang theo học đại học hệ chính quy tập trung tại đại học này, không áp dụng với chương trình đào tạo liên kết trong nước và nước ngoài.

Chương trình đào tạo ngành thứ 2 phải khác ngành nhất, sinh viên đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình ngành thứ nhất và thuộc diện xếp loại học lực trung bình khá trở lên. Cũng theo quy định này, điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ hai là sinh viên đã đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ nhất.

Nhiều sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật [ĐH Quốc gia TP.HCM] lựa chọn hình thức học song bằng. Trong ảnh: sinh viên trường này tại một lễ tốt nghiệp - Ảnh: TR.NH.

Tháng 3-2022, một nữ sinh tại Trường ĐH Quốc tế [ĐH Quốc gia TP.HCM] gây "sốt" cộng đồng mạng khi tốt nghiệp loại giỏi một lúc cả hai chuyên ngành.

Mong tăng cơ hội nghề nghiệp

Lê Thanh Hải [21 tuổi] đang là sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật [ĐH Quốc gia TP.HCM]. Chuyên ngành trúng tuyển đầu vào của Hải là kinh doanh quốc tế. Khi bước chân lên giảng đường, Hải chưa hề có ý định sẽ học hai ngành một lúc mà chỉ đặt ra chiến lược học vượt để có thể rút ngắn thời gian ra trường xuống còn 3 năm.

Hết năm nhất, Hải khá bất ngờ vì tốc độ học vượt có vẻ khá nhanh so với dự kiến. Hải nhẩm tính mình có thể tốt nghiệp chỉ trong 2,5 năm. Lúc này, bạn lại băn khoăn liệu ra trường sớm quá có... uổng, hay đi làm sớm rốt cuộc để làm gì? Sau nhiều ngày đắn đo, Hải kết luận sẽ tốt hơn nếu bạn tận dụng được hết 4 năm đại học để học hỏi tối đa trước khi bắt đầu một công việc chính thức.

Vậy là ngay đầu năm 2, Hải quyết định đăng ký học thêm một chuyên ngành và chọn ngành thương mại điện tử. "Mình đã bàn bạc rất kỹ với gia đình do sẽ phát sinh thêm học phí. Mình nói dù hai ngành nhưng con cũng sẽ hoàn tất trong 4 năm nên cha mẹ đã đồng ý" - Hải nói.

Trong khi đó, Lê Trần Đông Nghi [21 tuổi], hiện là sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing, khá lo lắng về viễn cảnh ra trường thất nghiệp. Từ ngày vào đại học, gia đình của Nghi cũng có chung nỗi lo này, vì vậy thường khuyên nhủ Nghi nên học thêm một chuyên ngành để dễ xin việc. "Mình thấy cũng hợp lý nên bắt đầu học song ngành từ đầu năm 3" - Nghi nhớ lại.

Hiện tại, Nghi theo học cùng lúc hai chuyên ngành: kinh doanh bất động sản thuộc khoa thẩm định giá và ngân hàng thuộc khoa tài chính - ngân hàng. Nghi chia sẻ hồi mới "đeo" thêm một ngành nữa, bạn khá "ngộp" vì thời gian quá eo hẹp, có nhiều tuần gần như phải học kín mít sáng chiều.

Chỉ riêng chuyện sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện cho cả hai chuyên ngành cũng đã là một thử thách. Có những ngày, buổi sáng Nghi học ở cơ sở TP Thủ Đức nhưng đầu giờ chiều lại phải chạy sang cơ sở Tân Bình cách khoảng 20 cây số.

Nhiều lúc chỉ muốn qua môn

Theo quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD-ĐT, sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi vào năm hai của chương trình đầu tiên. Trong quá trình học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích lũy của chương trình thứ nhất thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai. Khi đó, các bạn sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên song ngành là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, khoảng 6 - 7 năm. Nghĩa là dù học thêm một chuyên ngành nhưng quỹ thời gian mà sinh viên có để hoàn thành cho cả hai chuyên ngành vẫn không tăng thêm. Vì vậy, sinh viên học song ngành sẽ phải "chạy đua" hoàn thành nhiều bài thi cử, thực hành, thực tập hơn trong cùng lúc với các bạn đơn ngành.

Đơn cử, Huỳnh Thị Nhã Trân [25 tuổi], hiện đang là giáo viên tại một trung tâm gia sư, đã phải mất đến 6 năm mới hoàn thành cùng lúc hai chuyên ngành hóa học và sư phạm hóa học ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhiều lúc nhìn bạn bè ra trường gần hết, Trân cũng sốt ruột. Ba mẹ ở quê thắc mắc hỏi thăm không biết vì sao con người ta 4 năm đã tốt nghiệp, con mình nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, không biết có vướng gì không.

Mỗi học kỳ, trung bình Trân phải học khoảng 30 - 35 tín chỉ, tức khoảng 11 - 12 môn học. Giữa 2 chuyên ngành hóa học và sư phạm hóa học có một số môn cơ sở ngành mà Trân có thể chuyển đổi tín chỉ. 

Dù vậy nhìn chung vẫn có những sự khác biệt, chẳng hạn các học phần trong sư phạm hóa học nghiêng về kiến thức và kỹ năng giảng dạy, còn chuyên ngành hóa học lại có thiên hướng ứng dụng trong các nhà máy, xí nghiệp. Việc học có lúc cực đến nỗi đôi lúc Trân chỉ mong qua môn là được, rồi sẽ đăng ký học cải thiện sau.

Hà Thị Hoài Y [24 tuổi] từng học song song hai ngành quản trị kinh doanh và luật thương mại quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế - luật [ĐH Quốc gia TP.HCM]. Y cho rằng khoảng thời gian hơn 4 năm với hai chương trình đã cho Y có nhiều cơ hội trải nghiệm để biết giữa hai ngành có vẻ yêu thích như nhau thì mình sẽ phù hợp với bên nào hơn.

Y chia sẻ việc học "không bổ ngang cũng bổ dọc". Hiện Y không làm công việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành thứ hai là luật thương mại quốc tế, dù vậy những kiến thức về luật giúp ích cho Y trong công ty kinh doanh hiện tại. Y kể đôi khi mình được tin tưởng giao thêm một số đầu việc hay được hỏi ý kiến các vấn đề liên quan đến luật.

Cân nhắc gì khi học song ngành?

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng với những bạn có mong muốn học song ngành thì nên xác định thật kỹ mục đích học của mình là gì, có bổ trợ gì cho chuyên ngành chính hay định hướng nghề nghiệp về sau.

Bà Mai chia sẻ thêm rằng 2 bằng đại học chưa hẳn có thể đảm bảo cho bạn một công việc tốt. Ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn trẻ cần thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và thái độ. Những hành trang này không chỉ được rèn luyện từ việc học mà còn từ nhiều hoạt động khác thời sinh viên.

Bí quyết làm chủ thời gian

Đến giờ này, cả hai chuyên ngành của Lê Thanh Hải đều đang đạt được những điểm số đáng mơ ước [đều trên 9,0/10]. Chia sẻ bí quyết, Hải cho rằng quan trọng nhất là sự nghiêm túc. Trước hết, cần tận dụng mọi thời gian trên lớp, lắng nghe thật đầy đủ thầy cô giảng bài. Về nhà cần hệ thống lại kiến thức và bài vở sớm nhất có thể, chỗ nào chưa rõ nên tìm cách hỏi ngay.

"Một số kiến thức ở hai ngành có sự giao thoa nên đôi lúc cũng khá dễ học. Đến khi thi, cần chuẩn bị chiến lược ôn tập càng sớm càng tốt. Do hai chuyên ngành có nhiều môn phải thi gần nhau nên tốt nhất cần bắt đầu ôn tập trước đó khoảng 3 tuần, theo lộ trình cuốn chiếu cho tới ngày thi. Tuyệt đối không được để nước tới chân mới nhảy" - Hải nói.

Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM được học song ngành ở 2 trường

TRỌNG NHÂN

Video liên quan

Chủ Đề